Wednesday, December 7, 2016

CÂY SA KÊ

Nãy giờ ngồi nhâm nhi rượu đỏ, xem "Ai là triệu phú" phát sóng thứ ba trước, có một câu hỏi đọc ra là mình biết trả lời ngay trước khi anh LVS đọc các đáp án cho thí sinh chọn.


Câu hỏi: :Cây sa kê còn có tên gọi khác là gì ?" - Đáp án đúng là "Cây bánh mì"
Hồi đó, cây sa kê it ai ăn lắm vì nó có nhiều mủ, tôi có ăn đôi lần bằng cách hấp hay nấu cà ri. Vị của nó bùi bùi, bạn có cảm giác gần như ăn khoai môn nhưng dẽo hơn, nó không thơm như khoai môn. Qua đến Úc, đôi lúc vào tiệm bán trái cây, có thấy qua trái sa kê được bày bán nhưng không nhiều và giá cũng không rẻ. Chính vì thấy nó bày bán với cái bảng đề tên là "breadfruit" nên tôi trả lời ngay là "cây bánh mì"
Chắc cán bạn trẻ chưa biết và nhất là các bạn ở thành phố. Bạn nào chưa biết thì tiếp tục đọc bài sau đây. (LKH)


CÂY SA KÊ

+ Tên khoa học: Artocarpus altilis (Parkinson) Fosberg.
+ Tên đồng nghĩa: Artocarpus communis J. R. Forst. & G. Forst.
+ Tên tiếng Anh: Breadfruit
+ Tên tiếng Pháp: Arbre à pain, Fruit à pain
+ Tên tiếng Việt: Xa ke (Xa kê), Sa ke (Sa kê)
+ Các loài tương cận:
- Cây hạt bánh mì - Breadnut (Artocarpus camansi)
- Cây mít Tố nữ - Cempedak (Artocarpus integer)
- Cây mít - Jackfruit (Artocarpus heterophyllus)



Cây Sa kê là loại cây trồng làm cảnh trong sân nhà, vườn cảnh công cộng trong công viên khá đẹp. Người ta thường nhầm lẫn cho là cây này là loại cây thuốc, cây thực phẩm bởi công dụng của chúng sát hợp với việc chế biến thức ăn, thuốc chữa bệnh cho người. Cây Sa kê còn được gọi là “cây bánh mì”, tên khoa học Artocarpus altilis, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), được trồng nhiều ở Malaysia và các đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam chúng được trồng rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các nhà biệt thự ở quận 1, 3, 6, 11, Thủ Đức, Bình Tân… thường trồng cây nầy làm cây bóng mát rất đẹp. Là loại cây gỗ lớn cao 15-20m, có nhựa trắng sữa, được dùng vào việc xảm thuyền. Lá dài đến 1m, có khía sâu thành 3-9 thùy, mặt dưới rất nhám; lá kèm vàng mau rụng, dài 12-13cm. Đây là loài cây đơn tính cùng gốc (hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây). Hoa đực dài 20cm, có 1 nhị. Các hoa đực ra đầu tiên và sau đó một khoảng thời gian ngắn là các hoa cái, mọc thành cụm hoa dạng đầu, chỉ có khả năng được thụ phấn sau đó 3 ngày. Động vật thụ phấn cho sa kê là các loài dơi ăn quả. Quả giả, phức hợp phát triển lên từ bao hoa phình ra và bắt nguồn từ 1.500-2.000 hoa. Thường có nhiều quả phức cùng mọc chụm trên thân nhìn giống như chùm hoặc hình trứng.


Cây thích điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nên dần dần đã trở thành cây trồng làm cảnh, tạo bóng hay lấy quả ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam . Một số tài liệu cũng cho thấy, vào năm 1793, thuyền trưởng Bligh đã mang hơn 2000 cây Sa-kê từ Tahiti đến Jamaica rồi giới thiệu cho nhiều nước châu Mỹ. Ở Trung Quốc, nó được trồng ở một số tỉnh miền Nam và được gọi tên là Diện bao thụ (麵包樹), trong lúc ở Đài Loan lại gọi là Dẫn chủng miêu phố. Riêng ở Việt Nam, có lẽ nơi được trồng đầu tiên là miền Tây Nam bộ và những cây đầu tiên vào Việt Nam từ Campuchia hay Thái Lan. Campuchia người ta gọi nó là Saké, ở Thái Lan gọi là Sa-ke. Chính vì thế mà mãi tới nay ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, nó vẫn được gọi là Sa-kê. Trái sa kê có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon tạo cho người ăn những hương vị nhớ đời. Ở khu vực miền Tây Nam bộ trong những buổi trưa hay chiều, người ta thường chiên sa kê theo từng miếng. Những “miếng sa kê chiên” được xắt mỏng, áo một lớp bột có trộn lòng đỏ trứng, cho vào chảo chiên vàng tạo thành bánh ăn có vị ngọt, vị bùi của sa kê cùng vị béo của dầu mỡ. “Món kiểm sa kê”, thường được người dân lưu vực sông Mê kông ưa dùng trong những ngày giỗ chạp, đình đám. Múc một muỗng cho vào miệng, ta thưởng thức vị ngọt của chuối xiêm chín, bí rợ, khoai lang, khoai cau và của mít hầm rục. Hòa trong vị ngọt khó tả này là vị ngọt của đường. Hòa trong vị béo của nước cốt dừa là vị béo của đậu phộng rang đâm sơ, như nổ giòn trong miệng. Nhưng nổi bật vẫn là vị của sa kê. Những miếng sa kê làn lạt, dai dai, nhai một chút như có vị ngọt, vị béo khó tả của nước kiểm. Có lẽ trên đời này chưa có món nào độc đáo cho bằng kiểm sa kê.


Về mặt y học rễ sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, các chứng rối loạn dạ dày, đau răng hay bệnh về da rất tốt. Vỏ cây sa kê có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, dùng để trị ghẻ, nhựa cây sa kê pha loãng trị tiêu chảy, lỵ. Lá có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm, lợi tiểu, phối hợp với lá đu đủ non tươi, giã với vôi để đắp trị mụn nhọt. Trong dân gian còn sử dụng lá sa kê để trị phù thủng hay viêm gan vàng da bằng cách lấy lá tươi nấu uống. Lá sa kê còn có thể phối hợp với một số vị thuốc khác trị gút, sỏi thận, tiểu đường, tăng huyết áp, trị đau răng…


Sa kê - một loài cây xanh đẹp, sinh trưởng và cho quả tốt trong điều kiện đất ẩm, màu mỡ, nhưng cũng có khả năng thích nghi rộng, mọc và cho quả bình thường từ vùng ven biển cho đến độ cao trên dưới cả ngàn mét. Có thể nhân giống bằng hạt, nhưng do quả rất ít hạt hoặc không hạt, nên người ta thường giâm cành, chiết cành hoặc tách chồi rễ. Những nhà quản lí cây xanh đô thị nên quan tâm phát triển cây Sa-kê cho các công viên, khuôn viên công sở, trường học, để vừa phong phú hóa chủng loại, vừa đa dạng hóa hình thái cho hệ thống cây xanh thành phố.
(Suu tầm trên mạng)