CẢM THỜI - HOÀNG NGUYỄN THỰ
Tự suyễn vô tài hạnh nhất quan,
Cức tùng cảm viết tạm tê loan.
Phủ ư nhị nguyệt ngưu đao thức,
Tài dĩ sùng triều quốc bộ nan.
Nhiên hữu song thân phương ...,
Thẩn đương tam cổn vị ưng nhàn.
Nhân sinh thùy ngoại càn khôn thược,
Hiển nỗi tuỳ ư sở ngộ an.
Cảm thời
(Dịch thơ: Tạ Ngọc Liễn, Nguyễn Tá Nhí)
Tự biết vô tài nhận chức quan
Góc gai đâu dám gửi thân nhàn
Tháng hai vừa mới ra oai thử
Vận nước nào hay đến lúc tan
Bởi có mẹ cha cao tuổi tác
Nên thân mũ áo chẳng an nhàn
Càn khôn vòng ấy ai ngoài nhỉ
Suy thịnh mặc thời há thở than
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Hoàng Nguyễn Thự 黃阮曙 (1749-1801) tự Đông Hy 東晞, hiệu Nghệ Điền 藝田, quê gốc làng Đông Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh tại giáp Tiên Hạ, phường Đông Các, huyện Thọ Xương, nay là khu vực ngõ Phất Lộc, Hà Nội. Hoàng Nguyễn Thự đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Đinh Mùi (1787) dưới thời Lê Chiêu Thống. Năm 1778, ông xây dựng gia đình ở làng Đông Ngạc (Kẻ Vẽ) và về sống ở đây, dần dần lập thành chi họ Hoàng ở Đông Ngạc. Sau khi nhà Lê bị quân Tây Sơn đánh đổ và Quang Trung đại phá giặc Thanh rồi lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Tây Sơn, nhiều người đỗ đại khoa và làm quan dưới triều Lê cũ lần lượt được triều Tây Sơn mời ra làm việc, Hoàng Nguyễn Thự cũng nằm trong số đó. Ông đã trải qua các chức Hình bộ Tả thị lang (1794) tước Thuận Đình hầu, Hiệp trấn Lạng Sơn (1797). Ông mất tại Lạng Sơn khi đang còn tại nhiệm. Thi hài ông được đưa về an táng ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, quê vợ. Về sáng tác, ông để lại ngót 200 bài thơ chữ Hán và một số bài văn tế khóc mẹ, khóc em trai.
Qua thơ văn Hoàng Nguyễn Thự còn lưu lại, người đọc thấy ông là người mang tâm trạng hoài Lê (Cảm thời). Tuy nhiên, khi ra cộng tác với nhà Tây Sơn, ông vẫn tỏ ra là một viên quan mẫn cán, hết lòng vì công việc (Công đường muộn tọa), dù trong lòng vẫn muốn ở ẩn. Bàn về điều này, sách Văn học thế kỷ XVIII do PGS. Nguyễn Thạch Giang làm Chủ biên, có đoạn viết:
"Hoàng Nguyễn Thự sáng tác trước và sau khi ra cộng tác với nhà Tây Sơn. Trong thơ văn thỉnh thoảng ông có nhắc đến nhà Tây Sơn, nhưng không thấy rõ dự gắn bó của ông với triều đại này. Đọc Hoàng Nguyễn Thự có cảm giác ông không chủ động được trước thời cục lúc bấy giờ. Ông buồn phiền, muốn lánh mình sang một bên trước những biến động của xã hội."
Nguồn: Thi Viện
No comments:
Post a Comment