Monday, September 28, 2020

LƯỜI NHÁC CÓ PHẢI BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI?

Đại dịch đã khiến phần lớn dân số thế giới phải ở nhà và thư giãn. Nhưng có thể con người không có đặc tính như vậy.


Bạn có thể là một trong hơn ba triệu người đã xem bộ phim ngắn mà Văn phòng Thống đốc bang California đăng tải. Đoạn phim này xuất hiện lan tràn trên mạng xã hội.

Trong phim, danh hài Larry David, với phong cách mỉa mai nổi tiếng, kêu gọi mọi người nghe theo lời khuyên chính thức và ở nhà để tránh bệnh dịch Covid-19 bùng phát. Chuyện gì xảy ra với các anh vậy “đồ ngốc”, ông nói, các anh đang trải qua một cơ hội tuyệt vời có thể ngồi ở ghế bành và xem TV cả ngày!

Ta đã quen với cảnh báo sức khỏe khuyến khích nên làm những việc mà thực lòng ta không ham thích gì lắm: như tập thể thao nhiều hơn, ăn 8-10 phần trái cây và rau củ mỗi ngày. Nhưng lần đầu tiên lời khuyên chính thức nghe thật dễ dàng: lười nhác nằm trên ở sa-lông, xem thật nhiều phim bộ, ở nhà. Tất cả những thứ này nghe thì có vẻ hấp dẫn với phần lười biếng trong con người ta.

Nhưng trong thực tế, mọi thứ không đơn giản như vậy, như có lẽ bạn đã phát hiện ra trong vài tuần cách ly vừa rồi.

Hóa ra ta không được cấu trúc về mặt sinh học để hành động càng ít càng tốt.

Thật vậy, con người phát triển cùng với hoạt động. Hay ít nhất, là có sự cân bằng tốt giữa trạng thái bận rộn và khả năng nghỉ ngơi.

Đúng là người ta thường tìm đến lựa chọn dễ dàng hơn, con đường đến với ít sự chống cự hơn, đường tắt đến thành công.

Nếu bạn có điều khiển từ xa, thì sao phải đứng dậy để bật nút chuyển kênh trên cái TV chứ? Nếu bạn có xe hơi, sao phải đạp xe tới siêu thị? Nếu bạn có thể né được và chỉ làm nửa phần việc so với đồng nghiệp, thì tại sao không làm vậy?

Bất cứ công việc hay nỗ lực đều đòi hỏi sự cố gắng thể chất hay tinh thần, vì vậy cũng hợp lý khi người ta tránh né việc khi họ có thể.

Và đôi khi, đơn giản là ta hành động như vậy. Điều này đôi khi được gọi là nguyên tắc nỗ lực thấp nhất hay còn gọi là Luật Zipf, một quy tắc mà bạn nghĩ chẳng ai buồn phá vỡ.

Chỉ có điều là ta lại thường xuyên phá vỡ nó.

Thời gian cách ly có thể cho bạn thấy hóa ra ta không được cấu tạo về mặt sinh học để làm càng ít càng tốt

Bạn đã bao giờ mơ đến việc hoàn toàn không làm gì hết chưa? Chỉ nằm trên võng suốt buổi chiều. Chỉ nhìn chằm chằm lên trần nhà, lắng nghe sự tĩnh lặng.

Nghe có vẻ là một ý tưởng dễ thương, nhưng trong thực tế ta có thể thấy việc không làm gì cả – trừ việc ngủ – có thể rất khó thực hiện.

Trong một nghiên cứu nổi tiếng thực hiện vài năm trước ở Đại học Virginia, từng người tham gia được dẫn vào một căn phòng hoàn toàn trống rỗng và không có bất cứ thứ gì gây xao nhãng.

Họ không có điện thoại, không có sách, không có màn hình – và họ không được phép ngủ. Thiết bị điện cực được gắn vào cổ chân họ và họ được yêu cầu ở lại một mình trong 15 phút. Đó là cơ hội để thư thả và nghỉ ngơi một chút.

Vậy, mọi việc diễn ra thế nào?

Thật ra, trước khi bị bỏ lại trong phòng một mình, người tham gia đã được hướng dẫn cách nhấn một phím trên máy tính có kết nối với chiếc máy tạo ra sốc điện.

Bạn có thể cho rằng những ai đã thử sẽ không bao giờ muốn thử lại.

Sai. Trong thực tế, 71% số nam giới và 25% số phụ nữ tham gia nghiên cứu đã tự làm bản thân bị sốc điện ít nhất một lần trong thời gian họ ở một mình – và một người đàn ông đã tự sốc điện anh ta đến 190 lần.

Hóa ra không có việc gì để làm quá khổ sở đến mức rất nhiều người tham gia, thà là tra tấn bản thân thay vì cố gắng thích nghi với tình trạng không có gì xao nhãng.

Thử nghiệm này là một ví dụ cực đoan, nhưng từ đời sống hàng ngày, ta biết rằng mọi người liên tục chọn làm những việc họ không cần làm, mà đôi khi việc đó gây đau đớn.

Hãy nghĩ về tất cả bạn bè của bạn chạy marathon, hay tập theo chế độ khắc nghiệt tại phòng tập thể thao. Họ đi xa hơn hẳn yêu cầu cần thiết cho sức khỏe và hình thể gọn gàng. Và còn những người đi bộ trên băng đến địa cực Trái Đất hay giong buồm vòng quanh thế giới?

Michael Inzlicht từ Đại học Toronto gọi đây là nghịch lý của nỗ lực.

Đôi khi ta chọn đường dễ đi và làm việc ít nhất có thể qua ngày, nhưng vào những thời điểm khác ta trân trọng hoàn cảnh hơn nếu ta phải tiêu hao nỗ lực đáng kể. Niềm vui từ bên trong nỗ lực đem lại rất nhiều niềm vui đến mức ta không chọn cách đi đường tắt. Ta có thể tốn nhiều giờ cố gắng giải mã một ô chữ thay vì sử dụng công cụ tìm kiếm và giải ngay.

Ta đã học về điều này từ sớm.

Khi còn là trẻ con, ta được giáo dục từ kinh nghiệm và sự thuyết phục, theo đó cho rằng việc có nỗ lực sẽ đem lại phần thưởng; qua thời gian, điều này biến thành điều kiện khiến ta tận hưởng nỗ lực vì chính bản thân sự nỗ lực.

Điều này được gọi là sự cần cù do tập luyện.

Khi đang trên đường du lịch bụi hồi hơn 20 năm trước, tôi ghé thăm những hồ nước tuyệt đẹp rực rỡ sắc màu ở Kelimutu trên Đảo Flores ở Indonesia. Cứ vài năm các hồ nước này lại đổi màu, khiến chúng đem lại cảm giác bí ẩn và vẻ đẹp ngoạn mục.

Người ta có thể lên tới nhiều đỉnh núi ngày nay mà không quá vất vả, nhưng nhiều người coi nỗ lực là một phần của sự tưởng thưởng

Nhưng ít nhất một phần lý do khiến chuyến đi đó ở lại trong tâm trí tôi đó là vì nỗ lực mà tôi và người yêu phải bỏ ra để đến được hòn đảo.

Chúng tôi phải đi thuyền và xe bus nhiều ngày, trong đó có một chặng nhiều giờ trên xe khách cỡ nhỏ, con đường quá bụi và xóc đến nỗi nhà xe thuê hẳn một nhân viên để phát túi nôn cho chúng tôi và thu lại, quẳng ra ngoài cửa xe.

Sau đó là một đêm chúng tôi phải ngủ trong khách sạn nóng bức và hôi hám, với giường chiếu thủng lỗ và gián bò đầy, sau đó bốn giờ sáng lại phải thức dậy để lên một chiếc xe bus nhỏ khác và cuối cùng mới tới được nơi có hồ nước.

Chúng tôi đã chịu đựng gian khổ để đến Kelimutu, nhưng tất cả những điều đó là một phần của trải nghiệm.

Không xa nơi chúng tôi ngắm cảnh là nơi đậu máy bay trực thăng, có lẽ là chỗ các du khách có tiền hơn hạ cánh. Nhưng chúng tôi không thấy ghen tị. Liệu họ có trân trọng những hồ nước như chúng tôi không? Có lẽ là không.

Người ta có thể lên đến đỉnh nhiều ngọn núi bằng cáp treo.

Nhưng tất nhiên, dân leo núi thà là cắm trại qua đêm ngoài trời bên một rìa mặt đá đốc đứng, lơ lửng trong tiết trời lạnh giá, chấp nhận rủi ro bị tê cóng, còn hơn là đi theo đường dân du lịch đi.

Nhà kinh tế học hành vi George Loewenstein gọi tên nghiên cứu của ông về triệu chứng này là “Vì nó ở đó”, theo câu nói nổi tiếng của George Mallory.

Ông giải thích rằng con người chỉ là không thể cưỡng lại cơ hội đạt được mục đích và trở nên thông thạo trước hoàn cảnh, dù có khi họ chẳng cần phải làm vậy.

Và thậm chí nếu cá nhân bạn không phải là tay leo núi cảm thấy hào hứng trước nguy hiểm và nỗ lực cần có ở môn leo núi, thì hầu hết chúng ta đều liên quan tới “Hiệu ứng Ikea” – một nghiên cứu nhận thấy mọi người trân trọng đồ dùng trong gia đình hơn nếu họ phải tự lắp ráp chúng.

Tất cả những điều này có nghĩa, dù ta phải ở nhà và cách ly, thì nằm trên ghế bành và xem TV chỉ là một cách giết thời gian.

Ta có thể nghĩ lười biếng vài tuần như vậy thì vui, nhưng trong thực tế hoàn cảnh này dẫn ta đến sự xao nhãng.

Phải nghỉ ngơi kéo dài bất đắc dĩ, nếu ta không đau ốm gì và cơ thể không đòi hỏi, thì sự nghỉ ngơi không đem lại cảm giác thư giãn mà đem lại cảm giác bồn chồn và khó chịu.

Trong thời gian cách ly, ta cần phải tìm nhiều cách để có thể thiết lập lại nhịp điệu và cảm giác cân bằng như trong đời sống bình thường theo cách tốt nhất có thể.

Trong thời gian bình thường, nhiều người không coi trọng sự nghỉ ngơi

Vì vậy, tập thể dục, tự giao nhiệm vụ cho bản thân, làm nhiều việc đòi hỏi nỗ lực và các việc khó là điều quan trọng.

Và tất cả chúng ta nên tìm kiếm các hoạt động hay trải nghiệm nâng cao thứ mà nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gọi là “dòng chảy”, theo quyển sách của ông “Dòng chảy: Tâm lý học về Trải nghiệm Tối ưu” [Flow: The Psychology of Optimal Experience].

Đó là những việc như vẽ tranh, làm vườn hay chơi xếp hình, khiến ta tập trung đến mức không chú ý thời gian trôi qua và ta ngừng lo lắng về những việc khác.

Trong thời gian thông thường, hầu hết chúng ta không coi trọng việc nghỉ ngơi.

Vì vậy, trong thời gian ngoại lệ này, ta nên trân trọng cơ hội nghỉ ngơi nhiều hơn nếu có thể, và thật sự đem lại nhịp điệu cân bằng hơn giữa thời gian nghỉ ngơi và bận rộn vào đời sống thường nhật sau quá trình cách ly.

Nhưng trong thời gian khó khăn này, ta sẽ nhận ra rằng con người không phải sinh vật có bản năng lười biếng.

Và thực sự là ta có thể nhận thấy để làm ít hơn mà nghỉ được nhiều hơn, thì ta cần phải rất nỗ lực vào lúc ban đầu mới có thể thực hiện được.

Claudia Hammond là tác giả cuốn “Nghệ thuật Nhỉ ngơi: Làm sao Tìm ra được Sự nghỉ ngơi trong Thời Hiện đại” [The Art of Rest: How to Find Respite in the Modern Age]

Claudia Hammond
BBC Future
Link tiếng Anh: