Saturday, October 22, 2022

NƠI NGƯỜI LAO ĐỘNG XIN LÀM VIỆC KHÔNG CÔNG

Nằm ở độ cao trên 5.000m tại miền nam dãy Andes của Peru, thị trấn khai thác vàng La Rinconada là nơi cao nhất trên thế giới có con người sinh sống.


Được biết đến với tên gọi "vùng đất của đàn ông" do những điều kiện làm việc khắc nghiệt mà nam giới phải đối diện, thị trấn này thu hút nhân công từ khắp các nơi trên dãy Andes kéo tới tìm kiếm vận may.


Không mấy ai có thể chịu được cái giá rét và độ cao khắc nghiệt, trong lúc sức nóng và độ ẩm ướt trong các đường hầm khai mỏ lại ghê gớm tới mức hầu như khó có thể chịu nổi.

Giấc mơ tìm kho báu


Trong vài thập niên qua, hàng ngàn người từ các nơi trên toàn Peru đổ về thị trấn này để thử vận may. Có những người đã ở đây tới 20 năm.

Hơn 100 tấn kim loại được khai thác ra mỗi năm từ các mỏ, và giá vàng tăng cao khiến cho cư dân thị trấn tăng lên gấp đôi trong vòng năm năm qua, nay có khoảng 50 ngàn người.

Cuộc sống khắc nghiệt


Chỉ có rất ít người có khả năng thích nghi hoàn toàn với cuộc sống ở La Rinconada. Đường phố nơi này luôn lầy lội do tuyết tan; nơi đây không có nước sach, hệ thống nước thải, cũng không có hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Ngay cả các hồ nước gần đó, nơi nhiều người tới lấy nước về dùng, cũng bị ô nhiễm, chứa thủy ngân dư thừa sau khi được dùng để tách vàng ra khỏi đá.

Bệnh tật và chữa trị y tế


Mỗi ngày, các thợ mỏ đi bộ dọc đoạn đường dài 1km chật hẹp nối liền thị trấn với các khu mỏ ở những dãy núi kế bên. Rác rưởi được vứt bừa dọc đường đi trong lúc không hề có các dịch vụ căn bản như thu dọn rác.

Do các điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh cũng như tác động bởi thời tiết khắc nghiệt, bệnh viêm phổi cấp và bệnh đi ngoài xảy ra khá phổ biến.

Đi làm không công


Các thợ mỏ làm việc theo một hệ thống sử dụng nhân công truyền thống, gọi là cachorreo. Họ phải làm 30 ngày cho công ty khai mỏ mà không được trả lương, tiếp đến là 2-3 ngày tự khai thác tìm vàng cho mình.

Chuyện các thợ mỏ trắng tay không tìm được gì không phải là hiếm xảy ra. Nhưng ngay cả như vậy, gần đây một nỗ lực nhằm cải tổ hệ thống cacherreo thành mô hình trả lương như đã được áp dụng trên toàn quốc Peru đã bị các thợ mỏ phản đối mạnh mẽ. Cachorreo khiến các thợ mỏ có nhiều cơ hội hơn trong việc kiếm tiền, chưa kể họ còn có cơ hội đưa lậu vàng ra khỏi mỏ trong những ngày làm việc không được trả tiền công.

Thế giới vô luật pháp


La Rinconada là một nền kinh tế tiền mặt với rất ít nơi để tiêu tiền ngoài các quán bar, quán pub, những nơi đầy gái nhảy thoát y và gái điếm. Ở đây không có cơ quan thi hành pháp luật, cho nên cảnh say xỉn hay đâm chém nhau xảy ra như cơm bữa, và cả cảnh các thợ mỏ tới quậy phá phụ nữ nữa.

Những người phụ nữ ở mỏ


Có một cộng đồng phụ nữ ở đây. Họ làm nghề pallaquera, một từ địa phương nhằm chỉ các phụ nữ nhặt nhạnh tìm vàng từ các khối đá hay những đống đất vữa bị đổ bỏ bên ngoài các mỏ vàng. Họ tìm kiếm những mẩu vàng bé tí mà các thợ mỏ không buồn lấy, hoặc bỏ sót.

Bới rác


Có khoảng 700 người, các pallaqueras này, hầu hết là mẹ đơn thân, vợ góa hoặc vợ của các thợ mỏ, đập vỡ các khối đá có khi suốt tám tiếng mỗi ngày, tùy vào sức khỏe mỗi người. Họ không được phép đi vào bên trong mỏ, bởi người ta tin rằng đàn bà vào đó chỉ tổ đem đến những điều xui xẻo.

Đá bóng trong băng giá


Cỏ không mọc được ở độ cao này, cho nên các thợ mỏ chơi bóng đá trên sân cỏ nhân tạo. Môi trường rất khắc nghiệt. Những người tới đây phải đối diện với các kiểu đau ốm khác nhau liên quan tới độ cao, như kiệt lực, đau đầu, nhức đầu, buồn nôn, hay mất ngủ.

Người ta nói rằng các mỏ vàng ở La Rinconada giết chết các nhân công một cách nhanh chóng qua các vụ tai nạn, sập hầm, hoặc giết từ từ qua việc khiến họ mắc các căn bệnh phát sinh từ điều kiện sinh hoạt tồi tệ.

Nhưng những người đàn ông vẫn đua nhau đổ về đây, có những người mang theo cả gia đình, với mong ước có cơ hội đổi đời.

Bài và ảnh: Sebastian Castañeda
BBC Travel
Link tiếng Anh:



No comments: