Theo phụ trang văn hóa Le Figaro,hiệu Dubonnet do ông Joseph Dubonnet sáng chế tại Paris vào năm 1846, hiện nay thuộc tập đoàn sản xuất rượu mạnh của Pháp Pernod-Ricard. Thương hiệu Dubonnet vốn là một loại rượu mùi vermouth có chất ký ninh (quinine), lấy từ vỏ cây canh ki na để làm thuốc. Chất ký ninh có tác dụng hạ sốt, đặc biệt hữu ích trong việc phòng chống bệnh sốt rét. Vào giữa thế kỷ XIX tại châu Âu, rộ lên phong trào róc vỏ cây canh ki na rồi sấy khô để chế biến rượu khai vị vermouth, trong đó các thương hiệu như Noilly Prat, Cinzano hay Dubonnet đều trở nên nổi tiếng sau này. Riêng Dubonnet thường dùng khẩu hiệu quảng cáo bằng cách chơi chữ xung quanh ba từ gần như đồng âm ‘‘Dubo, Dubon, Dubonnet’’ ý muốn nói rằng vừa đẹp mắt vừa ngon miệng, thì chỉ có rượu Dubonnet.
Rượu mùi Pháp Dubonnet dùng để pha cocktail
Tuy chỉ gồm khoảng 15% độ cồn, nhưng vì chất quinine rất đắng, cho nên rượu thường được ngâm thêm với nhiều loại dược thảo, hạt thơm, vỏ cam hay gia vị, để tạo thêm mùi, đồng thời giảm vị đắng. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, rượu mùi vermouth (loại ngọt và khan) trở nên phổ biến và thường được giới chuyên pha chế sử dụng như một trong những thành phần chính để làm các loại cocktail như Martini, Manhattan hay Negroni. Ngoài ra, vermouth còn được dùng để nấu nướng thay thế cho vang trắng. Riêng hiệu Dubonnet có hương vị đặc trưng của quế, vỏ cam quýt, hoa hoàng cúc cũng như một số hạt dược thảo sấy khô, loại thức uống này dùng làm rượu khai vị, khiến cho người uống đến khi dùng bữa, lại cảm thấy càng ăn ngon miệng.
Một trong loại cocktail nổi tiếng nhất chính là kiểu rượu pha ‘‘Dubonnet Royal’’. Không phải ngẫu nhiên mà loại cocktail này được gắn thêm chữ Royal vì rượu mùi màu đỏ hiệu Dubonnet luôn là thức uống yêu chuộng nhất của Hoàng Thái hậu Elizabeth Bowes-Lyon, vợ của Vua George VI và là thân mẫu của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Vào năm 2008, nhân một cuộc bán đấu giá, một tin nhắn của Hoàng Thái hậu gửi riêng cho người hầu William Tellon đã được bán với giá 16 ngàn bảng Anh (khoảng 25.000 đô la). Trong thông điệp, Hoàng Thái hậu nhắn với người hầu nhớ mang theo trong hành lý một chai rượu Dubonnet và một chai rượu gin nhân một chuyến dã ngoại. Nội dung không có gì quan trọng cho lắm nhưng lại cho thấy sinh thời Hoàng Thái hậu Elizabeth Bowes-Lyon rất thích loại cocktail này pha một chút rượu gin với rượu mùi Dubonnet.
Doanh thu Dubonnet tại Úc tăng đến gấp bốn lần
Từ người mẹ truyền cho con gái, gu ăn uống này sau đó được Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị duy trì tiếp nối trong hoàng gia Anh. Phụ trang văn hóa báo Le Figaro cho biết từ đời này qua đời nọ, công thức pha chế ‘‘Dubonnet Royal’’ không hề thay đổi : 1 phần gin, 4 phần Dubonnet, ba cục nước đá, 1 lát vỏ chanh thái mỏng, tất cả được khuấy nhẹ bằng muỗng, rồi lọc qua rây trước khi rót vào ly cocktail.
Sau ngày nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị băng hà, một trong những tác động bất ngờ nhất là doanh thu của hiệu Dubonnet lại tăng vọt. Chuỗi siêu thị Waitrose cho biết khối lượng rượu hiệu Dubonnet đã tăng thêm gần 100 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Hiện giờ trên các kệ rượu, không còn chai nào được bày bán, và chuỗi siêu thị này hy vọng khôi phục nhanh chóng mức cung cấp sản phẩm trong một tuần, thời gian để đưa thêm hàng vào kho khi nhu cầu của khách hàng tăng một cách đột ngột.
Còn tại Úc, doanh thu hiệu Dubonnet đã tăng mạnh lên tới 465 % trong vòng ba ngày sau khi nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị qua đời. Hiện giờ, mức tăng bất ngờ này đã giảm xuống nhưng vẫn được duy trì ở một mức khá cao. Theo ban quản lý tập đoàn Endeavour, số chai Dubonnet được bán chỉ nội trong 3 ngày (từ 08/09 đến 11/09/2022) lại cao gấp đôi so với cả mùa Giáng Sinh năm trước. Có nhiều thực khách đã đọc đâu đó trên mạng internet công thức pha chế cocktail Dubonet Royal. Có lẽ cũng vì thức uống yêu thích của nữ hoàng Anh cũng tương đối dễ làm, cho nên khách hàng tìm mua gin và Dubonnet rồi đem về nhà để tự pha lấy.
Công thức pha chế từ Dubonnet Royal đến Vodka Martini
Rượu mùi Dubonnet được yêu chuộng đến nỗi, thương hiệu này đã được cấp chứng quyền hoàng gia ''Royal Warrant'', một văn bản chính thức công nhận một cá nhân hay công ty thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các thành viên trong hoàng gia Anh. Những công ty nào nắm giữ ''Royal Warrant'' có thể in huy hiệu (logo) đặc biệt này trên các sản phẩm của họ, đảm bảo về mặt uy tín dịch vụ cũng như chất lượng mặt hàng.
Thương hiệu Dubonnet cũng phổ biến trở lại, một phần cũng vì đang có trào lưu tiêu thụ rượu pha loại nhẹ nơi người tiêu dùng. Đa số khách hàng vì lý do sức khỏe, giảm mức tiêu thụ các loại rượu mạnh (rhum, gin, whisky) và bắt đầu chọn các loại thức uống có ít độ cồn hơn như Dubonnet hay Campari dùng để pha chế cocktail (trào lưu pha rượu Spritz). Điểm chung giữa nữ hoàng Anh và điệp viên 007 vẫn là hai nhân vật nổi tiếng này đều thích dùng loại rượu mùi vermouth trong cocktail yêu thích của mình.
Nếu nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị thích uống một chút gin pha với vermouth (hiệu Dubonnet), thì James Bond lại chuyên dùng ''dry martini'' còn được gọi là vodkatini (hoặc kangaroo vodka) kết hợp một chút vodka với rượu mùi vermouth. Điểm khác biệt duy nhất là James Bond thích uống ''dry'' (tức khan ít có vị ngọt) và nhất là vodka martini phải được pha với bình lắc rượu (shaker) trong khi Dubonnet Roytal của nữ hoàng Anh tuyệt đối không lắc mà phải khuấy đều bằng muỗng.
Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment