Buổi sáng đầu tiên ở Đài Bắc, tôi dùng điểm tâm tại Fong Da Coffee, một quán cà phê nhỏ nhắn trên 60 năm tuổi gần khu mua sắm sầm uất Ximending. Người phục vụ bàn bưng ra cho tôi một tách cà phê đen còn bốc khói, kèm một gói đường và một gói creamer - theo cách mà người ta phục vụ thứ nước nhão gọi-là-cà-phê trên các chuyến bay phổ thông. Tôi uể oải cho creamer và một nửa gói đường vào tách cà phê, dùng muỗng khuấy đều rồi đưa lên nhấp một ngụm. Ngạc nhiên làm sao! Cà phê đằm, thơm, với dư vị lâng lâng, dễ chịu, xứng đáng với đánh giá 4 sao trên Trip Advisor.
Một con phố ở gần khu Ximending, Đài Bắc.
Đài Bắc đối với tôi cũng giống như tách cà phê ấy. Ẩn bên trong vẻ ngoài tầm thường, lại là vô số những bất ngờ thú vị đón chờ người lữ khách. Những chiếc xe gắn máy xếp ngay ngắn dọc hai bên đường. Những quán ăn xập xệ nhưng chật kín khách. Những ngôi chùa cổ nghi ngút khói nhang... Nơi đây, thời gian như chậm lại, để ai cũng có thể cảm nhận được dòng chảy của cuộc sống đang cuộn mình theo dòng xe hối hả trên đường.
Làng cổ Shifen một buổi sáng sương mù.
Một trong những thú vui khi du lịch Đài Loan là thưởng thức các món ăn đường phố. Từ những món bình dân có thể tìm thấy ở bất cứ chợ đêm nào như mì bò, mực nướng, xúc xích heo, xiao long bao (bánh bao súp) hay... đậu hũ thúi, đến các món đặc sản của từng vùng, như chè khoai dẻo ở Cửu Phần. Đến Đài Bắc, bạn không cần ghé thăm bất cứ nhà hàng sang trọng nào - chỉ cần đi dạo chợ đêm mỗi tối là bạn sẽ trở về với một cái bụng no căng mà miệng vẫn còn thòm thèm.
Fong Da Coffee (trái) nhìn từ miếu Thiên Hậu.
Nằm trong số những khu chợ đêm cổ nhất tại Đài Bắc, chợ đêm Raohe (Nhiêu Hà) trải dài 600m dọc theo đường Raohe Street ở quận Songshan, với vô số quầy hàng đồ ăn, trò chơi và đồ lưu niệm. Vừa đặt chân đến cổng chợ, bạn sẽ được chào đón bởi mùi đồ nướng thơm nức mũi, tiếng rao hàng rộn rã, cùng ánh đèn rực rỡ đủ màu từ các gian hàng. Phía đông của chợ là Ciyou Temple (Từ Hựu Cung), được người dân địa phương xây dựng từ đời nhà Thanh với nét cổ kính, thâm u rất giống các ngôi chùa ở Chợ Lớn, nhưng đồ sộ hơn. Ngoài ra, Đài Bắc còn có nhiều khu chợ đêm nổi tiếng khác như Shilin (Sĩ Lâm), Ningxia (Ninh Hạ), Huaxi (Hoa Tây)...
Addiction Aquatic Development - thiên đường ẩm thực biển tại Đài Bắc.
Chợ đêm Raohe là một trong những khu chợ đêm đặc sắc tại Đài Bắc.
Nếu bạn là tín đồ của sushi và hải sản, đừng bỏ qua Addiction Aquatic Development, một khu chợ cá hiện đại bày bán đủ loại hải sản, từ tươi sống đến làm sẵn, và có nguyên một quầy sushi do các đầu bếp điêu luyện chế biến ngay tại chỗ. Tại đây bạn có thể tìm thấy đủ loại hải sản, từ cua, tôm hùm, bào ngư, sò dương, sò điệp đến nhum biển, cá... được làm sẵn và đóng thành hộp take-away, hoặc ăn tại chỗ. Có nhiều khu vực để bạn lựa chọn, như quầy lẩu, đồ nướng, sushi, bento...
Món mực nướng có thể được tìm thấy tại bất kỳ chợ đêm nào.
Còn nếu bạn mê mẩn các món dim sum, thì nhất định phải ghé nhà hàng Din Tai Fung trên đường Xinyi, nổi tiếng với món xiao long bao độc đáo. Thoạt nhìn thì xiao long bao cũng giống các loại dim sum khác, nhưng chỉ cần cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận được vị nước súp thịt ngọt đậm đà, như tan chảy trong miệng. Ra đời năm 1875 ở ngoại ô Thượng Hải, bí quyết tạo nên món bánh làm say đắm lòng người này chính là những miếng thạch nước thịt đông được cắt nhỏ, nhồi vào nhân bánh trước khi hấp. Lớp vỏ bánh mỏng, nhưng đủ dai để giữ nước súp bên trong. Khi ăn, bạn hãy nhẹ nhàng gắp miếng bánh vào muỗng, dùng đầu đũa chọc nhẹ để phần nước súp chảy ra lòng muỗng, rưới lên chút dấm và gừng thái sợi, rồi từ từ thưởng thức.
Hải sản tươi sống tại Addiction Aquatic Development.
Ngày thứ hai, tôi lên đường đến Maokong, một trong những vùng trồng trà lớn nhất Đài Loan trong quá khứ, và hiện là địa điểm uống trà yêu thích của người Đài Bắc. Nơi đây có vô số quán trà rải rác trên núi cao, nơi bạn có thể vừa nhâm nhi ấm trà thiết quan âm, vừa ngắm toàn cảnh thành phố từ xa. Từ trung tâm thành phố, bạn có thể đón tàu điện đến ga Taipei Zoo, sau đó đi cáp treo Maokong Gondola để lên đỉnh núi.
Tháp Taipei 101 nhìn từ núi Maokong.
Trên chuyến cáp treo 30 phút ấy, một mình một buồng, tôi bật lại những bài hát quen thuộc một thời của Châu Kiệt Luân, vừa ngắm cảnh núi non trập trùng... Bước chân ra khỏi ga cáp treo, tôi được chào đón bởi mùi thơm hoa cỏ, bầu không khí mát lành của núi rừng, và tuyệt nhất là... sạch không một bóng rác. Nếu dư dả thời gian, bạn có thể dừng lại ở trạm Zhinan Temple để ghé thăm Chỉ Nam Cung, ngôi đền thờ Lữ Động Tân (một trong bát tiên) được xây dựng từ năm 1882, hoặc tham quan Taipei Zoo.
Chỉ Nam Cung, ngôi đền trên núi Maokong.
Một Phật tử đang cầu nguyện ở Longshan Temple, Đài Bắc.
Taipei Zoo là một trong những vườn thú lớn nhất châu Á, với các loài động vật từ Đài Loan, Úc, châu Phi, rừng nhiệt đới châu Á, sa mạc và vùng ôn đới. Vườn thú này đặc biệt nổi tiếng với cặp đôi gấu trúc tên là Tuan Tuan và Yuan Yuan, do chính phủ Trung Quốc tặng Đài Loan năm 2008. Đến năm 2013, cặp đôi gấu trúc này đã sinh ra bé gấu trúc đầu tiên tại Đài Loan, được đặt tên Yuan Zai.
Ngày thứ ba, tôi đến Jiufen (Cửu Phần). Mưa gió mịt mùng, nhưng thị trấn trên núi này không vì thế mà mất đi vẻ lãng mạn hoài cổ của nó. Mưa vẫn mưa, từng đoàn du khách cứ che ô mà đi.
Bên trong một gian thờ ở Zhinan Temple trên núi Maolong.
Tương truyền trong những năm đầu của triều đại nhà Thanh, Cửu Phần chỉ là một ngôi làng nhỏ bé với chín hộ gia đình. Vì thế, mỗi khi có hàng hóa được chuyển đến, các gia đình thường yêu cầu chín phần. Tên gọi Cửu Phần ra đời từ đó.
Vào năm 1890, các công nhân hỏa xa phát hiện một số mẩu vàng khi đang xây dựng đường ray nối Đài Bắc và Keelong, và đến năm 1893, một quặng vàng lớn được phát hiện trên các ngọn đồi tại Cửu Phần, nơi người ta có thể khai thác được hàng ký vàng mỗi ngày. Cơn sốt vàng biến ngôi làng nhỏ ngày nào thành một thị trấn sầm uất, và phát triển mạnh nhất vào thời kỳ Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản. Sau đệ nhị thế chiến, các hoạt động khai thác vàng trở nên ít dần, và thị trấn gần như rơi vào quên lãng.
Thả đèn trời tại làng cổ Thập Phần
Cửu Phần thu hút sự chú ý của du khách trở lại vào năm 2001, nhờ những nét tương đồng với thị trấn trong bộ phim hoạt hình Spirited Away của Studio Ghibli, và giờ đây trở thành một điểm du lịch với những tòa nhà mang phong cách kiến trúc Nhật Bản pha lẫn Trung Quốc, những lối đi lát đá quanh co trên núi, các phòng trà, lữ quán, quầy thức ăn và cửa hàng lưu niệm dọc theo đường Shuqi. Nếu bạn đã quen thuộc với bộ phim này, bạn sẽ nhận ra ngay những sản phẩm in hình Vô Diện rất dễ thương được bày bán trong các cửa hàng lưu niệm, từ ba lô, hộp bút, móc khoá, bật lửa, búp bê...
Trà quán A-Mei trong một ngày mưa gió.
Tôi ghé thăm trà quán A-Mei, với những dãy lồng đèn đỏ treo cao, nơi tạo cảm hứng cho bộ phim Spirited Away. Tại đây vào những ngày trời quang mây tạnh, bạn có thể ngắm nhìn biển từ xa, trong khi nhâm nhi tách trà và vài món bánh ngọt. Và đã khám phá khu phố cổ tại Cửu Phần thì đừng quên nếm thử món chè khoai dẻo (taro ball) nổi tiếng. Quán “Chè khoai dẻo của bà Lai” (Grandma Lai’s Taro Balls) là một trong những quán lâu đời nhất tại đây, lúc nào cũng đông khách. Những củ khoai môn tươi được bóc vỏ, hầm nhừ, sau đó trộn chung với bột khoai tây hoặc khoai lang, rồi cắt nhỏ thành từng viên khoai nhiều màu sắc. Bạn có thể chọn nước chè truyền thống, trà xanh hoặc mè đen, có thể ăn nóng hoặc với đá bào.
Quán chè khoai dẻo bà Lai ở Cửu Phần
Từ Đài Bắc, nếu đi đến Cửu Phần bằng phương tiện công cộng sẽ khá tốn thời gian và phải chuyển trạm nhiều lần. Cách thuận tiện nhất là bạn đón shuttle bus tại Ximen, xe sẽ chở bạn thẳng đến Cửu Phần, và trên đường đi còn ghé qua làng cổ Shifen (Thập Phần), nơi bạn có thể thả đèn trời ghi những lời nguyện ước của mình lên không trung, và trải nghiệm một nhịp sống rất khác so với Cửu Phần.
Nhắc tới Đài Bắc, nhiều người nghĩ ngay đến trà sữa, đến hoa anh đào trên núi Dương Minh Sơn, cùng những khu chợ đêm rộn ràng tấp nập. Thế nhưng với tôi, Đài Bắc còn ẩn chứa nhiều nét đẹp khác, mà chỉ khi đến tận nơi và trải nghiệm, mới cảm nhận hết được.
Đăng Trình
No comments:
Post a Comment