Thursday, September 10, 2020

KHI CÚI NHÌN NGƯỜI THẤP KÉM

Năm tôi bảy tuổi, học lớp hai, mẹ kể tôi nghe câu chuyện bắt nạt ở trường. Chuyện như vầy: Mẹ là con của gia đình người Việt sống ở Trung Quốc. Vì ông bà là người yêu nước, họ quyết định đóng góp tài sản cho Việt Nam trong chiến tranh và rời khỏi Trung Quốc.


Ngôi nhà đầu tiên ở Việt Nam của họ nằm ở Lào Cai. Ông bà nói tiếng Việt rành rọt. Mẹ tôi khi ấy 14 tuổi, không biết đọc, không biết viết tiếng Việt, chỉ biết nói tiếng Việt và viết tiếng Hoa. Mẹ trở thành đứa học trò to xác nhất trong lớp nhỏ.

Học tiếng Việt đã khó. Nhưng khó hơn là chỉ cần mẹ bước chân khỏi lớp học là cả đám con trai con gái hét lên: “Đồ Tàu Lai”, “Đồ Tàu Lai”. Mẹ mất rất lâu để biết đó là người ta khinh ghét mình. Mẹ cầm cặp sách, đứng ngoài sân quăng vào nhà, hét lên: “Con không đi học nữa! Không ai thích con hết.”

Rồi thế nào đó mà bà thuyết phục mẹ đi học lại. Lần này tới đánh nhau. Mẹ to con (14 tuổi lại ăn uống đầy đủ vì nhà khá giả), tụi cùng lớp hết giật tóc thì giật cặp, hù dọa, chặn đường, chửi bới, cũng bởi mẹ là “Đồ Tàu Lai”. Rồi một hôm có thằng con nhà thợ mổ heo dọa sẽ đem dao giết mẹ. Đêm đó mẹ về nhà, chui vô đống đồ nghề của ông ngoại (ông là thợ sửa ô tô), móc ra một con dao dài. Mẹ nhét dao vào cặp. Sáng hôm ấy, mẹ đi học từ tận sáu giờ sáng, bước vào lớp, cầm con dao ngồi trên bàn. Mẹ bảo: “Mẹ có thể nhờ anh mẹ đánh thằng đấy, nhưng nếu không có anh bên cạnh nó sẽ lại đánh mẹ. Lúc ấy mẹ hung lắm, mẹ không sợ gì hết.”

Thằng con nhà thợ mổ heo đi vào, và bạn bè, thấy mẹ cầm con dao thì im lặng bỏ đi. Từ đó không ai đụng đến mẹ, để yên mẹ học hành và biết chữ Việt.

Chuyện mẹ kể hôm ấy để dạy tôi rằng: khi có ai bắt nạt mình, con phải đủ can đảm đứng lên tự vệ. Chuyện này mà kể cho ai nghe thì cũng thấy không có vẻ giáo dục lắm, nhưng tôi vẫn nhớ bài học đó, và nhớ cả cảm giác mẹ bị chế giễu là “Tàu Lai”.

Sau này đi xa hơn, tôi được biết về những người bị gọi là Amerasian ở Việt Nam, có mẹ là người Việt, cha là lính Mỹ. Cha có thể da trắng, da đen. Nhưng mấy quyển sách tôi đọc về họ thấy đắng cay khủng khiếp. Da trắng thì bị gọi là “ngợm”, da đen bị gọi là “quỷ”. Bị đánh đập ở trường, bị dòng họ khinh bỉ, người mẹ thì bị coi không bằng súc vật vì “theo lính Mỹ”. Sau này nhiều người đến Mỹ sống, vẫn kể lại chuyện thời bé đi học bị bạn bè bắt nạt ra sao. Đọc tới đó, tôi nhớ đến chuyện của mẹ. À, hóa ra bà cũng chỉ là một nạn nhân mà những nhóm người thiểu số gặp phải, trong một cộng đồng khác họ và to hơn họ.

Hôm trước khi đọc các tranh cãi về phân biệt chủng tộc ở Việt Nam, tôi thấy có người bảo “Chuyện này có ở Việt Nam đâu mà đem ra bàn?” – Tôi nghĩ người ấy đã nhầm. Sự kỳ thị và hạ thấp những nhóm người khác biệt với mình về hình thể, màu da, văn hóa không hề ít ở Việt Nam.

Tôi đã từng đi tìm học trò nghèo cần giúp đỡ ở Trà Vinh, Sóc Trăng, và nghe vài thầy giáo buột miệng: “Tụi nó là người Khmer, đầu óc dở lắm, học không vô gì đâu em.” – Thầy nói vậy để tụi tôi tin là trẻ con Khmer không nên có học bổng.

Tôi đã từng đọc những bài post của mấy chị phụ nữ sồn sồn, bảo đừng hẹn hò với tụi Ấn, tụi Bangladesh, tụi Sri Lanka, tụi nó hôi lắm, ăn cà ri, rồi da đen đúa như mọi.


Tôi đi phỏng vấn mấy anh người Phi làm may mặc ở Bình Tân, cưới mấy chị người Việt. Lúc hỏi chị cưới anh xong rồi sao, chị cười bảo mẹ chị không ưng da đen, từ chị luôn rồi. Chị bảo anh đi xin việc làm không được, không ai muốn nhận da đen, nên anh chị đành mày mò mở xưởng. Anh chăm làm nên cũng có đồng ra đồng vào. Sau hôm phỏng vấn ấy về, sếp hỏi tôi: “Em có gặp trường hợp nào bọn da đen lừa tình mấy cô ấy rồi trốn mất không?” – Cả 5-6 trường hợp hôm ấy tôi phỏng vấn chẳng ai lừa tình ai. Họ kết hôn bình thường và sống với nhau đã vài năm. Sếp bảo phải tìm ra “thằng da đen nào đó lừa tình” thì bài mới hấp dẫn. Vậy là chuyện xếp xó khỏi viết tiếp.

Tôi nghe chúng bạn đi du lịch nói những câu như: “Tụi Indo Hồi giáo tởm lắm. Nhìn phụ nữ là cứ hau háu như sắp hiếp dâm.” – Quả thật hồi ấy đọc xong và nghe xong những lời ấy, tôi chẳng đi Indonesia. Cho tới hồi lướt sóng, sáu tháng trời ở Indonesia tôi mới biết thế giới ấy kỳ diệu và đáng yêu như thế nào. Tôi lỡ mất khoảng trời tuổi trẻ không quen biết Indo chỉ vì ăn nhận ác ý của người khác.

Tôi cũng từng đến những bản của người K’ho ở Kontum. Nhà bạn tôi nghèo lắm. Nhưng bạn và cha mẹ bạn tâm thiện và từ tốn với người lạ như tôi. Bác trai giảng cho tôi nghe để làm một cái nhà rông, cả làng cần đến ông thợ cả biết cấu trúc nhà, rồi trai tráng cả làng góp sức làm thế nào. Bác gái dệt vải kiếm tiền nuôi bạn tôi học đại học thành nghề. Cái lưng dệt vải còng mất, mà bác dệt vẫn đẹp tăm tắp từng sợi. Rồi sau chuyến thăm đó, có lần tôi phỏng vấn lãnh đạo địa phương, câu đầu tiên anh lãnh đạo buột miệng là: “Em biết rồi đấy, người đồng bào họ suy nghĩ ngắn lắm, làm bao nhiêu ăn nhậu rượu chè hết. Không khôn ngoan như người Kinh mình.”

“Như người Kinh mình”- Lúc như vậy, tôi chỉ muốn nói tôi chẳng phải người Kinh giống như anh.

Tôi đã đi rất xa để thoát khỏi cái vỏ tị hiềm và nhìn xuống người khác như kẻ hèn kém hơn mình. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để trải nghiệm cái ý hướng và mùi hương tầm thường đó trong chính tâm trí mình. Tôi được dạy người Khmer hiểm ác lắm nhưng ngu. Tôi được dạy người đồng bào sống chẳng tới đâu. Tôi được nghe người da đen là “bọn mọi”. Tôi không bao giờ quay lại đáp vào mặt những kẻ dạy tôi là các người đã khiến tôi mất hơn 20 năm mới thoát ra khỏi ánh nhìn ác độc và đê hèn đó.

Tôi học sự tôn trọng người khác từ những miệt thị như “Tàu Lai” mẹ từng chịu, về những đứa trẻ lai sinh trong chiến tranh, về đám bạn người Khmer, người K’ho của tôi. Quá trình ấy mất nhiều thời gian, phải có một bà mẹ “Tàu Lai”, có vài thằng bạn Khmer, quen với một sinh viên người K’ho, và sống giữa Indonesia sáu tháng dài. Tôi nhận diện chân dung người mình gặp, nghe tiếng học nói, sống bên họ, thành bạn bè họ. Và nhận ra sự kỳ thị mình đeo mang là sự độc ác không cần gương mặt người. Nó đeo vào hàng triệu con người một cái nhãn tầm thường hạ nhục, gọi tên họ chung là vậy. (Và có khi kẻ kỳ thị quên mất mấy triệu cá nhân ấy là người).

Bạn nghĩ gì khi nghe người ta nói:

“Bọn người Việt trâu lắm. Làm trâu chó gì cũng làm, miễn mày thảy nó vài đồng lẻ, chết nó liều.”

“Ôi cậu là người Việt hả, người Việt làm điếm bên Sing mình đông lắm!”


Vậy đó, những câu nói khái quát hóa làm tổn thương cả tộc người, cả quốc gia, cả nhóm văn hóa. Người vô tư phun ra lời như vậy, thường không nhìn nhóm người mà họ chỉ mặt bằng gương mặt và chân dung cá nhân. Thứ họ thấy là màu da, là quần áo, là cái nhãn của một dân tộc thiểu số. Họ nhìn xuống để khinh rẻ vô cùng “sinh vật” không đồng cấp với họ.

Sự kỳ thị cho phép ta cảm giác an toàn vì được đứng chung chân với nhóm người mạnh trong xã hội. Ta có thể bắt nạt kẻ yếu thế nhóm nhỏ. Ta có quyền nhìn chúng dơ bẩn, đen đúa, ngu ngốc. Ta cảm thấy mình cao quý lạ thường (dù phẩm giá chẳng giẻ rách gì hơn ai). Vậy là sự kỳ thị trở thành mái hiên trú ẩn an toàn cho những kẻ bắt nạt, những kẻ dùng dân tộc, màu da, phông nền văn hóa làm cái cớ đẩy người khác xuống chân chà đạp. Thật là một công cụ dễ thỏa mãn và ngon lành.


Nhưng rồi tôi chọn cách nhìn đám bạn như sinh thể giống tôi, dù da tụi nó đen hơn, đồ ăn tụi nó khác hơn và cách chọn lựa sống của họ theo chiều kích khác với tôi. Tôi đã học được rằng sự bình đẳng không tự nhiên mà có. Và khi ta cho phép bản thân cúi nhìn người khác như cỏ dại thấp hèn, tự ta đã mục ruỗng như loài thối rễ.

Tôi không chọn như vậy.
Khải Đơn

No comments: