Hồi chiếu nay trước khi về, tôi cũng lục lọi thì lại thấy nhiều tin về ông Obama lúc vào chùa Ngọc Hoàng đã cởi giày và có hình minh họa, thật sự như thế nào thì không biết nhưng ông Obama rất tài tình trong vấn đề ngoại giao và lấy được lòng người theo sự cố vấn khôn ngoan của những người cố vấn. Tấm hình minh họa đó không phải của Obama vào chùa Ngọc Hoàng mà vào thăm nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 07/04/2009.
Ông Obama tháo giày khi tới thăm nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 7/4/2009. (Ảnh: Nhà Trắng) |
Vậy là có những tin tùm lum mà nếu không dọ kỹ càng thì mình có thể hồ đồ mà share những thông tin không đúng sự thật. Ngược lại hôm nay tôi cũng đọc được một tin trên mạng Tiếp Thị Thế Giới, thấy lạ, thấy giống như mấy câu thơ nháy từ "Lục Vân Tiên" (陸雲僊) của cụ Nguyễn Đình Chiểu:
"Vân Tiên cõng mẹ chạy ra
Đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô
Vân Tiên cõng mẹ chạy vô
Đụng phải cái bồ cõng mẹ chạy ra"
Vậy là ra rồi vô như câu chuyện hôm nay nhưng nói trước tôi không thích "chánh chị, chánh em" nào hết, báo đăng sao, tôi chép lại. Coi xong không được comment, thích thì cười chơi không thích ráng chịu.
Từ Vedan đến ‘cá chết hàng loạt’, người dân mãi là con kiến leo cành cụt?
Người dân – nạn nhân của ô nhiễm môi trường bị chỉ đi lòng vòng, và thân phận họ được ví như những “con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt, leo ra leo vào”.
Sự kiện hàng trăm tấn cá chết dọc các biển bốn tỉnh miền Trung mà đã có người đề nghị gọi là “thảm hoạ môi trường” – xảy ra đã hơn một tháng qua trước sự lúng túng, quanh co của các cơ quan chức năng.
Liệu người dân có thể kiện đòi bồi thường những thiệt hại khủng khiếp này của môi trường biển?
Nguyên nhân tự nhiên đã được loại trừ, giờ đây nhà chức trách đang tìm thủ phạm và nghi phạm cao nhất đang được dư luận tập trung là công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Trong bản trả lời báo chí của bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – người phát ngôn Chính phủ tuần qua cũng đã “giao bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp, khu công nghiệp xả thải ra môi trường biển, đặc biệt các cơ sở có tổng lượng thải lớn ra môi trường biển”.
“Khẩn trương báo cáo Thủ tướng về việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường, giám sát hệ thống xả thải của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh”.
Cũng xin nói thêm là hậu quả của sự ô nhiễm môi trường này theo các nhà khoa học dự báo, nguy cơ có thể kéo dài hàng chục năm sau chưa khắc phục được.
Cách đây 8 năm, công ty Vedan xả nước thải gây ô nhiễm sông Thị Vải làm chết tôm cá nuôi của nông dân.
Cuộc chiến pháp lý giữa những nông dân và doanh nghiệp lớn lúc đầu bế tắc do các quy định bất hợp lý cũng có, do thái độ tắc trách đùn qua đẩy lại của những cơ quan, tổ chức có chức năng xử lý vụ việc cũng có.
Khoảng 5.000 nông dân bị thiệt hại. Đơn yêu cầu bồi thường của họ khi thì bị toà trả lại vì cho rằng chưa có kết luận Vedan gây thiệt hại; khi thì chính quyền địa phương nhận xong, trả lại yêu cầu người dân gởi trực tiếp cho Vedan, Vedan không nhận; khi thì bảo chờ chủ trương.
Cuối cùng, nhờ sự lên tiếng đồng loạt của báo chí, sự vào cuộc của nhiều luật sư, sự lên tiếng của một số lãnh đạo hội nông dân, UBND, và có lẽ cả sự doạ tẩy chay sản phẩm, mà nông dân đã được Vedan bồi thường, dù chưa được như yêu cầu.
Người dân – nạn nhân của ô nhiễm môi trường bị chỉ đi lòng vòng, và thân phận họ được ví như những “con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt, leo ra leo vào”.
Cành cụt đó, trước hết là phải tìm ra thủ phạm. Nông dân, ngư dân riêng lẻ thì không thể rồi khi tình trạng ô nhiễm diễn ra ở mức độ trầm trọng, trên diện rộng.
Cành cụt đó là theo quy định của luật pháp hiện hành, muốn được đền bù, người khởi kiện phải chứng minh có “mối quan hệ nhân quả” giữa hành vi gây hại và sự thiệt hại của mình, chứng minh mức độ thiệt hại, mà những điều to tát này nằm ngoài tầm tay của ngư dân.
Cành cụt đó là chỉ những người dân bị thiệt hại trực tiếp mới được kiện và đòi bồi thường, còn những nạn nhân khác không có quyền dù họ cũng lãnh đủ những tác hại khi môi trường sống bị ô nhiễm.
Cành cụt đó còn là bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 (hết hiệu lực vào 1/7 năm nay) không xử lý được pháp nhân về hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù có tội “Gây ô nhiễm môi trường” cho cá nhân, nhưng từ trước đến nay hầu như không có ai bị khởi tố, truy tố…
Trong tình hình vi phạm môi trường ngày càng trầm trọng, không giải quyết những “cành cụt” này, người dân sẽ mãi chỉ là những con kiến – không chỉ mang thân phận đi kiện củ khoai, mà còn lẩn quẩn leo ra, leo vào.
Thanh Nhẫn
Thế Giới Tiếp Thị
Thế Giới Tiếp Thị