Tuesday, June 25, 2024

LỊCH SỬ HẤP DẪN CỦA NƯỚC HOA

Việc sử dụng nước hoa có thể đã bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước. Nước hoa đã được phát hiện tại Ai Cập cổ đại, Đế quốc La Mã, vùng Lưỡng Hà và Đế quốc Ba Tư. Nó được sử dụng trong vệ sinh, thanh tẩy cũng như nghi lễ, và cũng là biểu tượng của giới quý tộc. Trang web Fragrancex đã khám phá lịch sử của nước hoa trong văn hóa các quốc gia trên thế giới.

Việc sử dụng nước hoa đã có lịch sử hàng ngàn năm. Nó được sử dụng trong vệ sinh, thanh tẩy cũng như nghi lễ, và cũng là biểu tượng của giới quý tộc. (Ảnh: Shutterstock)

Ngày nay, người ta sử dụng nước hoa theo nhiều cách khác nhau. Trước khi trở thành “con cưng” của thế giới thời trang, nước hoa được dùng để phân biệt giới quý tộc. Ở nhiều nền văn hóa, nước hoa chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu vì nó đắt đỏ, đáng giá cả gia tài và khó tìm.

Nhà sản xuất nước hoa đầu tiên được ghi nhận là một nhà hóa học nữ tên là Tapputi. Câu chuyện về việc chế tạo nước hoa của bà được tìm thấy trên một khối đất sét ở vùng Lưỡng Hà, vào khoảng 1,200 năm trước Công nguyên.

Qua nhiều thời đại, các nền văn minh khác nhau đã sử dụng nước hoa theo nhiều cách thú vị.

Nước hoa là “con cưng” của thế giới thời trang. (Ảnh: Fotolia)

Nước hoa thời Ai Cập cổ đại

Nước hoa đóng vai trò trọng yếu ở xã hội thượng lưu Ai Cập, thậm chí thần thoại Ai Cập còn xem Nefertem là vị Thần nước hoa. Ông thường được miêu tả là một người đàn ông đội hoa súng trên đầu, mà hoa súng là thành phần phổ biến trong các loại nước hoa thời cổ đại.

Người Ai Cập tạo ra nước hoa bằng cách chưng cất các thành phần tự nhiên từ các loại dầu không mùi, với những mùi hương được yêu thích nhất là hương hoa, hương gỗ và hương trái cây. Mùi hương cũng được sử dụng trong các nghi lễ. Việc buôn bán huân hương [dùng để đốt, hun tạo khói nhẹ] và một dược [nhựa thơm lấy từ một số loài cây] đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ quốc tế của Ai Cập.

Người ta nói rằng, những người thống trị Ai Cập như Nữ hoàng Cleopatra và Nữ hoàng Hatshepsut đã sử dụng nước hoa để làm tăng thêm mùi thơm cho cơ thể, phòng ngủ, phòng tắm. Thậm chí họ còn mang theo nước hoa xuống mộ phần.

Các nữ hoàng Ai Cập rất yêu thích nước hoa, dù lúc còn sống hay khi qua đời cũng đều mang theo bên người. (Ảnh: Shutterstock)

Nước hoa thời Ba Tư cổ đại

Người Ba Tư cổ đại cũng bị mê hoặc bởi mùi thơm của nước hoa. Họ thống trị ngành nước hoa trong hàng trăm năm và được xem là nơi phát minh ra nước hoa không chứa dầu.

Nước hoa giữ một vị trí quan trọng trong xã hội quý tộc Ba Tư. Các vị vua Ba Tư thường có “mùi hương đặc trưng” của riêng mình và không cho phép người khác bắt chước. Hình ảnh Vua Darius của Persepolis trong tranh vẽ thường cầm một chai nước hoa, còn hình ảnh Vua Xerxes trong khung hình cũng thường đang sử dụng nước hoa làm từ hoa linh lan.

Theo ghi chép, Ba Tư cổ đại có một số lượng lớn thiết bị chế hương và xưởng sản xuất hương. Mọi người thích thử các loại mùi thơm với quy trình chưng cất khác nhau.

Ở Ba Tư, hoa linh lan thường được sử dụng làm nước hoa. (Ảnh: Shutterstock)

Nước hoa thời La Mã cổ đại

Người La Mã cổ đại đã ghi chép cẩn thận quy trình sản xuất nước hoa. Một trong số đó là nhà máy sản xuất nước hoa lâu đời nhất trên thế giới, có lịch sử từ năm 1850 trước Công nguyên.

Người thời đó sử dụng nước hoa trong các nghi thức lễ bái và đền thờ Nữ Thần tình yêu Aphrodite. Tuy nhiên, nước hoa không chỉ được sử dụng cho mục đích tôn giáo, mà nó còn là một thành phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của La Mã từ một ngôi làng nông thôn nhỏ thành một trung tâm toàn cầu.

Người ta ước tính rằng, mỗi năm người La Mã sử dụng khoảng 2,800 tấn nhũ hương và 550 tấn một dược nhập khẩu. Những loại hương này được sử dụng trong các nhà tắm công cộng để làm thơm mùi nước, và chế thành các sản phẩm chăm sóc cơ thể như kem dưỡng da, dầu thơm và nước hoa.

Một số người La Mã, chẳng hạn như nhà văn kiêm chính trị gia thời La Mã cổ đại Pliny the Elder đã lên án gay gắt việc sử dụng nước hoa, bởi nó quá xa xỉ và lãng phí. Sau sự sụp đổ của La Mã, mặt hàng xa xỉ này bị cấm hoàn toàn, và nước hoa không còn lưu hành ở châu Âu trong hàng trăm năm.

Người La Mã sử ​​dụng một lượng lớn nhũ hương nhập khẩu mỗi năm. (Ảnh: Shutterstock)

Nước hoa thời Ấn Độ cổ và Trung Quốc cổ đại

Mặc dù người châu Âu từ chối sử dụng nước hoa trong một thời gian, nhưng các nền văn hóa khác lại rất sủng ái nó. Ví dụ, nước hoa là trọng tâm trong các nghi lễ Mật tông của Ấn Độ. Nó được sử dụng trong các điển lễ và các đền chùa.

Người Trung Quốc cổ đại đã thêm nước hoa vào nhiều vật dụng hàng ngày như mực viết và văn phòng phẩm. Họ cũng sử dụng nước hoa ở những nơi đặc định như nhà ở và nơi thờ cúng.

Người Trung Quốc còn xịt nước hoa để khử trùng và thanh tẩy, vì họ tin rằng nước hoa có thể giúp thanh lý các chất gây bệnh trong phòng. Nói chung, họ không quá chú trọng việc dùng mùi hương xức lên cơ thể mình, mà tập trung nhiều hơn vào việc dùng nó làm cho thế giới xung quanh tràn ngập mùi hương.

Trong thời nhà Đường và nhà Tống, giới quý tộc Trung Quốc bắt đầu sử dụng nước hoa. Nguyên liệu được nhập khẩu thông qua “Con đường tơ lụa.” Đến các triều đại Nguyên, Minh và Thanh, nước hoa dần dần trở nên phổ biến trong dân gian, giống như chim én trước nhà họ Vương, họ Tạ ngày trước, nay đã bay vào nhà của dân chúng bình thường [họ Vương và họ Tạ là những danh gia vọng tộc thời Tấn].

Nước hoa ở phương Đông sử dụng nhiều thảo dược và hương liệu. Nhiều loại trong số đó cũng được sử dụng trong thực phẩm và dược phẩm.

Người Trung Quốc cổ đại đã thêm nước hoa vào nhiều vật dụng hàng ngày như mực viết và văn phòng phẩm.(Ảnh: Shutterstock)

Nước hoa thời kỳ văn nghệ Phục hưng châu Âu

Vào khoảng thời gian diễn ra cuộc Thập tự chinh vào thế kỷ 11, quân Thập tự chinh bắt đầu mang nguyên liệu và kỹ thuật chế nước hoa trở lại châu Âu, trong đó có kỹ thuật chưng cất cánh hoa hồng.

Trong thời kỳ bệnh dịch hạch, các bác sĩ sẽ đeo mặt nạ hình con chim chứa đầy thảo dược, hương liệu và dầu để phòng chống bệnh tật. Họ tin rằng dầu thơm và hương liệu có thể loại bỏ “mùi hôi thối của bệnh dịch”.

Đến thế kỷ 14, người Ý đã gần như hoàn thiện công nghệ sản xuất nước hoa. Nước hoa dạng lỏng bắt đầu thay thế nước hoa dạng rắn. Marco Polo và nhóm của ông đã mang về nhiều loại hương liệu độc đáo đặc biệt từ chuyến du hành của họ, và khiến Venice trở thành nơi buôn bán nước hoa chủ yếu.

Catherine de’ Medici là nữ quý tộc người Ý, bà kết hôn với Quốc vương Pháp vào năm 1519. Bà được cho là người đã mang nước hoa đến các khu vực khác của châu Âu. Florentine, nhà điều chế nước hoa người Ý đã tạo ra một loại nước hoa mang tính đặc trưng cho Catherine de’ Medici, bằng cách sử dụng hoa cam và cam phật thủ. Hương thơm say đắm lòng người của nó đã giành được sự ngưỡng mộ của các nhân sĩ cung đình. Sau này, sự nhiệt tình của các quý tộc khác như Nữ hoàng Elizabeth của Hungary cũng đã thúc đẩy sự phổ biến của nước hoa ở châu Âu.

Vương hậu nước Pháp Catherine de’ Medici đã giới thiệu nước hoa cho phụ nữ châu Âu. (Ảnh: Tài sản công)

Đây là thời điểm nước hoa bắt đầu trở thành trang sức thời thượng. Cả đàn ông lẫn phụ nữ ở châu Âu đều xịt nước hoa lên cơ thể, y phục và tóc giả. Người ta dần dần thêm các thành phần phức tạp hơn vào nước hoa, chẳng hạn như long diên hương, linh miêu hương và xạ hương. Mùi hương này được dùng để che giấu mùi cơ thể gây ra sự khó chịu.

Khi đó, sở dĩ nước hoa được ưa chuộng đến vậy là vì nó đại diện cho địa vị của tầng lớp thượng lưu.

Ở châu Âu, nước hoa đại diện cho địa vị của tầng lớp thượng lưu. (Ảnh: Shutterstock)

Nước hoa lần đầu tiên được tạo ra như thế nào?

Trong lịch sử, các phương pháp sản xuất nước hoa đã có sự thay đổi rất lớn, bắt đầu từ việc đựng nguyên liệu có mùi thơm trong túi mang theo bên người, đến cuối cùng kết thúc với nước hoa dạng lỏng của các thương hiệu lớn mà chúng ta có ngày nay.

Nước hoa thời kỳ đầu dùng các nguyên liệu tự nhiên như vỏ cây, gỗ, rễ, lá, hoa và hạt để chế thành. Việc sản xuất nước hoa bắt đầu ở Ai Cập và vùng Lưỡng Hà, sau đó được người Ba Tư và người La Mã phát hiện. Những nền văn minh cổ đại này thường đem những hương liệu thơm sản xuất thành dầu thơm để sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo hoặc để xức lên cơ thể. Nhũ hương và một được chiết xuất từ ​​cây và chế thành huân hương, nhưng các loại cây khác như hoa hồng và bạc hà thì được ngâm trong dầu.

Các loại hoa thơm như hoa hồng là nguyên liệu thường được sử dụng để sản xuất nước hoa. (Ảnh: Fotolia)

Cùng với việc phát triển các tuyến đường thương mại, người ta cũng biết đến nhiều loại hương liệu hơn. Những vật phẩm này thường được ngâm trong nước sau đó chế thành các sản phẩm hương thơm.

Chai nước hoa ban đầu là những hộp đựng làm bằng gỗ và đất sét, sau đó phát triển thành chai thủy tinh có màu sắc rực rỡ. Những chiếc bình hoa vẽ tay và thậm chí cả những viên đá quý rỗng cũng được dùng để đựng nước hoa.

Chai nước hoa ngày càng trở nên rực rỡ. (Ảnh: Fotolia)

Nước hoa của thế giới hiện đại

Ngày nay, nước hoa được hàng triệu người sử dụng và đã trở thành một phụ kiện thời trang phổ biến. Thành phần nước hoa có nhiều loại từ tự nhiên đến tổng hợp, mùi thơm có loại đơn giản, tinh khiết, có loại nhiều cấp độ mùi phức tạp.

Có hàng trăm loại nước hoa trên thị trường, từ những loại nước hoa kinh điển vĩnh hằng đến những loại nước hoa nổi tiếng hiện nay. Giá thành dao động từ rất đắt đến tương đối rẻ, đồng thời có nhiều loại có nồng độ khác nhau để chọn lựa.

Ngày nay, nước hoa không còn chỉ dành riêng cho giới quý tộc mà đã trở thành phụ kiện thời trang dành cho đại chúng. (Ảnh: KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP qua Getty Images)

Có rất nhiều cửa hàng nước hoa chiết khấu, khiến những món đồ xa xỉ một thời trở nên trong tầm tay. Nước hoa không còn chỉ dành riêng cho giới nhà giàu và quý tộc. Giờ đây, nó là một cách thú vị để thể hiện sở thích và phong cách cá nhân!

Hạ Du thực hiện
Tịnh Tâm biên dịch / Nguồn: epochtimesviet