Tuesday, June 25, 2024

VÌ SAO NGÀN NĂM KHÔNG AI DÁM TRỘM MỘ VƯƠNG CHIÊU QUÂN? KẺ TRỘM MỘ: NGÔI MỘ CỦA CÔ ẤY KHÔNG THỂ BỊ QUẤY RẦY

Trung Hoa thời cổ đại có không ít mỹ nhân nhưng chỉ có bốn người được cho là đại mỹ nhân. Người đẹp không chỉ do nhan sắc mỹ miều mà còn vì những cống hiến của họ đối với lợi ích quốc gia. Vương Chiêu Quân là một trong số đó. Hàng ngàn năm sau khi nàng chết đi, đến cả những kẻ trộm mộ cũng không có ý định quấy rầy lăng mộ của nàng.

Vương Chiêu Quân (ảnh: shenyunperformingarts).

Nhắc đến Vương Chiêu Quân có thể mọi người đều đã quen thuộc. Nàng là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc thời cổ đại. Vương Chiêu Quân sở hữu vẻ đẹp khiến “trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường).

Tương truyền, khi Chiêu Quân cưỡi ngựa, gảy đàn tỳ bà trên sa mạc mênh mông, đàn ngỗng đang bay về phương nam bắt gặp vẻ đẹp của nàng bị làm cho ngẩn ngơ; từ trên không quên vẫy cánh mà rơi xuống, nên có hai chữ “lạc nhạn”.

Mỹ nhân rời quê hương giữ hoà bình biên giới

Vương Chiêu Quân vốn chỉ là một cung nữ. Vì lợi ích quốc gia và để duy trì sự ổn định của biên cương nhà Hán, nàng đã tự nguyện ra khỏi Vạn Lý Trường Thành để làm vợ Thiền vu Hung Nô Hô Hàn Tà.

Có Vương Chiêu Quân giữ gìn mối hoà hảo, Hung Nô không bao giờ xâm lược biên cương nhà Hán nữa. Nhờ đó người dân biên ải có được một cuộc sống ổn định. Đáng tiếc, Vương Chiêu Quân sớm qua đời ở tuổi 36. Tuy nhiên có một hiện tượng kỳ lạ, đó là sau khi nàng qua đời hàng nghìn năm, không kẻ trộm mộ nào dám đào trộm lăng mộ của nàng. Chẳng lẽ kẻ trộm mộ không biết đó là lăng mộ hoàng gia? Tất nhiên chúng biết, vậy tại sao chúng không làm điều đó? 

Vương Chiêu Quân trên đường đi Hung Nô (ảnh: Intrenet).

Sử sách ghi lại rằng, bởi vì Hung Nô liên tiếp quấy rối biên giới của nhà Hán, để nhà Hán và Hung Nô chung sống hòa thuận, hoàng đế đã giải quyết bằng một cuộc hôn nhân kết thân hoàng tộc. Đây là bắt nguồn của câu chuyện nổi tiếng Vương Chiêu Quân ra ngoài biên cương (Minh phi tái xuất) trong lịch sử.

Vua Hung Nô rất hài lòng với Vương Chiêu Quân, và ba thế hệ vua Hung về sau đều đối xử rất tốt với nàng. Sau khi Chiêu Quân qua đời, người Hung an táng thi thể của cô bên bờ sông Dahei.

Vương Chiêu Quân cả đời được ba vị vua Hung Nô sủng ái. Vì có công lớn giúp nhà Hán và Hung Nô hòa bình, nên nàng được người đời yêu mến, ca ngợi. Họ thường lui tới thăm viếng thăm lăng mộ và thêm vào đó một nắm đất vàng để bày tỏ nỗi nhớ thương.

Theo thời gian trôi qua, lăng mộ của Vương Chiêu Quân đã tích lũy được chiều cao 30 mét; tổng diện tích lên đến 13.000 mét vuông; và trở thành một trong những lăng mộ lớn nhất triều đại nhà Hán.

Hàng năm vào cuối mùa thu, cây cối xung quanh đều úa vàng, khô héo, chỉ có lăng mộ của Vương Chiêu Quân cỏ xanh vẫn luôn bao phủ. Cho nên lăng mộ của nàng còn có một cái tên rất hay là “Thanh Chủng”.

Vương Chiêu Quân (ảnh: pinterest).

Trong thời gian ở Hung Nô, Vương Chiêu Quân đã dạy văn hóa và kiến ​​thức cho người dân ở đây. Vì vậy người dân địa phương rất biết ơn cô ấy. Phong thái thoát tục và cách cư xử của nàng được người đời vô cùng ngưỡng mộ. Họ thần tượng một người phụ nữ có thể hy sinh bản thân mình để lập công đức lớn như vậy.

Người ta truyền tai nhau rằng, sinh thời cuộc sống của Vương Chiêu Quân luôn rất tằn tiện, cho đến lúc qua đời, lăng mộ của nàng cũng không chứa bất kỳ bảo vật nào. Người dân địa phương cũng không cho phép bất cứ ai xâm phạm ngôi mộ ấy.

Tuy vậy, chính những kẻ trộm mộ cũng nói, khi còn sống Vương Chiêu Quân đã làm rất nhiều điều tốt, họ cảm thấy không nên quấy rầy một người phụ nữ tốt bụng như vậy. Đào trộm mộ Vương Chiêu Quân sẽ gây tổn hại đến thế hệ con cháu của họ, nên họ cũng không dám xâm phạm.

Minh Nguyệt biên dịch
Nguồn: Soundofhope.