Saturday, September 26, 2020

CÁI GÌ KHÔNG BIẾT THÌ TRA GOOGLE

Cái gì không biết thì tra Google – Cách thức tự ‘giết chết’ não bộ

Ngày nay, muốn biết điều gì đó, chúng ta thường tìm kiếm trên Internet thay vì sử dụng trí nhớ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc quá ỷ lại vào Internet, Google sẽ khiến não bộ của bạn bị sa sút nghiêm trọng.

Trí tuệ, khả năng ghi nhớ sẽ bị giảm sút nếu não bộ không được sử dụng thường xuyên. (Ảnh qua Prezi)

“Cái gì không biết thì tra Google” – đây dường như là thói quen của rất nhiều người trong chúng ta. Bởi Google từ lâu đã được coi là cuốn “bách khoa toàn thư” khi giải đáp được rất nhiều thắc mắc của mọi người – từ chuyện bé như con kiến (mua tăm ở đâu) đến to như con voi (thiên thạch ghé thăm Trái Đất).

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH St Andrews (Scotland) sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại thói quen này.

Cụ thể, nghiên cứu của GS. Frank Gunn-Moore – Giám đốc trường Sinh học thuộc ĐH St Andrews đã chỉ ra, khi quá ỷ lại vào Internet, vào Google, con người càng có xu hướng lười vận động não bộ để ghi nhớ, điều này thực sự tai hại vì có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc chứng đãng trí và sa sút trí tuệ.

“Có một điều chắc chắn rằng, để phát triển sức khỏe trí óc thì điều quan trọng là phải sử dụng chúng thường xuyên. Nhưng ngày nay chúng ta dường như đang lãng phí nguồn tài nguyên từ bộ não bởi quá phụ thuộc vào Internet”, GS. Frank Gunn-Moore nhận định.

Nếu không được “động não” – hay vận động thường xuyên, bộ não sẽ trở nên trì trệ và lười suy nghĩ hơn. Dần dà chúng ta sẽ không còn muốn sử dụng não để ghi nhớ hay làm gì nữa, mà “nhờ vào bộ não ngoài” – Google để hoạt động.


Bệnh sa sút trí tuệ là những triệu chứng do sự rối loạn não bộ gây ra, ảnh thưởng đến suy nghĩ, hành vi, khả năng thực hiện công việc thường ngày. Chức năng của não bộ bị ảnh hưởng đủ để gây cản trở đến cuộc sống của chúng ta, đây là hậu quả của tình trạng suy giảm khả năng nhận thức.

Được biết, chứng sa sút trí tuệ đã ảnh hưởng đến khoảng 850.000 người Anh, độ tuổi bị chứng bệnh này là từ 14 – 65 tuổi.

GS. Gunn-Moore cũng chia sẻ, rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng, việc liên tục chủ động nhớ lại thông tin là một cách làm vô cùng hiệu quả để thiết lập ký ức lâu dài. Giống như việc khi ta còn bé, ta làm nhiều bài tập để thông tin khắc sâu vào bộ nhớ vậy.

Tác giả cuốn “Internet đang làm gì với bộ não của chúng ta”, Nicholas Carr cũng cho biết: “Khi lệ thuộc vào Internet như một “ổ cứng ngoài” của trí nhớ, chúng ta đang đánh mất khả năng nhận thức và thẩm thấu các vấn đề nghe, đọc và thấy hàng ngày để đưa vào trí nhớ lâu dài, những yếu tố “rất trọng yếu đối với việc tạo ra kiến thức và trí tuệ”.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại thói quen sử dụng Internet và các thiết bị số của mình để hạn chế những tác động tiêu cực đối với bản thân. Cần nhớ rằng, bất kể bộ não chúng ta có cấu trúc phức tạp và tinh vi đến mức nào, thì vẫn giống các bộ phận khác trong cơ thể, nó sẽ thoái hóa dần nếu không được sử dụng thường xuyên.

Hồng Liên (t/h)