Friday, June 7, 2024

CHẾ LINH TRONG CUỘC TRANH CHẤP "ĐOẠN BUỒN ĐÊM MƯA"

Nổi tiếng từ thập niên 1960, giọng ca Chế Linh ghi dấu ấn trong lòng khán giả với loạt ca khúc bất hủ như Thành phố buồn, Đêm buồn tỉnh lẻ… Ông còn sáng tác nhạc với bút danh Tú Nhi và Lưu Trần Lê.

Danh ca Chế Linh cho biết ông là người sáng tác ca khúc Đoạn buồn đêm mưa nhưng đã cho nhạc sĩ Vinh Sử đứng tên chung

Mới đây, giọng ca vàng của dòng nhạc bolero đã lên tiếng về nhạc phẩm Đoạn buồn đêm mưa mà ông nói do chính mình sáng tác trước năm 1975, nhưng lâu nay được biết đến là do nhạc sĩ Vinh Sử đứng tên.

Từ Canada, danh ca Chế Linh nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông muốn thu hồi bản quyền ca khúc này, sau khi bị một công ty “đánh gậy” (copyright strike - khiếu nại bản quyền nền tảng YouTube) “bài hát do tôi sáng tác và chính tôi hát trên kênh YouTube của chính tôi”.

Yếu tố lịch sử

“Đoạn buồn đêm mưa ra đời khi Chế Linh hẹn một người bạn gái, nhưng giữa chừng thì trời mưa tầm tã mãi không dứt nên Chế Linh phải trú mưa tại một góc phố ở Sài Gòn, đành ngồi uống một mình và viết ra bài hát này,” ông chia sẻ.

Nhưng Chế Linh cho biết sau đó đã cho nhạc sĩ Vinh Sử (đã qua đời vào năm 2022) đứng tên chung, để in và bán tờ nhạc từ trước năm 1975 đến nay.

“Khi đó, Vinh Sử còn là một nhạc sĩ trẻ nhưng gặp khó khăn, phải tự in bài đi bán ở ngoài đường mà không dám đưa vào trung tâm băng nhạc. Tôi mới đưa cho Vinh Sử bài hát đó, để thứ nhất giải quyết vấn đề tài chánh, thứ nhì là khi trung tâm băng nhạc thấy tên Tú Nhi là đồng tác giả họ sẽ bày bán tác phẩm này,” Chế Linh trải lòng.

Sau năm 1975, dòng nhạc vàng bị cấm ở Việt Nam vì không phù hợp với chủ trương chính trị, các ca sĩ nhạc vàng được khuyến khích chuyển sang hát nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ).

Tú Nhi & Vinh Sử

Nhiều nghệ sĩ, trong đó có Chế Linh, đã vượt biên sang định cư tại Mỹ, Canada và nhiều quốc gia khác.

Chỉ sau Đại hội Đảng lần 6 năm 1986 thì chủ trương đổi mới văn hóa nghệ thuật mới cởi mở hơn.

Ngày 15/10/1989, Cục Âm nhạc và Múa mới bắt đầu cấp phép cho các bài hát trước 1975 được phổ biến. Trong đợt đầu tiên này có các tác phẩm xưa của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Chuẩn, v.v.

Phải đợi hai năm nữa, vào ngày 10/8/1991, thì mới có một số tác phẩm thời Việt Nam Cộng hòa của các tác giả Thanh Sơn, Y Vân, Trần Thiện Thanh, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Hoàng Trọng, Minh Kỳ, v.v. được cấp phép phổ biến.

Đến ngày 16/1/2003, một số bài ca của nhạc sĩ Việt ở hải ngoại mới được cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Một số tác giả phải đợi lâu hơn - nhạc Phạm Duy mới bắt đầu được cấp phép hồi năm 2005, nhạc Lam Phương năm 2007 và nhạc Hoàng Thi Thơ năm 2008.

“Thời gian đầu, để những nhạc phẩm của các tác giả đã vượt biên được phổ biến ở Việt Nam, Chế Linh đã để Vinh Sử đứng tên những bài hát của Tú Nhi. Sau này, Chế Linh đã lấy lại, chỉ duy nhất bài hát Đoạn buồn đêm mưa là Vinh Sử vẫn còn đứng tên,” giọng ca Thành phố buồn chia sẻ.

Ông cho biết khi chuyển nhượng Đoạn buồn đêm mưa cho nhạc sĩ Vinh Sử, hai bên không làm giấy tờ mà chỉ nói miệng giữa anh em nghệ sĩ. Và cũng theo ông, ngoài Chế Linh, “vua nhạc sến” Vinh Sử còn đứng tên nhiều bài hát khác của các nhạc sĩ vượt biên khác.

“Mặc dù ở Việt Nam mình trước năm 1975 không có luật bản quyền nhưng mà có giấy phép để sản xuất bài hát, ghi cụ thể ngày tháng năm nào, tại cơ sở nào với chế độ của Việt Nam Cộng hòa, đó là bằng chứng cụ thể nhất,” ông giải thích.

“Nay Vinh Sử đã qua đời, Chế Linh muốn thu hồi bài hát này,” danh ca hải ngoại chia sẻ.

Nhưng cũng vì vậy mà giọng ca trữ tình 82 tuổi cho biết ông đang vướng vào xung đột với BH Media, một công ty cung cấp dịch vụ nội dung số ở Việt Nam.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGESChụp lại hình ảnh,Dòng nhạc vàng dần thịnh hành lại tại Việt Nam sau chủ trương đổi mới văn hóa nghệ thuật năm 1986

'Đánh gậy' bản quyền

Theo thông tin mà danh ca Chế Linh cung cấp cho BBC, ông bị “đánh gậy” video bài Đoạn buồn đêm mưa trên kênh YouTube của mình.

“YouTube gửi thông báo cho biết bài hát này thuộc sở hữu của BH Media, Chế Linh đã gửi khiếu nại lên YouTube nhưng vẫn bị cảnh báo tới lần thứ hai, lần thứ ba nên Chế Linh mới thấy không ổn và muốn thu hồi lại bài hát này,” ông cho biết.

Phản hồi với BBC News Tiếng Việt, trưởng phòng pháp chế của BH Media nói đông đảo công chúng đã biết đến bài hát Đoạn buồn đêm mưa do danh ca Chế Linh - nhạc sĩ Tú Nhi đồng tác giả với nhạc sĩ Vinh Sử, qua những tài liệu trước năm 1975 và trên những kênh truyền thông mà Chế Linh đã chia sẻ, cũng như bản thân Vinh Sử đã thừa nhận việc đó.

“Lúc nhạc sĩ Vinh Sử còn sống, BH Media đã làm việc trực tiếp với ông và hai bên đã ký một hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ các ca khúc của Vinh Sử cho công ty vào năm 2017, trong đó có bài Đoạn buồn đêm mưa,” đại diện BH Media cho hay.

Theo đại diện này, ở Việt Nam, việc chuyển nhượng có thời hạn vĩnh viễn. Ngay sau khi hai bên ký kết hợp đồng và hoàn tất thanh toán thì sẽ xác lập quyền sở hữu cho bên nhận chuyển nhượng, không giống như luật pháp nước ngoài là sẽ có thời hạn hoặc vĩnh viễn do hai bên thỏa thuận.

Công ty này cũng cho biết đang quản lý khá nhiều tác phẩm khác mà Tú Nhi là đồng tác giả với nhạc sĩ Bằng Giang, chẳng hạn Bài ca kỷ niệm, Đếm bước cô đơn, Đêm buồn tỉnh lẻ, Mưa buồn tỉnh lẻ,…

BH Media là nhà phân phối nhiều thể loại nội dung số (thiếu nhi, phim, nhạc, tin tức, thể thao…) trên nhiều nền tảng toàn cầu. Công ty này quản lý hơn 1.000 kênh YouTube và hơn 150 trang Facebook và TikTok.

Năm 2021, truyền thông Việt Nam đưa tin đơn vị này bị nghi là đã can thiệp bản quyền dẫn đến bài hát quốc ca của Việt Nam bị tắt tiếng trong buổi phát sóng trực tiếp trận bóng đá giữa Việt Nam - Lào trong khuôn khổ giải AFF Cup.

Nhưng sau đó BH Media đã lên tiếng cho biết không có bên nào đánh bản quyền bài hát Tiến quân ca mà do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng để phòng bị xóa clip, mất doanh thu.

Phản hồi với BBC, BH Media cho biết một số kênh truyền thông lớn của Việt Nam sau đó đã gỡ bỏ thông tin này do đó là thông tin không chính xác.


Công ty này cũng vướng vào tranh cãi bản quyền với nhạc sĩ Giáng Son (ca khúc Giấc mơ trưa) vào năm 2021 và nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường (ca khúc Nồng nàn Hà Nội) năm 2022.

Phía BH Media khẳng định các nhạc sĩ nói đơn vị này đánh gậy bản quyền các tác phẩm của họ là không chính xác, mà đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube.

Ngược lại, nhạc sĩ Giáng Son năm 2021 nói BH Media đổ tại YouTube quét là sai. Theo nữ nhạc sĩ, YouTube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác là các công ty quản lý mạng đa kênh (MCN, thường gọi nôm na là network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật content ID (cơ chế xác nhận bản quyền trên nền tảng YouTube) và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị claim (đính xác nhận bản quyền).

Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa có hồi kết.

Quay trở lại trường hợp của Chế Linh, BH Media nói với BBC họ không "đánh gậy" kênh Chế Linh.

“Xin khẳng định là BH Media chưa bao giờ dùng tác phẩm Đoạn buồn đêm mưa đi đánh gậy bất kì một nhà sáng tạo nội dung hay một chủ kênh YouTube nào, và đặc biệt là ca sĩ Chế Linh hay nhạc sĩ Tú Nhi.”

Vai trò của Làng Văn

Cũng theo BH Media, ca sĩ - nhạc sĩ Chế Linh nói công ty từ trước đến nay đã thu quyền tác quyền các tác phẩm của Tú Nhi nhưng chưa bao giờ thanh toán tiền lại cho ông.

“Chúng tôi xin đính chính là thông tin này không chính xác. Nhạc sĩ Tú Nhi trước đây từng ký hợp đồng chuyển nhượng trong 10 năm để Làng Văn độc quyền quản lý và khai thác thu tiền tác quyền tại Việt Nam với những ca khúc do Tú Nhi sáng tác và đồng sáng tác. Sau đó, Làng Văn đã ký một hợp đồng ủy quyền cho phép BH Media thay mặt trung tâm Làng Văn quản lý các tác phẩm này trên môi trường YouTube,” trưởng phòng pháp chế của BH Media cho hay.

Theo vị này, BH Media đã đối soát và thanh toán cho Làng Văn đều đặn, còn nhạc sĩ Tú Nhi-ca sĩ Chế Linh không phải là người ký trực tiếp nên không nhận tiền tác quyền từ họ.

Riêng về ca khúc Đoạn buồn đêm mưa, BH Media cho biết tác quyền của họ là mua từ nhạc sĩ Vinh Sử lúc sinh thời chứ không phải từ Làng Văn.

Ca sĩ Chế Linh xác nhận với BBC ông có một hợp đồng ủy quyền để trung tâm Làng Văn phân phối các bài hát của mình trong 10 năm từ 2014 đến 2024. Ông nói rằng hợp đồng này đã hết hạn vào tháng 2/2024, nhưng Làng Văn đã chuyển nhượng cho BH Media tới tận năm 2026.

BH Media không trả lời câu hỏi của BBC về thời hạn hợp đồng ký với Làng Văn đối với các tác phẩm của Tú Nhi, viện dẫn bí mật kinh doanh với khách hàng, song cho biết thời hạn đến năm 2026 là không chính xác.

Làng Văn không trả lời yêu cầu bình luận về các hợp đồng chuyển nhượng nói trên.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRUNG TÂM LÀNG VĂNChụp lại hình ảnh,Chế Linh cho biết Làng Văn có hợp đồng phân phối các ca khúc của Chế Linh-Tú Nhi từ 2014 - 2024

Trong một diễn biến khác, trung tâm Làng Văn đang kiện ông Lưu Văn Liên (tên thật của Chế Linh - ông là người Chăm, tên tiếng Chăm là Jamlen [Trà-len], tên Việt là Lưu Văn Liên) tại tòa án ở quận Cam, California, Mỹ.

Theo nội dung đơn kiện, Làng Văn cáo buộc ông Chế Linh đã không thực hiện đúng cam kết hợp đồng, cáo buộc ông can thiệp, cản trở việc Làng Văn kiện một số công ty ở California đã dùng nhạc Tú Nhi mà không xin phép; cũng như việc ông Chế Linh đã thu tiền của các bầu sô khi sử dụng các bài hát đã bán cho Làng Văn, nhưng lại không trả tiền cho Làng Văn.

Mặt khác, ca sĩ Chế Linh gửi cho BBC một phần văn bản mà ông cho rằng Làng Văn đã làm giấy tờ giả mạo với chữ ký thật của ông, từ đó tạo cơ sở nói rằng ông đã phá vỡ hợp đồng giữa hai bên.

Giọng ca Thành phố buồn cho biết ông đã nhờ luật sư làm việc tại tòa án ở quận Cam, đồng thời khẳng định những cơ sở đã trao đổi và mua bán các bài hát của Tú Nhi từ Làng Văn là một sai lầm đáng tiếc.

Làng Văn không phản hồi yêu cầu bình luận của BBC về vụ việc này.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHẾ LINHChụp lại hình ảnh,Chế Linh là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của dòng nhạc bolero thời kỳ đầu, được nhiều khán giả Việt Nam biết đến qua các ca khúc bất hủ

Ý kiến của luật sư

Trong khi vụ kiện của danh ca Chế Linh và trung tâm Làng Văn diễn ra ở Mỹ, vẫn có những bên tại Việt Nam liên quan đến vấn đề tác quyền các ca khúc của Tú Nhi.

Luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế Phan Vũ Tuấn từ văn phòng luật sư Phan Law có trụ sở ở TP HCM cho biết trong trường hợp nếu có hai nhạc sĩ cùng là tác giả của một tác phẩm, thì họ là đồng tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam.

“Bất cứ việc sử dụng hay sửa đổi bổ sung đối với tác phẩm phải được sự đồng ý của hai đồng tác giả. Trong trường hợp một đồng tác giả chuyển nhượng hoặc cấp phép sử dụng cho một tác giả còn lại thì phải xem hợp đồng chuyển nhượng giữa hai người như thế nào, nếu không thể xác định ai đúng ai sai.”

“Tuy nhiên, chỉ có thể xác định rằng đối với bất cứ tác phẩm nào có đồng tác giả và đồng chủ sở hữu thì khi sử dụng buộc phải xin phép đầy đủ các đồng tác giả và đồng chủ sở hữu. Nếu chỉ xin phép một người thì là sai,” luật sư Tuấn cho hay.

Riêng về việc đánh gậy trên YouTube, ông Tuấn nói đây không phải là một hành vi được quy định trong luật pháp Việt Nam.

Theo ông, các tác giả và chủ sở hữu của một tác phẩm được quyền tự bảo vệ theo quy định tại Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm việc thông qua các biện pháp công nghệ để bảo vệ tài sản của mình.

“Biện pháp đó có thể là đánh gậy hay những hành động trên mạng xã hội… là những hành động nằm trong quy định của bản thân mạng xã hội đó, chúng ta không thể xác định các quy định đó có tương thích với quy định của pháp luật Việt Nam hay không,” ông Tuấn giải thích thêm.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHE LINHChụp lại hình ảnh,Tên của Tú Nhi và Vinh Sử được ghi là đồng tác giả của ca khúc Đoạn buồn đêm mưa

Trải lòng của Tú Nhi

Chế Linh là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của dòng nhạc bolero thời kỳ đầu. Ông từng được xếp vào hàng “tứ trụ nhạc vàng”, cùng với Duy Khánh, Nhật Trường và Hùng Cường.

Chỉ tính riêng những bài đã thu thanh, Chế Linh cũng có khoảng 60-70 bài ký với bút danh Tú Nhi.

Tiết lộ về bút danh này, ông cho biết “tú” có nghĩa là “tuấn tú”, “nhi” có nghĩa là “nhi đồng”. Cho đến tận bây giờ, ông nói vẫn luôn mong muốn mình hồn nhiên như một đứa bé thơ.

Năm 2011, khi ông về Việt Nam diễn liveshow tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương, khi đó là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đã hỏi ban tổ chức để thu tiền tác quyền.

“Lúc đó Phó Đức Phương hỏi Tú Nhi là ai, thì tôi mới trả lời là tôi, Chế Linh đây,” danh ca 82 tuổi kể lại.

Ông cũng trải lòng rằng khi thấy nhiều ca sĩ chọn hát các sáng tác của mình, ông thấy vô cùng hạnh phúc, cho nên với ca khúc Đoạn buồn đêm mưa, ông mong muốn thu hồi lại quyền tác giả, để cho những ca sĩ trẻ sau này muốn dùng bài hát mà không có nhu cầu làm thương mại thì có thể sử dụng mà không bị cơ sở nào thu tiền.

Ngoài ra, ông cũng gửi lời nhắn nhủ tới các nghệ sĩ trẻ nên tôn trọng nghệ thuật thông qua việc không thay lời, thay tên bài hát, không thay tên hoặc không giới thiệu về tác giả nhằm tránh trả tác quyền.

Chia sẻ với BBC, giọng ca Thành phố buồn cho biết ông đang chuẩn bị ấn hành một tập nhạc chia sẻ những kỷ niệm về các tác phẩm, trong đó, cuốn thứ nhất có 42 bài hát tình ca của Tú Nhi.

Ghi chú: Bài viết này có thông tin được cập nhật ngày 5/6 sau phản hồi từ BH Media.

Nguồn: BBC NEWS Tiếng Việt (Ngày 01/06/2024)