Chắc trong lớp già hay sồn sồn của bọn mình, không ai mà không biết câu chuyện "Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài", tôi nhớ thời đó chắc khoảng 1967, phìm "Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài" do Lăng Ba và Lạc Đế đóng, Lăng Ba (凌波) đóng vai Lương Sơn Bá và Lạc Đế (樂蒂) đóng vai Chúc Anh Đài, cuốn phim do hảng Thiệu Thị (Shaw Brothers 邵氏片場) thực hiện.
Cuốn phim được chiếu tại rạp Tây Đô (Cần Thơ), lúc đó tôi mới mười mấy tuồi, tuổi chưa biết gì nhưng lúc xem phim nghe tiếng sụt sùi xung quanh cũng làm mình cảm động mà rơi nước mắt. Câu chuyện "Lương Chúc" là một trong bốn câu chuyện dân gian hay nhất của TQ và hôm nay đọc được một tin đây có thể là một câu chuyện hư cấu chớ không phải là chuyện có thật. (LKH)
CÂU CHUYỆN LƯƠNG CHÚC LÀ THẬT HAY GIẢ?
Câu chuyện Lương Sơn Bá 梁山伯, Chúc Anh Đài 祝英台, ngoài truyền miệng ra, còn được biểu hiện truyền bá tương đối nhiều trên vũ đài nghệ thuật, có thể nói tại Trung Quốc nhà nhà đều biết, già trẻ đều hay. Nhưng, trong lịch sử có thật có câu chuyện về Lương Chúc hay không? Nếu có, họ ở thời đại nào, người ở địa phương nào? Hoặc giả căn bản là do “tiểu thuyết gia” “bàn luận tạo ra”? Đây là một bí ẩn thú vị mà mọi người đều nói tới.
Những người phủ định câu chuyện Lương Chúc cho rằng:
Câu chuyện Lương Chúc và Bạch xà truyện, Ngưu Lang Chức Nữ, Mạnh Khương Nữ hợp xưng là “Trung Quốc tứ đại dân gian cố sự” 中国四大民间故事, về sau biên soạn thành hí kịch, mặc dù hí kịch và câu chuyện đều vô cùng hấp dẫn, nhưng rốt cuộc chỉ là truyền thuyết, vì thế sự thực không tồn tại người đó chuyện đó. Tiến thêm một bước, họ suy luận rằng: Lương Chúc sau khi chết há có thể hoá thành bướm? Mạnh Khương nữ sao có thể khóc đổ Trường thành? Còn như Chức Nữ và Bạch Nương Tử, một người là thiên nữ, một người là bạch xà hoá thành, đều thuộc “chuyện bịa”, về lí tự nó rất rõ. Những lời này nghe qua tựa hồ rất có lí.
Nhưng, những người cho Lương Chúc và câu chuyện của họ là thật thì có cũng không ít. Trong một bài viết ngắn trên một tờ báo ở Giang Tô nói rằng Chúc Anh Đài vốn là một hiệp nữ đời Minh, Lương Sơn Bá nguyên là một thư sinh của triều trước. Cả hai không có liên quan gì với nhau, nhưng Chúc Anh vì dân tạo phúc, sau khi mất được mọi người an táng, khi khai huyệt phát hiện phía dưới là mộ của Lương Sơn Bá, vì thế đã hợp táng họ, mới diễn hoá thành câu chuyện “Lương Chúc”.
Kì thực, việc nghiên cứu “Lương Chúc” có phải là người thực việc thực không phải từ hiện nay mới bắt đầu. Trong lịch sử cũng có một số học giả nghiêm túc tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu qua. Kinh học gia nổi tiếng Tiêu Tuần 焦循thời Càn Long Gia Khánh đời Thanh là một đại biểu trong số đó. Trong Kịch thuyết 剧说 quyển 2, ông đã dẫn Tiền Đường di sự 钱塘遗事 của Lưu Nhất Thanh 刘一清 khoảng thời Tống Nguyên cùng với những gì bản thân ông nghe thấy, nói rằng trong cả nước ít nhất cũng có 4 nơi có “Lương Chúc mộ”.
Thứ 1: mộ tại Lâm trấn 林镇 Hà Bắc 河北, thấy trong Tiền Đường di sự 钱塘遗事 của Lưu Nhất Thanh 刘一清.
Thứ 2: mộ tại huyện Gia Tường 嘉祥 Sơn Đông 山东, Tiêu Tuần từng thấy tận mắt phiến đá khắc ở mộ Chúc Anh Đài. Trong Kịch thuyết 剧说 ông nói rằng: “Năm Ất Mão đời Càn Long (1795), tôi tại Sơn Tả 山左 theo Nguyễn Công (tức Nguyễn Nguyên 阮元) tu sửa “Kim thạch chí” 金石志 ở Sơn Tả, các châu huyện đưa bia đến. Huyện Gia Tường có mộ Chúc Anh Đài, kệ văn do người đời Minh khắc.”
Thứ 3: mộ tại Ninh Ba 宁波 Triết Giang 浙江. Thuyết này là vào năm Gia Khánh thứ nhất, Tiêu Tuần đến Ninh Ba, “nghe nói nơi này cũng có mộ Chúc Anh Đài, chép trong sách: ‘Mộ Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài, tại phía tây huyện Cẩn 鄞 10 dặm phía sau chùa Tiếp Đãi 接待, ngày trước gọi là “nghĩa phụ trủng’.” Tiêu tuần khi ghi chép lại tuy không nói từng đích thân nhìn thấy ngôi mộ này, nhưng theo lời của một người làm báo, trước khi nước Trung Hoa mới thành lập, nơi này ngoài thuyết mộ Lương Chúc ra, còn có miếu Lương Sơn Bá. ở huyện Cẩn còn lưu truyền câu tục ngữ:
Nhược yếu phu thê đồng đáo lão, Lương Sơn Bá miếu đáo nhất đáo.
若要夫妻同到老, 梁山伯庙到一到
(Muốn vợ chồng cùng sống với nhau đến già, thì hãy đến miếu Lương Sơn Bá)
若要夫妻同到老, 梁山伯庙到一到
(Muốn vợ chồng cùng sống với nhau đến già, thì hãy đến miếu Lương Sơn Bá)
Trong miếu hương khói không bao giờ tắt. Tiêu Tuần đã đã tra khảo thêm địa phương chí. Theo phương chí ghi chép; “Lương Sơn Bá đời Tấn, tự Xử Nhân 处仁, nhà ở Cối Kê, lúc trẻ du học, trên đường gặp người họ Chúc cùng đi. Học được 3 năm, họ Chúc về trước, sau Sơn Bá đến Thượng Ngu 上虞 thăm, mới biết Chúc là con gái, tên là Anh Đài. Sơn Bá về nói với cha mẹ, khi cầu hôn thì nàng đã hứa gã cho người khác. Năm sau, Chúc Anh Đài đến nhà họ Mã, khi thuyền đi ngang qua mộ Sơn Bá, sóng to gió lớn không thể đi được, Anh Đài đến mộ khóc lóc thảm thiết, đất nứt ra, chôn luôn nàng. Triều đình nghe được, Thừa tướng phong là “Nghĩa phụ trủng”.”
Thứ 4: mộ Chúc Anh Đài tại Dương Châu 扬州, về cơ bản Tiêu Tuần giữ thái độ phủ định. Ông nói rằng: “bên sông Hoè Tử phía bắc thành của quận ta ở có gò đất cao, tục gọi là mộ Chúc Anh Đài, ta vào thành tất đi ngang qua đó. Có người nói, đó là mộ của Tuỳ Dạng Đế 隋炀帝, nhầm là mộ Anh Đài.”
Trong Điền từ danh giải 填词名解 quyển 2 mà học giả đời Thanh nổi tiếng khác là Mao Tiên Thư 毛先舒dẫn lời trong Ninh Ba phủ chí 宁波府志, thấy đại đồng tiểu dị với những ghi chép của Tiêu Tuần về mộ Lương Chúc ở huyện Cẩn.
Căn cứ theo Tiêu Tuần, những ghi chép mà Mao Tiên Thư dẫn trong phương chí, thì Lương Sơn Bá là có thật trong lịch sử. Lúc bấy giờ con gái chưa có hủ tục bó chân, cũng là điểm thuận tiện để Chúc Anh Đài giả trai, hơn nữa trong chí thư ghi chép rất tường tận như thế, nhân đó không thể bài trừ khả năng có thực hai nhân vật Lương Chúc cùng sự việc của họ.
Nếu mạnh dạn giả thiết, suy đoán rằng, câu chuyện Lương Chúc có thể là biên soạn, nhưng do bởi vở bi kịch này cảm động sâu sắc lòng người, đời đời truyền nhau, người đời sau mới tin cho đó là thật rồi viết vào chí thư thì sao?
Tóm lại, trong truyền thuyết về câu chuyện Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài còn có một số bí ẩn, cần các học giả đời sau giải đáp.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
LƯƠNG CHÚC CỐ SỰ THỊ CHÂN THỊ GIẢ
梁祝故事是真是假
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
No comments:
Post a Comment