Mãng cầu xiêm - thứ cây trái có quanh năm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên... và còn gọi là mãng cầu gai, na xiêm, na gai; tên khoa học: Annona muricata. Mãng cầu xiêm có màu xanh lục, khi chín rục sẽ chuyển sang màu vàng. Vỏ trái rất mỏng, phần thịt màu trắng chứa nhiều hạt màu đen.
Mãng cầu xiêm có màu xanh lục, khi chín rục sẽ chuyển sang màu vàng. Vỏ trái rất mỏng, phần thịt màu trắng chứa nhiều hạt màu đen. Trái mãng cầu xiêm nặng trung bình từ 1 – 2kg có khi đến 2,5kg. Trái thường được hái lúc còn xanh cứng, để bốn, năm ngày sau mới ăn, lúc này mãng cầu xiêm ngon nhất vì trái đã chín mềm.
Mãng cầu xiêm thường được làm nước giải khát như sinh tố, kem, mứt, kẹo… Không dừng đó, với sự sáng tạo trong chế biến thức ăn của người dân miệt đồng bằng thì trái mãng cầu đã được làm thành món gỏi. Nhất là mùa giáp tết mãng cầu xiêm rộ trái, chắc thịt làm gỏi thì khỏi chê.
Dùng làm gỏi phải chọn trái chín già nhưng còn cứng, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn dày chừng 3 li đem ngâm nước đá cho giòn. Tôm thịt luộc chín, hành tây cắt mỏng, rau thơm trộn chung với mãng cầu. Tuy đã có tôm tươi nhưng món gỏi mãng cầu không thể thiếu tôm khô phi với tỏi cho vàng rồi trộn vào.
Để gỏi mãng cầu thêm đậm đà, người ta còn ép lấy nước mãng cầu pha thành nước trộn gỏi. Từ đó sẽ có một sự tổng hoà các vị và hương thơm của mặn, ngọt, chua, cay có trong cả nước mắm, tỏi, ớt, đường,… làm cho món gỏi mãng cầu càng dậy mùi đặc trưng. Thêm dĩa bánh phồng tôm ăn kèm gỏi thì đến những món gỏi trong nhà hàng cũng phải… chào thua.
Theo: SGTT