Friday, October 28, 2022

KIẾM HIỆP KIM DUNG CÓ 1 NHÂN VẬT SỐNG DAI NHỜ VÔ DỤNG, ĐÓ LÀ AI?

Kiếm hiệp Kim Dung là "xã hội" hội tụ rất nhiều nhân vật võ công siêu phàm, đại diện cho chính - tà "không đội trời chung. Tuy nhiên, trong "xã hội" đó cũng có những nhân vật được gọi là "cao thủ chém gió".

Đào Cốc Lục Tiên

Kim Dung (tên thật là Tra Lương Dung, 1924 - 2018) là 1 trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông chính là "cha đẻ" của loạt tiểu thuyết kiếm hiệp "vang danh tứ phương".

Với trí tưởng tượng phong phú và bút pháp điêu luyện của mình, Kim Dung đã "vẽ" ra hằng hà sa số các nhân vật với những tính cách khác nhau. Có tà, có chính, đứng giữa lằn ranh tà - chính, hành xử theo cách riêng của mình...

"Tấu hài" kiếm hiệp Kim Dung

Như một cách làm dịu đi "chất căng" trong các cuộc luận anh hùng kéo dài bất tận, Kim Dung khéo léo chèn vào những nhân vật rất "tấu hài". Võ công của họ rất bình thường nếu không muốn nói là... tầm thường. Thế nhưng, chỉ cần họ xuất hiện là thấy cả bầu trời náo nhiệt.

Cụ thể, trong "Tiếu ngạo giang hồ", đó là hình ảnh Đảo cốc lục tiên với những lý luận đúng - sai không bao giờ có hồi kết khi ai cũng cho mình là đúng.

Trong "Thiên Long bát bộ", đó là Nam Hải Ngạc Thần nổi tiếng tàn ác nhưng luôn giữ chữ tín, đã hứa là làm, chấp nhận lạy "tiểu bối" Đoàn Dự làm sư phụ (và sau này cũng chết khá "oanh liệt" vì nghĩa cứu "sư phụ").

Hay nhân vật Bao Bất Đồng - thuộc hạ của Mộ Dung Phục với câu nói cửa miệng "sai bét, sai bét rồi", bất kể người đối diện tranh luận là ai.

Cừu Thiên Trượng dùng sự khéo tay, nghệ thuật sắp đặt của một "ảo thuật gia" để lừa người

Đến "Thần điêu hiệp lữ" thì có "ảo thuật gia" Cửu Thiên Trượng - anh em song sinh với Thiết chưởng thủy thượng phiên Cửu Thiên Nhẫn. Ngoại hình giống người em võ công bậc nhất nên Cừu Thiên Trượng đi khắp giang hồ "lừa người", tạo ra không ít tình huống hài hước, dở khóc, dở cười.

Hài hước hơn cả là hình ảnh Thái nhạc tứ hiệp xuất hiện ngay đầu "Uyên ương đao" với hình dáng vô cùng cổ quái theo kiểu "chân nhân bất lộ tướng" khiến ai mới nhìn cũng khiếp sợ. Nhưng sau một vài hồi chuyện, người đọc mới vỡ òa các bạn trẻ này "bất lộ tướng" mà cũng "bất chân nhân luôn".

Khua chân múa tay cho vui từ cái ngoại hiệu dài dằng dặc, đọc méo cả mồm như lão tứ trong Thái nhạc tứ hiệp là Bát Bộ Cản Thiêm, Trại Chuyên Chư, Đạp Tuyết Vô Ngấn, Độc Cước Thủy Thượng Phi, Song Thích Cái Thất Tỉnh Cái Nhất Minh, khi gặp "biến" là hô to "Gió lớn, gió lớn" chạy nhanh còn kịp!

Nói chung, trong kiếm hiệp Kim Dung có rất nhiều nhân vật vui vẻ, tấu hài, khả năng "chém gió" thuộc hàng thượng thừa. Nhưng võ công lại thuộc hàng "chán vô cùng".

Trong rất nhiều bộ kiếm hiệp của Kim Dung, chỉ có duy nhất 1 nhân vật võ công hạng bét, chém gió bị bắt bài mà vẫn "sống thọ", đó là Vạn Thọ Vô Cương Thọ Nam Sơn trong "Ỷ thiên đồ long ký".

Thọ Nam Sơn chém gió, sống dai nhờ... vô dụng

Vạn Thọ Vô Cương Thọ Nam Sơn chỉ xuất hiện trong "ý thiên đồ long ký" ở vài trang ít ỏi nhưng lại ghi dấu ấn khó quên.

Cụ thể, trên hành trình đi tìm nghĩa phụ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn tóm được Thọ Nam Sơn như một đầu mối. Thực tình, Thọ Nam Sơn chưa từng gặp Tạ Tốn, vậy mà dám khoe vốn hiểu biết của mình, hắn sẵn sàng tô vẽ chuyên về hình dáng như: khổng lồ, đặc biệt là đôi mắt sáng quắc" (nhân vật võ lâm cao thủ nào đôi mắt chả sáng, toát lên thần khí hắn đoán vậy chứ ai ngờ Tạ Tốn bị mù) khi đối thoại với Trương Vô Kỵ.

Tài của Thọ Nam Sơn là khi bị gặng hỏi, hắn "lùi dần". Bắt đầu là "chắc tiểu nhân nhìn lầm người" và cuối cùng khi biết không thể chối, Thọ Nam Sơn mạnh dạn thừa nhận chưa từng gặp Tạ Tốn. Hắn chỉ nghe các "sư huynh nói lại mà thôi".

Triệu Mẫn - Trương Vô Kỵ

Điệu bộ và cách ăn nói uyển chuyển, nhất là tài "đi chợ nấu cơm" của Thọ Nam Sơn đã khiến Triệu Mẫn "máu lạnh" cũng phải bật cười.

"Thọ Nam Sơn, ngươi học võ thì chẳng bằng ai nhưng làm quản gia thì thật là nhân tài hạng Nhất", Triệu Mẫn dành lời khen cho "lão quan gia" ngắn hạn Thọ Nam Sơn.

Sau cùng, Thọ Nam Sơn được Triệu Mẫn tha vì giữ lại cũng chẳng giúp ích gì trong việc tìm kiếm tung tích Tạ Tốn.

Tha rồi Triệu Mẫn còn kèm theo lời "hù" cả đời còn lại chỉ sống ở phương Nam, sống ở nơi càng nóng càng tốt chứ "thấy băng tuyết là lăn ra chết ngay".

Thọ Nam Sơn giảo hoạt là thế mà khi bị "dọa chết" là lập tức vô cùng "cẩn thận", y lời Triệu Mẫn cả đời còn lại "cửa đóng then cài", giữ gìn sức khỏe mỗi khi "thay đổi thời tiết", "gió máy" và quả thật sống rất dai, đúng với biệt danh Vạn Thọ Vô Cương!

Theo: Dân Việt