Sunday, September 27, 2020

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT GIÀU CHỌN NHẬP TỊCH ĐẢO CYPRUS, SAINT LUCIA, BỒ ĐÀO NHA

Không chỉ tới Mỹ, Canada, Úc hay châu Âu, nhiều người Việt chọn nhập tịch các quốc gia xa lạ như Cyprus, Saint Lucia và Grenada. Đâu là lý do đằng sau các quyết định này?

Hộ chiếu Malta có quyền lực hơn nhiều lần hộ chiếu Việt Nam

Định cư tại các quốc gia phát triển là giấc mơ của nhiều gia đình Việt. Cùng với xu thế toàn cầu hóa, các điểm đến dần trở nên đa dạng hơn.

Caribe và Địa Trung Hải là hai khu vực đang được nhiều người Việt lựa chọn.

"Mỹ và Canada là các điểm đến truyền thống, nhưng gần đây bắt đầu có sự thay đổi. Nhiều người chọn vùng Caribe để phục vụ cho việc đi lại dễ dàng giữa các nước", ông Dominic Volek, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Henley & Partners, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Henley & Partners là một công ty chuyên về đầu tư di cư (investment migration), với hai hình thức đầu tư để cư trú (residence-by-investment) và đầu tư để nhập tịch (citizenship-by-investment).

Ông Volek cho biết năm 2019, Việt Nam chiếm 20% lượng khách hàng của công ty trong khu vực Đông Nam Á.

"Số người giàu ở Việt Nam rất lớn. Họ quan tâm tới vấn đề đi lại toàn cầu và chính sách an sinh. Có thể nói Việt Nam là thị trường màu mỡ, tương tự Nigeria và Ấn Độ", ông nói.

Saint Lucia, Grenada, Antigua và Barbuda

Saint Kitts & Nevis, Antigua & Barbuda, Grenada, Dominica và Saint Lucia là những nơi mà nhiều người Việt chọn để đầu tư nhập tịch trong những năm gần đây.

Tìm hiểu về các quốc gia này, để trở thành công dân, bạn chỉ cần đủ điều kiện tài chính và đáp ứng quy định của chính phủ mà không cần phải đến đó sống, không cần biết ngôn ngữ.

Ông Volek cho hay: "Các khách hàng Việt Nam của chúng tôi thường chọn các đảo quốc như Saint Lucia, Saint Kitts & Nevis và Grenada".

Đảo quốc Grenada ở vùng Caribe xa xôi được nhiều người Việt chọn để nhập tịch.

Ông chia sẻ thêm:

"Một gia đình Việt Nam có bốn người có thể lấy quốc tịch tại đây trong vòng sáu tháng mà không cần rời Việt Nam. Tổng chi phí khoảng 150.000 đến 250.000 USD. Khi có hộ chiếu những nước này, họ có thể tới nhiều nước mà không cần thủ tục thị thực phức tạp".

Cụ thể, muốn nhập tịch vào Saint Kitts & Nevis, một người cùng gia đình lên đến bốn thành viên có thể thực hiện một trong những cách sau: hiến tặng 150.000 USD vào Quỹ phát triển bền vững; hoặc, mua một bất động sản trị giá tối thiểu 200.000 USD trong bảy năm, hoặc mua một bất động sản 400.000 USD trong năm năm.

Sau khi đầu tư hoặc hiến tặng các khoản trên, người nộp đơn và các thành viên gia đình sẽ được cấp quốc tịch trong vòng 60 ngày.

Người mang hộ chiếu Saint Kitts & Nevis có thể tới 156 quốc gia mà không cần xin thị thực trước. Đây là sự khác biệt lớn, bởi người mang hộ chiếu Việt Nam chỉ có thể được miễn thị thực tại 54 quốc gia.

Đảo quốc nhỏ bé Saint Lucia có hộ chiếu rất "quyền lực"

Saint Kitts & Nevis, Antigua & Barbuda, Grenada, Dominica và Saint Lucia là những đảo quốc nhỏ bé trong vùng biển Caribe, trong đó nước lớn nhất về diện tích là Dominica, với 750 km2, chỉ bằng 1,3 lần đảo Phú Quốc, còn nước lớn nhất về dân số là Saint Lucia với 181.000 người, thậm chí chưa bằng dân số Phú Quốc.

Tuy nhiên, đặc điểm chung của các nước này là GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam rất nhiều và hộ chiếu của họ quyền lực hơn Việt Nam nên đang được nhiều người Việt Nam lựa chọn.

"Việc đi lại dễ dàng là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định chọn nhập tịch", ông Volek chia sẻ.

Đầu tư để nhập tịch vào Grenada cũng có thể là bước chuyển tiếp để đến Mỹ theo diện thị thực E-2.

Cyprus và Malta

Lý do mà người Việt dịch chuyển hướng từ Mỹ, Canada sang các quốc gia như Cyprus, Malta là do việc nhập tịch dễ dàng hơn. Trong khi hộ chiếu của Cyprus và Malta mạnh như Singapore, được miễn thị thực tới hơn 180 nước.

"Sự hấp dẫn của Cyprus và Malta nằm ở chỗ bạn sẽ trở thành công dân EU. Nếu trở thành công dân bất cứ quốc gia thành viên nào trong EU, bạn sẽ được hưởng quyền tự do cư trú", ông Volek nói.

Để được nhập tịch Malta, đương đơn cần thực hiện: hiến 650.000 euro vào quỹ phát triển của chính phủ, đầu tư 150.000 euro vào cổ phiếu hoặc trái phiếu do chính phủ chỉ định; mua bất động sản tối thiểu 350.000 euro trong năm năm hoặc thuê bất động sản trong năm năm với mức 16.000 euro mỗi năm. Trong các khoản trên, khoản hiến tặng là không thể thu hồi, còn các khoản đầu tư thì có thể thu hồi.

Có được hộ chiếu Malta sẽ đi lại dễ dàng hơn

Với hộ chiếu của Malta, một người có thể đi lại tự do trong EU và khối Schengen cũng như có thể đến 184 nước mà không cần xin thị thực trước.

"Khi nhập tịch Malta hay Cyprus, bạn sẽ có hộ chiếu mạnh như Singapore, được miễn thị thực tới 180 nước", ông Volek chia sẻ.

Không chỉ đi lại dễ dàng, người có quốc tịch Cyprus hoặc Malta có thể tới các quốc gia khác trong EU, như Đức, Pháp, Ý, Bỉ… để sinh sống, làm việc, mua nhà. Con cái của họ được thụ hưởng nền giáo dục phát triển, có chi phí thấp hoặc miễn phí của các quốc gia này.

Bồ Đào Nha

Bên cạnh hình thức đầu tư nhập tịch (citizenship-by-investment), đầu tư cư trú (residence-by-investment) cũng được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Với hình thức này, sau khi thực hiện một số khoản đầu tư và nộp phí, đương đơn sẽ được cấp giấy phép cư trú.

Một trong những điểm đến nổi lên thời gian gần đây là Bồ Đào Nha với chương trình "Thị thực vàng".

Thông thường, hình thức đầu tư phổ biến là vào bất động sản, với mức từ 350.000 tới 500.000 euro. Một khi có giấy phép cư trú, bạn có thể tới Bồ Đào Nha sinh sống, làm việc và con cái bạn tới đó học. Giáo dục cho con và nhu cầu đi lại cũng là lý do chính của nhiều người đi theo diện này.

Chẳng hạn như ông Trương Văn Hoàng, một doanh nhân tại TP HCM đã đầu tư định cư ở Hungary sau khi có được một số thành công nhất định ở Việt Nam. Ông đã chọn mua bất động sản ở Hungary với khoảng 5 - 7 tỉ VND và được cấp thẻ tạm trú. Với ông, đây là hình thức cho gia đình có thêm lựa chọn.

Doanh nhân Trương Văn Hoàng

Chia sẻ với BBC về hình thức đầu tư này, ông Hoàng nói:

"Tôi không bỏ quốc tịch Việt Nam, chỉ chọn có thêm một không gian để ở và đi lại dễ dàng hơn. Giống bạn muốn có thêm chỗ nghỉ ngơi ở Đà Lạt vậy vì mùa hè ở Hungary thích lắm".

"Đồng thời, cách đầu tư này cũng giúp cho gia đình tôi dễ dàng đi lại, con cái thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn. Hiện con tôi đang theo học ở đây, dự tính sẽ học hết đại học ở trường quốc tế tại Hungary".

"Học trường Hungary bằng tiếng Hungary thì miễn phí. Còn học quốc tế tiếng Anh thì mất phí nhưng không cao hơn so với trường Việt Úc ở Việt Nam", ông Hoàng chia sẻ.

Ông Hoàng cho biết thêm: "Để đưa cả gia đình, vợ con qua Hungary, tôi đã đóng cho công ty đứng ra làm dịch vụ là gần 2 tỉ VND, còn lại khoảng 5 tỉ là đầu tư vào bất động sản. Điều kiện là bạn phải luôn duy trì một bất động sản, không được bán hết".

Với Hungary, ông Hoàng chia sẻ rằng tùy thuộc vào việc đóng thuế, cống hiến thì mới được cấp quốc tịch. Hiện tại, gia đình ông vẫn đang ở Hungary bằng thẻ định cư: "Có nhiều người Việt Nam sống ở đây 30 năm vẫn chưa có quốc tịch", ông cho biết.

Ông Dominic Volek, Giám đốc kinh doanh của Henley & Partners

Với chính sách của Bồ Đào Nha, chính phủ nước này không yêu cầu phải sống nhiều ngày ở đấy để duy trì giấy phép cư trú. Mức yêu cầu chỉ là sống tối thiểu bảy ngày/năm trong năm năm. Một điểm hấp dẫn nữa là một người có giấy phép cư trú ở Bồ Đào Nha sẽ không cần xin thị thực khối Schengen.

Theo đó, sau năm năm kể từ khi nhận thẻ cư trú, nếu đương đơn duy trì khoản đầu tư, sống mỗi năm bảy ngày tại đó, đạt được trình độ tiếng Bồ Đào Nha cấp cơ bản, thì có thể làm hồ sơ nhập tịch, trở thành công dân EU.

Các điểm đến truyền thống

Bên cạnh các điểm đến mới, các thị trường truyền thống như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand… vẫn là lựa chọn hàng đầu của các gia đình người Việt.

Với Mỹ, loại thị thực EB-5 là hình thức phổ biến nhất và thường có mức đầu tư tối thiểu là 900.000 USD. Sau đó, bạn có thể có thẻ xanh và tới Mỹ sống một thời gian đủ theo quy định thì xin nhập tịch.

Mỹ vẫn là điểm đến truyền thống. Úc và New Zealand là xu hướng mới.

Đại diện Henley & Partners chia sẻ: "Việt Nam có rất nhiều nhà giàu mới nổi và họ ngày càng trở nên toàn cầu hóa. Quy mô công ty họ cũng được mở rộng nên họ cần đi lại nhiều để làm việc. Do đó, nhu cầu tăng lên từng năm".

"Canada cũng là địa chỉ được nhiều người lựa chọn và chương trình định cư dạng này chỉ có ở Quebec. Nhưng hiện chương trình cũng đã đóng và có thể sẽ mở lại vào quý 2 năm 2021", ông nói.

Cũng theo công ty này, khách hàng Việt Nam thường nằm trong độ tuổi 40 - 60, là các doanh nhân thành đạt. Bên cạnh đó là những người trẻ thành công sớm.

Nhân tố Covid-19 và chính quyền Trump

Đại diện công ty Henley & Partners nói rằng Covid-19 gây khó khăn lớn cho thị trường và có nhiều tác động tới lựa chọn của khách hàng.

Ông Volek nói: "Tôi nhận thấy có sự quan tâm của khách hàng giàu có tới một số nước khác, chẳng hạn Úc và New Zealand, nơi chống dịch Covid-19 rất tốt. Sau khi đầu tư, bạn sẽ có giấy phép cư trú để đến sống ở đó, cách xa các điểm nóng dịch bệnh".

Với Úc, mức đầu tư từ 1,5 tới 5 triệu AUD. Tại New Zealand, mức đầu tư từ 3 triệu đến 10 triệu NZD.

Bên cạnh dịch bệnh, chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng khiến Mỹ, vốn là điểm đến được lựa chọn hàng đầu, trở nên phức tạp.

"Xét tình hình hiện tại và cách mà chính phủ Mỹ điều hành, dịch bệnh, bạo động, và giờ là một cuộc bầu cử sắp tới, có vẻ có nhiều khách hàng tìm kiếm các lựa chọn khác", ông Volek chia sẻ.

Chính sách nhập cư của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có nhiều thay đổi.

Đại diện Henley & Partners phân tích thêm: "Khi bầu cử diễn ra ở bất cứ nước nào, ta sẽ thấy có hiện tượng phe này chống lại phe kia. Điều đó tạo ra tình trạng không chắc chắn. Nếu bạn không quan tâm tới kết quả bầu cử, thì bạn có thể vẫn chọn. Nhưng nếu bạn quan ngại về tình hình hiện tại và kết quả bầu cử, bạn có thể phải cân nhắc".

Dù thế, ông Volek vẫn khẳng định Mỹ là thị trường rất quan trọng.

Bùi Thư 
BBC News Tiếng Việt

No comments: