Cách đây tròn 111 năm, tiếng pháo vang rền của cuộc cách mạng Tân Hợi khai sinh một kỷ nguyên mới của Trung Quốc. Tôn Trung Sơn là người tiên phong trong cuộc cách mạng đó và trong cuộc đấu tranh đầy cam go mấy chục năm liên tiếp, ông và gia tộc đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự biến đổi của thời đại.
Kỳ 1: Từ bần nông trở thành vĩ nhân
Theo sử sách ghi lại, tổ tiên của Tôn Trung Sơn là danh gia vọng tộc ở Trung Nguyên, cư trú tại Trần Lưu, Hà Nam (ngày nay là thành phố Khai Phong). Viễn tổ của Tôn Trung Sơn là Tôn Trác tự Huyền Kỷ từng giữ chức Tiết độ sứ lưỡng giang triều Đường. Con trai của ông là Tôn Lợi rất anh dũng thiện chiến, có công trong việc bình định "loạn Hoàng Sào" và được phong là Đông Bình Hầu, đóng quân tại huyện Kiền Hóa, châu Tiết Kiền (nay là Ninh Đô, Giang Tây).
Sau khi hết thời kỳ làm quan, Tôn Lợi đã về định cư tại Ninh Đô. Tôn Lợi chính là khởi tổ của gia tộc họ Tôn di cư tới vùng Giang Nam. Trong cuốn "Bát thập thuật lược" của Tôn Khoa có nói đến cháu nội của Tôn Lợi là Tôn Hữu Kính phải di cư xuống Phúc Kiến để tránh binh họa. Tôn Hữu Kính được cho là khởi tổ của gia tộc họ Tôn di cư xuống Phúc Kiến. Sau này gia tộc họ Tôn đã định cư tại Phúc Kiến 4 đời.
Đến năm Vĩnh Lạc, triều Minh, con cháu đời thứ 7 của Tôn Lợi là Tôn Hữu Tùng lại di cư từ Phúc Kiến tới huyện Tử Kim, tỉnh Quảng Đông ngày nay. Tôn Hữu Tùng được cho là khởi tổ của gia tộc họ Tôn di cư từ Phúc Kiến về Quảng Châu. Kể từ Tôn Hữu Tùng trở đi, trải qua 11 thế kỷ, đến thế hệ thứ 18 của Tôn Lợi là Tôn Đỉnh Tiêu, một nghĩa sĩ chống nhà Thanh, do khởi binh không thành cuối cùng những người trong gia tộc họ Tôn đã phải nhiều lần li tán khắp nơi. Con trai thứ của Tôn Đỉnh Tiêu là Tôn Liên Xương đã phải di cư về huyện Hương Sơn, lấy nghề cày cấy và chài lưới làm kế sinh nhai. Tôn Liên Xương là khởi tổ của gia tộc Tôn Trung Sơn định cư tại Hương Sơn.
Những người thuộc các thế hệ trước của Tôn Kính Hiền đều làm nghề canh tác trồng trọt, gia cảnh bần hàn, thuộc tầng lớp gia đình bần nông điển hình ở Trung Quốc. Đến thế hệ cha Tôn Trung Sơn là Tôn Đạt Thành, cuộc sống càng trở nên khó khăn gian khổ. Tôn Đạt Thành vừa làm nông nghiệp vừa làm canh phu, cuộc sống của gia đình rất kham khổ, thức ăn chính của cả gia đình chỉ là khoai tây.
Sinh năm 1866, tại thôn Thúy Hanh, cách thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông khoảng 25 km, Tôn Trung Sơn tên thật là Tôn Văn, là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em. Anh trai thứ hai và chị gái thứ 3 mất từ nhỏ. Anh cả là Tôn Mi, chị gái thứ 4 là Tôn Diệu Xuyến, em gái út là Tôn Thu Khởi.
Tôn Trung Sơn (thứ 4 hàng sau từ phải sang) chụp ảnh cùng gia đình ở Honolulu, Hawaii tháng 4/1901.
Ngay từ khi 6 tuổi Tôn Trung Sơn đã theo chị là Tôn Diệu Xuyến lên núi lấy củi, kiếm rau cho lợn. Khi lớn hơn một chút, Tôn Trung Sơn có thể làm được tất cả các việc nghề nông. Ngoài ra, hàng năm Tôn Trung Sơn còn phải đi chăn trâu thuê nhiều tháng để đổi công trâu về cày ruộng cho gia đình.
Sử sách ghi chép rằng, Tôn Trung Sơn thời thơ ấu có tính khí rất quật cường và tinh nghịch, thường trèo lên cây me để lấy tổ chim. Cậu bé thường dùng đá ném chính xác những con chim nhỏ. Chính vì vậy, người trong thôn đặt cho cậu biệt danh "đứa trẻ đá". Khi Tôn Trung Sơn ra đời, miền nam Trung Quốc vừa trải qua phong trào Thái Bình Thiên Quốc gây chấn động và có tiếng vang lớn.
Gia phả gia tộc nhà Tôn Trung Sơn.
Sự tích của quân Thái Bình đã được lưu truyền khắp khu vực lưỡng quảng, đồng thời cũng trở thành chủ đề nóng của dân chúng địa phương. Tôn Trung Sơn rất thích nghe những câu chuyện về phong trào này và ông vô cùng ngưỡng mộ Hồng Tú Toàn. Tôn Trung Sơn thường tập hợp những đứa trẻ trong thôn cùng nhau chơi trò "thiên binh bắt chó nhà Thanh". Những đứa trẻ cùng nhau cầm gậy tạo thành một đoàn quân và phong Tôn Trung Sơn làm lãnh tụ và làm "Hồng Tú Toàn thứ hai" trong trò chơi.
Năm 1878, khi Tôn Trung Sơn 12 tuổi, được sự ủng hộ và trợ giúp của người anh cả Tôn Mi đang làm ăn tại Honolulu (Mỹ), ông đã tới Honolulu du học trong thời gian 5 năm. Sau khi được tiếp thu nền giáo dục phương Tây, ông không chỉ có những tiến bộ trong con đường học tập mà còn được mở rộng tầm mắt ra thế giới bên ngoài.
Ngọc Thúy (tổng hợp)
Theo: baotintuc
Đón đọc kỳ 2: Xa nhà làm cách mạng