Ảnh: Dan Avila
Pilbara bắt đầu hình thành từ cách đây hơn 3,6 tỷ năm và cảnh quan rộng lớn của vùng này với màu đỏ đậm và cảnh quan trải dài dường như vô tận từ bờ biển phía Tây đến vùng ranh giới Lãnh thổ Bắc Úc, là một miền đất cổ, vùng đất cấm.
Với những người lần đầu tiên đến Pilbara, cảm giác ban đầu về sự đơn độc giữa một không gian rộng lớn có thể khiến họ nản lòng: vùng đất này chỉ có vẻn vẹn 61.000 người trong khi diện tích lớn gần gấp đôi Vương quốc Anh, là một trong những khu vực dân cư thưa thớt nhất trên Trái Đất.
Ảnh: Dan Avila
Lớp vỏ Trái Đất thuộc hàng cổ nhất
Các nhà khoa học đã xác định rằng những khối đá khổng lồ giàu quặng sắt của Pilbara, hình thành trước khi oxy và sự sống được tạo ra, là minh chứng giá trị về lớp vỏ Trái Đất cổ nhất.
Trong khi các mỏ sắt khác trên thế giới được cho là đã hình thành vào khoảng cùng thời điểm, bề mặt của Pilbara vẫn không bị chôn vùi và không bị xáo trộn bởi các cơn đại hồng thủy về mặt địa chất.
"Cảnh quan của Pilbara không chỉ độc đáo về độ tuổi mà còn là về tình trạng bảo tồn đáng kinh ngạc của nó," Martin Van Kranendonk, giáo sư địa chất tại Đại học New South Wales, người đã dành nhiều năm để lập bản đồ và nghiên cứu về Pilbara, cho biết.
Ảnh: Pete West
Sự sống cổ nhất Trái Đất
Theo Van Kranendonk, đá Pilbara cổ xưa đến mức bên trong cấu trúc của nó không có hoá thạch nhưng có stromatolite, bằng chứng hóa thạch về các hình thái sự sống lâu đời nhất trên Trái Đất.
Vào năm 1980, stromatolite hóa thạch 3,45 tỷ năm tuổi đã được tìm thấy ở gần Marble Bar (hình trên) tại Pilbara.
Các thảm thực vật tảo lục lam vi sinh này tồn tại đầu tiên, khi mà các điều kiện trên Trái Đất vẫn chưa hỗ trợ bất kỳ dạng sống nào khác, tạo ra các cấu trúc giống như vỉa quặng hình củ khi chúng giải phóng oxy thông qua quá trình quang hợp.
Điều gây ngạc nhiên là ngay ở phía nam Pilbara tại Hamlin Pool gần Shark Bay hệ thống stromatolite sống lớn nhất thế giới hiện nay vẫn đang sinh sôi nảy nở, thậm chí còn bốc hơi trong lúc tạo ra oxy ở vùng vịnh siêu mặn. Đây là một trong hai địa điểm duy nhất trên Trái Đất còn tồn tại các stromatolite biển vẫn đang sinh trưởng.
Ảnh: Dan Avila
Khám phá Hành tinh Đỏ
Vào năm 2019, các nhà khoa học của Nasa đã tiến hành các cuộc thăm dò ở Pilbara cùng với Van Kranendonk để chuẩn bị tốt hơn cho hành trình đến Sao Hỏa của họ.
"Nhiều người trong số họ chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy bằng chứng về sự sống cổ đại và đó là những gì họ muốn tìm kiếm trên sao Hỏa," Van Kranendonk nói. "Vì vậy, đây thực sự là một trải nghiệm mở mang tầm mắt, giúp họ xem xét và hiểu được các chi tiết và kết cấu của các hệ thống stromatolite đã hóa thạch, từ đó hiểu rõ hơn về những dấu hiệu cần tìm kiếm khi họ thăm dò bề mặt sao Hỏa nhằm tìm kiếm dấu vết của sự sống."
Không chỉ ở vấn đề niên đại, sự tương đồng về mặt hóa học của thành phần đá cho thấy Pilbara rất liên quan đến công tác chuẩn bị cho sứ mệnh chinh phục sao Hoả của các nhà khoa học. "Thành phần của những tảng đá đó và hàm lượng sắt ở Pilbara thật đáng kinh ngạc, tương tự như trên sao Hỏa," Van Kranendonk nói. "Đó là lý do tại sao vùng đất này được mệnh danh là Hành tinh Đỏ".
Ảnh: Dan Avila
Pilbara có thể là vùng đất dữ dằn, khắc nghiệt và đôi khi nguy hiểm cho những người không chuẩn bị kỹ lưỡng để chinh phục nó. Đồng thời Pilbara cũng mang một vẻ đẹp gây ám ảnh và thu hút trí tưởng tượng của du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù khu vực này trông giống như vùng bán sa mạc khô cằn, nhưng ở đây lại có một trong những công viên quốc gia đẹp nhất thế giới.
Được khắc họa nên bởi sự xói mòn đất diễn ra chậm chạp trong hàng tỷ năm, vẻ đẹp lộng lẫy dường như thuộc về thế giới khác của Công viên quốc gia Karijini nằm sâu trong những hẻm núi cổ xưa và những vực thẳm hun hút, nơi những thác nước ngoạn mục và những hố nước trong ngần được tạo ra giữa những tảng đá có vân.
Du khách như lạc vào thiên đường của những bể đá mát lạnh được những dòng suối ngầm nuôi dưỡng, thảm thực vật tốt tươi và rất nhiều loài động vật hoang dã.
Các nhà khoa học có cơ hội tuyệt vời đi qua các hẻm núi ở Karijini đến các mặt cắt ngang của đá xếp lớp được tạo ra một cách tự nhiên, hé lộ nhiều điều về Trái Đất vào thời điểm vùng đất cổ đại này được hình thành.
"Thật là tuyệt; nhờ những hẻm núi đó mà ta có thể nhìn xuyên không để biết được những gì xảy ra trong quá khứ," Van Kranendonk cho biết.
Ảnh: Dan Avila
Hồ nước khoáng thiên nhiên
Các thác nước không ngừng tuôn chảy, các hốc nước và ốc đảo được tìm thấy ở đây càng làm cho du khách thêm kinh ngạc khi so sánh với điều kiện khắc nghiệt bên ngoài Pilbara.
Giống như một bể chứa bí mật và lâu đời, hồ Spa Pool được hình thành từ dòng nước chảy liên tục ở đầu Hẻm núi Hamersley xói mòn vào đá tảng. Hồ có hình dáng giống như một chiếc bồn tắm khổng lồ do được vây bọc gần như hoàn toàn trong bức tường đá nhẵn nhiều màu sắc.
Tiếng suối róc rách nhẹ nhàng liên tục bổ sung nước cho hồ là âm thanh duy nhất vang lên ở một trong những nơi ẩn náu riêng tư tột bậc của Karjini.
Ảnh: Dan Avila
Bí mật ẩn giấu của Australia
Nơi ở duy nhất trong công viên quốc gia là khu nghỉ dưỡng Karijini Eco Retreat của người bản địa. Buổi sáng sớm tại khu nghỉ dưỡng này thật đặc biệt. Không khí trước bình minh mát mẻ tràn trề sinh lực và làn ánh sáng dịu nhẹ được lọc qua những hạt bụi giàu chất sắt lơ lửng trên không làm bão hòa cảnh quan nhiều màu sắc trước khi ánh nắng của buổi sáng muộn tràn đến, quét đi sắc thái bão hòa này cho đến khi mặt trời lặn.
Vào ban đêm, khi bầu trời trở nên quang đãng và không có trăng, Karijini là một thế giới thần tiên với bầu trời đen thẫm huyền bí dành cho những người ngắm sao cũng như các nhiếp ảnh gia chụp sao. Không khí khô và bầu trời đêm không bị ánh sáng làm lóa khiến cho các vì tinh tú của dải Ngân hà hiện ra vô cùng rực rỡ.
"Karijini là một điểm đến độc đáo và mang tính biểu tượng của Australia," bà Marnie Shields, người đồng chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng, nhận xét, và giải thích rằng vẻ đẹp, khả năng tiếp cận và tính đa dạng của Karijini dễ dàng chinh phục du khách.
"Trong lúc khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp này đang được phần còn lại của thế giới khám phá, đây vẫn là một trong những bí mật còn ẩn giấu ngoạn mục nhất của Australia."
Cây vả khổng lồ ở Dale Gorge, gần Fern Pool. Ảnh: Other
Một thế giới tương phản gây sửng sốt
Theo hướng dẫn viên Pete West của Karijini, sự thay đổi rõ rệt về vi khí hậu và động thực vật khiến cho hầu hết du khách sửng sốt khi họ từ bề mặt khô cằn đi xuống những hẻm núi xanh tươi, sum suê.
"Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng có một môi trường vi mô khác bên biệt trong các hẻm núi", anh nói. "Hệ thực vật khác biệt đáng kể so với bề mặt, như các cây thuộc chi tràm, là loài cây lớn nhất ở Pilbara. Loài cây này không mọc trên bề mặt mà chỉ mọc ở các lòng sông. Rồi đến những cây dương xỉ mảnh dẻ, rêu và cây sung lá lớn (hình trên). Phía trong và bên ngoài hẻm núi rõ ràng là hai hệ sinh thái khác hẳn nhau."
Việc hẻm núi có nước thường xuyên là điều kiện cơ bản để tạo ra một môi trường vi mô trong hẻm núi, giúp cho cá, cáo bay và nhiều loại động vật ăn thịt tận dụng các điều kiện tối ưu để sinh sống ở đây. Các loài bò sát nơi này cũng phong phú đến mức đáng kinh ngạc, từ những con rồng sa mạc nhỏ bé đến những con trăn dài tới 5m.
Ảnh: Dan Avila
Địa điểm quan trọng dành riêng cho phụ nữ
Karijini cũng là một địa điểm có ý nghĩa văn hóa quan trọng đối với người bản địa, với một số khu vực trong công viên được công nhận là khu vực chỉ dành cho phụ nữ và những khu vực khác hoàn toàn dành cho nam giới.
"Chẳng hạn, có những nơi phụ nữ sẽ đến nếu họ muốn mang thai và lại có những nơi khác họ sẽ đến nếu họ muốn sinh đôi," nhà nhân chủng học, Tiến sĩ Amanda Harris, người đã làm việc ở khắp Pilbara với những chủ nhân truyền thống của Karijini, giải thích.
Hồ Fern Pool (hình trên), nằm trong một môi trường giống như hồ cạn tại nơi bắt đầu của hẻm núi Dale's của Karijijni, là một địa điểm quan trọng dành riêng cho phụ nữ đối với người dân bản địa Banjima.
Thế nhưng, không giống như các điểm đến khác của người địa phương nơi khách du lịch thường bị cấm, chẳng hạn như lệnh cấm leo núi tại địa điểm đá sa thạch Uluru hay lệnh cấm chụp ảnh tại các khu vực trong công viên bảo tồn Kunku-Breakaways gần thị trấn Coober Pedy, những chủ nhân truyền thống của Karijini chào đón tất cả các vị khách và chỉ yêu cầu du khách phải có thái độ tôn trọng và đi lại nhẹ nhàng.
Ảnh: Dan Avila
Nơi nghỉ ngơi
Các nhà khoa học tin rằng người Banjima và tổ tiên của họ đã sử dụng Karijini, có nghĩa là "nơi đồi núi" trong ngôn ngữ thổ dân địa phương, làm địa điểm gặp gỡ trong vòng 30.000 đến 40.000 năm qua.
Các bộ lạc du mục của Pilbara duy trì cuộc sống trong một môi trường đầy thử thách với việc thu thập hàng ngày các tài nguyên thiết yếu để tồn tại.
Karijini là nơi nghỉ ngơi, chỗ trú ẩn và nguồn nước thường xuyên.
"Karijini được tất cả các bộ tộc lân cận gọi là nơi gặp gỡ, như vẫn vậy từ rất lâu đời, nơi hoạt động kinh doanh được tiến hành, các gia đình tụ họp, hôn nhân được sắp đặt, truyền thuyết được xem xét thông qua. Điều này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay", West nói.
Núi Bruce (hình trên), đỉnh núi cao thứ hai ở Tây Úc, nằm ở lối vào Karijini và có tầm quan trọng cả về cấu trúc địa chất lẫn đặc trưng bản địa. Những người bản địa gọi tên núi là Punurrunha, nơi đây là một địa điểm linh thiêng và có ý nghĩa rất lớn lao trong Luật Thổ dân.
Đối với người Banjima, đỉnh núi này hoàn toàn là một địa điểm chỉ dành cho nam giới, thậm chí một số phụ nữ cao tuổi cũng không nhìn lên đỉnh núi khi họ đi ngang qua.
Tuy nhiên, du khách không bị hạn chế chụp ảnh hoặc thậm chí là trèo lên đỉnh núi.
Ảnh: Dan Avila
Kiến thức tổ tiên để lại
Pilbara vẫn đang tiết lộ những bí mật mới về hoàn cảnh ban đầu trên Trái Đất và cuộc sống của những cư dân đầu tiên trong khu vực. Nếu như những khám phá mới về việc con người liên tục sinh sống ở Pilbara lâu đến mức nào đã gây ngạc nhiên đối với các nhà khoa học, thì đó lại là chuyện dân bản địa luôn biết đến từ lâu rồi.
"Bởi vì chúng tôi biết cuộc sống cũng như là một con người chúng tôi luôn biết rằng cuộc sống [của con người] đã bắt đầu ở đây," ông lão Clinton Walker người Yindjibarndi và Ngarluma và cũng là hướng dẫn viên du lịch bản địa ở Pilbara, cho biết.
"Thế giới đã bắt đầu ở đây, mọi thứ bắt đầu ở đây. Từ cách nhìn của chúng tôi thì chúng tôi chưa bao giờ tin rằng mình đến từ bất kỳ nơi nào khác nơi này, và chúng tôi đã được tạo ra trong cảnh quan này bởi những đấng cao siêu hơn chúng tôi rất nhiều, những vị này cũng đã dạy chúng tôi tất cả kiến thức mà chúng tôi có được."
Ảnh: Dan Avila
Ghi chép về các loài thú có túi, chân to đã tuyệt chủng
Đầu năm nay, khi đang theo dõi thủy triều xuống ông Walker đã tìm thấy các bản khắc trên đá cổ mô tả dấu chân của chuột túi trong vùng thủy triều của Bán đảo Burrup ở Pilbara.
Ông tin rằng đây là lần đầu tiên dấu vết loại này được tìm thấy dưới nước ở Australia, sự kiện chắc hẳn sẽ thu hút được sự quan tâm đáng kể của giới khoa học. Ông giải thích rằng, theo lý thuyết hiện nay về nguồn gốc, hình khắc này có thể đã được tạo ra sau kỷ băng hà cuối cùng khi mực nước thấp hơn 100m, trong khoảng thời gian từ 7.000 đến 18.000 năm trước.
Ông Walker thích thú chỉ cho các vị khách xem tác phẩm nghệ thuật trên đá của địa phương có khắc những hình ảnh quan trọng như loài thú có túi chân to đã tuyệt chủng (hình trên) và tin rằng vẫn còn nhiều khám phá, dưới nước cũng như trên cạn, cần phải tiến hành.
"Thật thú vị, ngay cả khi đang đi hướng dẫn du lịch, tôi vẫn sẽ tìm thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật mới trên đá ở chính những nơi mà tôi đã đến nhiều lần rồi," West nói. "Thậm chí là cả những người khách cũng tìm thấy những thứ mà tôi chưa từng thấy trước đây. Mọi người đều rất thích thú."
Ảnh: Dan Avila
Một nơi huyền diệu
Sự kỳ diệu của Pilbara nằm ở gốc gác cổ xưa của vùng đất này. Không có đám đông, hàng rào, các tòa nhà hay những dấu hiệu khác mà thời hiện đại áp đặt nơi đây. Đơn giản là một địa điểm lâu đời như chính thời gian và những người trông coi vùng đất chào đón ta thực hiện hành trình khám phá của riêng mình.
"Nơi đây dành cho những người khám phá. Các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, họa sĩ, nhà địa chất, những người yêu thiên nhiên," West nói.
Dan Avila
BBC Travel
Link tiếng Anh: