Monday, June 10, 2024

THIÊN TÀI TOÁN HỌC TRUNG QUỐC HOÀN TỤC VÌ CUỘC SỐNG TRONG CHÙA KHÔNG NHƯ ANH NGHĨ

Gần đây, Liễu Trí Vũ (柳智宇), một thiên tài toán học tại Đại học Bắc Kinh, người đã giành được Huy chương vàng Olympic Toán học và Giải thưởng Toàn phần Massachusetts, đã quyết định hoàn tục sau khi nhiều năm đi tu. Anh kể rằng ngôi chùa ngày nay khác xa với những gì anh tưởng tượng. Hiện anh đang làm việc trong một công ty tư vấn tâm lý ở Bắc Kinh.


Theo Bách khoa toàn thư Baidu, ngay từ năm 2005, khi đang học lớp 7, Liễu Trí Vũ đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực toán học. Khi đó, anh tham gia cuộc thi vòng tròn Olympic Toán học quốc tế lần thứ 31 và giành được huy chương vàng cho đội tuyển Trung Quốc.

Năm sau, anh lại được chọn vào đội tuyển Olympic Toán quốc gia, dự thi Olympic Toán trung học cơ sở quốc tế, và lại đoạt huy chương vàng. Sau đó, anh được đặc cách vào Khoa Toán học của Đại học Bắc Kinh và gia nhập Hiệp hội Thiền của Đại học Bắc Kinh sau khi nhập học.

Theo trang web của Hiệp hội Thiền học Đại học Bắc Kinh, từ năm 2007, Liễu Trí Vũ bắt đầu thường xuyên tham gia các hoạt động, thăm viếng các nhà sư lỗi lạc ở khắp nơi, và làm tình nguyện viên trong các ngôi chùa.
\
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đến chùa Long Tuyền ở chân núi Tây Sơn, Bắc Kinh và trở thành một cư sĩ. Sau đó anh xuất gia, trở thành một nhà sư với pháp danh Hiền Vũ.

Tuy nhiên, ngôi chùa không phải là cõi tịnh độ như anh tưởng tượng. Sau khi vào chùa Long Tuyền 8 năm, anh chuyển đến sống trong một nhà của một cư sĩ và một khách sạn. Mãi đến mùa xuân năm nay, anh mới quyết định hoàn tục.


Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đại Lục, Liễu Trí Vũ đã nói về một vài trải nghiệm sống trong chùa. Ví dụ, anh cho biết ngôi chùa hiện nay rất khác so với những gì anh ấy tưởng tượng. Ngoài việc tụng kinh, lễ Phật, các nhà sư còn nấu ăn và xây nhà. Nhưng anh ấy luôn làm việc rất chậm chạp, trong 8 năm trong chùa, ngay cả việc gõ mõ anh cũng không học được.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa các cá nhân trong chùa cũng phức tạp hơn so với trong trường. Anh từng quên tắt đèn khi đi vệ sinh vào ban đêm, điều này khiến bạn cùng phòng không hài lòng và thậm chí còn xảy ra tranh cãi.

Điều khiến anh bàng hoàng nhất là vào tháng 8/2018, ông Thích Học Thành, cựu chủ tịch Hiệp hội Phật giáo, người mà anh từng coi là cố vấn tâm linh, đã bị đuổi ra khỏi chùa vì tội tấn công tình dục một nữ đệ tử.

Mùa thu cùng năm, anh rời khỏi chùa Long Tuyền, nhưng mãi vẫn không tìm được chỗ ở trong chùa. Sau đó có lần anh đến ở nhờ nhà một cư sĩ và bị đuổi ra ngoài vì không dọn dẹp vệ sinh.

Mặc dù những năm đó anh cảm thấy mình rất giống với kẻ “sống lang thang đầu đường xó chợ”, nhưng Liễu Trí Vũ vẫn nói: “Xuất gia là một con đường rất tốt.” Anh không hối hận về quyết định ban đầu của mình, nhưng anh không muốn tiếp tục đóng vai Liễu Trí Vũ trong trí tưởng tượng của người khác.

Tờ “Tin Tức Cửu Phái” đưa tin, vào dịp Tết cổ truyền năm nay, Liễu Trí Vũ nói với cha mẹ và bạn bè rằng anh sẽ hoàn tục. Sau khi cởi bỏ lớp áo tu hành, anh trở về quê nhà ở Vũ Hán để đón năm mới, và cảm thấy “thư thái tự tại, mây nhẹ gió thanh”.

Tháng Năm năm nay, anh làm việc trong một công ty tư vấn tâm lý ở Bắc Kinh. Với tư cách là trưởng bộ phận kinh doanh, anh dẫn dắt một nhóm nhỏ hơn 10 người phát triển các khóa học tâm lý học. Liễu Trí Vũ có thể tư vấn cho đồng nghiệp về hầu hết mọi thứ, như phân lớp cho sinh viên, sắp xếp trợ giảng, thiết kế bảng câu hỏi cho khóa học, v.v.


Triết lý quản lý của Liễu Trí Vũ là đồng cam cộng khổ. Công ty mà anh mới vào làm hứa với anh mức lương tháng 30.000 tệ (khoảng 4.347 USD). Anh nghĩ như vậy là quá nhiều và yêu cầu giảm xuống còn 20.000 tệ (khoảng 2.898 USD) giống như những nhân viên khác.

Liễu Trí Vũ nói: “Sau khi trừ thuế hơn 10.000 tệ (khoảng 1.449 USD), tôi không mua nhà, không mua xe, và lại càng không muốn có con. Bạn nghĩ tôi cần nhiều tiền như vậy để làm gì? Chi bằng quyên tặng cho mọi người.”

Liễu Trí Vũ tận hưởng cuộc sống hiện tại – không còn bị mọi người chú ý. Anh ấy có những người bạn cùng chí hướng, và quan trọng nhất, anh ấy được làm những gì mình thích.

Người xưa nói: “Núi không cần cao, có tiên sẽ linh; sông không cần sâu, có rồng sẽ linh; chùa không cần to, có người chân tu sẽ linh.” Văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn nhấn mạnh vào nội hàm tinh thần như thế. Và chỉ có như vậy mới có thể đem lại lợi ích tâm linh theo đúng nghĩa cho quảng đại quần chúng.

Giáo lý của Phật giáo, vốn dĩ không hướng đến sự tìm kiếm, mưu cầu mọi thứ từ xung quanh, mà thực chất là sự tự giác ngộ và giải thoát chính bản thân khỏi những đam mê, lầm lạc, u tối, tham lam.

Tuy nhiên, nhiều ngôi chùa ngày nay đã biến thành các địa điểm du lịch vì lợi ích kinh tế, trở thành sàn giao dịch tâm linh.

Các loại lễ cúng sao, giải hạn, cầu an, tụng niệm tang lễ, cầu siêu, đưa vong lên chùa, bán khoán, …vốn không có trong giáo lý nhà Phật, giờ cũng được nhà chùa làm “mềm hóa” theo kiểu tín ngưỡng dân gian, và được chúng sinh hưởng ứng, tạo nên một “thị trường” nhộn nhịp chưa từng thấy trong những năm gần đây.

Một bộ phận sư trụ trì còn đóng vai trò như chủ một doanh nghiệp biết huy động vốn, ra giá, mời chào đầu tư… không còn chuyên tâm vào việc tu hành nữa, dẫn đến những vụ bê bối “đình đám” liên quan đến chuyện tiền bạc, sắc giới…


Việc liên tiếp có những “siêu dự án” xây dựng chùa chiền, tổ chức những cuộc đại hội tôn giáo, đúc tượng Phật, in kinh sách… dường như đang gây ra một giả tượng về việc người dân ngày càng tín ngưỡng Phật Pháp.

Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dự ngôn rằng nhân loại sẽ đi vào thời mạt Pháp, nghĩa là con người không còn có Pháp trong tâm để ước thúc bản thân, điều gì cũng dám làm, điều xấu nào cũng dám phạm, khiến đạo đức ngày càng suy đồi.

Trong tác phẩm kinh điển của Phật gia “Phật thuyết pháp diệt tận kinh” có đoạn viết: “Sau khi Như Lai nhập niết-bàn, khi giáo pháp bắt đầu suy yếu, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa-môn, xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta. Chúng mặc y phục thế tục, ưa thích y phục đẹp đẽ, cà sa sặc sỡ; uống rượu, ăn thịt; giết hại sinh vật tham đắm mùi vị; không có lòng từ, thường mang sân hận, đố kỵ lẫn nhau.”

Bình Minh (t/h) / Theo: trithucvn
Link tham khảo:



No comments: