Sau mùa nước nổi, thu hoạch bông điên điển xong thì đến bông so đũa. Hai loài hoa ấy cùng họ nên giống nhau về hình dạng, chỉ khác màu sắc và kích cỡ. Tháng 9 âm lịch, mùa gió chướng ùa về. Cơn gió nao nao làm tan chảy những trái tim có tâm hồn thi sĩ, lãng mạn. Bông so đũa nở trắng vườn nhà. Tôi và chị gái mang vợt tre và rổ ra hái. Cây so đũa dáng thẳng đứng, nhánh mỏng manh. Vì vậy, khi hái hoa thì phải dùng vợt hoặc với tay hái. Chỉ mươi phút thôi mà chiếc rổ đã đầy ắp bông so đũa.
Hồi ấy, bông so đũa chưa có giá trị kinh tế nên người nhà quê chỉ dùng làm rau ăn hằng ngày trong bữa cơm gia đình. Không thuốc trừ sâu, chẳng có hóa chất, bông so đũa nhà trồng chỉ việc rửa sơ cho khỏi bụi rồi thì mang đi chế biến. Hôm nào ba đem từ đồng về con cá lóc, rô phi, sặc, trê thì nấu canh chua bông so đũa, hoặc có thể luộc bông so đũa chấm kho quẹt, chấm chao hay ăn sống, xào hành...
Nhớ những ngày cùng lũ bạn kéo ra sau vườn so đũa hái quả non, tước lõi bên trong, tách lấy phần trắng bao bọc bên ngoài hạt xanh mà nhai ngấu ghiến. Nó có vị ngọt đắng và bùi bùi. Ăn là phụ mà chơi mới là chính. Hái quả chán chê, chúng tôi hái nhánh tước thành từng lá nhỏ, cả thau đầy. Rồi cả bọn hốt và tung lên trời cao. Nhiều lá cuốn theo làn gió bay xa.
Giờ nhờ nông nghiệp phát triển, công nghệ tiên tiến. Bông so đũa không mặc nhiên trổ vào mùa gió chướng mà hầu như có quanh năm. Tuy bắt gặp hình ảnh ấy, người ta không còn bồi hồi vì cơn gió chướng quyến rũ nhưng cũng làm thổn thức những đứa con xa quê như tôi:
“Canh so đũa, cá rô đồng
Quê nhà da diết nỡ lòng quên sao!”
Đặng Trung Thành / Theo: baodongthap