Saturday, October 29, 2022

VỀ MIỀN TÂY SĂN CÚM NÚM

Cúm núm hay còn gọi là gà nước, sinh sôi nảy nở ở những cánh rừng tràm nội địa và sát biên giới Tây Nam. Người miền Tây không lạ với loại chim rừng này, bởi nó được xem là món khoái khẩu của dân miệt vườn lẫn người thành thị…

Cúm núm mái

Theo dân sành ăn, cúm núm mái mập mạp, thịt nhiều, mần món gì ăn cũng ngon, từ xào mướp, nướng lèo, xào lăn, khìa nước dừa… “Độc” hơn, cúm núm đem nấu chao, vịt xiêm ăn ngon không bằng...

Ông Ba Cua, ở cầu Lò Gạch, xã Lương An Trà, Tri Tôn cho biết: "Hồi đó, cúm núm bán rẻ, ít ai ăn, lâu lâu mới thấy có người mua một, hai con. Còn bây giờ, hổng đủ bán, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bạn hàng miệt Vàm Rầy, Bình Sơn (huyện Kiên Lương) và Phú Mỹ, Tân Khánh Hoà (huyện Giang Thành) thu gom đem về mấy vựa lớn ở Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Đốc, Long Xuyên, rồi bán lại cho các nhà hàng".

"Cúm núm thuộc loài chim rừng, ăn uống theo thiên nhiên, thịt thơm nên khi ăn ai cũng thích, khi có “hàng” là có hàng sáo tới chỗ mua, bởi từ quán cóc ven đường cho đến nhà hàng và quán sang trọng… đều đưa món cúm núm vào thực đơn” –ông Ba Cua nói .

Cúm núm và chim rừng bán ở chợ Châu Đốc

Giá bán một ký cúm núm hiện nay trên dưới 400 ngàn đồng (khoảng 3 con mái hoặc 4 con trống). Một đêm, dân gác cúm núm bắt được cỡ 20 con là cả nhà sống khoẻ. Ông Năm Lưỡng, ở kinh T4, xã Vĩnh Gia, Tri Tôn kể: “Hồi đó, cúm núm còn nhiều, người ta đi gác phải có cúm núm mồi, còn bây giờ cách bẫy hiện đại hơn nhiều, thợ thầy đua nhau mua băng ghi âm, đĩa CD, MP3, MP4… đi bẫy”.

Nói về kỹ thuật bẫy cúm núm, ông Ba Chắc ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân kể thêm: “Ban đầu, người bẫy lấy thiếc cuốn tròn như cái bông bí, giống dạng cái loa. Đầu buổi săn, người bẫy cầm bông bí phát tiếng "cum, cum, cum", đến nửa đêm thì hạ giọng "cùm, cùm, cùm" cho con mồi định vị. Đến khoảng 2 - 3h sáng, người săn đổi giọng thành "cụp, cụp, cụp" như thể tiếng con trống gọi con mái. “Đặt nhiều bẫy cùng lúc, cúm núm mắc bẫy thấy ham, cứ gỡ xong thì lại gài tiếp. Loay hoay liên tục, mà quên luôn buồn ngủ", ông Chắc nói.

Bạn hàng ở Bình Sơn đưa cúm núm và chim trời về bán ở Long Xuyên

“Về khu vực Tứ giác Long Xuyên hỏi thăm tên ông Ba Thiền, Bảy Phiên, Năm Bền… hay các anh Mohamad Aly, Mohamad, Joseep… ai cũng biết, bởi tài gác cúm núm. Mùa lúa, mùa mưa, lúc nước lên ngập đồng, cúm núm nhiều vô số kể, chỉ cần quảy bẫy đi chừng một, hai tiếng đồng hồ thì chẳng những có một bữa cơm ngon mà còn có tiền dằn túi…”- ông Mười Quốc, ở Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu cho biết.

Ông Tư Diện, ở Ba Bài, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc nói thiệt tình: “Cúm núm là động vật hoang dã không được đánh bắt và mua bán, song gác cúm núm là công việc lúc nông nhàn, đem về thu nhập khá sau hai mùa lúa. Sống ở ven rừng, phải nhờ vào rừng. Bắt cúm núm nhiều ăn hổng hết thì đem đi bán lấy tiền tiêu Đây còn là tập quán, sinh hoạt của dân vùng đất mênh mông… cò bay thẳng cánh như Tứ giác Long Xuyên này".

PHAN NGUYỄN
Theo: Báo An Giang online




No comments: