Mỗi người sinh ra ai cũng đều có thiện tâm, nhưng vì sao trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta lại dần đánh mất đi bản tính của chính mình? Liệu kiện toàn pháp luật có thể khiến nhân tâm hướng thiện, đạo đức thăng hoa? (Ảnh: Đàm Tướng Quân - Pexels)
Mỗi người sống trong xã hội hiện đại này, bất kể là bạn sống ở quốc gia nào, ở khu vực nào, cùng với đời sống vật chất trở nên sung túc, các sản phẩm mới không ngừng tiến vào đời sống hàng ngày của con người, thì các vấn đề cũng không ngừng xuất hiện. Cùng với sự xuất hiện của các vấn đề thì các điều khoản luật pháp cũng không ngừng tăng lên, mục đích dùng để ước thúc hành vi con người. Mặc dù các điều khoản pháp luật càng ngày càng chi tiết, thế nhưng hàng ngày không biết bao nhiêu những thảm kịch vẫn xảy ra xung quanh chúng ta.
Rất nhiều người cho rằng pháp luật có tác dụng hơn đạo đức, chỉ có dựa vào pháp luật mới có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ở các quốc gia, người theo ngành pháp luật cũng rất nhiều, hơn nữa lại là ngành nghề 'hot'. Các phân ngành của pháp luật rất chi tiết, lan tới tất cả các lĩnh vực. Luật pháp nhiều đến mức mà những người trong ngành luật cũng không hiểu hết luật, mà chỉ biết được những luật liên quan đến chuyên ngành hẹp của họ mà thôi.
Tại sao pháp luật kiện toàn như vậy mà con người vẫn càng ngày càng phạm tội nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn? Tại sao các loại tội phạm lại càng ngày càng nghiêm trọng đến nỗi con người đã coi chúng là bình thường. Rất nhiều vụ phạm tội cách đây mấy chục năm chúng ta coi là những vụ án lớn, tội ác lớn nhưng so với tội ác hiện nay thật chẳng thấm vào đâu.
Phải chăng vì xã hội đã một thời gian dài quá coi trọng dựa vào pháp luật mà coi nhẹ về giá trị đạo đức, khiến pháp luật càng chi tiết càng đầy đủ, càng kiện toàn, mà đạo đức càng sa sút, càng suy bại. Pháp luật chỉ quản được hành vi con người mà không quản được cái tâm của họ. Thế nên, khi không có người biết, không có người trông thấy thì họ vẫn phạm tội. Đặc biệt là khi đạo đức suy bại thì chính những người làm ra pháp luật, thực thi pháp luật lại có thể câu kết với nhau, câu kết với tội phạm mà phạm pháp, mà bao che lẫn nhau.
Luật pháp kiện toàn cũng không thể ngăn được sự suy thoái về mặt đạo đức. (Ảnh: Pexels)
Chúng ta ngược dòng lịch sử Á Đông để xem lại sự hình thành và phát triển của pháp luật. Pháp luật hình thành sớm nhất vào thời Chiến Quốc với Hàn Phi Tử là nhân vật đặt nền móng. Trước đó không hề có pháp luật, chỉ có một số gia quy, quy định của dòng tộc. Thời đó mọi người đều dựa vào chuẩn mực đạo đức để ước thúc lời nói hành vi cá nhân. Do đó pháp luật ra đời khi đạo đức nhân loại tụt dốc, không thể kiểm soát được hành vi con người nữa, bắt buộc phải có phương thức cưỡng chế để ước thúc hành vi con người. Có người cho rằng đó là sự tiến bộ của xã hội, thực tế đó chính là kết quả của sự thụt lùi, suy thoái về đạo đức.
Lão Tử cũng đã nói rất rõ ràng rằng: “Đạo mất rồi mới sinh ra đức, đức mất rồi mới sinh ra nhân, nhân mất rồi mới sinh ra nghĩa, nghĩa mất rồi mới sinh ra lễ”. Lão Tử sống thời Xuân Thu, cùng thời với Khổng Tử. Tuy đó là thời mà Khổng Tử nói là "lễ băng nhạc hoại" nhưng con người còn có đạo đức ước thúc, chưa đến mức phạm tội ác. Vậy nên Khổng Tử mong muốn khôi phục lại đạo Nhân, khôi phục lại chế độ lễ nhạc nhà Chu, nhưng không được các quốc quân thời đó áp dụng. Lão Tử nhìn thấu triệt ra cốt lõi của vấn đề, là ở Đạo và Đức. Tuy nhiên đến thời Chiến Quốc thì đạo đức suy bại, con người phạm tội nên cần phải đặt ra hình pháp.
Từ thời nhà Hán thì Nho gia được áp dụng phổ quát đến tận thời cận đại. Trong suốt 2000 năm qua, tư tưởng Nho gia đã quy phạm ước thúc lời nói hành vi của con người, coi trọng thành tín, coi trọng tu tâm, giữ tâm địa thiện lương, con người với nhau cần cư xử có nghĩa khí, có lễ nghĩa, những hiện tượng lừa dối rất ít.
Cũng khoảng thời gian đó thì Phật giáo truyền sang các nước Á Đông. Tư tưởng từ bi nhẫn nhục và nhân quả báo ứng của Phật gia khiến con người tự kiểm soát hành vi, suy nghĩ cũng như lời nói của bản thân, thế nên người thực sự độc ác xấu xa cũng khá ít.
Tín ngưỡng tâm linh đã góp phần duy hộ đạo đức, ổn định trật tự xã hội, ngăn ngừa sự bại hoại của nhân tính. (Ảnh: it's me neosiam từ Pexels).
Lịch sử phát triển đến ngày nay, chỉ mấy chục năm truyền bá tư tưởng thuyết vô Thần, thuyết tiến hóa mà đã xói mòn tư tưởng đạo đức con người. Đại đa số con người hiện nay say mê tin vào khoa học đến mức thiếu lý trí, họ cho rằng cái gì không thể dùng khoa học chứng minh được thì không tin, không tồn tại. Họ hoàn toàn không nghĩ đến bản thân khoa học cũng chỉ phát triển vài trăm năm nay, và cứ khoảng vài năm lại có những thành quả khoa học mới, phát hiện mới, đều là những thứ trước đó chưa từng có, đó chính là tiến bộ khoa học. Thế nên những cái mà khoa học chưa chứng minh được thì có thể vài chục năm, vài trăm năm sau có thể chứng minh được sự tồn tại của nó.
Những người tin khoa học lại thiếu lý trí như thế hiện nay có rất nhiều, đó chính là những người mê tín khoa học chứ không phải làm khoa học chân chính. Họ phủ nhận sự tồn tại của Thần Phật, cũng không tin vào thiện ác hữu báo, không tin nhân quả báo ứng. Hễ có người nói đến báo ứng thì họ cho là mê tín. Chính vì có quá nhiều người không tin đạo đức, không tin nhân quả báo ứng nên mới phóng túng dục vọng, làm những việc xấu mà không hề e dè gì. Họ thông qua các thủ đoạn để kiếm tiền, thỏa mãn vật dục, sắc dục, đồng thời coi đó là tài năng là bản lĩnh của mình. Thực tế những người này đang làm việc xấu mà không tự biết. Họ đang làm tổn hao đức của họ, rút ngắn tuổi thọ của họ, gây mầm họa cho cháu con mà vẫn tưởng là đang làm việc tốt cho chúng.
Chính vì sinh ra quá nhiều luật pháp đã bó hẹp hành vi suy nghĩ của con người, giam con người trong tầng tầng lớp lớp quy định pháp luật, khiến tầm nhìn con người càng ngày càng trở nên hạn hẹp. Nhiều người chỉ tin những gì chính mắt mình nhìn thấy. Dẫu cho chính mắt nhìn thấy nhưng không trong phạm vi quan niệm của họ, thì họ cũng không dám tin, vẫn có người bài xích cho là mê tín, hoặc tự đưa ra lý giải theo thiên kiến, giải thích loạn bậy.
Thời cổ đại, đạo đức con người so với hiện nay cao hơn rất nhiều. "Đêm ngủ không đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi" là những hiện tượng thường thấy. Không phải thứ của mình thì mọi người tuyệt đối không dễ dàng chiếm lấy làm của riêng. Cho dù là đạo tặc cũng có phép tắc của họ, tức là "Đạo diệc hữu đạo" (đạo tặc cũng có đạo). Đạo tặc thời cổ đại đại đa số là hảo hán lục lâm cướp của người giàu cứu giúp cho người nghèo, họ đa phần cướp tài sản của quan lại và thương nhân. Đạo tặc ngày nay thì không phân biệt tốt xấu, chỉ cần có lợi cho chúng, có thể trộm được liền trộm, có thể cướp được liền cướp. Có những kẻ đạo tặc ăn trộm cả những vật dụng duy nhất mà người ta dựa vào đó để sống. Có kẻ lẻn vào bệnh viện trộm cắp số tiền để cứu mạng bệnh nhân. Quả là không còn một chút xíu thiện niệm nào.
Từ sau vụ thảm sát của Lê Văn Luyện, những hành động man rợ tương tự diễn ra ngày một nhiều hơn. Thuyết vô Thần đã khiến người ta xem nhẹ sinh mệnh, đánh mất bản thân, bị kiểm soát hoàn toàn bởi ma tính. (Ảnh: nld.com.vn).
Hiện nay tuy luật pháp kiện toàn, nhưng những điều khoản, những khung pháp luật nhiều đến mức khiến người ta nghẹt thở, nhưng đạo đức bị chìm đắm. Các loại bạo lực, sắc dục, hại tính mệnh người đều không ngừng tăng lên. Không ngày nào là không có các vụ án tàn ác xảy ra. Dưới sự thúc giục của danh lợi tình, rất nhiều người không tiếc thân mà làm việc trái pháp luật, sẵn sàng trả giá bằng tính mạng để đạt được lợi ích, thỏa mãn dục vọng. Quả đúng là "biết rõ núi có hổ, cứ nhằm núi mà đi", "Không đi đường quang, đâm quàng bụi rậm", "làm người không muốn, cứ muốn làm ngợm". Do tư duy biến dị khống chế, người người đều ở trong tình trạng nguy hiểm. Rất nhiều người lúc nào cũng lo tài sản, sinh mệnh của mình sẽ bị mất đi, pháp luật trong tâm họ chỉ là hữu danh vô thực, chỉ là cái vỏ mà thôi.
Như thế có thể thấy, pháp luật không thể ước thúc hành vi con người từ căn bản, cũng không thể khiến con người thay đổi từ căn bản, pháp luật chỉ trị phần ngọn mà không trị phần gốc. Còn đạo đức thì khác, con người tự kiểm điểm suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình, tự giác ước thúc bản thân. Nho gia coi trọng "thận độc", tức là cẩn thận, thận trọng ngay cả khi mình ở một mình, vẫn tự phản tỉnh xem xét từng suy nghĩ, hành vi của bản thân xem có phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức không. Hãy nghĩ về một xã hội mà ai ai cũng tự nhìn vào cái tâm mình, chiểu theo tiêu chuẩn đạo đức để kiểm soát suy nghĩ, lời nói, hành vi của mình sao cho đạt chuẩn mực đạo đức, từ đó tự giác tu sửa, loại bỏ cái xấu, quy chính bản thân, dần dần hoàn thiện mình, trở thành người tốt, và tốt hơn nữa. Như thế thì các vấn đề trị an, tệ nạn xã hội tự khắc biến mất, có lẽ cũng không còn cần đến công an và cảnh sát nữa, pháp luật sẽ trở nên giản dị hơn rất nhiều.
Hiện nay các tai nạn, thiên tai nhân họa đang xảy ra liên tiếp, chính là do con người không còn sự ước thúc của đạo đức, làm việc xấu vô độ. Con người khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá thiên nhiên, tàn hại lẫn nhau và làm hại chính mình. Trước tai họa, nhiều người đã thanh tỉnh ra, nhưng vẫn còn có người chấp mê bất ngộ, hoặc hiểu được nhưng không cưỡng lại được lòng ham dục và tư duy biến dị sai khiến. Nhân nào thì quả ấy. Sự lựa chọn của sinh mệnh hoàn toàn nằm trong tay mỗi cá nhân, chỉ cần chúng ta lựa chọn đứng về phía thiện lương. Một ý niệm đó sẽ quyết định tương lai sinh mệnh bạn. Thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau một bước chân mà thôi.
Trung Dung biên dịch/Tác giả: Trí Linh