Hòa vi quý nghĩa là: trong các mối quan hệ giao tiếp, mọi người đều coi trọng hòa khí, đối đãi với nhau thân ái, chân tình. Tuy nhiên chữ "Hòa" còn có ý nghĩa sâu xa hơn, yêu cầu các mối quan hệ giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, giữa quốc gia với quốc gia, thậm chí giữa nhân loại với thiên nhiên… tất cả đều cần phải “Hòa” - hài hòa.
Thế nào là "Hòa vi quý"?
Câu nói này có nguồn gốc từ sách "Luận ngữ": “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, đại ý là trong các tác dụng của lễ thì hòa hợp, hài hòa là điều đáng quý nhất.
Hòa với bản thân: nghĩa là cần có tấm lòng rộng mở, cương trực và ôn nhu thích hợp, trong tâm hài hòa, không có những tình cảm, cảm xúc quá khích cực đoan, không nóng vội, không giận dữ. Con người ai cũng có thất tình lục dục, thế nên trước những hỉ nộ ai lạc, những ham muốn dục vọng cá nhân, người nào có thể lý trí kiểm soát cảm xúc, khiến nội tâm tĩnh lại, không để những tình cảm thái quá bộc phát ra, thì đó là người "hòa vi quý".
Hòa với người khác và với xã hội: nghĩa là người với người cùng chung sống hòa bình và hòa hợp lẫn nhau. Khi đã hòa với bản thân thì đồng thời cũng cần dùng cái tâm bình hòa đó cư xử với mọi người, trước những mâu thuẫn bất đồng thì "cầu đồng tồn dị", nghĩa là tìm kiếm những điểm chung, tương đồng, còn mình thì bảo lưu những điểm khác biệt, bảo lưu ý kiến của mình để xem xét thêm cho thấu đáo, đó là "hòa vi quý".
Nhưng “Hòa” ấy không phải là không có nguyên tắc. Người quân tử hòa hợp, hài hòa thân ái với người khác nhưng không cẩu thả đồng tình với ý kiến người khác.
Người quân tử hòa hợp, hài hòa thân ái với người khác nhưng không cẩu thả đồng tình với ý kiến người khác. (Ảnh: ntdtv.com)
Hòa với thiên nhiên: nghĩa là con người phải sống hài hòa với thiên nhiên, với vạn sự vạn vật, không vì ham dục cá nhân mà tàn sát sinh linh, hủy hoại tự nhiên. Bởi vì "Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên", có như vậy thì môi trường sống, môi trường tự nhiên, xã hội của con người mới hài hòa, bền vững, trong lành. Đó chính là "hòa vi quý".
Hòa vi quý - phẩm đức của người quân tử
Mạnh Tử nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Cái gọi là “nhân hòa” chính là lòng người cùng hướng, là sự gắn kết nội bộ.
Mạnh Tử còn nói: “Người vui với niềm vui của dân, thì dân cũng vui với niềm vui của họ. Người lo nỗi lo của dân, thì dân cũng lo nỗi lo của họ”.
Bậc quân vương thánh minh là người đồng cam cộng khổ với dân, trong lòng chứa cả bách tính thiên hạ, như vậy mới được dân chúng kính yêu ủng hộ.
Vậy thì trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người, làm thế nào để có hòa khí, hòa mục? Cổ nhân đã để lại rất nhiều lời dạy tinh tế sâu sắc cho chúng ta:
“Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt như rượu. Quân tử nhạt mà thân ái, tiểu nhân ngọt mà tuyệt tình”. Người quân tử kết giao, tình cảm tuy thanh đạm nhẹ nhàng nhưng lâu bền và thân thiết. Kẻ tiểu nhân kết giao, tình cảm tuy ngọt ngào nhưng rất dễ tuyệt tình, tuyệt nghĩa. Có thể thấy, dưới con mắt người xưa thì quân tử kết giao không có bất cứ mục đích công danh lợi lộc nào, giống như nước, thanh khiết, trong vắt, nhìn thấu triệt.
“Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt như rượu. Quân tử nhạt mà thân ái, tiểu nhân ngọt mà tuyệt tình”.
“Quân tử thành tựu điều tốt đẹp cho người, không tác thành cái xấu cho người”. Đối với việc tốt hay may mắn của người khác thì nên dốc sức ủng hộ và khen ngợi, đối với việc xấu hay bất hạnh của người khác thì không nên vui mừng, không giậu đổ bìm leo. Người quân tử khoan dung nhân hậu đối xử với người khác, làm những việc tốt, việc thiện cho người.
Khi Khổng Tử đi chu du liệt quốc, đến vùng đất giáp ranh giữa nước Trần và nước Thái thì bị người vùng đó hiểu lầm, bao vây đã mấy ngày mấy đêm, lương thực cũng hết. Thầy trò Khổng Tử bị đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi, nhưng Khổng Tử vẫn điềm nhiên ngồi gảy đàn ca hát.
Tử Lộ thấy vậy, cảm thấy không hài lòng, bèn nói: “Lúc này mà phu tử vẫn có thể ca hát, lẽ nào đây cũng là yêu cầu của lễ hay sao?”.
Khổng Tử không trả lời ngay mà vẫn tiếp tục chơi hết khúc nhạc, sau đó ung dung nói với học trò: “Tử Lộ à, trong tình cảnh này người quân tử gảy đàn chơi nhạc là để khiến cho tâm mình không kiêu ngạo phóng túng, còn tiểu nhân chơi nhạc là che giấu nỗi sợ hãi của mình. Con đi theo ta lẽ nào lại còn không hiểu tình cảnh của ta sao?”. Tử Lộ nghe nói xong mới bắt đầu bình tâm trở lại.
Lúc này bỗng một làn gió nhè nhẹ đưa tới một làn hương thơm thoang thoảng, thầy trò Khổng Tử theo hướng hương thơm mà đi, tới một thung lũng nhỏ nơi núi sâu, thấy một nhành lan rừng đang nở, lặng lẽ tỏa hương thơm dìu dịu khắp nơi. Khổng Tử nói với các học trò rằng: “Hoa lan trong núi sâu, không phải vì không có người biết đến mà không đơm hoa toả hương, không thay đổi bản chất của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Giống như người quân tử thanh cao, chính trực, kiên cường mà lại bình tĩnh, an hòa”.
Hoàng Mai / NTDVN