Nhìn tổng thể công trình kiến trúc thờ tự của người Hoa, thường thấy kết cấu chữ Tam, chữ Khẩu, hoặc hình Ấn. Chất liệu chủ đạo là gỗ, đá và gốm, trong đó chi tiết trang trí tương đồng trên các nóc mái thường diễn tả cảnh giới uy nghi, thần tiên, với linh thú, Tiên đồng – Ngọc nữ, ông Nhật – bà Nguyệt, Hòa hợp nhị tiên… các kiểu thức dùng cặp đôi đối xứng có Lân – Rồng (ở Nghĩa An Hội Quán – bang Triều Châu), hay đồ án Long Thăng, Long Giáng (ở các hội quán thuộc bang Phước Kiến) biểu trưng điềm may mắn, cát tường, đến đề tài Cá Hoá Long biểu thị sự đạt được ước nguyện (ở Hội quán Tuệ Thành, Đình Minh Hương Gia Thạnh)… Kiểu thức trang trí ngoại thất này sử dụng chất liệu chính là gốm, nung theo hình khối (gốm Cây Mai) hoặc theo kỹ thuật ghép miểng gốm tạo hình thành hoa lá cùng các nhân vật mà chỉ nhìn qua các chi tiết trang trí ấy, có thể nhận ra sự hưng vượng, thành đạt của cộng đồng, bang hội sở hữu công trình.
Khác với kiến trúc đền chùa Việt thường có cột trụ biểu phân định ranh giới, công trình dạng này của người Hoa thường có mặt tiền hướng ra các trục đường lớn, bố cục theo trục Bắc – Nam, cửa chính hầu hết đều trổ về phía Nam, dẫn lối vào tiền điện, với phần mặt tiền là sự phô diễn tối đa tính mỹ thuật mang bản sắc riêng, sử dụng các kiểu thức trang trí bằng hình vẽ, tranh tường, chạm trổ trên gỗ, đá, sơn son thếp vàng rất đa dạng, cầu kỳ, như nhắc nhở khách vãn cảnh sắp được bước vào một cõi riêng nơi tiên thánh ngự trị.
Mỗi bang hội đến từ các vùng miền khác nhau, nên ngay trong kiểu thức trang trí kiến trúc cũng mang những nét khác biệt, có thể thấy rõ ngay từ phần tiền điện với kỳ lân hoặc sư tử án ngữ nơi cổng vào, ngoài ý nghĩa trông coi, canh gác, xua đuổi tà ma không cho lui tới chốn linh thiêng, vẻ đẹp tạo hình của các loại linh thú này cũng mang tính mỹ thuật đặc biệt, đẹp nhất là các công trình hội quán thuộc bang hội Phước Kiến, Triều Châu. Sư tử đá ở đây có dáng thế uyển chuyển liền lạc, đường nét dữ mang nhiệm vụ trấn yểm, nhưng cũng rất mềm mại, sống động, tươi vui. Riêng ở Hội quán Ôn Lăng và Hà Chương, sư tử đứng bên trái cửa vào (Sư tử hí cầu) được biểu đạt khóe miệng bằng lối đục chạm thông phong, tạo hình ảnh “Sư hàm châu” (Sư ngậm ngọc) rất kỳ công và khéo léo.
Việc có rất nhiều chi tiết trang trí từ vách, cột, chân tảng, trống (thạch cổ), sư tử, kỳ lân trong các chùa miếu sử dụng chất liệu đá, được xem như một gửi gắm cảm nhận về sự trường cửu nơi linh thiêng, biểu trưng cho sự thuần khiết. Ngoài nghệ thuật điêu khắc, hội họa cũng được ứng dụng trong trang trí mà dễ thấy nhất ở nơi đôi cánh cửa mặt chính tiền điện, với hình ảnh hai vị môn thần là Thần Đồ và Uất Lũy, cũng mang nhiệm vụ trấn giữ như đôi linh thú Lân – Sư, chuyên trừ tà đuổi quỷ, nên tướng mạo được sơn vẽ như một võ tướng, uy nghiêm, chân mày xếch, trông như sát thần, và đây cũng là một kiểu thức trang trí có giá trị thẩm mỹ cao, được gọi là môn họa, xuất hiện ở hầu hết các đền chùa, miếu, hội quán của người Hoa vùng Chợ Lớn.
Sau không gian tiền điện, sẽ đến sân thiên tĩnh, vừa mang nhiệm vụ lấy ánh sáng trời, tạo nơi thông thoáng thoát khói hương, nhưng cũng được quan niệm là vị trí thích hợp nhất để kết nối con người với thiên cung, nên trong đền miếu người Hoa đều có ít là một sân thiên tĩnh ngay sau tiền điện. Trường lang dọc sân thiên tĩnh còn là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thư pháp, tranh đắp nổi, mang đề tài sinh hoạt lễ hội đặc trưng kiểu người Hoa như múa Lân – Sư – Rồng, hay là nơi ghi lại các tích truyện Thiên Hậu hiển thần thông, mục đích trang trí, tạo sự gần gũi, thân quen với khách đến viếng hay vãn cảnh.
Sau Thiên Tĩnh là Trung Điện, không gian để mọi người chỉnh trang y phục, chuẩn bị vật phẩm, nhang đèn trước khi vào chiêm bái nơi Chính Điện. Trong mỗi ngôi đền miếu, Chính Điện là nơi có kiểu thức trang trí cầu kỳ, phức tạp nhất của công trình, bởi vừa phải đáp ứng tính mỹ thuật vượt bậc, nhưng vì là nơi thờ tự và cử hành nghi lễ nên luôn toát lên vẻ thâm nghiêm, huyền bí. Kiến trúc cơ bản cũng phân theo gian – chái, đồ án trang trí phân làm nhiều mảng đề tài, từ hoa điểu, tùng hạc, côn trùng thảo mộc, uyên ương, đến cảnh giới thần tiên, cảnh sinh hoạt, diễn hí nơi phàm trần… tất cả được khắc họa lên các chi tiết đục chạm, xử lý bằng kỹ thuật điêu luyện vào bao lam, cửa võng, cánh én, liễn đối, mà nay những kỳ công ấy không dễ tìm lại người nghệ nhân đủ sức và tài để tác tạo những công trình mang quy mô tương tự.
Theo: elledecoration
No comments:
Post a Comment