Những thước phim êm đềm
Trong dòng thác các sản phẩm điện ảnh giải trí có quy mô ngày càng lớn, ít tác phẩm tài liệu nào có thể trở thành hiện tượng phòng vé. Vậy mà một bộ phim Hàn Quốc đã ngoạn mục làm được điều đó. Vào tuần cuối của tháng 11/2014, tác phẩm này dẫn đầu bảng xếp hạng cuối tuần, đứng trên ba phim Hollywood là Interstellar, Exodus: Gods and Kings và The theory of everything. My love, don't cross that river (Mình ơi, xin đừng qua sông) cuối cùng đã thu đến 34,3 triệu USD, gấp 300 lần kinh phí sản xuất, đồng thời được xem là một trong những bộ phim tài liệu nổi bật nhất thập niên 2010.
Càng tuyệt vời hơn khi tác phẩm làm được kỳ tích gần như chỉ nhờ hiệu ứng truyền miệng của khán giả. Theo tờ Korea Herald, trong tuần đầu, giới chủ rạp chỉ dành cho phim 186 phòng chiếu. Nhưng, đến tuần thứ ba, con số này là 806, cao nhất trong lịch sử phim tài liệu Hàn Quốc. Dòng khán giả đổ xô đến rạp đơn giản bởi câu chuyện đã chạm đến trái tim họ.
My love, don't cross that river lấy bối cảnh một ngôi làng ở triền núi Hàn Quốc, nơi ông Jo Byeong-man (gần 100 tuổi) và bà Kang Kye-yeol (gần 90 tuổi) đi qua cuộc hôn nhân dài 76 năm. Những thước phim chầm chậm dõi theo sinh hoạt của họ như gánh củi, chăm sóc nhà cửa, nuôi chó.
Ở tuổi gần đất xa trời, bộ đôi vẫn không ngừng dành những lời tốt đẹp và đầy lãng mạn cho nhau. Một đêm nọ, ông dắt tay bà đến nhà vệ sinh, chờ bên ngoài và cất giọng hát một ca khúc quen thuộc. Còn bà ân cần hỏi ông có lạnh không. Cứ thế, đôi vợ chồng như đôi trẻ chớm yêu.
Lúc khác, họ cài hoa dại lên tóc nhau với ánh nhìn mãn nguyện, thanh thản nắm tay đi dạo trong những bộ hanbok sáng màu. Vào mùa đông, họ cùng nướng thức ăn hay bốc tuyết chơi đùa. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi tưởng chừng như bất tận.
Đôi vợ chồng cưới nhau từ khi bà 14 tuổi, có đến 35 người con cháu nhưng đều đã ra riêng. Jo và Kang chọn sống ở vùng quê vắng người, dành cho nhau những cử chỉ ân cần và tinh tế cứ như đám cưới của họ chỉ mới ngày hôm qua. Song, cụ ông đã mất thính lực, khó thở và ngày càng suy yếu. Đôi vợ chồng cũng dự cảm được ngày chia ly đang đến gần.
Hạnh phúc là gì và đến từ đâu?
Giữa thời đại nhịp sống ngày càng hối hả, tác phẩm của Jin Mo-young như kéo tuột người xem khỏi những tất bật, ganh đua. Từng khung hình không nhắm đến biến cố hay xung đột, mà đơn giản khắc họa hành động đời thường của đôi vợ chồng ngoài 90 tuổi.
Những thước phim không kịch tính hóa cuộc sống mà chỉ phản ánh cuộc sống như nó vốn có, lặng lẽ trôi với những niềm vui nho nhỏ, miên man với nỗi buồn như tan loãng vào không gian.
My love, don't cross that river cũng để lại không ít suy ngẫm cho những ai hay tự hỏi: “Hạnh phúc là gì và đến từ đâu?”. Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol không nhiều tiền bạc, không lệ thuộc công nghệ hiện đại và cũng chẳng còn quan tâm đến hơn thua trong đời. Niềm vui của họ giản đơn là những lần nắm tay nhau đi dạo, gội đầu hay chơi hắt nước vào nhau. Ở góc độ nào đó, họ đã quay về với sự hồn nhiên nguyên thủy như trẻ con.
Nhìn sự viên mãn trong hai đôi mắt đã nhăn nheo ấy, ta hẳn chợt nghĩ hạnh phúc thật sự có lẽ nằm ở suy nghĩ bên trong mỗi người, ở sự hài lòng với những thứ mình có. Dẫu những thứ hai ông bà trao nhau quá đỗi bình thường, mấy ai trong chúng ta, với đủ đầy vật chất, có thể tự tin tuyên bố rằng mình hạnh phúc hơn?
Tên phim dựa theo một bài hát Hàn Quốc về người chồng lo cho vợ nên băng qua sông thay cô. Nó mang một lớp nghĩa khác ở đoạn cuối khi cái chết tìm đến cụ ông. Phân cảnh cụ bà đứng bên đống lửa giữa trời tuyết trắng để tâm tình với người quá cố gây xúc động mạnh bởi tình cảm thuần khiết.
Tuy nhiên, ngay cả khi cụ ông không còn, tình yêu của họ vẫn vĩnh cửu. Khi bà Kang đau buồn, chúng ta khóc cùng bà, với những giọt lệ thấu cảm.
My love, don’t cross that river còn để lại ấn tượng đậm bởi đây là câu chuyện của những con người thật. Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol từng xuất hiện trong chương trình Gray-haired Lovers của đài KBS vào năm 2011. Sau khi xem chương trình này, đạo diễn Jin Mo-young tìm đến ngôi làng ở tỉnh Gangwon để xin phép quay phim. Được đôi vợ chồng chấp thuận, anh đến làng sống trong 15 tháng để ghi hình mọi hoạt động của họ.
“Tôi muốn quay về tình yêu trọn đời mà không có những chiêu trò giả tạo. Tôi muốn kể về tình yêu vĩnh cửu qua bộ phim này”, Jin nói.
Nhờ sự sát sao và tỉ mỉ của Jin, tác phẩm đậm chất hiện thực và bắt được nhiều tình tiết nhỏ thú vị. Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol không hề diễn mà chỉ đơn giản là chính mình, làm mọi thứ hằng ngày vẫn làm. Chúng ta có thể gặp hình ảnh họ ở cha mẹ, ông bà mình. Sự phi thường của bộ phim bắt nguồn từ chính sự bình thường, tưởng chừng giản đơn đó.
Niềm cảm hứng xuyên biên giới
My love, don’t cross that river lần đầu ra mắt ở Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế DMZ (Hàn Quốc) năm 2013, nơi nó đoạt giải thưởng do khán giả bình chọn. Một năm sau, tác phẩm làm nên câu chuyện cổ tích ở phòng vé, trở thành bộ phim độc lập ăn khách nhất mọi thời đại ở Hàn Quốc.
Nội dung ấm áp của tác phẩm đã chạm tới nhiều thế hệ người xem. Kim Eun-ah - một nhân viên văn phòng 28 tuổi - cho biết cô được truyền cảm hứng bởi sự gắn bó và tận tâm của đôi vợ chồng trong thời gian dài. “Chúng tôi sống trong một xã hội mà mọi thứ thay đổi quá nhanh, kể cả các mối quan hệ”, cô giải thích.
Chung Hye-ran - một phụ nữ ngoài 50 tuổi - nói muốn trải qua tuổi già cùng chồng như trong phim, để tìm hạnh phúc nơi những điều giản đơn.
Khi phim ra mắt ở Hàn Quốc, đạo diễn nghĩ đối tượng khán giả chủ yếu ngoài 40 tuổi. Nhưng rồi anh ngạc nhiên khi phòng chiếu tràn ngập những người thuộc độ tuổi 20 và 30. Chuỗi rạp CGV cho biết đến 54,2% số người xem vào khoảng 20 đến 29 tuổi. Những người trẻ lại giới thiệu nó cho bố mẹ mình để biến My love, don’t cross that river thành bộ phim quốc dân.
Tầm ảnh hưởng của tác phẩm dài 85 phút không dừng lại ở biên giới Hàn Quốc. Năm 2015, My love, don’t cross that river thắng giải phim tài liệu ở Liên hoan phim Los Angeles (Mỹ), sau đó được các nhà phê bình phương Tây tán dương. Tờ New York Times khen ngợi khả năng quan sát của đạo diễn và chất thơ trong phần hình ảnh.
Tờ Los Angeles Times nhận định phim kết hợp đầy cảm xúc giữa niềm vui và nỗi buồn. Cùng nhiều tác phẩm chất lượng khác, My love, don’t cross that river đã giúp nâng tầm điện ảnh Hàn Quốc trong mắt cộng đồng phim Âu Mỹ.
Cảm hứng từ tác phẩm này khiến Netflix sản xuất loạt phim tài liệu My love: six stories of true love, phát sóng vào tháng Tư năm nay. Loạt phim kể về sáu cặp đôi bền chặt ở Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ. Mỗi nước có một đạo diễn theo chân họ trong một năm, ghi lại hoạt động lẫn cảm xúc, chia sẻ của các nhân vật.
Cảm hứng từ tác phẩm này khiến Netflix sản xuất loạt phim tài liệu My love: six stories of true love, phát sóng vào tháng Tư năm nay. Loạt phim kể về sáu cặp đôi bền chặt ở Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ. Mỗi nước có một đạo diễn theo chân họ trong một năm, ghi lại hoạt động lẫn cảm xúc, chia sẻ của các nhân vật.
Chính Jin Mo-young là giám đốc sản xuất loạt phim này với ước mơ chia sẻ thêm nhiều chuyện tình có thật, hy vọng khán giả học được những bài học giá trị từ đó. “Những câu chuyện với phần hình ảnh bắt mắt và kịch tính có thể truyền năng lượng cho bạn. Tuy nhiên, tôi tin những câu chuyện thật trong phim tài liệu có sức mạnh lớn hơn để mang lại thay đổi mạnh mẽ lẫn cảm hứng cho cuộc sống và thái độ của chúng ta”, anh chia sẻ với The Nerds of Color.
Trong những ngày thế giới tràn đầy lo lắng, bất an, My love, don’t cross that river có lẽ là sự lựa chọn dành cho những người đang mất niềm tin vào tình cảm, muốn chứng kiến tình yêu vĩnh cửu, hay chỉ là tìm một chút êm đềm, hạnh phúc giữa quá nhiều biến động này.
Ân Nguyễn
No comments:
Post a Comment