Friday, June 21, 2024

"NHÀN CƯ VI BẤT THIỆN" LÀ GÌ? Ý NGHĨA MÀ CHÚNG TA THƯỜNG DÙNG HIỆN NAY HÓA RA LẠI HOÀN TOÀN SAI VỚI NGHĨA GỐC

Một câu thành ngữ “Nhàn cư vi bất thiện” rất phổ biến, hầu như ai cũng từng nghe qua, và cũng hiểu nghĩa là: Người ta ở trong trạng thái nhàn rỗi, không làm gì thì dễ nảy sinh suy nghĩ và hành động xấu, không lành mạnh. Tuy nhiên, ý nghĩa gốc của cụm từ này lại hoàn toàn khác.


Đây là câu thành ngữ Hán Việt, nguyên văn chữ Hán là 閒居為不善 (nhàn cư vi bất thiện), các từ ngữ sử dụng cũng là từ thường gặp, khá dễ hiểu. Nhàn: nhàn rỗi, nhàn nhã, không làm gì. Cư: sống, ở. Vi: là, làm. Bất thiện: không thiện, không tốt, xấu.

Tuy nhiên, nếu tra cứu chữ Hán xem nguồn gốc của nó, thì hoàn toàn không có câu thành ngữ này. Tại sao lại như vậy?

Thực tế cả tiếng Hán cổ (người Việt thường gọi chữ Nho) và tiếng Hán hiện đại (chúng ta hay gọi là tiếng Trung, tiếng Hoa, tiếng Quan Thoại), đều không có câu thành ngữ “Nhàn cư vi bất thiện này”. Tuy nhiên, cụm từ này có trong kinh điển Nho gia “Đại học”.

Trong “Chương 6: Thành ý” của sách “Đại học”, có câu rằng: “Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện, vô sở bất chí, kiến quân tử nhi hậu yếm nhiên, yểm kỳ bất thiện, nhi trứ kỳ thiện” (小人閒居為不善,無所不至,見君子而后厭然,揜其不善,而著其善)

Tạm dịch: Kẻ tiểu nhân (người có đạo đức thấp kém) ở một mình (nhàn cư), khi không có ai trông thấy, thì không điều xấu việc xấu nào mà không làm (vi bất thiện). Khi nhìn thấy người quân tử (người có đạo đức phẩm chất cao), thì kẻ tiểu nhân che đậy, lảng tránh, lấp liếm, để che đậy cái xấu, việc xấu (bất thiện) của mình, khoe khoang, trưng ra cái tốt cái đẹp của mình.

Thế nên cụm từ “Nhàn cư vi bất thiện” nghĩa là “Ở một mình, không ai trông thấy thì làm đủ mọi việc xấu”, chứ không phải nghĩa mà chúng ta đang sử dụng hiện nay là “Nhàn rỗi không làm gì thì đó là việc xấu”.

Trong lịch sử có rất nhiều nhân vật “tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện” giống như miêu tả trong sách “Đại học” này, trong đó điển hình là Lý Lâm Phủ - Tể tướng triều đại Đường Huyền Tông.

Đường Huyền Tông là ông vua giỏi văn chương nghệ thuật, âm nhạc, nên xung quanh ông có rất nhiều tài tử văn nhân, trong đó có cả Thi Tiên Lý Bạch.

Lý Lâm Phủ cũng là người giỏi văn thơ, và viết thư pháp cũng khá đẹp, nên cũng nằm trong số cận thần của Đường Huyền Tông. Tuy nhiên Lý Lâm Phủ là một kẻ tiểu nhân, xảo trá. Ông ta kết giao với các đại thần, quan lại đồng liêu, văn nhân, bất kỳ ai ông cũng khen ngợi ca ngợi, nói những lời tốt đẹp đường mật, nhưng sau lưng thì lại âm mưu hãm hại người ta.

Đặc biệt là những đại thần được Đường Huyền Tông coi trọng, hoặc người nào có năng lực, tài năng hơn ông ta, thì ông ta dùng trăm phương ngàn kế để trừ bỏ. Rất nhiều trung thần, văn nhân bị ông ta hãm hại, bị bãi chức quan, thậm chí bị cầm tù… Thế là dần dần ông ta leo lên chức Tể tướng.

Khi có chức quyền, ông ta dốc sức bịt dư luận, ngăn cản ngôn luận, vu cáo hãm hại người tốt, xây dựng nhiều nhà tù giam cầm những người tốt, những người bất đồng chính kiến. Thế nên người đương thời gọi ông ta là “Khẩu mật phúc kiếm” - miệng ngọt như mật, mà trong bụng là gươm đao hại chết người, đúng như câu tục ngữ Việt Nam có nguồn gốc từ Truyện Kiều rằng:

Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Có lần, Đường Huyền Tông đứng trên lầu sau tấm rèm trông thấy Binh bộ Thị lang Lư Huyến cưỡi ngựa đi qua dưới lầu. Đường Huyền Tông thấy Lư Huyến có phong độ của bậc chính nhân quân tử đường hoàng, thì buột miệng khen mấy câu.

Ngay ngày hôm sau, Lý Lâm Phủ biết được việc này, bèn giáng chức Lư Huyến làm Thứ sử Hoa Châu, điều chuyển đi xa khỏi triều đình, để không có cơ hội gặp vua.

Lư Huyến đến nhậm chức không lâu thì lại bị Lý Lâm Phủ dựng chuyện, vu cáo là ông có bệnh, không đảm nhiệm được chức vụ, lại bị giáng chức, và điều đi xa hơn nữa.

Sau khi Lý Lâm Phủ chết, nhiều người tố giác Lý Lâm Phủ mưu phản. Đường Huyền Tông liền cắt bỏ quan tước của Lý Lâm Phủ, tịch thu gia sản, con trai, con rể ông ta bị đi lưu đày.

Làm sao để gây dựng một xã hội thiện lương? (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Như thế có thể thấy, câu thành ngữ “Nhàn cư vi bất thiện” có ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa mà chúng ta dùng phổ biến hiện nay. Như vậy câu nói này đã bị biến đổi nghĩa, và bị biến đổi từ khi nào, ai tạo ra sự biến đổi nghĩa này, và mục đích để làm gì… thì hiện nay chúng ta không tìm được căn cứ, không có câu trả lời. Chỉ biết rằng, khi dùng sai nghĩa trở nên phổ biến đến mức tuyệt đại đa số như hiện nay, thì nghĩ đúng sẽ không được người ta chấp nhận, thậm chí còn bị coi là sai.

Thế mới thấy, thật - giả, đúng - sai, thiện - ác là rất khó phân biệt. Nếu thiếu sự suy nghĩ sâu sắc và cái tâm tìm cầu chân lý, thì chúng ta sẽ sống trong rất nhiều điều sai trái mà vẫn ngỡ mình là đúng, là sáng suốt.

Trung Dung / Theo: NTDVN
Link tham khảo:

No comments: