Trước khi vào vấn đề, tôi xin phép xin lỗi má tôi trước vì bà thứ "tám" và cái tên cũng là "Tám", cái tên của má thành vấn đề của một câu hỏi. Tôi lên mạng tìm mà không thấy cho nên tôi chỉ giải thích theo những gì tôi hiểu và nếu bạn không thích hay chưa đồng ý thì bạn nên tự tìm hiểu nhe. Bây giờ tôi mời bạn đọc theo kiểu hiểu của tôi:
Tôi nhớ hồi trước 1975, có một câu đầu môi mà người bình dân hay giang hồ tứ xứ hay nói "bỏ đi tám". Đơn giản chỉ một cách vui vẻ kêu người ta bỏ quên đi đừng nghĩ đến chuyện nhỏ, "phớt tỉnh",..Lúc đó chỉ nghe hay xem trên truyền hình VN hay radio trong những chương trình "tếu". Vậy là "tám" không chỉ một cái gì, ý cũng không chê trách ai.
Bây giờ nhìn qua Quảng Châu nhất là Hồng Kong hay các nước Á Châu, phong thủy là một cái gì gần như "mê tín" mà người dân rất tin. Dù nhà bạn đã giàu hay chưa giàu mà mời thầy phong thủy đến để giúp đở. Họ sẽ cầm cái "la bàn bát quái" đi qua đi lại, đi tới đi lui , rôi sau đó chắc chắn sẽ bày này bày nọ cho bạn phải thay đổi hay sửa chữa ngôi nhà. Người không tin hay không thích sẽ nói là bọn phong thủy dùng "bát quái" để bày chuyện hay đặt chuyện để trở thành nhiều chuyện cho nên họ hay khuyên những người nhiều chuyện "唔好咁八卦 Ngô hảo cám bát quái" (Không tốt bát quái quá). Không hiểu vì sao mà họ lại nghĩ đàn bà là nhiều chuyện nên gọi những người này là "Bát Bà 八婆" để nói tắt đi "Bát Quái Bà". Nếu dịch rất dễ dàng và sát nghĩa thì "bát bà" tức là "bà tám".
Nếu bạn có lưu ý thì từ "bà tám" hay "tám" xuất hiện nhiều để chỉ những người nói nhiều và rất là nhiều chuyện: "Chuyện không nói có và chuyện có nói không" từ khi dân Việt Nam ta mê phim truyện Hồng Kong. Tôi nghĩ nó xuất phát đầu tiên từ những phim tập Hồng Kong được phiên dịch và "Bát Bà" quá chính xác là "Bà Tám" và tắt hơn nữa là "TÁM". Ngày nay ở Việt Nam, ai chưa biết "Bà tám" hay "Tám" là gì chắc chắn người ta sẽ nghĩ bạn đến từ "hành tinh khác" đó. Nói thêm nhe bạn, ở Úc này còn có thêm "Hội Ông Tám" bên cạnh "Hội Bà Tám" nữa đó, hội này hay nói chuyện thiên hạ "đại sự" lẫn chuyện trong nhà mà khen người tốt thì ít mà nói xấu người ta thì rất nhiều cho nên ngày nào cũng có chuyện mới mà là những chuyện chẳng ra gì do họ tự suy ngẫm ra vì "thất ý" hay "thâm ý" (?)
Có một bài khác trên mạng mời các bạn đọc tiếp. (LKH)
“Bà tám” từ đâu ra?
Trong khẩu ngữ, gần đây người ta hay dùng từ “tám” hay hai tiếng “bà tám” để chỉ việc tán gẫu kéo dài; chỉ người nhiều chuyện, nhiều lời. Nguồn gốc từ “tám”, “bà tám” từ đâu?
“Bà tám” là một hình thức sao phỏng (loan translation), có lẽ bắt đầu ở tiếng Việt miền Nam. Mà ở miền Nam thì bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông là “pát phò”
[八婆], đọc theo âm Hán Việt là “bát bà”, dịch đúng nghĩa gốc là “bà tám”. Đây là một đặc ngữ của tiếng Quảng Đông ở Hồng Kông, dùng để chỉ người phụ nữ hay để ý hoặc bàn tán đến chuyện của người khác; hiểu rộng ra, là người đàn bà nhiều chuyện. Ở những địa phương khác của Trung Quốc gọi hạng đàn bà này là “trường thiệt phụ” [長舌婦], nghĩa đen là “con mẹ lưỡi dài”.
Trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ “bà tám” này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến làng điện ảnh và truyền hình. Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình phát sóng thì phát sinh yêu cầu phải thuyết minh và lồng tiếng. Để làm vậy, trước hết phải dịch. Khốn khổ thay, người dịch có lẽ cũng chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường chứ nào thực sự yêu mến tiếng Việt, thực sự thấu hiểu từ nguyên. Chưa kể trong đó có thể có cả những tay người Việt gốc Hoa thì làm sao tránh khỏi chuyện “pát phò” trở thành “bà tám”! Trong khi đó, tiếng Việt đâu có thiếu từ, ngữ tương ứng với khái niệm “con mẹ Tám” của Tàu Quảng Đông!
“Bà tám” dần dần đưa đến từ “tám” phái sinh bằng cách ngắt bỏ từ “bà” đằng trước, nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là có động từ “tám” và danh ngữ “bà tám” - mẹ đẻ của nó - tồn tại song song trong khẩu ngữ. “Bà tám” dùng để chỉ những người nhiều chuyện, còn “tám” thì dùng để chỉ hành động của những người này.
AN CHI