Lâu nay, gia đình và xã hội chú ý nhiều đến sản xuất và sử dụng đồ chơi, đó là điều cần thiết nhưng dường như chưa thật sự quan tâm nhiều đến trò chơi của con trẻ. Trò chơi là tổ hợp của nhiều hoạt động với sự tham gia của từ một tới nhiều người có thể sử dụng đồ chơi vật dụng và không gian, môi trường theo những điều kiện cụ thể. Trò chơi khi mang tính phục vụ cộng đồng, phục vụ đông người trở thành trò diễn bộc lộ được sự tài khéo, hào hứng và giao đãi giữa người chơi, người diễn với người xem, người cổ vũ.
Có thể nói một phần của nghệ thuật điện ảnh – công nghệ thông tin điện tử, một phần của nghệ thuật sân khấu – sàn diễn, một phần hoạt động thể dục – thể thao là do có sự phát huy phát triển của trò chơi, trò diễn. Trò chơi ngày nay đang trở thành một nền công nghiệp giải trí mang lại tiện ích và lợi nhuận khổng lồ. Vậy nhưng những trò chơi dân gian mang tính “trời cho” lại ngày càng thưa vắng trong gia đình, cộng đồng, trong sự lớn lên có phần nào hụt hẫng của lứa trẻ.
Có thể hiểu từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ, sự vuốt ve âu yếm thủ thỉ của cha mẹ đã là thứ trò chơi trước lúc chào đời giành cho bé. Lúc sinh ra với tiếng khóc bản năng nhưng không vô cảm cùng với sự tắm gội ban đầu đó chính là trò chơi đầu đời của trẻ. Từ phút nằm nôi đến khi nằm võng, từ lúc tập lẫy, tập bò đến kì tập đứng dậy đi, từ lúc đi xe nôi đến khi trên xe đẩy rồi ngựa gỗ, đu quay, thú nhún là chuỗi trò chơi liên khúc từ giản đơn tới phức tạp, từ sự trợ giúp của cha mẹ tới sự tự chơi, tự diễn của bé trong niềm yêu thương bảo trợ vô bờ bến của tình mẫu tử, phụ tử.
Trong môi trường nuôi dạy trẻ hiện nay ở nhà cũng như ở trường, nhiều người, nhiều nơi thường chạy theo xu thế hiện đại hóa đồ chơi, tân tiến hóa trò chơi mà ít chú ý đến yếu tố lợi dụng triệt để yếu tố “trời cho” dân gian truyền thống. Cần hiểu rằng, những tiếng hát đưa nôi, những bài ca ru võng, những lời kể trên chõng, bên thềm là một thứ trò chơi tình cảm, âm thanh, ngôn ngữ và trí tuệ diệu kỳ lại chẳng mất tiền mua. Đôi khi những thứ đó lại trở thành hoài niệm khó phai mờ trong ký ức sau này của trẻ.
Chỉ có chiếc lá thôi cũng có thể biến thành trò chơi đố đoán màu, đoán hình, đoán loài, nhận biết thiên nhiên của trẻ. Cũng chiếc lá ấy có thể cho trẻ chơi “trâu lá đa”`, thả thuyền, thổi kèn lá, làm các con vật sâu kèn, cào cào, châu chấu hoặc ghép tranh, xếp hoa, nhuộm màu trang trí theo trí tưởng tượng ngây ngô của trẻ nhỏ.
Chỉ với những viên sỏi, ta có thể tạo ra sân chơi hào hứng như tập đếm, chơi cắp càng cua, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi xếp hình hoặc kẻ vẽ ngộ nghĩnh trên từng viên đá sỏi. Nhận diện kích thước, hình dáng và phân loại sỏi cũng là trò chơi lý thú về kiến thức và nuôi dưỡng.
Với những tờ giấy đơn giản chơi gấp hình, gấp thuyền thả thuyền, gấp máy bay, ném lao máy bay giấy, vẽ hình tô màu giản đơn trên giấy, hoặc vẽ và chơi trò mặt nạ giấy. Cao hơn nữa có thể phết giấy thành diều chơi thả diều giỡn gió cho tuổi thiếu nhi.
Đối với tre trúc, thứ vật liệu trời cho ấy cũng dễ dàng tạo ra mọi trò chơi như đan vót nan, tết hình con vật, khoét sáo thổi sáo, vót và chơi que chuyền, que tính, làm dụng cụ chơi hát ống, làm con rối, chong chóng gió, chuông gió, làm đèn ông sao, đầu sư tử, chơi cà kheo các kiểu, đẩy gậy, đu quay với các em lớn hơn.
Không cần nhiều vật dụng lắm cũng có thể tạo sân chơi cho trẻ bằng những trò trốn tìm, ú òa, bịt mắt bắt dê, chồng nụ chồng hoa, thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây, kéo co, vật tay, chọi cá, chọi dế, chọi chim thậm chí chọn cả cỏ gà, tạo được hứng thú riêng cho trẻ.
Câu đố cũng là một dạng để kết nối thành trò chơi vừa rèn trí thông minh, kích thích sự liên tưởng của trẻ. Đó là thứ trò chơi không tốn đồ vật, tiền tiêu nhưng lại gắn kết trẻ thơ với văn hóa, ngôn ngữ và tinh tế hơn là sự hòa hợp giữa trẻ với người nuôi dạy chúng, tích lũy cho chúng những tri thức giản đơn mà cần thiết trong đời.
Không lạm dụng các đồ chơi từ phương tiện điện tử tin học đối với tuổi thơ. Cần ngăn ngừa khôn khéo để trẻ không nghiện chơi trò trên màn hình vi tính, nghiện phim hoạt hình, quảng cáo, nghiện các trò chơi trên điện thoại. Sự lạm dụng thái quá vào các trò chơi điện tử sẽ là tiền mất với gia đình mà tật mang đối với trẻ kể cả thị lực, trí não và nhận thức lệch chuẩn xã hội.
Nên chăng đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, các cơ sở giáo dục cần biết sử dụng có liều luợng các trò chơi hiện đại một cách phù hợp và tiết kiệm, đừng hoài phí các hình thức trò chơi trời cho quý giá ngàn vàng ấy nữa. Trò chơi là cách khai thác, phát huy đồ chơi tốt nhất. Nếu làm được điều này trò chơi sẽ góp phần rèn luyện trí nhớ, phát huy năng khiếu, giáo dục tính cách cho trẻ nhỏ.
Trúc Thanh