Thursday, September 17, 2020

CÁ SỌC DƯA

Hồi xưa, cá dập dìu ở các sông Mekong, Irrawaddy, Chao Phraya, Meklong, Prahang và hạ lưu sông Perak. Bây giờ đập thuỷ điện dày đặc trên dòng Mekong đã tiễn loài cá nguồn tự nhiên này vào sách đỏ. Ở Việt Nam cá chỉ còn nhiều ở dòng SerePok.


Từ 1.6 đến 30.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm khai thác cá sọc dưa trên dòng sông SerePok chảy qua Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak và huyện Cư Jut, tỉnh Dak Nông. Cuối tháng này, bắt đầu có cơ may được ăn con cá ngon trời thần này…

Cá sọc dưa đây không phải là con cá lia thia xung trận bị thua, mình nổi sọc dưa quay đầu… di tản. Nó là con cá nổi tiếng khắp một vùng Đông Nam Á, có tên tiếng Anh là Jullien’s Golden Carp, họ với cá chép, miệng vàng.

Hai bên mình có năm bảy sọc vẩy đen nên chết với tên không lấy gì làm vẻ vang. Lại còn có râu dài làm bộ cảm. Sống lang bạt kỳ hồ tuỳ theo mùa. Mưa sống ở nước sâu, nắng sống ở nước cạn để sanh sản.


Cho nên, sọc dưa mùa này, sau khi lệnh đánh bắt thời vụ dở bỏ, thường khá khan hiếm vì mùa mưa đã gần kề, nước sông không còn hiền hoà. Nhưng mùa nước lớn cũng là mùa thức ăn nhiều, cá có cái ăn nhiều hơn, béo hơn.

Ông Nhân, chủ nhà hàng Sesan ở Thủ Đức cho biết, mùa này cá không nhiều, giá cao. Khoảng từ gần tết đến tháng hai, đầu mùa khô, là mùa cá đi vào những hố nước sâu ở vùng nước cạn để đẻ, người dân dễ bắt được chúng hơn. Cá từ Gia Lai chuyển xuống Sài Gòn. Những nhà hàng biết tiếng cá này đều có bán.

Hồi xưa, cá dập dìu ở các sông Mekong, Irrawaddy, Chao Phraya, Meklong, Prahang và hạ lưu sông Perak. Bây giờ đập thuỷ điện dày đặc trên dòng Mekong đã tiễn loài cá nguồn tự nhiên này vào sách đỏ. Ở Việt Nam cá chỉ còn nhiều ở dòng SerePok.


Ở Lào và Thái Lan, có cả một nghề nuôi cá sọc dưa. Tại những nơi cá vào đẻ họ dùng lưới vây lại thành chuồng và cho chúng ăn để thu hoạch cá lớn hơn. Cách nuôi cá này làm cho cá ít đẻ và lượng cá ngày càng ít đi.

Trung tâm quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, trong công tác bảo tồn giống cá này, dân Nam gọi tên là trà sóc, đã cho đẻ thử nghiệm, theo ThS Huỳnh Hữu Ngãi, được 40-50 cá con, cùng với đàn cá bố mẹ mới thuần trên trăm con cỡ 10kg/con.
So với Việt Nam, Malaysia đã đi trước một bước trong việc thuần dưỡng cá sọc dưa. Yếu tố kinh tế của dự án cực kỳ lớn thay vì nuôi con cá tra cực khổ. Năm 2010 họ đã sản xuất được 200.000 tấn. Năm 2012 sản lượng đã khoảng 2,5 triệu tấn, trị giá từ 3,6 đến 6,5 tỷ USD. Đó là chưa kể việc thu hút du khách khi họ đưa món cá ngon này vào một trong những mục phải trải nghiệm khi đến Malaysia.

Đủ thấy, tuy tên Việt con cá không vẻ vang, nhưng thịt nó không “sọc dưa” tí nào. Lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức món cá này cách đây chừng nửa tháng tại Làng ẩm thực Tây Nguyên ở Bình Quới. Nơi đây cũng đã “sọc dưa” vào thời kinh tế suy thoái, lèo tèo vài ba khách, nhưng vẫn còn cá phục vụ khách.


Họ gọi tên nó là cá Sihanouk. Con cá hôm đó bề ngang chừng mười mấy cm, không lớn như tài liệu cho biết. Cỡ cá tối đa dài 165cm và nặng đến 70kg, vì cá có thể sống đến 50 năm. Thịt cá dai và béo. Dai hơn cả cá tai tượng nuôi trên 10 năm chúng tôi đã có lần tường thuật trong bài Vị hương xa của tai tượng cao tuổi.

Giữa những lớp thịt có lẫn những “dây” mỡ làm cho dễ liên tưởng đến thịt bò Kobe. Nhưng sọc dưa là sọc dưa, Hoà ngưu (bò Nhật) là hoà ngưu, mỗi thứ có vị ngon riêng.

Thịt cá đã ngon sẵn, chỉ cần cái lẩu chua, nhúng miếng cá vào cho đến lúc chín vừa ăn, là tới bến. Miếng cá có một độ dòn và dai nhất định, dẫu rằng dòn và dai khó mà đi đôi với nhau. Lại ngọt thịt không thua cá biển.


Còn may là cá sọc dưa vần còn trên dòng SerePok ở đại ngàn Tây Nguyên, mẹ của sông Mekong. Nó tạo nên huyền thoại về một thức đặc sản riêng. Có lẽ đập Ialy cũng góp phần làm chúng kiệt số lượng đi.

Nhưng người dân ở vùng này vẫn thường bắt được những con cá nặng đến 20kg, có con đến 50kg và địa chỉ của chúng là những nhà hàng ở Sài Gòn. Sài Gòn còn đưa nó lên cao trào: cá tiến vua, ăn vừa ngon vừa sang như vua.

Nguồn: Thế Giới Tiếp Thị


No comments: