Thursday, October 27, 2022

NỖI ĐAU THỜI CHIẾN TRONG "LETTERS FROM IWO JIMA"

Bộ phim của đạo diễn Clint Eastwood đã trở thành kinh điển trong dòng phim chiến tranh nhờ khắc họa nỗi lòng của những người lính sắp đối mặt cái chết.


Tuần qua, dư luận thế giới chấn động vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nỗi kinh hoàng của chiến tranh là thứ đã đi vào văn hóa đại chúng qua nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh. Rất nhiều tác phẩm đã khắc họa muôn hình bộ mặt của chiến tranh, từ giao tranh ở tiền tuyến, hoạt động gián điệp đến nỗi đau của người ở lại.

Một trong những dự án đáng nhớ nhất là bộ đôi phim của đạo diễn Clint Eastwood - Flags of our fathers Letters from Iwo Jima (Những lá thư từ Iwo Jima, 2006). Lúc đó, Eastwood cùng Steven Spielberg (ở vai trò sản xuất) cùng cộng sự phát triển một ý tưởng táo bạo: kể lại trận chiến Iwo Jima qua hai phim riêng, lần lượt theo góc nhìn của quân Mỹ và Nhật.

Diễn ra vào tháng Hai và Ba năm 1945, trận chiến Iwo Jima là một trong những cuộc xung đột lớn nhất Thế chiến thứ hai. Lúc này, quân Mỹ đã tiến gần Nhật Bản và phải chiếm được đảo Iwo Jima để làm bàn đạp tấn công vào đất liền. Lực lượng trung thành với Nhật hoàng được giao nhiệm vụ bảo vệ nơi đây bằng mọi giá. Cuộc giao tranh đẫm máu diễn ra hơn một tháng, khi người Nhật lùi sâu vào các cứ điểm và hang động để tử thủ.


Letters from Iwo Jima nổi bật vì đây là lần hiếm hoi người Mỹ thực hiện một tác phẩm hoàn toàn từ điểm nhìn của chính kẻ thù cũ.


Flags of our fathers (có Ryan Phillippe, Jesse Bradford và Paul Walker đóng) lấy điểm nhìn từ những người lính Mỹ tấn công đảo. Tác phẩm này cũng được đánh giá cao nhưng kém ấn tượng hơn bộ phim song sinh với nó ở cả phòng vé và các giải thưởng điện ảnh.

Letters from Iwo Jima nổi bật vì đây là lần hiếm hoi người Mỹ thực hiện một tác phẩm hoàn toàn từ điểm nhìn của chính kẻ thù cũ. Clint Eastwood cũng tuyển gần như toàn diễn viên người Nhật thật, nói tiếng Nhật trong phim.

Cuộc chiến vô vọng của người Nhật

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1944, khi tướng Tadamichi Kuribayashi (Ken Watanabe) nhậm chức chỉ huy ở Iwo Jima. Lúc này, tình thế ở mặt trận Thái Bình Dương gần như ngã ngũ. Nhật liên tiếp bại trận, tổn thất nặng nề và bị đẩy lui về đảo quốc. Nền công nghiệp của họ không thể chạy đua với Mỹ trong việc sản xuất và sửa chữa công cụ chiến tranh. Thất bại của Nhật dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Song, nhóm sĩ quan của họ vẫn giữ vững tinh thần, cũng như sẵn sàng hy sinh vì quốc gia.


Trong nhóm lính Nhật ở Iwo Jima có Saigo (Kazunari Ninomiya), một người thợ làm bánh luôn nhớ thương vợ con, và Shimizu (Ryō Kase), một tân binh lầm lì đến nỗi mọi người nghi ngờ anh ta là gián điệp để canh chừng những kẻ muốn đào ngũ. Tuy nhiên, Shimizu là một binh sĩ gặp bi kịch bởi chính lòng trắc ẩn của mình. Trong buổi đi tuần đêm ở thành phố, anh không chịu bắn chết một con chó nên bị cấp trên trừng phạt và đuổi khỏi biên chế. Đó là một đòn giáng nặng vào danh dự của chàng trai này.

Tướng Tadamichi Kuribayashi hay tin chính phủ Nhật đã không còn khả năng chi viện cho nơi đây. Bầu trời và mặt biển gần như hoàn toàn do người Mỹ làm chủ. Những trận mưa bom bắt đầu trút xuống Iwo Jima, dọn đường cho một cuộc đổ bộ lớn. Quân Nhật đánh chặn kẻ địch trên bờ biển, trước khi rút về các cứ điểm sâu và bắt đầu chuỗi ngày giao tranh đẫm máu.


Nếu Flags of our father ca ngợi tình đồng đội trong chiến tranh, Letters from Iwo Jima lại mang màu sắc bi thương và nêu bật nỗi đau chiến tranh. Từng người Nhật trên hòn đảo đều hiểu rõ tình thế. Trấn thủ Iwo Jima giống như bản án tử cho họ chứ chẳng thể có hy vọng lật ngược thế cờ.

Clint Eastwood không rao giảng đạo đức hay chính nghĩa trong bộ phim này. Đạo diễn gạo cội cũng không đi sâu vào tính đúng sai hay mục đích của cuộc chiến. Trong phần lớn phim, ông chỉ muốn khắc họa chân dung những quân nhân hay nói chính xác hơn là những con người đã bị đặt vào giữa cuộc xung đột. Bộ phim nhờ đó mang tới sự đồng cảm và gần gũi đến nhiều khán giả dù họ đứng về phe nào đi nữa.

Tuyến nhân vật đa dạng đã làm nên sức sống cho tác phẩm. Trước đó, không ít bộ phim Mỹ nhìn quân Nhật theo cách rập khuôn: những kẻ trọng danh dự, cứng rắn, sẵn sàng chết vì quốc gia. Letters from Iwo Jima đưa ra cái nhìn tinh tế và trình hiện những chân dung khác nhau trong chiến tranh. Đó có thể là một anh lính hiền lành chỉ mong được về nhà, một anh lính khác bị xem là yếu đuối do không dám xuống tay, một sĩ quan đầy kiêu hãnh với tấm huy chương vàng Olympic hay một sĩ quan cứng nhắc đặt danh dự lên hàng đầu. Từng người trong số họ bị đặt dưới thử thách khắc nghiệt trong trận chiến và mỗi kiểu cá tính sẽ dẫn đến các phản ứng khác nhau.

Tadamichi Kuribayashi là một nhân vật khá đặc biệt khi từng công tác và có nhiều người bạn ở Mỹ. Đứng trước trận chiến chắc chắn thất bại, ông vẫn bình tĩnh sắp xếp quân lực để có thể kìm chân địch lâu nhất. Kuribayashi sẵn sàng hy sinh theo đúng quan điểm võ sĩ đạo nhưng ông phản đối việc các sĩ quan cứ hễ thua trận là tự sát, thay vì có thể rút lui tìm cơ hội phản công. Qua đó, bộ phim cũng đặt ra câu hỏi về lòng dũng cảm: đó là tự sát để bảo toàn khí tiết và danh dự hay nên sống để còn có thể hy vọng bắt đầu lại.


Sau hơn 15 năm, Letters from Iwo Jima vẫn thường xuyên vào top những bộ phim chiến tranh hay nhất

Nỗi đau đớn thời chiến

Lấy bối cảnh một trong các trận khốc liệt nhất thế chiến, Letters from Iwo Jima không thiếu các phân cảnh đẫm máu có thể khiến khán giả rùng mình. Nhiều góc quay cận cho thấy những người lính bê bết máu hoặc bị bom đánh đến biến dạng. Các mối nguy luôn chực chờ để cướp đi sinh mạng của họ, trong lúc lương thực và nước cạn dần. Clint Eastwood nhìn trực diện vào nỗi đau của chiến tranh trong 140 phút phim. Bất chấp con người chiến đấu vì lý tưởng, vì niềm tin gì, nỗi đau về thể xác và tinh thần trên chiến trường là rất thật. Bỏ qua những được mất ở tầm vĩ mô, chiến tranh có lẽ chỉ là những dư vị cay đắng trên thi thể những người nằm xuống.

Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm được đặt tên là Những lá thư từ Iwo Jima. Một tuyến truyện phụ của phim xoay quanh việc lính Nhật viết thư tay gửi về gia đình, trong đó họ trao gửi những nỗi niềm rất đời thường. Do tình hình chiến sự, những cánh thư ấy đã không bao giờ có thể gửi đi.

Một trong những cảnh xúc động nhất phim là khi các lính Nhật phát hiện một lá thư được tìm thấy trên một người lính Mỹ bị thương. Bức thư là của mẹ người lính, mô tả những tin tức nhẹ nhàng từ nhà anh ta và lời khuyên “luôn làm những gì đúng”. Sau đó, một người lính Nhật đã suy nghĩ về những lời nói đó: “Tôi được dạy rằng họ (người Mỹ) là những kẻ man rợ nhưng những lời của mẹ anh ấy cũng giống như mẹ tôi”. Đó là lúc anh ta nhận ra sự phù phiếm của cuộc chiến cũng như nghi ngờ chính những giá trị được dạy bấy lâu nay.

Letters from Iwo Jima là một trong số ít phim chiến tranh được cả hai quốc gia từng tham chiến tán thưởng. Giới phê bình Mỹ gọi đây là kiệt tác của năm, đánh dấu tài năng của Clint Eastwood trên ghế đạo diễn. Ở giải Oscar năm 2007, phim nhận bốn đề cử, trong đó có giải Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc.


Người Nhật khen tác phẩm có đào sâu nghiên cứu về lịch sử, xã hội để khắc họa chân dung các binh sĩ thời đó. Hình tượng tướng Tadamichi Kuribayashi trong phim, cũng như diễn xuất của Ken Watanabe, đều được đánh giá cao. Suốt năm tuần lễ, phim dẫn đầu phòng vé Nhật Bản.

Sau hơn 15 năm, Letters from Iwo Jima khẳng định giá trị vượt thời gian khi thường xuyên vào top những bộ phim chiến tranh hay nhất. Điều đọng lại sau tác phẩm không phải là sự hùng tráng hay vinh quang mà là những cảm xúc rất thật về nỗi đau chiến tranh mang đến cho con người. Khó có một bộ phim chiến tranh nào có thể nhìn sâu và nhạy cảm đến thế vào tâm trí những người lính. Để rồi, khi vượt qua làn đạn, khán giả chợt nhận ra những người đang đổ máu vì chiến tranh, dẫu khác biệt về tư tưởng, chiến tuyến, lại mang những nỗi lòng tương đồng đến lạ kỳ.

Ân Nguyễn / Theo: PNO