Monday, September 28, 2020

PHÒNG CON CÔNG: SỰ TRẢ THÙ CAY ĐẮNG

Không phải lúc nào mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người bảo trợ cũng êm thấm. Phòng Con Công nổi tiếng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.


Năm 1876, ông trùm vận chuyển người Anh Frederick Richards Leyland đã mua một căn nhà lớn tại số 49 Princes Gate trong khu phố thời thượng Kensington ở London, nước Anh. Ít lâu sau, ông cùng kiến trúc sư Richard Norman Shaw sửa sang và trang trí lại ngôi nhà. Tuy nhiên, thiết kế phòng ăn lại được giao cho kiến trúc sư tài năng Thomas Jeckyll, người nổi tiếng với phong cách Anh-Nhật kết hợp.

Leyland có một bộ sưu tập lớn đồ sứ Trung Quốc, chủ yếu từ thời Khang Hy nhà Thanh. Ông muốn trưng bày trong phòng ăn. Vì lẽ đó, Jeckyll đã xây dựng một kệ tinh xảo bằng gỗ óc chó được chạm khắc cẩn thận, bổ sung thêm các chi tiết mạ vàng trên tường. Bức tranh The Princess (Công chúa) của nghệ sĩ người Mỹ James McNeill Whistler chiếm một vị trí đáng thèm muốn bên trên lò sưởi.

Phòng Con Công được thiết kế và sơn với tông chủ đạo màu xanh lá và màu xanh lam tươi sáng, được trang trí bằng vàng lá. Nó được coi là một ví dụ điển hình về phong cách Anh-Nhật. Ảnh: Pinterest

Vào thời điểm đó, chính Whistler đang làm việc trên một phần khác của ngôi nhà, giám sát các đồ trang trí cho sảnh vào. Khi Jeckyll hỏi Leyland nên sử dụng màu gì cho cửa chớp và cửa phòng ăn, Leyland đề nghị ông tham khảo ý kiến của Whistler về cách phối màu. Whistler nghĩ rằng màu sắc của đường viền của tấm thảm và của những bông hoa trên các bức tường bằng da nên hài hòa với màu sắc trong The Princess.

Với sự cho phép của Leyland, Whistler đã tình nguyện sơn lại những bức tường với những vệt vàng. Ông cũng đã thêm hoa văn lượn sóng trên cornice (mái đua, gờ) và đồ gỗ bắt nguồn từ thiết kế trong cửa kính chì của Jeckyll.

Leyland chấp thuận những thay đổi này và vùi đầu vào công việc kinh doanh của mình ở Liverpool. Jeckyll thì bị ốm nên phải từ bỏ dự án.

Bức tranh “Công chúa đến từ xứ sở gốm sứ” trong Phòng Con Công. Ảnh: Sina

Chỉ còn một mình và không ai giám sát, Whistler bắt đầu “phóng tay” với phòng ăn. Ông bao phủ toàn bộ căn phòng, từ trần nhà đến các bức tường, bằng kim loại Hà Lan, hoặc lá vàng giả, trên đó ông vẽ hoạt tiết chim công tuyệt đẹp. Sau đó, ông mạ vàng kệ gỗ óc chó của Jeckyll và tôn tạo các cửa chớp bằng gỗ với bốn con công tráng lệ.

Khi Leyland bất ngờ trở lại vào tháng 10 năm đó, ông sững sờ khi thấy phòng ăn hoàn toàn biến đổi. Nó cao cấp và rườm rà hơn hẳn những gì ông yêu cầu. Da hoạt tiết trên thời gian được sơn hoàn toàn. Mọi bề mặt đều tỏa sáng với các sắc thái rực rỡ của màu xanh lá cây, vàng và xanh dương.

Jekyll tạo ra kệ chạm khắc để trưng bày bộ sưu tập đồ sứ thời Khang Hy của Leyland. Ảnh: Twitter

Như thể thêm dầu vào lửa, Whistler đã mời các nghệ sĩ và phóng viên đến chiêm ngưỡng tác phẩm của mình, mà không có sự cho phép của Leyland. Và đỉnh điểm là khi Leyland nhận được hóa đơn tính ra tương đương 200.000 USD ngày nay, một khoản tiền rất lớn vào thời điểm đó. Leyland từ chối trả tiền.

“Tôi không thể ngờ anh quẳng cho tôi cái hóa đơn lớn như vậy mà không hề nói với tôi lời nào”, Leyland viết cho Whistler.

“Tôi đã tặng ông sự bất ngờ còn gì. Căn phòng quá sống động. Quá rực rỡ! Tinh tế không còn lời nào để chê. Chẳng có căn phòng nào ở London được như thế, thưa ông”, Whistler phản đối.

Sau khi căn phòng được hoàn thiện, nghệ sĩ và người bảo trợ đã tranh cãi gay gắt. Ảnh: Amusing Planet

“Nhưng anh đã thêm quá nhiều thứ mà không có sự đồng ý từ tôi. Những chiếc kệ mạ vàng. Những con công trên trần nhà. Và những cửa chớp? Những con công trên cửa chớp? Tôi không hề yêu cầu điều đó. Anh hãy mang chúng đi và bán chúng cho người khác”, Leyland đáp lại.

Cuối cùng, Leyland đã đồng ý trả một nửa tiền và sau đó đuổi Whistler đi.

“Anh chẳng khác gì một tay Barnum trong làng nghệ thuật (Barnum là chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng vì việc quảng cáo những tin đồn lừa đảo-PV). Một tay nghệ sĩ lừa đảo! Tôi sẽ cấm người hầu thừa nhận anh. Và tôi sẽ nói với các con tôi rằng tôi không muốn chúng có bất kỳ kết nối nào với anh. Và nếu tôi thấy anh ở gần vợ tôi, tôi sẽ cho anh một trận nhừ xương”, Leyland bực tức.

Whistler đã tìm cách vào lại căn phòng và vẽ hai con công chiến đấu, được xem là biểu tượng mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và nhà tài trợ. Ảnh: Twitter

Bị tổn thương và bị xúc phạm, Whistler đã lên kế hoạch trả thù. Như một kết luận cho tác phẩm của mình, Whistler đã thiết kế một tấm bảng lớn mô tả một cặp con công chiến đấu trên bức tường đối diện Công chúa (The Princess), như một câu chuyện ngụ ngôn về mối quan hệ chua chát giữa nghệ sĩ và người bảo trợ. Con công bên trái đại diện cho nghệ sĩ. Bên phải là người bảo trợ keo kiệt, có thể nhận thấy ngay từ những đồng xu lấp lánh trên ngực và lông đuôi của nó. Một vài đồng xu nằm rải rác gần chân nó. Để đảm bảo Leyland hiểu được ý nghĩa, Whistler còn gọi bức tranh là “Nghệ thuật và Tiền bạc hay Câu chuyện về Căn phòng” (“Art and Money or The Story of the Room”). Sau khi hoàn thành công việc của mình, Whistler rời đi không bao giờ quay trở lại Phòng Con Công (Peacock Room) một lần nữa.

Sự trả thù của Whistler không chỉ dừng ở bức tranh hai con công. Năm 1879, Whistler bị buộc phải nộp đơn xin phá sản, và lúc đó, Leyland là chủ nợ chính. Khi các chủ nợ đến kiểm kê nhà của nghệ sĩ để thanh lý tài sản, chào đón họ là bức The Gold Scab: Eruption in Frilthy Lucre (The Creditor), một bức tranh biếm họa lớn mà Leyland được mô tả như một con công quỷ hình người đang chơi đàn piano, ngồi trên nhà của Whistler được sơn cùng màu đặc trưng trong Phòng con công. Ảnh: Weibo

Leyland không bao giờ thừa nhận công khai minh thích căn phòng ấy. Nhưng rõ ràng ông nhận ra nó có giá trị, bởi ông chẳng thay đổi bất cứ chi tiết nào trong phòng. Leyland đã giữ căn phòng cho tới khi ông qua đời vào năm 1892, tức là 15 năm sau đó.

Mặc dù mâu thuẫn với nghệ sĩ, Leyland lại giữ nguyên Phòng Con Công. Ảnh: Amusing Planet

Năm 1904, nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ Charles Lang Freer đã mua lại Phòng Con Công, tháo dỡ và chuyển nó qua Đại Tây Dương đến Detroit, Michigan, nước Mỹ, nơi ông lắp lại trong nhà của mình. Freer đã sử dụng căn phòng để trưng bày bộ sưu tập gốm sứ của riêng mình. Sau cái chết của Freer năm 1919, Phòng Con Công đã được lắp đặt vĩnh viễn trong Phòng trưng bày nghệ thuật Freer (Freer Gallery of Art) tại Smithsonian ở thủ đô Washington nước Mỹ.

Hóa đơn là 2.000 bảng Anh, tương đương 200.000 USD ngày nay, một con số khổng lồ khi ấy, nhưng Leyland chỉ đồng ý trả một nửa. Ảnh: Twitter

Cả Whistler và Freer đều tin rằng lịch sử của nghệ thuật mà Whistler gọi là “câu chuyện về cái đẹp” đã được hoàn thiện. Nhưng trong hơn 130 năm qua, Phòng Con Công đã trải qua nhiều kiểu hóa thân để phù hợp với thị hiếu của người chủ mới và những lớp khán giả mới. Điều đó cho thấy, “câu chuyện về cái đẹp” chẳng bao giờ là được hoàn thiện cả. Ảnh: Wiki

Phong Sa
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Link tham khảo:

No comments: