Saturday, October 8, 2022

"NHÀ IN MIỀN TÂY - IMPRIMERIE DE L'OVEST", DẤU ẤN THỜI GIAN

Ngôi nhà mang đậm dấu ấn của thời gian, được coi là nhà in miền Tây ra đời rất sớm khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long vào năm 1911 với dòng chữ "Imprıмerıe de l’Oυest" trên góc mái nhà nằm tại đường Phan Đình Phùng ở Cần Thơ, minh chứng của cả một đoạn lịch sử kỹ nghệ in ấn của miền sông nước.

"Imprimerie de L'Ouest"- nhà in miền Tây, dấu ấn còn lưu lại tại Cần Thơ (Ảnh: Internet)

Đi ngang qua con đường Phan Đình Phùng, gần ngay Hội Nhà báo Thành phố Cần Thơ chắc hẳn ai cũng sẽ thấy tiệm bán đồng hồ lớn, để ý chút nữa là ngay phía góc của mái nhà có dòng chữ bằng xi măng đã dần mòn theo thời gian, dòng chữ "Imprimerie de l'Ouest".

Ngôi nhà này chính là trụ sở in ấn ra đời vào năm 1911, là một trong số những nhà in có mặt sớm nhất tại khu vực miền Tây Nam Bộ đến nay đã nhuốm đẫm màu thời gian lưu dấu kỹ nghệ in ấn xứ miệt vườn.

Một góc đường Phan Đình Phùng với mái nhà có dòng chữ “Imprimerie de l’Ouest”.

Giữa mảnh đất Tây Đô, ngôi nhà ấy còn lưu dấu lại dù đã lộ rõ vết hằn của thời gian nhưng vẫn luôn là địa chỉ nhiều người muốn tìm đến kể cả du khách nước ngoài.

Người chủ trương xây dựng lên "Imprimerie de L'Ouest" là một luật sư người Pháp có văn phòng đại diện tại Việt Nam, Luật sư Galloıs Montbrυn cùng một nhóm người Việt học thức tại mảnh đất Cần Thơ cùng hợp tác trong đó có Võ Văn Thơm, Lê Quang Chiểu, hay Trần Đắt Nghĩa, Phạm Bá Đại,...

Với những người lạ, lên google tìm kiếm dòng chữ tiếng Pháp này kỳ thực chẳng có thông tin gì nhiều ấy vậy mà có thể thấy được nhiều hình ảnh của những lượt du khách nước ngoài đã từng ghé thăm Cần Thơ chụp ảnh cùng góc mái chứa tên nhà in "Imprimerie de L'Ouest".

Tại nhà in miền Tây, in rất nhiều các loại sổ sách, tài liệu, giấy tờ, quảng cáo cho các cơ quan cả công quyền và tư nhân rồi từ từ được nhiều người biết đến.


Được biết, trong số những "tập in" nổi tiếng nhất mà nhà in miền Tây xuất bản có cả tuồng "Kim Thạch kỳ duyên" của cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa vào năm 1933, trang bìa có để rõ tên của nhà in bấy giờ có tên là An Hà ("Cantho- Imprimerie de L'Ouest- Nhà in An Hà, 1933").

Ngôi nhà "Nhà in miền Tây" đã ghi dấu cả một thời kỳ lịch sử, cả đoạn đường dài của kỹ nghệ in ấn nơi miền Tây sông nước kéo dài hoạt động đến sau Cách Mạng Tháng Tám và cho đến nay đã trở thành dấu ấn văn hóa trường kỳ tại đất Tây Đô cũng như một địa chỉ quen thuộc của người Cần Thơ trên đường Phan Đình Phùng.

Mộc An (T/H)