Vào đầu thời Minh Trị Thiên Hoàng có một võ sĩ đánh vật tên là O-nami, tức là Sóng Lớn.
O-nami rất mạnh và giỏi về nghệ thuật đánh vật. Trong những trận đấu riêng, O-nami thắng cả thầy của mình, nhưng khi ra trước đám đông O-nami lại quá rụt rè đến nỗi chính học trò của anh cũng vật anh được.
O-name nghĩ là mình nên tìm một thiền sư giúp đở. Hakuju, một thiền sư lang thang, đang dừng chân tại một chùa gần đó, nên O-nami đến gặp và kể về khó khăn lớn của mình.
“Sóng Lớn là tên của anh,” thiền sư tư vấn, “vậy thì ở lại chùa tối nay. Tưởng tượng anh là những ngọn sóng lớn đó. Anh không còn là võ sĩ đánh vật hay sợ nữa. Anh là những đợt sóng vĩ đại quét sạch tất cả những gì đứng trước mặt, nuốt sạch tất cả những gì sóng đi qua. Tưởng tượng thế và anh sẽ là võ sĩ đánh vật siêu đẳng nhất nước.”
Vị thầy lui về. O-nami ngồi thiền cố gắng tưởng tượng mình là sóng. Anh nghĩ đến rất nhiều chuyện. Rồi dần dần cảm giác là sóng tăng thêm. Càng về đêm những lọn sóng càng lớn hơn. Sóng cuốn trôi những cánh hoa trong các lọ hoa. Ngay cả tượng Phật trên bàn thờ cũng bị ngập nước. Trước khi trời hừng đông, cả ngôi chùa chẳng còn là gì nữa ngoại trừ sóng lên sóng xuống của đại dương.
Sáng ra vị thầy thấy O-nami vẫn còn thiền định, với nét cười thoáng hiện trên mặt. Thiền sư vỗ vai chàng võ sĩ. “Bây giờ chẳng còn điều gì có thể làm phiền anh,” thầy nói. “Anh là những đợt sóng đó. Anh sẽ quét sạch mọi thứ trước mặt anh.”
Ngày đó O-nami thi đấu và thắng. Từ đấy, không còn ai ở Nhật có thể thắng O-nami.
Bình:
• Tất cả các võ sư đều biết rằng, khi đấu, nếu tài và sức chỉ hơn nhau một 8 một 10, thì quyết tâm và bình tĩnh quyết định thắng bại đến 70%, 20% là may rủi, và 10% là tài và sức.
Đa số mọi phấn đấu của ta về mọi vấn đề trên đời cũng đều như thế.
• O-nami ra trước đám đông bị “cái lo” về đám đông làm tư tưởng không tập trung được—Không biết họ có cười mình mập quá không? Hay là họ chê mình đấu dở?
• Thiền sư chỉ O-nami cách tập trung tư tưởng vào MỘT điều duy nhất—hình ảnh các đợt sóng. Đây là bước căn bản đầu tiên của thiền định–tập trung vào MỘT điều duy nhất: hơi thở, hay bước đi, hay các hành động rửa bát, hoặc quét nhà, v.v… Tư tưởng tập trung vào một điều sẽ không chạy tán loạn.
• Dùng hình ảnh Sóng Lớn ở đây để tập trung tư tưởng còn có thêm hai điều lợi. Thứ nhất, đây là tên của O-nami, rất quen thuộc với anh, dễ tập trung tư tưởng. Thứ hai, đây là hình ảnh mạnh mẽ chiến thắng. Tốt cho võ sĩ xông trận. Vị thiền sư này đúng là thầy rất giỏi về thiền định, nên cho bài học một công hai ba chuyện.
• Ngồi thiền thường là như thế: Ban đầu cứ “nghĩ đến rất nhiều chuyện”, rồi tư tưởng mới tập trung vào hình ảnh mình đang “quán” từ từ, càng lâu càng mạnh và càng rõ.
• Ảnh hưởng đổi đen thành trắng trong chỉ một đêm như ở đây, thì hơi hiếm. Thông thường ta cần nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm… tùy theo vấn đề, mức độ, và cơ duyên.
• Việc O-nami “quán” mình thành sóng đánh trôi hoa trên bàn thờ và nhận chìm luôn cả tượng Phật là một căn bản triết lý rất quan trọng của Phật học: Phật ở trong ta, không có Phật ở ngoài. Câu của ngài Lâm Tế “phùng Phật sát Phật” (gặp Phật giết Phật) có nghĩa là thế: Không có Phật ngoài ta. (Nếu có vị Phật sống đi ngoài đường thì điều đó cũng chẳng quan trọng và ăn nhập gì tới mình cả).
Phật sống còn không có ngoài ta, huống chi là tượng Phật. Tượng để thờ tự chỉ là tượng gỗ giúp ta tập trung tư tưởng thôi, chẳng nghĩa lý gì cả. Thiền tổ Đơn Hà bảo một vị sư chẻ tượng Phật làm củi sưởi ấm, là để đánh đổ cái “chấp” vào tượng của sư.
Đừng hướng ý ra tượng ảnh hay Phật ở ngoài. Phật là tâm ta. Hướng vào tâm ta để tâm thanh tịnh thành Phật.
• Giác ngộ như là một cơn sóng thần dánh dạt tất cả vướng mắc trong tâm–hoa trên bàn thờ, tượng Phật, chùa chiền, đền đài lăng tẩm, tất cả thế giới, tất cả vũ trụ…
Không một mảy may vướng mắc sót lại. Tâm rỗng lặng hoàn toàn.
Trần Đình Hoành dịch và bình.