Ông Peter Lavac là một luật sư lão làng tới từ Palm Beach, Sydney, Australia. Với số tài sản tích lũy được trong nhiều năm làm nghề, mới đây, ông đã mua 1 chiếc Lamborghini đen vàng và chọn được một biển số xe đặc biệt là “LGOPNR”.
Cái tên này có nghĩa là gì thì có lẽ chỉ chủ xe mới biết được, mà có khi cũng chả ai quan tâm.
Ấy thế nhưng ở đời, nhiều chuyện tưởng thế mà hóa không phải là thế.
Ông Peter cho biết, đa số mọi người khi nhìn cái biển này cũng chẳng thể đoán ra nó có ý nghĩa gì, thế nhưng, ít nhất có 1 người đã suy luận được chính xác từ LGOPNR thành từ “Leg opener” với ý nghĩa 18+ (nôm na là thứ khiến người khác mở chân ra) và thấy nó quá “bậy” nên đã liên lạc với Transport NSW (Cơ quan quản lý giao thông ở New South Wales) để khiếu nại.
Ông Peter Lavac tự bảo vệ cho mình trước tòa.
Kết quả là chủ chiếc xe Lamborghini, ông Peter đã bị cơ quan này “tuýt còi”, yêu cầu trong vòng 18 ngày người đàn ông này phải thay đổi biển số.
Trong bức thư gửi cho ông Peter, Cơ quan quản lý giao thông ở New South Wales đã viết: “Chúng tôi thấy rằng biển số xe này có thể được coi là có nội dung thô tục và cần được thu hồi lại”.
Tuy nhiên, không hổ danh là một luật sư kỳ cựu, ông Peter đã biết cách lật ngược tình thế.
Đầu tháng 9, ông Peter Lavac đã bị gọi ra hầu tòa, nhưng may mắn là ông đã bảo vệ thành công cho chiếc biển số “độc” của mình.
Và màn biện luận hùng hồn giúp vị luật sư kỳ cựu thắng kiện
Ông Peter cho rằng đây là một vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận.
“Tôi không hài lòng với việc bất kỳ ai đang cố vi phạm quyền tự do ngôn luận của tôi. Những chữ cái trên biển số xe của tôi chỉ có ý nghĩa hài hước và giải trí mà thôi. Khi tôi giải thích cho họ, đa số đều thấy như thế.
Nhưng sao các bạn lại có thể cho rằng việc vui vẻ giải trí giữa 2 người trưởng thành và tự nguyện lại là thứ ‘thô tục’ vậy?”, vị luật sư kỳ cựu biện luận trước tòa.
Ông Peter đã đặt ra câu hỏi rằng: “Làm sao ai đó lại cảm thấy bị xúc phạm bởi một điều mà họ không biết? Có bao nhiêu người dân Australia đã nhận được những bức thư “bắt nạt” như vậy? Có bao nhiêu người đã chọn được biển số rồi đành phải hủy bỏ chúng vì họ không có kinh nghiệm trong lĩnh vực luật pháp để có thể tự bảo vệ mình như tôi?”.
Ngoài ra, luật sư Peter còn đưa ra 1 câu hỏi cốt yếu mang tính quyết định, đó là nếu như chiếc biển số này có vấn đề thì tại sao nó lại được thông qua khi ông đi đăng ký biển vào năm ngoái.
“Cứng họng” trước những lời lẽ biện hộ đanh thép của vị luật sư giàu kinh nghiệm, Cơ quan quản lý giao thông NSW đành phải nhượng bộ và cho phép ông Peter tiếp tục được sử dụng chiếc biển số “độc” này.
“Việc ai đó thấy cái biển này thô tục đúng là chuyện vớ vẩn, và tôi không quan tâm xem ai đó có cảm thấy bị xúc phạm bởi cái biển số này hay không”, ông Peter khẳng định.
Trong khi đó, Phó Thư Ký Cơ quan Quy định, Môi trường và An toàn New South Wales Tara McCarthy cho biết việc “thu hồi những chiếc biển thô tục này cũng phải mất khá nhiều thời gian”.
“Nếu một thành viên trong cộng đồng thấy 1 cái biển số có ý nghĩa thô tục, người này có thể báo với Cơ quan quản lý giao thông NSW, cơ quan này sẽ điều tra và chiếc biển số đó có thể sẽ bị thu hồi”, bà Tara giải thích thêm.
Tại Australia, chuyện đăng ký biển số xe không giống như ở Việt Nam. Tại đây, người dân có thể có 2 lựa chọn.
Một là họ sẽ lấy biển số do cơ quan quản lý giao thông cấp sẵn, trên đó hiển thị những thông tin cơ bản như mã bang, số hiệu xe. Hai là họ sẽ chọn 1 chiếc biển số theo ý mình, còn gọi là biển số cá nhân hóa, trên đó họ có thể để bất cứ tên gì, từ tên vợ, tên người yêu hay tên đội bóng yêu thích của họ, miễn là có đủ số hoặc chữ theo quy định.
Để có được biển số cá nhân hóa, chủ xe phải nộp đơn lên cơ quan quản lý giao thông, và phải mất 1 khoản tiền hàng năm để giữ biển số đó.
Theo Mirror
Link tham khảo: