Đời người vốn không có tấm vé khứ hồi, một khi đã mất đi rồi mãi mãi không quay trở lại. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)
Hầu hết những điều tốt đẹp trong cuộc sống đều ngắn ngủi và dễ dàng mất đi. Vậy nên hãy tận hưởng và trân trọng, hãy đối xử tốt với mọi người xung quanh, đừng lãng phí thời gian để chờ đợi “kết thúc có hậu” của mọi vấn đề nan giải, đừng dành những điều tốt nhất cho đến cuối cùng.
Dành dụm tiền để sau khi về hưu rồi mới hưởng thụ. Kết quả là sau khi nghỉ hưu, bởi vì tuổi tác cao, sức khỏe kém đi, hành động bất tiện, thành ra chỗ nào cũng không đi được. Để dành tiền dưỡng già, kết quả khi con cái trưởng thành rồi, muốn ra nước ngoài du học, muốn lập nghiệp làm ăn, muốn cưới vợ. Tiền hưu dành dụm bấy lâu cũng đều vụt đi mất.
Khi có đủ năng lực thiện đãi bản thân, mong bạn hãy thực hiện ngay đi, chứ đừng đợi đến sau này. Người già đôi khi cũng không thể làm được những việc mà người trung niên hoặc người trẻ tuổi có thể làm được, bởi vì tuổi tác và sức khỏe chính là một yếu tố lớn. Ngay khi con cái còn nhỏ hãy bảo với chúng rằng: “Bố mẹ chỉ nuôi con ăn học đến hết cấp 3 thôi, lên đại học con phải tự lực cánh sinh, muốn du học, muốn lập nghiệp, muốn cưới vợ, thì hãy tự mình nghĩ cách”. Còn bản thân nên giữ lại một ít tiền, đừng chỉ mãi sống vì con cái.
Năm ngoái, vợ người bạn thân của tôi qua đời, tai nạn bất ngờ này thực sự khiến người ta rất khó chấp nhận, nhưng cái chết thường đến mau lẹ như vậy đó. Người bạn nói, vợ anh luôn hy vọng sẽ được chồng tặng hoa vào mỗi dịp đặc biệt, nhưng người chồng cảm thấy như vậy thật lãng phí, lúc nào cũng lần lữa để lần sau hẵng mua, kết quả sau khi vợ chết, lại kết hoa tươi quanh linh cữu vợ. Đây chẳng phải quá ngốc hay sao?
Chờ đợi…… chờ đợi……, có vẻ như toàn bộ cuộc đời chúng ta đều dành để chờ đợi.
Chúng ta thường nói với bản thân :
“Đợi sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ như thế này…”
“Đợi sau khi tôi mua được nhà!”…
“Đợi sau khi con út nhà tôi kết hôn đã!”…
“Đợi sau khi vụ làm ăn này êm xuôi đã! “…
“ Đợi sau khi tôi chết!”…
Mọi người ai cũng bằng lòng hi sinh hiện tại để đổi lấy một sự chờ đợi mịt mờ, hi sinh đồng tiền cực khổ kiếm được kiếp này để mua sự an nhàn cho con cháu sau này.
Ở Đài Loan, chỉ cần đi trên con đường núi, khắp nơi đều có thể nhìn thấy: nông trại biến thành chùa chiền, đồi núi biến thành thiền viện. Chẳng qua cũng là để sau khi chết, có thể bảo đảm không phải lại chịu đau khổ nữa.
Rất nhiều người cho rằng, nhất định phải đợi đến một lúc nào đó hoặc khi một chuyện nào đó đã xảy ra, rồi mới tiếp tục làm. “Ngày mai, mình sẽ bắt đầu vận động”; “Ngày mai, mình sẽ tốt với người ấy hơn”; “Tuần sau tụi mình dành thời gian ra ngoài nhé”; “Đợi về hưu rồi, chúng mình tha hồ mà hưởng thụ”…
Tuy nhiên, cuộc sống luôn biến động, hoàn cảnh thường luôn thay đổi không thể đoán trước. Trong hiện thực cuộc sống, những vấn đề bất ngờ xảy đến nhiều vô kể. Chúng ta cần đối mặt với cuộc sống thế nào? Chúng ta không cần phải chờ đợi một cuộc sống hoàn hảo, cũng không cần phải đợi cho đến khi mọi thứ đều ổn định. Muốn làm gì, bây giờ hãy cứ bắt tay vào làm.
Một người không bao giờ có thể đoán trước tương lai, do đó, đừng trì hoãn cuộc sống mà mình muốn sống, đừng keo kiệt thổ lộ tấm lòng, bởi vì sinh mệnh chỉ trong tích tắc.
Hãy nhớ, đừng bao giờ tạo cho mình khoảng trống “hối hận đã muộn”. Người chết rồi thì không thể theo đuổi ước mơ, người còn sống lại chưa biết sẽ xảy ra điều gì, điều quan trọng nhất và cần thiết nhất là nắm chắc hiện tại, mà trong lúc hai người còn đang do dự, nó đã vụt bay mất rồi.
Đời người ngắn ngủi vô định, có một bài thơ như thế này:
“Cao nguyên và đất bằng, đằng đẵng kiếp nhân sinh, đi theo chiều hướng nào, chớp mắt thành nấm mộ”. Chính là nói rõ đời người mau lẹ như vậy đó, chớp mắt đã thành người thiên cổ.
Có rất nhiều điều, trước khi bạn hiểu được phải trân trọng, thì nó đã trở thành quá khứ; có rất nhiều người, trước khi bạn thật tâm, đã trở thành người xưa mất rồi.
Những sự việc đáng tiếc không ngừng xảy đến, sau khi qua rồi có hối cũng đã muộn, “khi đó” đã trở thành quá khứ, người bạn nhớ nhung cũng đã rời bỏ bạn.
Một câu châm ngôn Thụy Điển nói rằng: “Chúng ta già đi quá nhanh, nhưng lại thông minh quá muộn”. Dù cho bạn có nhận ra hay không, cuộc đời vẫn luôn hướng về phía trước.
Đời người vốn không có tấm vé khứ hồi, một khi đã mất đi rồi mãi mãi không quay trở lại. Chúng ta luôn muốn dành những điều tốt đẹp đến sau này, nhưng lại không biết mình đã đánh mất bao nhiêu hạnh phúc.
Có câu chuyện xưa kể về ngày cuối cùng của một tội phạm tử hình như sau:
Một thanh niên nọ suốt ngày chỉ biết ăn không ngồi rồi, toàn đi trộm gà trộm chó. Một ngày nọ, anh ta đi trộm ngựa ở doanh trại quân đội, bất cẩn bị bắt được. Tướng quân nổi giận lôi đình muốn chặt đầu anh ta để cảnh cáo dân chúng, nhưng cho phép anh ta nói ra tâm nguyện cuối cùng của mình trước khi chết.
Người thanh niên đau khổ nói: “Tôi muốn nấu cơm cho mẹ, từ nhỏ tôi luôn làm mẹ tức giận mà chưa từng hiếu kính với bà”.
Tướng quân hỏi: “Còn gì nữa không?”.
“Tôi muốn xin lỗi Tiểu Thúy, tôi đã hứa sẽ tặng trâm ngọc cho nàng, nhưng xem ra là không làm được rồi”.
“Còn nữa không?”.
Người thanh niên gào khóc nói: “Tôi còn muốn học để kiếm việc làm, không muốn trộm gà trộm chó nữa, thế nhưng bây giờ nói gì cũng đã muộn rồi…”
Tướng quân nghe xong cuối cùng lại thả anh ta đi và nói:
“Ngươi đường đường là đấng nam nhi, hiếu kính mẹ già, tặng trâm ngọc cho người yêu, học nghề – vì sao đến ngày cuối cùng mới nghĩ đến làm những điều này vậy?. Ta lệnh cho nhà ngươi từ nay về sau phải xem mỗi ngày đều là ngày cuối cùng, có như vậy thì mới không phụ ta tha cho người một mạng”.
Chàng trai đã thức tỉnh, quyết không thể để những điều quan trọng đến phút cuối mới làm, nếu không thì sẽ tiếc nuối cả đời.
Vậy nên, hãy sống cho hiện tại, đừng bỏ lỡ thời gian, đừng lãng phí cuộc đời, đừng để những điều tốt đẹp nhất đến lúc cuối cùng mới làm, đừng để người quan trọng nhất đến phút cuối cùng mới yêu thương họ! Hầu hết tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống đều ngắn ngủi vô thường, thay vì lãng phí thời gian để chờ đợi “cái kết có hậu”, chi bằng hãy nắm chắc hiện tại, tận hưởng và trân trọng những điều tốt đẹp vốn đang ở bên ta.
Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch / ĐKN