Mới vừa 7:00 sáng là điện thoại báo thức đã reo vang. Cô May có nói là bữa ăn sáng sẽ bắt đầu từ 7:30 ở lầu 5. Gần như là tất cả khách sạn đều cho ăn buổi sáng buffet, có rất nhiều món nhưng tôi không có thói quen ăn sáng.
Có một quầy chuyên làm mì, có cả món mì biang biang, tôi chỉ múc chén cháo trắng với chút cải chua mặn, nửa miếng trứng muối, cái bánh bao và 1 cái trứng gà luộc, như vậy là quá nhiều cho buổi sáng.
Khi du lịch Tây An, ai ai cũng sẽ nghĩ đến "Binh Mã Dũng" (兵馬俑) nơi đào lên được đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. Sáng nay chúng tôi sẽ đến khu lăng mộ của ông trước khi qua "Binh Mã Dũng". Trên xe cô May có giới thiệu về cả 2 nơi này nhưng cho biết là tạm thời hiện nay cả hai nơi đều được dừng lại công việc khai quật.
Chúng tôi đến cổng của khu lăng mộ và lại chuyển qua xe điện để được đưa vào bên trong. Xe chạy qua khu công viên rất rộng đến một nơi như cái gò cao, có một con đường đưa vào bên trong. Đây là một khu trưng bày các cổ vật đào được trong lúc khai quật khu vực này. Cái quý nhất là 2 chiếc xe ngựa bằng đồng được phục dựng trưng bày trong lồng kính. Cô May có giải thích và nói là xe thật và được các chuyên gia ráp lại từ hàng nghìn mãnh vụn lúc đào lên, rồi chúng tôi đi lên lầu là một khu bảo tàng rất rộng. Cũng mất rất nhiều thời gian nếu xem kỹ các cổ vật này, rồi qua một dãy hành lang khác lên lầu để đi ra ngoài. Chúng tôi lại lên xe điện để được đưa ra bãi đậu xe bus. Dọc hai bên đường nhìn kỹ mới biết là họ trồng rất nhiều cây lựu, như là cả một khu rừng đầy lựu đang trổ hoa đỏ ối.
Lên xe cô May cho biết là chúng tôi sẽ qua tham quan "Binh Mã Dũng" và ăn trưa ở đó. Tôi đã đến Binh Mã Dũng năm 1990, lúc đó nơi đây chưa có gì, xe có thề đậu gần cổng vào và chỉ tham quan khu 1 và 2 khu 3 chưa mở, có thêm một căn nhà chứa các tượng nung cho du khách chụp hình vì thời đó cấm chụp khi vào khu triển lãm. Nếu tôi nhớ không lầm thì dường như gần cửa vào khu này có một ông già ngồi đó cho du khách chụp hình cùng ông vì ông ta là người phát hiện ra khu vực chôn các pho tượng đất này khi đào giếng lấy nước.
Bây giờ thì khác rồi, xe bus đậu lại ngoài đường chính, chúng tôi phải đi bộ vào, qua một khu buôn bán sầm uất, bán hàng kỷ niệm, trái cây, nước uống, thức ăn,...chúng tôi vào một nhà hàng ở đây ăn trưa. Nhà hàng rất rộng và dường như chuyên phục vụ cho các du khách theo đoàn nên khi ngồi vào là đồ ăn được mang ra rất nhanh chóng.
Tôi ăn nhanh vì chằng thấy đói lắm nên ra ngoài nhìn quanh mới biết ở đây đã thành một khu phố bao bên ngoài Binh Mã Dũng để phục vụ du khách trong và ngoài nước vì số lượng người đến tham quan quá đông. Kinh nghiệm đi Trung Quốc du lịch là không nên đi vào những ngày lễ lớn vì có thể bạn phải sắp hàng vài giờ mới có thể vào cảnh điểm và có khi bạn không mua được vé vào.
Cô May tập họp chúng tôi lại và trao cho mỗi người một máy nghe đeo vào tai để nghe được lời giải thích của cô khi vào trong. Chúng tôi đến cổng vào và cũng phải sắp hàng gần nửa tiếng mới qua được khu kiểm soát vé, hộ chiếu và an ninh mới vào được.
Với tôi Binh Mã Dũng bây giờ cũng chẳng khác gì, phải chen lấn mới vào xem được một chút trong cái ồn ào, nóng bức, qua hết mấy khu này rồi vào một rạp hát xem phim giới thiệu trong một khu bán hàng kỷ niệm mà giá cả quá trời mắc dường như tôi chẳng thấy ai mua.Tôi có đọc được một bài viết cho biết tại sao hiện nay 2 khu vực này không được tiếp tục đào xới để khai quật nữa nên post để các bạn tham khảo nhé.
Tại sao các nhà khảo cổ không đào sâu hơn vào Lăng mộ Tần Thủy Hoàng?
Có nhiều lý do khiến các nhà khảo cổ học vẫn chưa khai quật sâu hơn vào Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, mặc dù phần lớn khu vực xung quanh đã được khám phá.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng - nơi an nghỉ của vị hoàng đế đầu tiên Trung Hoa - từ lâu đã khơi gợi trí tò mò của giới khảo cổ và du khách. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1974, khu lăng mộ với đội quân đất nung hùng vĩ đã thu hút hàng triệu lượt tham quan mỗi năm.
Đối với các nhà khảo cổ học, Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn và có ý nghĩa lịch sử to lớn nhưng tại sao các nhà khảo cổ không đào sâu hơn về phía bên trong của Lăng Tần Thủy Hoàng?
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tọa lạc trên dãy núi Li Sơn, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Khu lăng mộ rộng lớn bao gồm nhiều lăng mộ phụ, tượng đá, và điểm nổi tiếng nhất là đội quân đất nung. Theo truyền thuyết, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng với nhiều cơ quan bẫy nguy hiểm để bảo vệ vị hoàng đế. Một số ghi chép lịch sử cho rằng lăng mộ chứa đầy thủy ngân lỏng, có thể gây ngộ độc cho những kẻ xâm nhập. Những lời đồn thổi này càng khiến các nhà khảo cổ thêm thận trọng trong việc khai quật.
Ngày nay, công nghệ nghiên cứu vệ tinh của Trung Quốc rất tiên tiến nên một số chuyên gia nhận thấy vị trí địa hình của Hoa Công đến Giao Sơn rất giống hình rồng, Lăng Tần Thủy Hoàng nằm trong mắt rồng dựa trên ảnh vệ tinh. Ở Trung Quốc có một thành ngữ gọi là "Họa long điểm tinh" tức vẽ rồng điểm mắt, có nghĩa là vẽ thân con rồng trước, sau đó mới vẽ hai mắt. Câu thành ngữ này thường dùng để ví trong hội họa, văn chương hoặc lời nói chỉ cần chấm phá thêm ở một đôi chỗ quan trọng sẽ làm cho nó càng thêm sinh động và có thần. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng nếu Lăng Tần Thủy Hoàng được khai quật toàn bộ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bố cục tổng thể.
Khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một thách thức to lớn về mặt công nghệ và bảo tồn. Kích thước khổng lồ của lăng mộ, cùng với cấu trúc phức tạp và các hiện vật quý giá bên trong, đòi hỏi một kỹ thuật tiên tiến và nguồn lực khổng lồ để khai quật mà không gây hư hại. Việc bảo tồn các hiện vật sau khi khai quật cũng là một vấn đề lớn. Các nhà khoa học lo ngại rằng việc tiếp xúc với không khí và độ ẩm sau khai quật có thể khiến các hiện vật bị hư hại nghiêm trọng.
Trên thực tế, trước đây đã có nhiều đội khảo cổ học nộp đơn để được phép khai quật Lăng Tần Thủy Hoàng nhưng đều không thành công. Vào thời điểm đó, nhiều yếu tố đã được xem xét. Trước hết, lăng mộ hoàng gia đã bị chôn vùi trong lòng đất từ lâu, bên trên có một lớp phong ấn chặt chẽ. Nếu lăng mộ được mở ra, nhiều báu vật có thể bị oxy hóa do các vấn đề môi trường bên trong và bên ngoài, có thể gây hư hại cho lăng mộ, theo đó rất nhiều di tích văn hóa quý giá trong lăng mộ có thể bị mất.
Việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng dấy lên tranh luận về giá trị lịch sử và đạo đức. Một số người cho rằng việc khai quật sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về lịch sử Trung Quốc và triều đại nhà Tần. Tuy nhiên, những người khác lại lo ngại rằng việc khai quật sẽ phá hủy di sản văn hóa quý giá và thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với vị hoàng đế.
Thứ hai, việc khai quật Lăng Tần Thủy Hoàng không hề dễ dàng. Theo thông tin từ Sohu, một số lượng lớn công nghệ đặc biệt đã được sử dụng trong việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nếu chỉ dựa vào công nghệ khảo cổ lúc bấy giờ thì sẽ không thể tiến hành khai quật một cách suôn sẻ và nếu lăng mộ bị sập thì đó sẽ là một tổn thất rất lớn đối với cộng đồng khảo cổ thế giới.
Ngoài ra, khai quật Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một dự án tốn kém đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ cho các hoạt động nghiên cứu, nhân lực, trang thiết bị và bảo quản di vật. Việc huy động đủ kinh phí cho dự án này là một thách thức lớn đối với các nhà khảo cổ và chính quyền địa phương.
Cho đến nay, các chuyên gia khảo cổ học thông qua sử dụng những dụng cụ hiện đại đã phát hiện thi thể Tần Thủy Hoàng chứa một lượng lớn thủy ngân, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao khi khai quật. Mặc dù công nghệ khảo cổ học hiện nay đã được cải tiến rất nhiều nhưng chúng ta vẫn không dám khai quật lăng mộ này vì không ai biết liệu việc khai quật trực tiếp có gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các lăng mộ hoàng gia hay không.
Công nghệ khảo cổ hiện đại đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên, việc khai quật một lăng mộ phức tạp như lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn là một thách thức không hề đơn giản. Các nhà khoa học cần có những phương pháp và kỹ thuật tiên tiến hơn để bảo vệ các hiện vật và cấu trúc bên trong lăng mộ trong quá trình khai quật.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ẩn chứa vô số bí ẩn lịch sử và văn hóa, nhưng việc khai quật nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Các nhà khảo cổ đang tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp để có thể khai quật lăng mộ một cách an toàn và hiệu quả, bảo tồn tối đa di sản quý giá này cho thế hệ sau. Việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng hứa hẹn sẽ mang đến những khám phá lịch sử quan trọng, tuy nhiên, nó đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khảo cổ, các nhà khoa học và chính quyền để đảm bảo việc khai quật được tiến hành một cách khoa học, có trách nhiệm và tôn trọng di sản văn hóa.Đức Khương / Tham khảo: Sohu
No comments:
Post a Comment