Kimchi là món ăn được nhắc đến như một đại diện của ẩm thực Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1996 kimchi trở thành chủ đề tranh cãi của hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là thời điểm Nhật Bản đề nghị món kimchi của Nhật (trong tiếng Nhật gọi là kimuchi) làm món ăn chính thức trong Thế vận hội diễn ra năm 2000.
Feta, một loại pho mát truyền thống làm từ sữa dê và sữa cừu, là trung tâm của cuộc tranh giành thương hiệu ẩm thực diễn ra giữa các nước châu Âu gần 20 năm qua. Loại pho mát này từng trở thành chủ thể tranh cãi trước tòa vì Hy Lạp muốn feta trở thành món ăn quốc gia chính thức và có độc quyền sử dụng thương hiệu, trong khi Đan Mạch, Đức, Bulgaria... cũng chỉ ra những luận điểm để đưa món pho mát feta về làm của riêng.
Hummus là một món ăn của vùng Trung Đông và Ả Rập, làm từ đậu chickpea nấu chín, nghiền nhuyễn trộn với xốt tahini, dầu ô liu, nước cốt chanh muối và tỏi. Các đầu bếp Israel đã lập kỷ lục nấu chảo hummus lớn nhất vào tháng 1/2010 từ hơn 4 tấn nguyên liệu. Tháng 5/2010 kỷ lục này đã bị phá vỡ vì các đầu bếp Lebanon nấu hummus đã sử dụng tới hơn 10 tấn nguyên liệu. Cả người Lebanon và người Israel đều tuyên bố hummus là món ăn dân tộc của mình nhưng đến nay vẫn chưa có bên chiến thắng.
Australia và New Zealand luôn tranh cãi về nguồn gốc của pavlova, một món ăn tráng miệng xốp phồng, mềm mại. Pavlova được cho là đặt theo tên của Anna Pavlova, một vũ công xinh đẹp người Nga. Từ điển quốc gia Australia mô tả pavlova là món tráng miệng nổi tiếng của nước họ. Bà Helen Leach, nhà nghiên cứu ẩm thực New Zealand, lại chỉ ra rằng có cả một thư viện sách nấu ăn ghi chép lại 667 công thức làm pavlova. Và có tới 21 công thức từ năm 1940, khi người Australia đầu tiên có mặt.
Xúc xích là chủ đề ẩm thực gây tranh cãi giữa hai nước Slovenia và Áo. Thành phố Vienna cho rằng món ngon này lần đầu tiên được làm ra ở Áo và người Áo tạo nên cái tên Keaese Krainer. Slovenia thì nhận định rằng, xúc xích được chế biến lần đầu ở vùng Kranjska (phía bắc Slovenia) vào thế kỷ 19.
Singapore gọi đây là yusheng và khi ở Malaysia thì món ăn có tên yee sang. Món gỏi cá này gồm: củ cải và cà rốt nạo, bưởi, xà lách, lạc rang, vừng bột chiên nước sốt từ quả mận, đồ chua, và cá sống thái lát. Một chuyên gia người Singapore đã lập trang Facebook riêng để đấu tranh cho yusheng là món ăn quốc gia và đăng ký vào danh sách di sản phi vật thể của UNESCO. Bộ trưởng du lịch Malaysia thì cho biết: "Malaysia không thể để mất món ăn của đất nước được".
Cuộc chiến về nguồn gốc của khoai tây giữa hai nước Chile và Peru bắt đầu từ khi Andres Contreras, giảng viên trường Đại học Chile's Austral, cố gắng đăng ký cho 280 loại khoai tây ở đảo Chiloe có nguồn gốc từ Chile. Tranh cãi phát triển gay gắt đến mức người Peru còn đưa vụ việc lên cấp Liên Hợp Quốc.
Theo VnExpress