Rằm tháng 7 nên phóng sinh và phóng sinh càng nhiều thì càng tốt, những quan niệm như thế có đúng không? (Ảnh: FB)
Nếu đứng tại góc độ nói rằng việc phóng sinh “vô độ” của người Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái hoặc làm ô nhiễm môi trường, thì từng có nhiều chuyên gia trong ngành đã có những bài viết dài phân tích cặn kẽ rồi, ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ về cái “công đức” nào đó mà họ cho rằng họ sẽ tích được để tăng thêm phúc lộc thọ.
Thực tế thì có những người chuyên đi làm cái chuyện bắt chim cá mang vào chùa bán cho Phật tử phóng sinh, cái này ai cũng biết nên không cần nói giảm nói tránh làm chi. Những người đi phóng sinh ấy, họ ở đây thả con cá xuống, bên kia có một người lưới bắt nó trở lại, họ thấy rõ rành rành như vậy mà vẫn phóng.
Sau đó thì sao? Người kia bắt gần hết số cá vừa thả ra, xong lại mang lên chùa bán cho người ta… phóng sinh tiếp!
Phật tử phóng sinh cũng là đang tiếp tay, làm giàu cho kẻ giăng lưới bắt chúng sinh. Rốt cuộc là phước hay là tội?
Khi tôi nói chuyện này với một Phật tử, người ấy nói “Ai bắt lại là tội của họ, tui thả là phước của tui, bọn chim cá được thả sẽ nhớ ơn tui”, thật sự người ấy nghĩ đáng nực cười như vậy đó! Họ phóng đi, chỉ tội cho lũ chim cá vừa mới được thả ra lại bị bắt vào, vừa được bắt vào liền bị thả ra, cứ vòng đi vòng lại như vậy không biết bao giờ mới thoát khỏi cái “lưới” của những người gọi là “tích công đức” ấy.
Đây hơn gì một trò hề? Tôi nghĩ mấy con chim cá chẳng thể nào nhớ ơn những người phóng sinh theo kiểu đó được, cũng như kẻ cứu người và kẻ bắt cóc thông đồng nhau “ông bắt người tôi chuộc ra, xong ông lại bắt cho tôi chuộc ra tiếp” thì chẳng có nạn nhân bị bắt cóc nào mang ơn họ nổi cả!
Chẳng phải càng đi phóng sinh cũng tức là càng hỗ trợ những người kia làm chuyện xấu? Quá rõ ràng rồi còn gì: Người đi phóng sinh đang cung cấp tiền cho người bắt chim cá!
Cho dù bỏ qua cái chuyện ấy, cứ cho là đã thật sự phóng sinh được, thật sự thả được con chim con cá ấy ra ngoài, vậy thì sao? Có nhất định là sẽ có “công đức” không? Tôi nói thế này đi: Phật tử thả một con cá lớn xuống sông, con cá lớn ấy liền ăn thịt những con cá nhỏ hơn và động vật nhỏ hơn khác dưới sông, vậy tính sao? Người ta có thể thả nó xuống sông chứ làm sao mà cấm nó ăn thịt những con vật khác được? Cái chết của những loài vật nhỏ hơn kia biết tính với ai đây?
Nếu không phải Phật tử thả con cá lớn ra thì chúng đâu có chết, chẳng phải là nên tính với họ hay sao? Họ nói “Chúng tôi chỉ thả nó ra thôi chứ làm sao quản nhiều như vậy được, không biết không có tội”. Cứ giả sử rằng không có tội thật đi nữa, thì đương nhiên cũng chẳng có phước.
Trong các truyện cổ tích hoặc thần thoại của tôn giáo người ta vẫn hay nghe rằng một người nào đó đã cứu một con vật nào đó, sau này người kia gặp nạn thì con vật ấy tới báo ân, cái này cũng không hẳn là không có thật. Nhưng mà những người phóng sinh hoặc cứu động vật trong các câu chuyện cổ ấy, họ không có chủ động đi truy cầu những điều như vậy, chỉ là họ tình cờ thấy chúng gặp nạn trên đường và họ muốn giúp chúng một chút, đó thật sự là Thiện tâm, là lòng nhân ái của họ, không hề vì mục đích cầu mong nào đó mà làm, nó hoàn toàn khác hẳn với những người ngày nay chuyên đi làm cái chuyện phóng sinh ấy.
Khác ở chỗ một bên là chỉ vì tâm từ bi mà làm, còn một bên là làm để cầu tiền tài sức khỏe. Vả lại người đi phóng sinh bây giờ, cứ nhìn cách họ “chọi” cá xuống sông là hiểu họ căn bản cũng không quan tâm tới sự sống chết của những con vật ấy.
Người xưa phóng sinh là sự tình cờ, thấy chúng sinh gặp nạn thì giúp chúng một chút, là xuất phát từ Thiện tâm và lòng nhân ái của họ, chứ không vì mục đích cầu mong nào đó mà làm. (Ảnh: FB)
Năm 2017, một người quen của tôi mất, trong buổi cúng 49 ngày của ông ấy có cả “lễ phóng sinh” này, nói rằng cầu cho ông mau siêu thoát. Người ta mang cả một cái lồng chim lớn, bên trong nhốt không biết bao nhiêu trăm con chim sẻ, cái lồng tuy lớn thật nhưng chứa một lượng lớn chim như vậy thì cũng chật cứng, lũ chim không nhúc nhích động đậy gì được, chỉ kêu chít chít ở đó.
Có người thấy vậy không đành lòng, bèn nói với gia chủ là mau thả mấy con chim ấy ra để chúng chết mất, gia chủ đáp rất tỉnh: “Chờ sư thầy ra làm phép mới thả được!”
Tôi cũng có ở đó, hỏi rằng sư thầy đang ở đâu, thì đáp: “Thầy đang bận tắm rửa thay đồ, rồi ra kia tụng kinh, tụng xong cuốn kinh thầy mới ra đây làm phép!”.
Tầm hai tiếng sư thầy mới đủng đỉnh đi ra, đã tụng xong cuốn kinh Địa Tạng dày cộm. Thầy ra rồi thì tất cả thân nhân của người chết đều quỳ xuống, thầy hướng về phía cái chuồng chim niệm kinh, xong gõ chuông boong boong, cứ mỗi một tiếng chuông là thân nhân người chết lại phải hướng về phía cái chuồng chim đó lạy một cái.
Thầy tụng xong rồi cầm chai nước rưới rưới vô chuồng chim, rồi mở chuồng cho chúng bay ra, tất nhiên có một số con đã chết ngủm từ lúc nào rồi nên không có bay ra được.
Tôi ở xa xa khoanh tay tựa lưng vô một cái gốc cây mà nhìn, thi thoảng lại cười nhạt mấy tiếng. Có người hỏi tôi sao không lại xem “phép” phóng sinh của thầy? Tôi hỏi lại: “Phóng rồi cái gì sinh?”.
Tác giả: Thế Di
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
No comments:
Post a Comment