Năm 1005 vua Lê Đại Hành băng hà, 3 người em của Thái tử Lê Long Việt là Lê Long Đĩnh, Lê Long Tích, Lê Long Kính, tụ tập binh mã tranh giành ngôi vị với ông, sau khi đánh bại Lê Long Tích khiến Tích chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Lê Long Việt lên ngôi, tức Trung Tông Hoàng đế. Lê Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì tình anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Lê Long Việt lên ngôi được 3 ngày thì Lê Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết vua Lê Trung Tông.
Trong sử sách có ghi, vua thích giết người, phàm người bị hành hình hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai bắt người kép hát người nước Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh để không được chết chóng, người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: Nó không quen chịu chết, Vua cả cười. Khi đánh dẹp thì bắt được thù, giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm nhà lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi thủy triều lên thì ngập nước mà chết hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua đích thân đến xem, lấy làm thích lắm. Từng đi đến sông Ninh, sông ấy nhiều rắn, vua sai người trói vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi đưa vào nhà bếp sau. Từng róc mía ở trên đầu sư Quảng Ngang, giả lỡ tay lưỡi dao trượt xuống đầu nhà sư cho chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò để cười để cho loạn lời tâu việc của các quan chấp chính. Lại lấy con thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn.
Những hành động như trên đủ hiểu Lê Long Đĩnh là một kẻ bất nghịch vô đạo thế nào, đồng thời sự độc ác và tàn bạo đã đến độ trời không thể dung đất không thể tha.
Vào thời vua Lê Long Đĩnh ở hương Diên Uẩn châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, người làng ấy nhận kỹ dấu hiệu sét đánh, có những chữ thọ căn: “Mộc biểu thanh thanh. Hòa đao mộc lạc. Thập bát tử thành. Đông a nhập địa. Dị mộc tái sinh. Chấn cung kiến nhật. Đoài cung ẩn tinh. Lục thất niên gian. Thiên hạ thái bình”. (Gốc cây thăm thẳm. Ngọn cây xanh xanh. Cây hòa đao rụng. Mười tám hạt thành. Cành đông xuống đất. Cây khác lại sinh. Đông mặt trời mọc. Tây sao náu hình. Khoảng sáu bảy năm. Thiên hạ thái bình). Thiền sư Vạn Hạnh tự đoán riêng, đại ý là vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất thì họ Lý nổi nên, thiên tử ở phương Đông mọc ra, thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trải qua 6, 7 năm thiên hạ Thái Bình.
Lời sấm được truyền đi khắp nơi, đến tai vua Lê Long Đĩnh, nhưng ông ta không tin, tuy nhiên khi vua ăn quả khế có hạt mận, ông cho rằng có điều gì đó khuất tất, do đó vua Lê Ngọa Triều liền tin lời sấm ngữ, cho người ngầm tìm người họ Lý giết đi, tuy nhiên Lý Công Uẩn ngay bên cạnh thì ông ta lại không biết.
Khi làm vua Lê Long Đĩnh không phải không làm việc gì tốt cho đất nước, ông đã 5 lần cầm quân đi dẹp loạn, quan tâm tới giao thương, nông nghiệp đặc biệt ông là người đầu tiên xin được bộ kinh Đại Tạng về nước, điều đó cho thấy ông quan tâm tới triều chính, biết phật pháp là trân quý, tuy nhiên ông không tuân theo, hành động bạo ngược, trái đạo làm người, việc tranh đoạt ngôi vua với thái Tử đáng ra đã phải chết, Vua Lê Long Việt đã tha tội cho, Tuy nhiên ông tiếp tục lấy oán trả ân, 3 ngày sau đó Lê Long Đĩnh lại cho người giết vua, cướp ngôi, đây là tội tày trời bình thường phải bị chu di tam tộc, do đó lòng dân và quần thần trong nước đều căm phẫn bất bình.
Vua Lê Long Đĩnh ăn quả khế có hạt mận, ông biết rằng lời sấm truyền là thiên mệnh, đáng nhẽ ra ông cần phải hiểu rằng Trời đang nổi giận, từ đó cần phải thức tỉnh, xem lại những điều sai trái bản thân mình đã làm để thành tâm hối cải, sám hối về những tội lỗi của mình, cầu Thần Phật cho cơ hội sửa lỗi, Trời đã thực sự cho ông cơ hội, tuy nhiên ông đã không nhận ra, càng hành động bạo ngược, cho người đi tìm người họ Lý để giết, tội lỗi thêm chồng chất. Ông đã hết thuốc chữa, không còn cứu được nữa, đã đến mức như vậy, điều gì đến ắt phải đến. Ông mất đột ngột khi mới có 24 tuổi, đồng thời ông cũng đặt dấu chấm hết cho triều đại nhà Tiền Lê.
Bậc đế vương là người nắm trong tay cả thiên hạ, có quyền định đoạt mạng sống của người khác, do đó vua chúa cần phải có đức cao, ông cầu phật pháp nhưng hành động tàn độc, tội càng thêm nặng, Lê Long Đĩnh ngay từ đầu lên ngôi đã bất chính nên không ai quy phục, để trị vì đất nước, chỉ có cách dùng uy vũ để ra oai, từ đó buộc thần, dân phải khuất phục, vậy nên Lê Long Đĩnh đã tàn ác đến mức không việc ác nào mà không dám làm.
Ác giả ác báo thiện hữu thiện báo đó là quy luật của vũ trụ, đạo lý của trời đất, vua Lê Long Đĩnh quá báo ngược, tàn bạo, lấy giết người làm thú vui cho mình, đẽo mía trên đầu sư cho dao chặt xuống chảy máu, sự tàn bạo của ông đã vượt quá quy luật tương sinh tương khắc, khiến trời chu đất diệt.
Cái ác chết đi cái thiện được sinh ra, sau khi Lê Long Đĩnh mất, triều thần suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, vua Lý Thái Tổ đã thể hiện là một vị vua hiền từ nhân đức, có tầm nhìn xa trông rộng. Triều đại nhà Lý do ông sáng lập, đã trị vì đất nước được tổng cộng 216 năm qua 9 đời vua, đây là thời kỳ thái bình thịnh trị đầu tiên trong lịch sử nước ta. Chấm dứt hơn 100 năm đất nước loạn lạc bất ổn, trăm họ lầm than khổ cực.
Kiên Chính