Ouzoliny đã từ bỏ công việc tài chính và quyết định thực hiện hành trình tìm kiếm loại trà tuyệt hảo nhất thế giới. Ông đã đến Trung Quốc cũng như rất nhiều địa phương trồng trà.
Sau những trải nghiệm, ông đã nhận ra rằng, trà ngon không chỉ phụ thuộc vào hương vị mà còn phụ thuộc vào cách mà nó kết nối con người lại với nhau. Dưới đây là nhật kí ghi lại hành trình mang tên trà của Ouzoliny.
Nhớ lại lần đầu tiên tôi đến một cửa hàng để mua những túi trà bình thường, lúc ấy, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày, mình lại bị thứ thức uống này quyến rũ. Rời bỏ công việc đã làm sáu năm để đến Trung Quốc và nhiều nước khác, tôi đã bắt đầu hành trình của mình như thế.
Dấu ấn đầu tiên của tôi về trà được ghi lại tại cao nguyên Cameron. Không thể phủ nhận, đây là một địa điểm tuyệt đẹp và hoàn toàn lý tưởng cho chuyến du lịch. Có lẽ cao nguyên này là nơi duy nhất ở Malaysia có khí hậu dễ chịu với những đồi trà xanh mướt nằm rải rác khắp nơi.
Thế nhưng, với phong cách uống trà túi và những cửa hàng đông đúc chủ yếu phục vụ các loại bánh ngọt như cookie, tôi đã không tìm thấy cảm giác thực sự mà tôi cần trên vùng đất cao nguyên này.
Tiếp tục hành trình, tôi đã mất một vài tháng đi qua các nước Đông Nam Á và sau đó vượt biên giới Trung Quốc để bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm cũng như cảm giác mới về trà. Trong lúc đang vô cùng phấn khởi và hào hứng thì tôi vấp phải những khó khăn đầu tiên tại đất nước này. Tôi không hiểu ngôn ngữ mà người dân nói, tôi chẳng thể đọc được bất cứ biển thông báo nào, thậm chí, chuyện tìm khách sạn, gọi thứ ăn và dùng máy AMT cũng khiến tôi hết sức đau đầu.
Vì vậy, tôi đành cố gắng sử dụng ngôn ngữ hình thể trong suốt thời gian ở đây. Trải qua bao thử thách, cuối cùng, tôi cũng đến được Vân Nam, một tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc nổi tiếng với việc trồng và chế biến trà. Phổ Nhĩ – loại trà lên men được ép thành bánh 357 gram có công dụng giảm béo – được xem là nổi tiếng nhất ở đây.
Tôi đã đến một tiệm trà ở Xishuangbanna, nơi được gọi là trung tâm trà Phổ Nhĩ của Trung Quốc. Hàng ngàn cửa hàng xếp dài chờ đợi khách hàng ghé vào để thưởng thức hương thơm và mùi vị của loại trà truyền thống. Trong ngày đầu tiên ở Vân Nam, tôi đã có dịp thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến Phổ Nhĩ từ khí hậu, địa điểm trồng, độ tuổi của cây đến cách xử lí, kiểm định chất lượng. Tôi dần nhận ra rằng, công ty sản xuất có ảnh hưởng nhất định đến việc tạo ra một loại trà thượng hạng.
Tiếc nuối rời Vân Nam, tôi tiếp tục vượt 3000 cây số với gần 1 tuần đi xe lửa để đến Vũ Di Sơn – “quê hương” của trà Ô Long nổi tiếng gần xa. Đi qua những đồi trà thơm ngát, tôi bắt đầu hiểu được, trà đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân địa phương ở đây. Không chỉ là loại thức uống đơn thuần mà nó còn kết nối con người lại với nhau, đồng thời mang đến cho họ sự an tâm và bình thản trong tâm hồn. Có thể nói, đây là một trong những trải nghiệm ý nghĩa nhất trong chuyến đi lần này của tôi.
Ngoài trà Ô Long thì tôi còn được dịp thưởng thức Đại Hồng Bào – loại trà đứng đầu trong số những cây trà được trồng trên núi Vũ Di. Cảm giác nhâm nhi loại trân bảo có sản lượng cực kì ít này khiến tôi mãi mãi không bao giờ quên được.
Sau Vũ Di Sơn, địa điểm kế tiếp của tôi là “thiên đường nơi hạ giới” Hàng Châu. Bên cạnh phong cảnh hữu tĩnh thuộc hàng bậc nhất Trung Quốc, đây còn là nơi mà trà Long Tỉnh được Hoàng đế Khang Hy công nhận là Hoàng trà (ý chỉ loại trà dành cho Hoàng gia). Tôi đã dành cả ngày dài đi bộ xung quanh Tây Hồ, hít thở không khí thơm ngát từ các vườn trà xung quanh đó và thưởng thức những tách trà hảo hạng.
Tạm biệt Hàng Châu, tôi hướng về phía Bắc để đến Tứ Xuyên – vùng đất trồng những loại trà xanh mà tôi yêu thích. Nán lại đây một thời gian và tôi chợt nhận ra rằng, hành trình trải nghiệm trà của tôi đã kéo dài hơn nửa năm. Thế là, tôi lập tức nghĩ về chuyện đến Đại sứ quán xin gia hạn visa.
Tính đến thời điểm này, tôi đã rời khỏi quê nhà 18 tháng. Hiện tại, tôi vẫn chưa xác định được mình sẽ tiếp tục đi hay trở về. Biết đâu chừng, niềm đam mê trà sẽ đưa tôi đi xa hơn nữa, rất có thể là như thế!
Nguồn: Cẩm Nang Du Lịch
No comments:
Post a Comment