Những bậc vua chúa ngày xưa ai cũng muốn sống mãi để cầm quyền và hưởng thụ cho nên tìm đủ mọi cách để được "trường sinh bất tử" nhưng chẳng được. Ngày nay khoa học đã biết được nguyên nhân của sự lão hóa, bất tử không bao giờ có nhưng sống lâu có thể được. Sống lâu trong một cơ thể khỏe mạnh là có phước nhưng sống lâu trong những cơn bệnh đau đớn mà không chết được đó là chịu nghiệp báo chớ không phải phước đức gì đâu.
Tôi tìm những bài viết của BS Lương Lễ Hoàng, thấy có thêm một bài viết rất hay, tôi cũng tìm trên mạng thấy có một số trái cây, thịt giúp "kháng oxy hóa" nên kèm theo những hình ảnh các loại này, còn nhiều lắm trên mạng, Mời bạn đọc bài sau:
NHỜ ĐÂU "DƯ SỨC QUA CẦU" ?
Nhờ kiến thức chuyên sâu về cấu trúc và chức năng của tế bào, chuyên gia ngành di thể học đã quả quyết là tế bào trong cơ thể con người thừa sức sống lâu trăm tuổi. Kẹt chính ở chỗ là số người có đủ kinh nghiệm với “trăm năm trong cõi người ta” vẫn là thiểu số. Kẹt hơn nữa là tuy tuổi thọ được cải thiện trên khắp năm châu nhưng chẳng qua để con người sống lâu hơn với căn bệnh nào đó.
Tại sao tế bào lại già trước tuổi? Vì sao tế bào không thể “bách niên giai lão”? Đáp án đã có từ lâu dưới lăng kính của y học hiện đại. Đó là vì tác hại không ngừng của tập thể mang tên “chất ô xy hóa”! Các chất này có thể ngoại nhập từ môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, chất thải công nghiệp… Nhưng giặc ngoài xem vậy không ghê bằng thù trong.
Hại hơn nhiều lại là những kẻ “nội thù” sản sinh từ phế phẩm do rối loạn biến dưỡng chất đường, chất béo, chất đạm bên trong cơ thể. Gia chủ càng có cuộc sống căng thẳng, càng cần dùng dưỡng khí vì lao lực, lao tâm, vì tự đầu độc bằng rượu bia, thuốc lá, dược phẩm lạm dụng, lượng chất ô xy hóa tích lũy trong cơ thể càng cao.
Chất ô xy hóa sở dĩ tác hại là vì chất này do bản chất “tham sân si” hết mình nên luôn luôn tìm cách gắn chặt vào màng tế bào nào đó để ăn bám và phá hoại, mỗi ngày cả chục ngàn lần như thế, ngay cả trong lúc gia chủ đang ngủ. Tế bào trúng thương, vì thế vừa hết pin vừa biến thể khiến nhẹ thì rối loạn chức năng, nặng thì ung bướu ác tính chỉ là vấn đề thời gian! Đó chính là lý do tại sao bệnh thời đại như cao huyết áp, tiểu đường, dị ứng, thấp khớp, ung thư… đang chiếm “kèo trên” vào thời buổi thầy thuốc không hề thiếu thuốc!
May cho con người là trong chất ô xy hóa cũng có nhược điểm. Đó là chất này có tuổi thọ rất ngắn, không đầy một phần nhỏ của giây đồng hồ. Do đó, nếu có cách nào trung hòa chất này trước khi chúng bám được vào thành tế bào thì chất ô xy hóa khi đó có cũng như không. Chất có khả năng này có tên là chất kháng ô xy hóa. Thế thì tìm đâu ra chất kháng ô xy hóa? Có khó lắm không, có phải lên tận non cao mới mong hái được đào tiên? Có phải ra nước ngoài mới mong có thuốc?
Câu trả lời đơn giản hơn nhiều từ khi thầy thuốc phát hiện mối liên hệ giữa tuổi thọ ở Địa Trung Hải, Ý, Nhật Bản… và thói quen ăn uống với trái cây, rau cải tươi. Đó là lý do khiến nhiều thầy thuốc đồng lòng cổ động cho biện pháp ăn trái cây, loại nào cũng được, miễn là 5 lần trong ngày, mỗi lần không quá 50gr, như biện pháp chủ động phòng ngừa ung thư, tất nhiên với điều kiện là trái cây đừng bị “đánh bóng" bằng hóa chất, đừng bị nuôi ép bằng kích tố tăng trưởng!
Tưởng chuyện ăn trái cây để sống thọ có gì mới nhưng thực sự quá xưa với tập quán dinh dưỡng của người mình! Bên cạnh thói quen ăn trái cây vì trái ngon xứ mình bốn mùa không thiếu, các món gỏi trái cây như gỏi đu đủ, thơm, vả, bưởi… món nào cũng vừa thừa chất kháng ô xy hóa, vừa ngon hơn viên thuốc trăm lần. Kẹt chỉ ở chỗ dường như nhiều người xứ mình vẫn thích “đứng núi này trông núi nọ”!
BS Lương Lễ Hoàng
No comments:
Post a Comment