Monday, May 31, 2021

VÌ SAO "HOÀNG HẠC LÂU" CỦA THÔI HIỆU CÓ THỂ LƯU TRUYỀN THIÊN CỔ?


Rất rõ ràng là phong cách viết của bài thơ này của Lý Bạch cũng rất giống phong cách bài thơ “Hoàng Hạc Lâu" (黃鶴樓), đó cũng tính là bày tỏ sự kính trọng của Lý Bạch đối với Thôi Hiệu.

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ (Tản Đà)

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?


Khi còn nhỏ, đọc qua bài thơ này của Thôi Hiệu, tôi cảm thấy nhớ nhà. Việc giải nghĩa bài thơ thì các triều đại cũng rất coi trọng bài thơ này, hiển nhiên sự đặc sắc của văn chương trong bài thơ này thì khỏi phải nói, và cũng đã có nhiều cách giải thích xác đáng, nên tôi xin phép không nhắc lại ở đây. Tôi tình cờ đọc lại bài thơ này gần đây, nhưng tôi có một nhận thức hoàn toàn khác với ngày xưa. Các thời kỳ lịch sử xưa đều có rất nhiều bài thơ nói về nỗi nhớ nhà, vậy tại sao bài thơ này lại được đặc biệt coi trọng như thế?

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Tương truyền vào thời viễn cổ có vị Tiên đã thả cho Hoàng Hạc bay đi (Theo "Tề hài chí”) ; Phí Văn Vĩ tu thành Tiên đã cưỡi hạc đi (Theo “Thái bình hoàn vũ ký” dẫn nguồn “Đồ kinh").


Bài thơ dựa vào nguồn gốc tên lầu, nên mượn truyền thuyết mà hạ bút viết. Trên thực tế, đây là chìa khóa của bài thơ. Việc Tiên nhân cưỡi hạc là hư cấu trong mắt người thường, nhưng nó lại rất bình thường trong tu luyện. Bạn phải biết rằng, bối cảnh của bài thơ này được viết vào thời nhà Đường, đó là thời tín Thần kính Thần và phong khí tu luyện rất đậm nét. Vài câu của Thôi Hiệu thực sự thể hiện niềm tin vào tu luyện và sự ngưỡng mộ của ông đối với những người đã tu thành đắc Đạo.

Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Hữu tình hữu cảnh, hữu thanh hữu sắc, nhưng nó có thực sự diễn tả được nỗi nhớ nhà không? Có, tuy nhiên "quê hương" này không phải là quê hương ở nhân gian. Quê hương là không gian cao tầng nơi nguyên lai của con người, đấy là ngôi nhà thực sự.

Tác giả muốn trở về nguồn gốc thực sự nên hàm xúc biểu đạt xuất ra, và câu Tiên nhân cưỡi hạc là có liên quan với nhau. Chính vì có yếu tố tu luyện, mà ông mượn nỗi nhớ nhà để biểu đạt sự khao khát được trở về cội nguồn thực sự của con người, do đó có sức sống rất mạnh mẽ, lưu truyền thiên cổ.


Lý Bạch từng đến Hoàng Hạc Lâu, thế là ông cũng muốn làm thơ, nhưng sau khi đọc bài thơ của Thôi Hiệu, ông đã từ bỏ ý nghĩ làm, và nhận ra rằng: "Trước mặt có cảnh đẹp mà không diễn tả được, vì đã có bài thơ của Thôi Hiệu ở trên đầu".

Không phải tài hoa của Lý Bạch không bằng Thôi Hiệu, mà bởi vì Lý Bạch cũng tu Đạo, nên ông lĩnh hội được những điều Thôi Hiệu muốn biểu đạt, cảm thấy lúc đó mình cũng có suy nghĩ giống như thế, biểu hiện cũng rất ưu mĩ và hàm xúc, nhất thời không thể vượt qua, vì vậy ông không viết để đáp trả. Sau này ông viết "Đăng kim lăng Phượng Hoàng đài" (登金陵鳳凰臺) rằng:

Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu

Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu.


Dịch thơ (Trần Trọng San)

Đài Phượng, Phượng Hoàng đã ghé chơi
Phượng đi, đài vắng, nước còn trôi
Cung Ngô đường nẻo cỏ hoa lấp
Triều Tấn mũ xiêm gò đất vùi

Nửa rụng ngoài trời ba núi đứng
Chia đều giữa bãi mấy dòng xuôi
Chỉ vì mây nổi che vừng nắng
Chẳng thấy Trường An luống ngậm ngùi.

Rất rõ ràng là phong cách viết của bài thơ này của Lý Bạch cũng rất giống phong cách bài thơ “Hoàng Hạc Lâu", đó cũng tính là bày tỏ sự kính trọng của Lý Bạch đối với Thôi Hiệu.

Huy Hải
Theo: ntdvn

VÌ SAO NGƯỜI DO THÁI THƯỜNG KHÔNG THÍCH KHOE CON GIỎI, DÙ CHÚNG CÓ LÀ THIÊN TÀI?

Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ Việt thường có thói quen khoe khoang con tài giỏi, thì người Do Thái lại giấu điều đó, họ cho rằng kiến thức là vô tận, không thể để con cái vì sự tự mãn mà đánh mất tương lai.

Người Do Thái cho con thử điều mới và hiểu rằng không phải mọi việc đều thành công. (Ảnh: Taringa)

Chuyện giấu con thần đồng của một gia đình Do Thái

Sinh năm 1881, Theodore von Kármán là nhà khoa học chuyên ngành khí động lực trong một gia đình Do Thái ở Hungary.

Từ hồi nhỏ, Kármán đã sớm bộc lộ trí thông minh. Khi lên 6 tuổi, cậu bé Kármán có thể tính nhẩm những phép nhân phức tạp nhanh hơn cả người anh trai mình làm tính trên giấy.

Người anh trai phát hiện ra tài năng của cậu, liền chạy đến nói với cha: “Cha ơi, Kármán có thể lập tức nói ra kết quả phép nhân ba số với nhau. Chúng ta hãy đưa em đến chỗ đông người biểu diễn, sau đó thu phí xem biểu diễn của họ”.

“Không, cha không thể làm vậy với em con” – Người cha từ chối.

“Tại sao? Tài năng này của em chắc chắn sẽ khiến nhiều người kinh ngạc, chúng ta sẽ kiếm được nhiều tiền” – Người anh tiếp tục thuyết phục cha.

Cha nói với cậu con trai cả: “Em con chỉ thông minh một chút thôi, nếu em con cứ sống trong sự ca tụng, sẽ không bao giờ học được cái mới nữa, cuối cùng chỉ có thể biến thành kẻ hiểu biết nửa vời, không có được thành công gì cả”.

Ngày hôm sau, cha dẫn Kármán đến nhà một tiến sĩ nọ theo học địa lí, lịch sử, văn học, đồng thời nói với Kármán, không được chơi trò chơi toán học nữa. Khi Kármán hơn 20 tuổi, cha mới cho phép cậu học lại toán học.

Nhiều năm sau, Kármán trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành hàng không. Điều đáng quý là ông có một tinh thần nhân văn sâu sắc, mà sự giáo dục này đều được lĩnh hội từ cha ông.

Người Do Thái có cách giáo dục đặc biệt với con cái. Từ nhỏ họ đã dạy con rèn luyện tính độc lập, tự suy nghĩ, không ngừng học hỏi, để chuẩn bị cho sự phát triển tương lai sau này.

Giống như cha của Kármán, ông đã mời rất nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đến dạy cho con, điều này rất thường gặp ở gia đình Do Thái. Họ luôn coi trọng giáo dục, thông qua giáo dục bồi dưỡng tài năng cho trẻ, giúp trẻ có một tương lai thành công.

Theodore von Kármán. (Ảnh: Wikipedia)

Cách dạy con đặc biệt

Sự coi trọng giáo dục và cách thức giáo dục con cái của cha mẹ Do Thái giúp cho trẻ từ nhỏ đã có kiến thức phong phú, vốn hiểu biết sâu rộng.

Những điều này đều giúp ích cho trẻ, trẻ sẽ đạt được những thành công trong tương lai. Sigmund Freud, Albert Einstein, Pablo Ruiz Picasso… đều là những vĩ nhân có cống hiến lớn cho thế giới, tất cả họ đều xuất thân trong gia đình Do Thái.

Dạy trẻ học cách độc lập

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt coi trọng khả năng độc lập của trẻ. Họ không chỉ giao cho con làm việc nhà để nâng cao tính tự lập cho con, mà còn tận dụng cơ hội dạy con ý thức độc lập. Ví dụ, khi trẻ thử tự mặc quần áo, cha mẹ Do Thái sẽ hướng dẫn và cổ vũ trẻ.

Mục đích là để trẻ qua sự cố gắng của mình, hiểu được tầm quan trọng của tính độc lập, từ đó không dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ.

Đặc biệt, người Do Thái cho rằng, để trẻ thực sự học được cách độc lập, trước tiên cần tôn trọng trẻ. Vì thế, thông thường, cha mẹ sẽ để ý đến suy nghĩ của trẻ trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì đó. Cha mẹ thường tôn trọng lựa chọn của trẻ, tích cực cổ vũ trẻ dựa vào khả năng của bản thân.

Phương pháp giáo dục Do Thái coi trọng sự tự lập của trẻ. (Ảnh: Ungdomar)

Coi trọng suy nghĩ và tài năng của trẻ

Mọi người đều biết, người Do Thái không chỉ chú trọng đến kiến thức đã học, mà còn chú trọng đến tài năng thiên bẩm.

Cha mẹ đã dạy trẻ từ nhỏ cần kết hợp kiến thức với tài năng, như vậy trẻ mới có thể đạt được thành công. Nếu chỉ có kiến thức mà không có tài năng thì chỉ là kiến thức rỗng, khó phát huy được giá trị đích thực.

Ngoài ra, họ còn coi trọng sự sáng tạo. Cha mẹ luôn cổ vũ trẻ khi học tập, cần học cách suy nghĩ, dũng cảm nghi ngờ và đặt câu hỏi, đưa ra quan điểm của bản thân.

Cha mẹ Do Thái cho rằng suy nghĩ là chìa khóa của trí tuệ, dũng cảm suy nghĩ và đặt câu hỏi mới biết được chân lí, còn việc học tập mà không suy nghĩ chỉ là sự bắt chước máy móc.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt chú ý đến việc trò chuyện với trẻ, trả lời những thắc mắc, băn khoăn của trẻ, để từ nhỏ trẻ đã được cha mẹ hướng dẫn.

Trong quá trình nói chuyện, cha mẹ sẽ rèn luyện khả năng biểu đạt và khả năng logic cho trẻ. Đây là nguyên nhân giúp người Do Thái có tư duy biểu đạt và giao tiếp ấn tượng.

Phương pháp dạy dỗ đặc biệt của người Do Thái là chuẩn bị tâm lí và rèn luyện phẩm chất cho con đối mặt với những khó khăn trong tương lai.

Từ nhỏ trẻ đã được dạy rằng, cho dù xã hội có thay đổi thế nào, cuộc sống có tàn khốc ra sao, thì nơi đáng tin cậy nhất chính là bản thân mình.

Chỉ có không ngừng nỗ lực và rèn luyện, con mới có thể vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm tiến lên. Vì sự thành công trong tương lai của trẻ, cha mẹ nên học theo người Do Thái, dạy dỗ con cái vì tương lai của chúng.

(Sưu tầm trên mạng)

MÍT NON, MỘT MÓN ĂN NGON

Khắp nước ta, nơi nào cũng trồng mít. Những vùng đất cằn cỗi, khô hạn, mít vẫn sống khỏe và ra hoa kết trái.

Mít non kho đậu hũ

Mít là cây ăn trái hay cây lương thực ? Vốn là trái cây để ăn chơi, dân mình đã có nhiều cách sáng chế ra món ăn dưới dạng lương thực, thực phẩm từ mít.

Các món ăn được chế biến nhiều nhất là từ mít non luộc. Mít luộc sẽ có màu mắm ruốc trông không đẹp, nếu đem hấp cách thủy sẽ có miếng mít non trắng nõn như thịt gà.

Mít non chấm muối ớt

Cái ngon độc đáo của mít non là chất ngọt bùi, ăn không hề ngán, có thể ăn đến thật no. Ăn đến độ gọi là ngây như say, bụng không còn sức chứa mà vẫn thèm, vẫn muốn ăn hoài, ăn nữa…

Mít non nấu sốt BBQ chay

Một trong các món tinh hoa làm từ mít non là mít trộn xúc bánh tráng. Hái mít trái tròn thẳng, không già quá (vỏ hột mít chưa cứng), gọt vỏ, cắt ra từng khoanh đem hấp, rồi xé tơi trộn với đậu phộng rang giã nhỏ, rau răm xắt vụn với ít nước mắm chua ngọt rưới lên.

Thịt ba rọi luộc xắt chỉ, tôm bạc đất lột vỏ đặt lên. Bánh đa mè nướng bẻ miếng be bé xúc mít trộn, nhai rụp rụp là cái thú ăn kết hợp món giòn với mềm.

Gỏi mít non trộn tôm thịt

Mít non hấp còn dùng làm nguyên liệu chính để bóp gỏi kiểu miền Nam hoặc nộm theo lối miền Bắc. Món chua này khéo tìm đến kết bạn với bánh phồng tôm Sa Đéc để cùng nâng vị béo giòn với vị bùi ngọt.

Người miền Trung có câu

“Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”

Miền xuôi và trên nguồn, hai nơi đều chuộng mít non kho cá chuồn. Kho nồi lớn một hai trái mít để cả nhà ăn mấy ngày. Càng kho lâu càng thấm qua thấm lại giữa cá với mít. Đi làm đồng, đi biển về làm một tô lớn cơm với cá chuồn kho mít vừa khoái vừa tăng sinh lực.

Mít non kho chay

Mít non luộc, hấp chấm mắm đậu là món dân dã quen thuộc ở miền Đông Nam bộ. Đậu phộng rang (hoặc không rang cũng làm được nước mắm có hương vị lạ) xay nhuyễn, quết thêm các thứ gia vị đem chưng là có món mắm đậu sền sệt.

Gọi là mắm chứ thật ra mắm đậu thơm béo không kém bơ. Thêm rau thơm như húng cây, rau răm, dấp cá, mít chấm mắm đậu ăn với cơm nguội thiệt là đã thèm.

Tô canh mít với lá lốt

Mít cắt khoanh hoặc cắt miếng tẩm bột chiên bơ cũng được nhiều người ưa thích. Người miền Nam thường làm dưa mít để cuốn ăn với bánh tráng, thịt đầu heo vào dịp Tết.

Quan San / Theo: Doanhnhan+

Sunday, May 30, 2021

CỦA NGƯỜI PHÚC TA

Thành ngữ: Của người phúc ta

Nghĩa bóng: Ban phát hay sử dụng tiền bạc, đồ vật của người khác để lấy ơn cho mình. Câu gần nghĩa: Lấy xôi làng đãi ăn mày.


Chuyện kể:

Xưa có ông Đa và bà Mít, hai người cùng xóm với nhau và cả hai cùng sính Phật. Nhưng ông Đa thì chăm siêng lễ bái, tuần nào tiết ấy lên chùa đều đặn, còn bà Mít khi thì mải công việc ruộng vườn, khi thì ở nhà khuyên con giữ cháu, vì vậy không mấy khi đi lễ Phật được. Vậy nên, cứ ngày rằm, mồng một, bà Mít gửi tiền gạo cho ông Đa đem đi cúng vái hộ. Lúc đầu, ông Đa còn khấn minh bạch là của bà Mít gửi cúng. Nhưng sau nghĩ rằng “Giời Bụt biết đấy là đâu” nên ông bèn nhận cả là của mình, rồi tiện mồm khấn rằng: “Con có chút vật nhỏ mọn tự mình làm ra, mong Trời Phật phù hộ độ trì, làm phúc cho con”.

Quan Nam Tào, Bắc Đẩu, ông thì cầm nghiên, ông thì cầm bút thấy ông Đa khấn thế nào thì cứ tiện mà biên thế ấy.

Đến khi ông Đa, bà Mít cùng trăm tuổi về cõi Phật, Phật tra sổ thấy bà Mít chỉ cúng có vài ba tuần, còn thì là của ông Đa cả. Phật nghi ngờ, hỏi quỷ thần. Quỷ thần xem sổ rồi điều tra ra tiền gạo của nả là của bà Mít, mà ông Đa nhận là của mình.


Thấy sự dối trá, Phật phê: “Của người phúc ta”, rồi phạt ông Đa hóa kiếp làm cây đa đứng ở đầu ngõ chùa, sinh ra cái lá đa để thí cháo cho chúng sinh. Còn bà Mít thì được hóa thành cây mít ở trong vườn chùa, lá dùng để in oản, gỗ dùng để tạc tượng.

Của người phúc ta nói rộng ra là dùng tiền bạc, của nả của người khác mà đem dâng hiến, tặng cho người khác cốt để làm lợi cho mình. Suy ra thì đời nào cũng vậy, người ta dùng tiền bạc của công vung tay bố thí, tặng biếu cho kẻ khác thản nhiên như của mình để tỏ lòng tốt, hòng thu lợi cho mình, đó gọi là “tiền chùa”. Ngược lại với câu này là “Của ai phúc nấy”.

Theo: Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

CÁ CHÉP VÌ SAO NGÀN NĂM VẪN KHÔNG THỂ "HÓA RỒNG" ?

Tương truyền, tại vùng đất Thần Châu có một dòng sông linh thiêng được gọi là Hoàng Hà. Nếu nhìn từ trên cao, sông Hoàng Hà trải dài từ tây sang đông tựa như một con rồng đang uốn lượn giữa mây ngàn.


Ở vùng trung du Hoàng Hà có một ngọn núi tên là Long Môn, nghĩa là “cửa rồng”. Vì sao lại có tên gọi này? Tục truyền rằng, khi Đại Vũ trị thủy, ông đã xẻ núi cho nước chảy xuyên qua đá, tạo nên một cảnh tượng tráng quan hùng vĩ. Vì chỉ có Thần Long mới có thể vượt qua vách núi ấy nên dân gian gọi đó là “Long Môn”.

Người ta nói, cá chép trên sông Hoàng Hà nếu có thể nhảy qua Long Môn thì sẽ hóa rồng. Nhưng Long Môn là vách đá cao sừng sững, sông Hoàng Hà đổ đến đây tuôn trào như thác, dòng nước ào ạt dội xuống mãnh liệt tựa thiên binh vạn mã. Cá chép muốn bơi ngược thác nước hùng vĩ ấy mà nhảy qua Long Môn thì quả thực còn khó hơn lên Trời.

Bởi vậy, đó phải là con cá chép có phẩm chất siêu phàm, tích xưa kể rằng trong miệng con cá chép ấy có ngậm một hạt thần châu. Có lẽ phải mất hàng ngàn năm, hàng ức vạn năm mới có thể xuất sinh một con cá chép như vậy.

Bức phù điêu “cá chép vượt Long Môn”. (Ảnh: Facebook)

Vì thế mà có câu chuyện dưới đây:

Chuyện kể rằng, kể từ ngày Cá Chép hóa Rồng, rất nhiều cá chép khác trên sông Hoàng Hà phấn khích mà kết bầy bơi ngược dòng đến dưới Long Môn. Bất quản dòng nước Hoàng Hà hung hãn thế nào, luôn có vô số con cá chép liều mình nhảy lên, và cho dù có rơi xuống đến trầy da tróc vảy chúng cũng không hề bỏ cuộc.

Thế nhưng đã rất nhiều năm trôi qua, không một con cá chép nào có thể chạm đến Long Môn. Chúng quá thất vọng bèn kéo nhau đến gặp vua Thủy Tề, xin Thủy Tề vương hãy hạ Long Môn thấp xuống, bởi nếu không sẽ chẳng có con cá nào thành rồng được.

Sau một hồi tranh luận làm rung chuyển thủy cung, cuối cùng vua Thủy Tề cũng đồng ý hạ Long Môn thấp xuống để tất cả cá chép đều có thể dễ dàng nhảy qua. Lẽ dĩ nhiên, tất cả chúng đều được trở thành rồng.

Lúc đầu, đàn cá chép rất hân hoan vui sướng vì cuối cùng chúng đã toại nguyện – đó quả là kỳ tích mà phải trải qua hàng ức vạn năm mới có thể xuất hiện một lần.

Nhưng sau một thời gian, chúng nhìn nhau và tự hỏi: Rốt cuộc thì làm rồng và làm cá chép có gì khác nhau? Tất nhiên không con nào có thể trả lời được vì tất cả chúng đều giống y hệt như nhau.

Thế là đàn cá chép lại cùng nhau gặp vua Thủy Tề để than vãn, rằng chúng phải nhọc sức vượt Long Môn để hóa rồng, vậy mà khi trở thành rồng rồi lại chẳng có gì thú vị hơn khi làm cá chép.

Thủy Tề vương cười lớn và nói rằng:

“Kỳ thực trong các ngươi chưa có ai trở thành rồng cả. Long Môn mà các ngươi dễ dàng nhảy qua thật ra lại là giả. Ta thấy các ngươi đáng lẽ phải nỗ lực một phen gian khó, nâng cao tiêu chuẩn bản thân… vậy mà không những không cố gắng lại còn đến gặp ta kêu ca. Bởi vậy ta đã che đi Long Môn thật và dựng lên Long Môn giả để các ngươi thỏa nguyện. Chứ Long Môn thật được tạo thành bởi linh khí của trời đất, đừng nói là ta, ngay đến Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng không hạ xuống cho các ngươi được đâu.”

Cuối cùng, vua Thủy Tề nói:

“Nếu tất cả cá chép đều thành rồng dễ dàng thì ‘rồng’ rốt cuộc cũng chỉ là một tên gọi khác của loài cá chép mà thôi. Nếu các ngươi muốn biết rồng thật sự khác cá chép thế nào, thì chỉ có một cách duy nhất là bằng mọi giá vượt qua Long Môn thật. Khi đó, ai chỉ là cá còn ai là Rồng thì các ngươi sẽ phân biệt ra ngay.”

Cá chép hóa rồng.

Tất cả cá chép đều có cơ hội trở thành rồng, nhưng thành hay bại lại là do bản thân nỗ lực như thế nào, chứ không phải là bởi tiêu chuẩn ấy có hạ thấp hay không. Nếu quả thực tiêu chuẩn được hạ thấp rồi, thì dẫu có “đạt”, vẫn chỉ là mang một tên gọi khác của chính mình mà thôi.

Do đó, cá chép muốn hóa rồng thì chỉ còn cách là nỗ lực bơi ngược dòng mà nhảy qua Long Môn. Một bậc cao nhân từng giảng, đại ý rằng: xã hội nhân loại cũng giống như dòng chảy lớn. Người ta nếu cứ xuôi theo dòng thì vĩnh viễn sẽ chìm ngập trong vũng lầy ô trọc nơi trần thế. Bởi vậy, cá chép cần phải “bơi ngược dòng”, còn con người thì cần “phản bổn quy chân”, rũ bỏ những cái xấu xa bại hoại mà tìm về với bản tính ban sơ của mình, đó là Chân, Thiện, Nhẫn. Con người từ khi sinh ra ai ai cũng mang trong mình những phẩm chất ấy. Nhưng cùng theo sự phát triển của xã hội, ai cũng cho rằng mình đang tiến lên nhưng kỳ thực là thụt lùi. Khi đạo đức không còn, chuẩn mực của bản thân bị hạ thấp, thì con người sẽ mãi mãi giống như loài cá, chịu hạn chế trong sông hồ mà không thể thoát ra ngoài.

Bởi vậy, cũng giống như cá chép muốn hóa rồng thì phải vượt qua Long Môn, con người muốn nhảy thoát khỏi nơi trần thế để trở thành một sinh mệnh cao tầng thì phải tu luyện. Quá trình tu luyện là một chặng đường gian khổ, giống như Đường Tăng trải qua 81 kiếp nạn sang Tây Trúc thỉnh kinh. Vì khó khăn gian khổ như thế nên cánh cửa tu luyện dẫu rộng mở vẫn chỉ có rất ít người dám đặt chân vào. Nhưng khi khó khăn qua đi thì huy hoàng sẽ tới. Người chân tu cuối cùng sẽ đắc Đạo, thăng thiên, như cá chép hóa rồng, được tận hưởng những điều mỹ diệu của thế giới nơi Thiên quốc. Đó là điều mà người bình thường không thể hiểu hay cảm nhận cho được. Người phàm chỉ có thể biết thế giới mình đang sống chứ không thể cảm thụ được cảnh giới cao hơn của sinh mệnh…

Rốt cuộc thì, cá bơi dưới nước, Rồng bay trên Trời. Long Môn vẫn luôn ở đó, cơ hội hóa rồng vẫn dành cho bất cứ ai, chỉ có điều cá có đủ dũng khí để vượt qua hay không…

Theo: ĐKN

CON CÓC ĐÒI ĐẤU TRỜI CAO

Con cóc đòi đấu Trời cao, 
Lòng người cuồng vọng biết bao giờ dừng?

“Con cóc là cậu ông Trời” – hẳn người Việt Nam chúng ta không còn lạ gì với câu thơ này, rất nhiều người hôm nay đều đã xem nó như một bài ca dao, thuận miệng mà đọc ra, thuận miệng mà dạy cho con trẻ đọc theo như một “bài học”. Nhưng, đã bao giờ chúng ta trầm tĩnh xuống để nghĩ về ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại hay chưa?

Đã bao giờ chúng ta thử nghĩ về ảnh hưởng tiêu cực của câu chuyện “cóc kiện Trời”? (Ảnh: Tinh Hoa)

Câu thơ trên xuất phát từ một câu chuyện trong dân gian không biết do ai nghĩ ra và bắt đầu được lưu truyền từ khi nào, nhưng đến hôm nay thì người Việt từ già tới trẻ đều có thể kể lại được rõ ràng, đó chính là chuyện “cóc kiện Trời”.

Chúng ta hãy nghĩ về tư tưởng của câu chuyện này: Một con cóc bé tí lại muốn đấu với Trời cao? Thậm chí, Trời phải chịu thua cóc và từ đó phải gọi cóc bằng “cậu”. Nhiều người xem đây như một chuyện cổ tích vô tội vạ, kỳ thực đằng sau nó có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, hiển nhiên đây là một câu chuyện báng bổ Thần linh, một điều vốn trái ngược với văn hóa cổ truyền của người dân Việt Nam; thứ hai, nó “chắp cánh” cho sự kiêu căng, cuồng vọng tự đại đến mức hoang tưởng lố bịch của con người, một điều chỉ có thể mang đến tai ương cho đất nước và dân tộc.

Văn hóa truyền thống là văn hóa kính Thần

Văn hóa truyền thống của người Á Đông chính là văn hóa Thần truyền, tôn kính Trời Đất, lễ bái Thần Phật, tin vào Thiên đạo, hành sự thuận theo tự nhiên, phù hợp với quy luật của vũ trụ, điều này đã được vun đắp và bồi dưỡng qua hàng ngàn năm trong tâm linh của cả người Việt Nam chúng ta.

Nền văn hóa chính thống của Việt Nam hòa quyện với sự kính ngưỡng Thần linh và các đấng bề trên. Trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, người Việt chưa bao giờ tách rời khỏi những câu chuyện cổ về Thần: Cội nguồn là nòi giống Rồng – Tiên, Thánh Gióng giúp dân đánh giặc, Kim Quy giúp Thục Vương xây thành, Lý Thái Tổ thấy rồng ngự trên thuyền mà lập đất Thăng Long, Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng xuất gia tu thành Phật vị,… đều là những Thần tích không lạ gì với các thế hệ người Việt từ bao đời nay.


Còn câu chuyện “cóc kiện Trời” kia vừa khéo đã khởi tác dụng phản lại văn hóa truyền thống dân tộc, báng bổ Thần linh. Một đám động vật vô kỷ luật được dẫn đầu bởi một con cóc lẽ nào có thể chiến thắng tướng nhà Trời với vô số thần binh lợi khí và pháp thuật thần thông? Đã báng bổ Thần linh, lại còn rất phi logic. Chỉ khi lòng người trở nên ngông cuồng tự đại, cái tôi quá lớn dẫn đến kiêu ngạo phách lối, mới tự mình “tưởng tượng” ra một câu chuyện như vậy!

Hơn nữa, chúng ta đều biết rằng, con người quá nhỏ bé so với Trời, nếu Trời bị xếp dưới con cóc kia, thì thử hỏi con người trước loài cóc nên được xếp vào đâu? Người “sáng tác” ra và những người “truyền tụng” câu chuyện này chẳng phải đang tự hạ thấp và lăng mạ chính mình hay sao?

Con cóc không thể nào đấu được với Trời, nó chỉ có thể vì sống trong cái giếng khô nên coi trời bằng vung, khi ra ngoài mới thấy thiên địa bao la rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, còn chưa kịp kêu tiếng nào thì đã bị một con trâu giẫm chết!

Ngay cả một nhà bác học vĩ đại như Isaac Newton còn phải nói rằng: “Thành tựu khoa học của tôi chỉ giống như mang cho bạn xem vài cái vỏ sò đẹp mà tôi tìm được thôi, trước mắt chúng ta vẫn là một đại dương mênh mông.” Không phải Newton khiêm tốn, mà là vì người ta biết càng nhiều thì càng cảm thấy mình thật nhỏ bé và vũ trụ thật vĩ đại, Đấng Tạo Hóa (Thần) lại càng nằm ngoài điều mà chúng ta có thể nghĩ đến. Một con cóc, chính là một kẻ ngông cuồng mà kém cỏi, có thành tựu và uy đức gì mà dám thách thức tạo hóa?

Một con cóc nhỏ bé sao có thể đấu với Trời cao? (Ảnh qua Zing)

Do ảnh hưởng của giáo dục, nhiều người còn cho rằng “cóc kiện Trời” thể hiện cái gọi là “khát vọng chiến thắng thiên nhiên của con người”. Thật ra con người chưa bao giờ “chiến thắng” được thiên nhiên cả, ngược lại, việc ngông cuồng đấu trời đấu đất muốn cải tạo thiên nhiên vì các mục đích ích kỷ chỉ khiến con người phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai nhân họa xảy ra khắp nơi, ngay cả nguồn nước sạch cũng khan hiếm!

Người xưa chưa bao giờ có ước mơ “chinh phục thiên nhiên” như con người ngày nay vẫn nghĩ, chẳng qua thời nào cũng có những kẻ cuồng vọng tự đại, người hiện đại nhìn vào mấy “tấm gương” phản diện ấy mà cho rằng cổ nhân đều như vậy, thật đáng buồn! Trái lại, điều mà người xưa hướng đến chính là “Thiên Nhân hợp nhất”, thuận theo tự nhiên mà sống, không phải cải tạo thiên nhiên mà là sử dụng hợp lý thiên nhiên, sống giữa Trời và Đất mà chan hòa cùng vạn vật. Đây chính là điều mà Lão Tử giảng: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên”.

Thế Di / Tinh Hoa

HOA CỦA MÙA THU KOSUMOSU

Ở Nhật, vào mua thu nếu bạn muốn đi ngắm hoa thì có lẽ Kosumosu ( hoa cúc bướm) là lựa chọn thú vị nhất rồi.
 

Nếu viết bằng Kanji thì tên của loài hoa này sẽ là “秋桜”, tức là anh đào của mùa thu.
 
Trên cánh đồng hoa bạn sẽ được ngắm nhìn rất nhiều màu sắc xinh đẹp: Hồng, trắng, đỏ, cam và màu xanh lục, xanh da trời.
 

Nhìn kỹ chẳng giống hoa anh đào chút nào, vậy tại sao nó lại được gọi là anh đào của mùa thu? Có một chút hơi khó hiểu.
 
Nếu bạn ở Nhật vào dịp tháng 9, tháng 10 này, chúng tôi xin giới thiệu một vài địa điểm bạn có thể ngắm loài này.
 
1. Công viên tưởng nhớ Showa (昭和記念公園)


Đây là công viên của nhà nước, nằm ở thành phố Tachikawa, Tokyo.
 
Gần 5,5 triệu gốc hoa được trồng ở đây, nhìn mặt đất chỉ toàn hoa là hoa.
 
Hoa nở rực rỡ kết hợp với bầu trời xanh tươi thì không còn từ gì để diễn tả về vẻ đẹp được nữa.
 

2. Shinagawa Hanakaido (しながわ花海道)


Tuy ít hoa hơn công viên Showa, nhưng ở đây là trung tâm của Tokyo, bạn không phải đi đâu xa mà vẫn có thể ngắm được hoa đẹp.
 
Vừa đi dạo, vừa ăn những món ngon mang theo cùng một cô bạn gái nữa thì còn gì bằng.
 
3. Công viên hoa hồ Yamanaka (山中湖花の都公園)


Nếu có thể đi xa hơn một chút đến tỉnh Yamanashi láng giềng với Tokyo thì không còn gì tuyệt vời hơn.
 
Nơi đây có khoảng 5 triệu gốc hoa, vừa ngắm hoa mà vừa có thể ngắm núi Phú Sĩ từ xa, cảm giác bao la mênh mông, đầu óc rất thư thái vô cùng.

Đây là loài hoa rất khỏe mạnh, nên dù có không chăm sóc nhiều, nó vẫn sinh trưởng rất tốt.
 
Ngoài ra, nơi đây là địa điểm trượt tuyết vào mùa đông, nên trước khi tuyết rơi, hoa sẽ nở rộ một lần rồi lụi tàn.
 
Người ta nói hoa này không phải của Nhật mà được lấy giống từ Mehico về.
 
Mùa thu ở Nhật ngắn, hoa cũng đẹp, món ăn mùa này cũng ngon, vậy nên hãy nhanh tận hưởng bầu không khí ngắn ngủi này nhé, chứ đến mùa đông là cứ phải lủi thủi trong nhà không đấy.
 
Kengo Abe

Saturday, May 29, 2021

10 LOÀI SINH VẬT BIỂN ĐÁNG SỢ

Dưới mặt nước xanh thẳm có vô số các sinh vật nguy hiểm, từ các sinh vật to lớn với sức mạnh ghê gớm cho đến các sinh vật bé nhỏ với vũ khí tự vệ lợi hại. Dưới đây là 10 loài sinh vật nguy hiểm nhất của đại dương đăng trên tạp chí khoa học Livescience.

Cá chình biển


Có một cơ thể giống rắn, cái miệng nhô ra và quai hàm rộng. Sinh vật nguyên thủy này thực sự trông giống Thần chết. Cần biết rằng, nó là một loài cá và nó có thể dài đến gần 2,5m.

Theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), một vết cắn từ hàm răng sắc bén và quai hàm đầy sức mạnh từ loài cá chình sẽ tạo ra một vết thương xơ xác mà có thể gây ra nhiễm trùng bởi vi khuẩn từ trong miệng loài cá này.

Cá chình thường ẩn nấp trong các khe hay hốc đá trong suốt cả ngày, chúng săn mồi vào ban đêm. Chúng ăn mọi loài cá hay các sinh vật khác mà có thể bắt được.

Một vài chuyên gia ở NOAA đã đưa ra lời khuyên để tránh bị loài cá này cắn phải, đó là đừng cho tay của bạn vào các khe hay hốc đá dưới mặt biển và không bao giờ cho loài cá này ăn.

Sư tử biển


Sư tử biển là loài thông minh, có thể huấn luyện và là sức thu hút lớn trong các rạp xiếc, nhưng nhiều khi chúng cũng có thể cắn con người, vì đây là loài cực kỳ phân biệt lãnh thổ.

Ở California, sự gia tăng các cuộc tấn công của sư tử biển đã được báo cáo tại các bãi biển Manhattan, Newport và tại San Francisco năm 2006, nó trở thành mối bận tâm của các nhà khoa học. Một vài nhà nghiên cứu nghi ngờ các chú sư tử biển có thể đã ăn phải cá bị nhiễm độc dẫn tới hành động hung dữ.

Thành phố San Diego đã đăng cảnh báo trên trang web của họ rằng: “Giống như mọi sinh vật hoang dã khác, tính nết của sư tử biển và hải cẩu cũng không thể dự báo trước được. Chúng có răng sắc nhọn và có thể cắn, nhất là khi chúng căng thẳng hoặc bị dồn vào thế bí”.

Cá đuối gai độc


Cái chết của Steve Irwin, người dẫn chương trình “Crocodile Hunter” (Săn cá sấu) và là một trong những nhà hoạt động cho động vật hoang dã nổi tiếng thế giới vào năm 2006, chính là do loài cá đuối gai độc gây nên. Vụ việc này đã khiến cho người anh em của cá mập này được biết tới như một loài hung hăng, nguy hiểm nhất.

Cái đuôi dài 20cm của loài cá này như một lưỡi mác lởm chởm. Chúng trở nên cứng, nhọn khi cá đuối cảm nhận mối nguy hiểm, ngoài hình thù răng cưa giống như một chiếc dao ăn đuôi cá đuối còn chứa nọc độc có thể làm chết cả các loài động vật ăn thịt khác.

Theo phòng thí nghiệm Mote Marine ở Sarasota, Florida, Mỹ: “Nọc độc của các đuối gai độc là một loại độc tố dựa trên protein ở mức độ lớn mà có thể tạo ra sự đau đớn khủng khiếp cho các động vật có vú và có thể cũng làm thay đổi tần số tim đập và hô hấp". Rất may, các chú cá đuối gai độc ít khi chọn loài người là mục tiêu tấn công.

Cá sấu


Các chú cá sấu nước mặn đã khẳng định được vị trí của mình như là một trong những loài động vật dữ tợn nhất trong thế giới hoang dã.

Chúng có thể phát triển dài đến hơn 6m và nặng hơn một tấn. Chúng được biết đến là kẻ săn mồi hung tợn đối với biết bao loài động vật gồm: khỉ, kangaroo, bò rừng, trâu và thậm chí là cả cá mập.

Hoàn toàn dựa vào cơ thể, cá sấu có thể kéo lê xuống nước cả những con trâu rừng to lớn. Sử dụng phương pháp tấn công sở trường gọi là “death roll”, các sấu giết con mồi bằng cách ngoạm bộ hàm của nó vào cơ thể con mồi và sau đó xoay vòng lộng lộn để bẻ gãy các khớp xương của kẻ xấu số. Kĩ thuật này cũng được dùng để chiến đấu với các loài động vật lớn khác.

Cá sư tử


Phổ biến trong các bể cá gia đình, cá sư tử chưng diện một bộ nan quạt các gai độc rất sặc sỡ.

Theo NOAA, mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng những chiếc gai độc của loài cá này cũng tạo ra phát đốt đau đớn có thể dẫn đến đau đầu, nôn mửa và khó thở.

Tình trạng xấu nhất của vết thương thường chỉ tồn tại trong khoảng một giờ, nhưng cũng có những trường hợp bị đau và có cảm giác ngứa đến cả một tuần.

Bên trong các bể cá cảnh, cá sư tử rất hiền lành còn ở môi trường tự nhiên chúng thực sự là một sát thủ. Loài cá này có khả năng sinh sản tốt và bản tính hung hăng, thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ hơn. Ở nhiều nơi chúng đã lấn lướt nhiều loài sinh vật biển khác.

Rắn biển


Nỗi sợ hãi bẩm sinh của con người về loài rắn đã đẩy loài động vật trườn trong nước này vào trong danh sách. Tuy nhiên, sự thực thì các loài rắn biển chỉ là bản sao của các loài rắn độc trên mặt đất.

Các loài rắn biển vẫn có họ hàng với rắn hổ mang bành nên nó biết khi nào thì mới cần dùng đến nọc độc. Một phát cắn của rắn biển làm tê liệt và giết chết con mồi trong vài giây. Cách tấn công này thường thấy trong việc săn cá chình, tôm và các động vật khác.

Cá nóc


Cá nóc là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều các trường hợp tử vong ở con người, tất cả đều là do ngộ độc khi ăn chúng. Chất độc của cá nóc là tetrodotoxin (một loại độc tố thần kinh có công thức C 11 H 17 N 3 O 3 ) còn mạnh hơn cả xianua.

Độc tố cá nóc là chất có hoạt tính sinh học được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chúng được dùng chủ yếu trong y dược, đặc biệt có một loại thuốc được làm từ chất độc của cá nóc đã được kiểm nghiêm có thể điều trị các triệu chứng trong cai nghiện ma túy.

Cá đá


Loài cá này đứng thứ ba trong danh sách các loài cá nguy hiểm bởi hai lí do: nó là một trong các sinh vật dưới nước tiết ra nọc độc mạnh nhất, và nó còn là bậc thầy của nghệ thuật ngụy trang. Loài cá này thường ẩn mình trong các dải đá ngầm hoặc giữa các rặng san hô trông không khác gì một hòn đá thật.

Cá đá không hay tấn công, nhưng con người cần tránh dẫm phải nó. Những chiếc gai chứa nọc độc của nó thường dùng để phòng vệ trước sự tấn công của cá mập hay các loài động vật ăn thịt khác. Nọc độc của nó gây sốc hay tê liệt tạm thời, nhưng cũng có thể dẫn tới chết người nếu không được chữa trị kịp thời.

Cá mập


Chắc chắn không thể bỏ qua loài cá mập trắng, kẻ săn mồi vĩ đại của đại dương khi nói về những động vật nguy hiểm dưới đại dương. Dù rằng, trên thực tế, cá mập bị giết nhiều hơn là con người bị cá mập ăn thịt nhưng đây vẫn là loài gây nên nỗi sợ hãi tự nhiên với loài người.

Cá mập ăn mọi thứ: cá, hải cẩu, chim, mực ống, cá mập con, cá heo… thậm chí cả những đồ đạc trôi nổi trên biển như chiếc lốp xe cũ. Chúng có thể dài đến 5,5m nặng cả tấn.

Cá mập được thấy ở nhiều vùng biển ôn đới và nhiệt đới, chúng thường sống phổ biến quanh các đảo ở trung tâm Thái Bình Dương. Loài cá mập trắng được coi là loài hung dữ và hiếu chiến nhất trong họ hàng nhà cá mập.

Sứa hộp


Loài sinh vật sền sệt này mới chính là nỗi đáng sợ chết người ghê gớm nhất, hơn cả loài cá mập.

Chưa có một công bố chính thức nào nhưng đã có rất nhiều các chứng cớ và thống kê cho thấy hàng năm có đến hạng chục hoặc hàng trăm các trường hợp chết người gây ra bởi loài sứa hộp mà sống tại mọi vùng biển trên thế giới.

Theo Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, khoảng 20 đến 40 người chết do bị sứa hộp đốt mỗi năm ở Philippines và họ đã tuyên bố “tai ương từ loài sứa hộp có thể được coi là nghiêm trọng”.

Một con sứa hộp Australia có thể có hàng tá xúc tu, mỗi cái dài trên 4,5m, với lượng độc tố có thể giết chết 60 người. Cái đốt của một con sứa hộp Chironex fleckeri có thể giết một người trong vòng ba phút. Các loài sứa hộp ở Hawaii, Florida và các vùng khác của nước Mỹ thì có thể gây ra suy tim.

Theo: Đất Việt (Livescience)

TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NAM KHÓ CÓ THỂ HẠNH PHÚC?

Hiện nay, có nhiều thống kê cho rằng Việt Nam nằm ở bậc khá cao trên thế giới về hạnh phúc. Điều đó không khỏi dẫn tới tự mãn phần nào trong tư tưởng của nhiều người.

Ảnh: Huw Jones/Getty Images

Tuy nhiên, có mâu thuẫn nào đó giữa trình độ phát triển, nền kinh tế, trình độ văn hoá v.v. của Việt Nam trong tương quan với chỉ số hạnh phúc này.

Phải chăng điều đó chứng tỏ những tiêu chí phát triển của loài người và hạnh phúc có thể mâu thuẫn với nhau? Rồi lại có những người nói rằng thực ra Tây cũng không phải hạnh phúc đâu, họ có đầy cái bất hạnh, và ta cũng không phải dở đâu, vì ta có đầy cái sướng. Điều này có thể xảy ra, nhưng không dễ tin cho lắm.

Ta thường gặp hai loại bộ chỉ số hạnh phúc chính:

- Bộ chỉ số hạnh phúc chủ quan (The Subjective Happiness Scale -SHS) hay Bộ chỉ số độ hài lòng với cuộc sống (The Satisfaction with Life Scale - SWLS)

- Bộ chỉ số ảnh hưởng tích cực tiêu cực (The Positive and Negative Affect Schedule - PANAS)

Tất cả các loại chỉ số đều là con lai giữa hai loại bộ chỉ số này. Loại thứ nhất nói về độ hài lòng chủ quan của một người với thời điểm hiện tại và quá khứ gần.

Loại thứ hai thống kê những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng tốt hay xấu tới đời sống con người và cho rằng nếu nhiều yếu tố tốt thì con người sẽ hạnh phúc hơn và nhiều yếu tố xấu thì con người sẽ ít hạnh phúc hơn.

'Thận trọng'

Ảnh: Hadynyah/Getty Images

Với nhóm thứ nhất, nhận định chủ quan của từng cá nhân không có cơ sở so sánh vì sự hài lòng của mỗi cá nhân có thể hoàn toàn khác nhau.

Sự hài lòng của một đứa trẻ được kẹo và một nhà khoa học mới phát minh ra một lý thuyết mới không thể là một. Ngay cả khi thêm vào lời khai chủ quan những chỉ số mang tính vật lý thuần tuý như nồng độ adrenaline, dopamine v.v. cũng không cải thiện được chất lượng thông tin và khả năng so sánh.

Các hormone đều chỉ là triệu chứng đi kèm theo cảm giác hạnh phúc chứ không phải định nghĩa hạnh phúc, hay là chỉ số chứng tỏ hạnh phúc. Adrenaline có thể tăng cả trong trường hợp sợ hãi, hoặc bệnh lý.

Nhóm thứ hai bao gồm những thông tin khách quan hơn như thu nhập, môi trường, chính sách v.v. Những bộ chỉ số này không trực tiếp đo hạnh phúc, mà đo những yếu tố được cho rằng sẽ ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ là hai người sống trong cùng điều kiện ngoại cảnh như nhau không có cùng độ hạnh phúc như nhau. Tác dụng của những yếu tố ngoại cảnh tới từng người rất khác nhau, như vậy tác dụng của ngoại cảnh đó tới từng dân tộc lại cũng rất khác nhau.

Tóm lại, nhóm thứ nhất tả về những thứ rất khác nhau dưới cùng một tên là "hạnh phúc", nhóm thứ hai tả về một loạt yếu tố có tác dụng rất khác nhau đến các loại hạnh phúc khác nhau kia, như vậy thì làm sao gọi là có cơ sở so sánh được. Khi đã không cùng một cơ sở so sánh thì mọi so sánh là khập khiễng.

Tuy vô nghĩa về mặt giá trị khoa học, nhưng những chỉ số này đặc biệt có tính chất gây nghiện, nhất là đối với những xã hội có tầm nhận thức thấp. Nó mang lại sự hài lòng một cách đáng thương và nguy hiểm.

Vì thế, cần phải làm rõ vấn đề hạnh phúc và rất thận trọng với những loại chỉ số này.

Chữ 'Phúc'

Ảnh: Getty Images

Chữ hạnh phúc bao gồm 'hạnh' và 'phúc' trong quan hệ nhân quả, tức là chỉ riêng cái loại 'phúc' do 'hạnh' mà đạt được. Trong đó riêng chữ 'phúc' đã bao hàm rất lớn, là một cuộc sống tốt, đáng mong ước nói chung, chứ không phải chỉ là một cảm giác sướng hay dễ chịu nhất thời.

Về điểm này, Đông Tây từ xưa đều thống nhất quan điểm. Người Hy lạp có khái niệm eudaimonia, với chính xác nghĩa như "phúc do hạnh mà đạt".

Bản thân chữ Phúc có nhiều nội hàm khác nhau trong từng nền văn hoá, nhưng nó vẫn là cái gì đó rất lớn. Trong văn minh Nho giáo, mỗi con người chỉ là một mắt xích trong một chuỗi quan hệ dòng tộc tử tổ tiên tới hậu duệ. Vì thế, chữ 'phúc' không chỉ bao gồm cuộc sống tốt một đời, mà là cái tốt cho muôn đời tính theo dòng tộc.

Hạnh không phải là những hành động đạo đức, tuân theo những luật lệ cụ thể, mà là cơ sở nội tại của đạo đức, là những nền móng tiên nghiệm cho toàn bộ hệ thống đạo đức.

Mặc dù nhiều người cho rằng cơ sở này là tiên nghiệm và làm thước đo cho tính đạo đức của mọi hành vi, nhưng ở mỗi nền văn minh, cơ sở này được xác định khác nhau.

Có thể nói là có những cái cây đạo đức khác nhau, xuất phát từ những bộ rễ khác nhau. Mặc dù vậy, khác với cái hạnh phúc do cảm nhận chủ quan nhất thời của mỗi người tại mỗi thời điểm thì số lượng các loại bộ rễ tiên nghiệm, các loại nền tảng đạo đức trên thế giới không có nhiều.

Hạnh phúc dựa trên cái 'Biết'

Ảnh: Vinh Nguyen Phuoc/Getty Images

Theo Aristotle thì một cuộc sống tốt là cuộc sống phù hợp tối ưu với bản chất con người, và chỉ đạt được bằng tư duy mạch lạc, khoa học, tức là làm gì cũng đúng lúc, đúng chỗ, có lý do (perfect rationality).

Những đức hạnh quan trọng nhất theo người Hy Lạp, là niềm tin vào vị trí đặc biệt cao quý của con người - là trung tâm, thước đo của vũ trụ, vào sự bình đẳng giữa con người, và vào năng lực cũng như nghĩa vụ của con người trong việc khám phá ra những quy luật của vũ trụ.

Một hành động được coi là có lý do không phải vì nó sẽ dẫn tới một kết quả cụ thể nào, một lợi ích vật chất gì, mà vì nó nằm trong vai trò cao quý của loài người nói trên.

Chúng ta hay nghe câu cửa miệng "biết đủ là hạnh phúc". Tưởng là đơn giản, nhưng vấn đề là "biết" chứ không phải "cảm thấy".

Tất nhiên, khoa học không phải con đường duy nhất để dẫn đến cái 'biết'. Ta có thể tin là Phật khi giác ngộ cũng biết, bằng con đường khác, nhưng chừng nào ta chưa phải là Phật thì chưa thể nói là cảm nhận được về loại hạnh phúc đó.

Đạo giáo ở phương Đông về cơ bản không khác nhiều so với quan điểm của người Hy Lạp, vì thế những quan điểm của Đạo giáo rất giống thời kỳ Hy Lạp tiền Socrates.

Theo đạo giáo thì một người đức hạnh là một người hành động thuận theo tự nhiên, nhưng để làm được việc đó thì phải biết tự nhiên hành động thế nào. Chỉ có điều những phát kiến của Đạo Giáo về lĩnh vực này thì không đi được xa như phương Tây.

Hạnh phúc trong Thiên Chúa giáo

Ảnh: Getty Images

Đối với Thiên Chúa giáo thì hạnh phúc cuối cùng là được Chúa cho lên thiên đàng. Nhưng khi nào thì được lên thiên đàng?

Theo Thomas von Aquin, một hành động được coi là đức hạnh không phụ thuộc vào kết quả của nó, mà khi nó có một lý do chính đáng, bởi vì Chúa sẽ xét theo lý do đó chứ không xét theo kết quả.

Thời Trung cổ, muốn như vậy thì hãy làm theo gương Jesus (imitatio Christi), mà quan trọng nhất là tình yêu vô bờ bến đối với tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, xuất xứ, năng lực, chủng tộc (bác ái).

Đến thời tư bản sau này, ta có lý thuyết của Weber về hệ đạo đức Tân giáo (Protestant), cho rằng con người sẽ chỉ có đức hạnh thông qua lao động không ngừng nghỉ, và chỉ với sự lao động đó, con người mới được chúa đón vào thiên đàng.

Theo triết gia Thiên Chúa giáo người Nga Soloviev thì cơ sở cho đạo đức Thiên Chúa giáo là sự xấu hổ, xuất phát từ tội tổ tông truyền.

Chính trực giác về cảm giác xấu hổ sẽ dẫn người ta biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Ta thường nói một việc không đạo đức là một việc làm trái với lương tâm, cũng chính là nhờ vào cái năng lực tiên nghiệm về việc cái gì là đáng xấu hổ, cái gì là không.


'Hạnh phúc nhờ hy sinh'

Theo như Nietzsche thì con người không thể đạt tới hạnh phúc bằng cách trực tiếp hướng tới nó vì những nỗ lực nhằm đạt những cảm giác sung sướng, hài lòng v.v. chỉ dẫn tới những tham vọng mông muội.

Ngược lại, hạnh phúc chỉ đến với những ai nỗ lực, khổ đau, trăn trở. Nó là phần thưởng cho những sự hy sinh cao quý, sự dũng cảm từ chối con đường dễ dãi.

Theo Phật giáo thì hành động đức hạnh được định nghĩa bằng bát chánh đạo, và kết quả của nó là cái phúc vĩnh hằng, hay là trạng thái niết bàn, một trạng thái cân bằng tuyệt đối, không còn khổ. Bản chất của đức hạnh này là năng lực buông bỏ, cũng có thể coi như tuệ căn, hay phật tính, được cho là tiền nghiệm trong mỗi sinh linh, chẳng qua là có phát huy được đến đâu thôi.

Nho giáo có rất nhiều khái niệm đạo đức, đức hạnh, nhưng chốt lại đều từ một chữ Nhân. Tất cả những thứ khác như : lễ nghĩa trí tín v.v. đều chỉ là công cụ, là triển khai cụ thể, nhằm đạt được chữ nhân mà thôi.

Chữ nhân này lại gần như không có nội hàm gì, vì nó chỉ là tính người chung chung. Đối với mỗi học trò, Khổng Tử lại dạy một chữ nhân khác nhau, tuỳ thuộc vào năng lực và xuất phát điểm của người đó.

Vì thế rất khó mà hiểu được khi nào thì một hành động được coi là đức hạnh, khi nào thì không. Đó chính là lý do để rất nhiều trường hợp, việc thực hành những nguyên lý đạo đức Nho giáo trở thành cổ hủ, cứng nhắc.

Ảnh: Getty Images

Theo Francoise Julien thì cơ sở đạo đức của Nho giáo có thể được nhận ra ở quan điểm của Mạnh tử về "xích tử chi tâm", có nghĩa là sự "mủi lòng". Sự "mủi lòng" này gần giống với bác ái của Thiên Chúa giáo. Nó giống ở chỗ cũng cần phải có đối tượng cho sự mủi lòng đó.

Tuy nhiên, sự mủi lòng hạn hẹp hơn bác ái. Tinh thần bác ái có thể được áp dụng với mọi đối tượng, trong mọi trường hợp, nhưng sự mủi lòng thì tiền giả định là đối tượng phải yếu đuối, đáng thương. Để một người có thể hạnh phúc vì mủi lòng với kẻ khác thì luôn phải có những kẻ bất hạnh để người ta phải mủi lòng.

Ngoài những khái niệm trên, những nền văn hoá khác cũng có thể có những khái niệm về hạnh phúc khác. Có thể nói rằng những nền văn minh khác nhau có khái niệm về hạnh phúc rất khác nhau, vì thế, không thể so sánh những loại hạnh phúc này với nhau.

Việt Nam nằm trong ảnh hưởng chính của Nho giáo, vì thế quan niệm về hạnh phúc khá mù mờ nên dễ bị lung lạc. Tuy nhiên, nếu thực sự thấm nhuần quan điểm Nho giáo thì ít nhất cũng phải hiểu được cái gì chắc chắn không thể là hạnh phúc.

Tất cả những gì ta hình dung không phải góp phần vào thành tựu bền vững cho muôn thế hệ thì chắc chắn không phải hạnh phúc. Một thứ chỉ có thể coi là hạnh phúc khi nó góp phần tạo phúc cho con cháu đời đời.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, kiến trúc sư sống và làm việc tại Hà Nội.

Phó Đức Tùng
Gửi tới BBC từ Hà Nội (đăng: 29 tháng 3 2017)

KHÁM PHÁ VỀ "NGŨ HUYỀN THUẬT" CỦA TRUNG HOA CỔ ĐẠI

"Ngũ huyền thuật", xét theo nghĩa rộng thì đó là những tư tưởng và phương pháp do các bậc tiên triết thời xưa dựa vào cơ sở Triết học cổ đại là bộ Kinh Dịch, kết hợp với quá trình vận dụng thực tiễn lâu dài, đã đúc kết nên quy luật vận hành của Đạo Trời, cùng những nguyên lý phổ biến và huyền bí trong vận mệnh của con người, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng, là tìm đến trạng thái hài hòa giữa con người với trời đất, với giới tự nhiên. Xét theo nghĩa hẹp, ngũ huyền thuật chính là những phương cách “tìm cát tránh hung, trừ tai phòng họa” để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.


SƠN - SỰ TU LUYỆN THỂ XÁC VÀ TINH THẦN

Sơn, tức là các thuật tu đạo, tu luyện, dưỡng sinh, khí công, các thuật tu dưỡng thân tâm được tiến hành trên núi cao (sơn). Đây là loại hình học vấn dùng các phương pháp thực nhĩ, trúc cơ, huyền điển, quyền pháp, phù chú… để rèn luyện thể xác và tinh thần, nhằm hoàn thiện thân tâm. Thực thị là phương pháp lợi dụng các loại ẩm thực để tăng cường thể chất. Trúc cơ là phương pháp lợi dụng thiền, tĩnh toạ để khống chế tinh, khí, thần mà thăng tiến thể lực. Huyền điển là một loại phương thức lấy tư tưởng thánh hiền đạo nhân làm cơ sở tinh tiến mà đạt đến tu tâm dưỡng tính. Quyền pháp là phương pháp lấy tập luyện các loại võ thuật để tăng cường thể phách. Phù chú là một loại phương thuật thông linh, có tác dụng chủ yếu để tránh tà, trấn áp cái hung, hướng về cát tường.


Y - ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH TẬT

Y, tức y thuật, gồm các phương pháp chữa trị bệnh, cách chế tác thuốc, cách sử dụng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, linh trị… với mục đích điều trị bệnh tật, duy trì sức khỏe.

Phương thuốc: sử dụng các loại thảo mộc, các vị thuốc hoặc các loại thuốc thành phẩm để chữa trị các bệnh, điều trị các tật, hoặc tăng cường bồi bổ sức khỏe.

Châm cứu: cách gọi chung của “châm” và “cứu”. "Châm" thì dễ hiểu, là dùng vật nhọn tác động vào một vị trí nào đó trên cơ thể, còn "cứu" nghĩa là hơ nóng trên ngọn lửa. Châm cứu vận dụng nguyên lý tuần hoàn khí huyết và hệ thống kinh lạc, hệ thống huyệt vị trong cơ thể con người để kích thích các bộ phận mắc bệnh, từ đó điều hòa khí huyết về trạng thái cân bằng, tức là chữa khỏi bệnh. Gần giống với các phương pháp “vật lý trị liệu” ngày nay. Những y thuật khác tương tự là xoa bóp (mát-xa) và ấn huyệt, day huyệt. Điểm huyệt và giải huyệt lại thuộc về SƠN, mặc dù khá gần với ấn huyệt.

Linh trị: Tác động đến trạng thái tâm lý của con người nhằm chữa trị bệnh tật. Gần giống với các phương pháp “trị liệu tâm lý” ngày nay.

MỆNH - THẤU TỎ VẬN MỆNH CỦA CON NGƯỜI, TÌM RA QUỸ ĐẠO ĐỜI NGƯỜI

Mệnh (hay mệnh lý), tức các thuật (các dạng học vấn) dùng để suy đoán về số mệnh và vận mệnh của con người, nhằm đạt đến mục đích tìm điều lành, tránh điều dữ (tìm cát tránh hung) để cải thiện cuộc sống. Phương pháp chủ yếu là căn cứ vào thời điểm sinh ra của chủ thể và giới tính của chủ thể, vận dụng các nguyên lý của các học thuyết âm dương, ngũ hành (cốt lõi của Kinh Dịch). Những loại hình đoán mệnh chủ yếu gồm: Bát tự Hà Lạc, Tứ trụ đoán mệnh, Tử vi Đẩu số, Thiết Bản thần số.

Bát tự Hà Lạc: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào 8 chữ (bát tự) Can và Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh (và giới tính). Để xem chủ thể nhận được quẻ gì trong số 64 quẻ Văn Vương, người ta phải dùng các con số trong Hà Đồ và Lạc Thư (thực chất là các số tự nhiên từ 1 đến 10) để tính toán, cộng trừ, nhân chia. Sau đó, dùng các lời bình luận về từng quẻ của thánh nhân (thoán từ, hào từ) để suy đoán. Có sử dụng Ngũ Hành, nhưng ít hơn nhiều so với Tử vi Đẩu số.

Tứ trụ đoán mệnh: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào Can Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh để nạp các nhân tố âm dương, ngũ hành, lục thần, lục sát, nạp âm vào trong đó, rồi tiến hành những phân tích về mệnh lý. "Tứ trụ" hiểu là 4 cột trụ, chính là từng cặp Can Chi kể trên.

Tử vi Đẩu số: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào Can Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh (và giới tính). Sau đó, sắp xếp trên dưới 100 ngôi sao vào 12 cung, gồm: cung Mệnh, cung Huynh đệ (anh chị em), cung Phu thê (vợ chồng), cung Tật ách (bệnh tật), cung Thiên di (xuất ngoại), cung Nô bộc, Tài bạch (của cải), cung Điền trạch (đất đai, nhà cửa), cung Phụ mẫu (cha mẹ), cung Quan lộc (sự nghiệp), cung Phúc đức, Tử nữ (con cái). Ngoài ra, còn cung Thân - dùng để dự đoán tương lai của đời người. Cung này tương phối cùng các cung khác, chứ không có vị trí riêng. Trong đó, cung Mệnh là cung quan trọng nhất.


TƯỚNG - CHỈ RA MỐI LIÊN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI

Tướng, có nghĩa là phương pháp quan sát về hình dạng bên ngoài của người, vật, sự việc, địa hình (thế đất)… từ đó rút ra kết luận về vận mệnh của con người (của chủ thể hay của con cháu họ).

Có 5 loại phổ biến là: nhân tướng (xem hình dạng, mặt mũi, vân tay…), gia tướng (xem đất xây nhà), mộ tướng (xem đất xây phần mộ), ấn tướng (xem con dấu, chữ ký), danh tướng (xem tên họ).

Nhân tướng: Quan sát hình dạng, sự cân đối, khí sắc, các đường rãnh, nếp nhăn trên mặt và bàn tay, ngón tay để suy đoán.

Gia tướng: Quan sát hình dáng, thế đất, địa hình xung quanh, phân tích cách cục của mảnh đất hay ngôi nhà để từ đó suy đoán về trạng thái cát hung cho chủ thể (cũng như cho con cháu họ) khi sinh sống trên mảnh đất hay ngôi nhà đó. Loại hình này còn gọi là phong thủy dương trạch.

Mộ tướng: Loại hình này còn gọi là phong thủy âm trạch. Quan sát hình dáng, thế đất, địa hình xung quanh, phân tích cách cục của mảnh đất xây mộ (người xưa quan niệm, đó là ngôi nhà dưới âm) an táng di hài tổ tiên, cốt sao cho có sự phù trợ, giúp ích tối đa cho đời con cháu.

Ấn tướng: Quan sát hình dáng con dấu (cái triện) của người có chức quyền để từ đó suy đoán về tình hình làm quan cai trị của chủ thể. Ngày nay, người ta chủ yếu xem chữ ký các “sếp”.

Danh tướng: Phân tích họ và tên của người có chức quyền hoặc thương gia để từ đó suy đoán về tình hình làm quan (hay làm ăn) của chủ thể. Ngày nay, người ta chủ yếu phân tích tên cửa hàng, cửa hiệu.


BỐC - TÌM RA QUY LUẬT PHÁT TRIỂN TIẾP THEO CỦA SỰ VẬT

Bốc (tên đầy đủ là Bốc phệ), có nghĩa là bói toán, bói quẻ, bắt nguồn từ 8 quẻ (Bát quái) trong Kinh Dịch. Mục đích là dự đoán và xử lý các sự việc sẽ xảy ra trong tương lai gần hay tương lai xa. Có 3 loại chính:

Chiêm bốc: “Chiêm” vốn có nghĩa là hỏi về các điềm triệu, “bốc” vốn chỉ hành động “đốt mai rùa”, sau đó căn cứ vào các hình rạn nứt trên đó để luận bàn cát hung. Thời cổ đại, chiêm bốc giữ một vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và sinh hoạt đời thường. Phương pháp suy đoán, dự báo của chiêm bốc là dựa trên quan điểm về sự thống nhất, tương đồng giữa trời và người (Thiên - Nhân hợp nhất), quan điểm về sự chế ức lẫn nhau của ba giới trời, đất, người (Thiên-Địa-Nhân) và cơ sở lý luận của Kinh Dịch. Người xưa dùng các hình thức đốt mai rùa, bói cỏ thi, lập quẻ (quẻ Chu Dịch, quẻ Mai Hoa Dịch, quẻ Văn Vương), và chiêm tinh (xem sao, cụ thể là xem sự tồn tại, độ sáng tối, sự chuyển dịch của các ngôi sao trên bầu trời vào buổi đêm, so sánh vị trí của chúng với 28 vì tinh tú ở bốn phương trời).

Trạch cát: Tác phẩm tiêu biểu là “Kỳ môn độn Giáp”. Kết hợp các phương pháp bố cục (sắp xếp các cục), bố đẩu (hình thái bố trí các sao), bùa chú để xử lý những nhân tố gây tác động xấu đến sự phát triển của sự vật. Trong lĩnh vực quân sự cổ đại, đây là cách bài binh bố trận, sắp xếp các đội quân và quy định sẵn quy luật biến hóa đội hình, vận động đội hình để khi quân đối phương sa vào trận đồ, sẽ không tìm thấy lối ra, dễ dàng bị quân ta bao vây tiêu diệt.

“Kỳ môn độn Giáp” căn cứ vào mối quan hệ điều hòa đối ứng giữa sự xoay vần của bốn mùa trong năm với Cửu cung Lạc Thư và Hậu thiên bát quái. “Kỳ môn độn Giáp” dùng 9 Can còn lại là Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý (Giáp đã bỏ trốn) để đánh dấu trạng thái tiêu trưởng của hai khí âm dương trong một năm, sau đó dùng nguyên tắc Cửu Cung (trong Lạc Thư) để xác định trạng thái tiêu trưởng của âm dương.

“Kỳ môn độn Giáp” dùng Địa bàn tượng trưng cho quỹ đạo của Trái đất, và đặt Thiên bàn lên trên, tượng trưng cho Trái đất tự quay; đặt Nhân bàn ở giữa Thiên bàn và Địa bàn, tượng trưng cho sự biến đổi của người, vật, sự việc.

Một môn tượng số gần với “Kỳ môn độn Giáp” là "Đại lục nhâm", song sự khác biệt là "Đại lục nhâm" dùng Thiên bàn tượng trưng cho quỹ đạo của Trái đất, dùng Địa bàn tượng trưng cho Trái đất tự quay, rồi đặt Nhân bàn ở giữa Thiên bàn và Địa bàn.

Trắc cục: Tác phẩm tiêu biểu là “Thái Ất thần số”. Là một môn Tượng số học, sử dụng quẻ tượng của 12 vận để suy đoán về vận mệnh, khí số của quốc gia và quy luật diễn biến của lịch sử.


Tại Trung Hoa, dân gian có lưu truyền truyền thuyết rằng ngũ huyền thuật có nguồn gốc rất cổ xưa, từng được hệ thống trong “Kim Triện Ngọc Hàm” (sách ngọc) do Hoàng Đế chép lại từ thiên thư, để lại pháp môn tu luyện cổ đại. Sau này Khương Tử Nha tìm thấy sách ngọc tại Côn Luân, nhờ các phương thuật mà mà trợ Chu phạt Trụ, khiến triều Chu thịnh trị 800 năm.

Thời Chiến Quốc thì một phần lại truyền đến tay Quỷ Cốc Tử. Ông truyền các bí thuật mình lĩnh ngộ được cho các đồ đệ: Tô Tần, Trương Nghị, Tôn Tẫn, Bàng Quyên, khiến các đồ đề này trở thành những bậc kỳ tài nổi danh hiển hách thời bấy giờ. Đến triều Hán, Trương Lương cùng với Hoàng Thạch Công được truyền thừa, khiến nhà Hán hưng vượng 400 năm. Đến thời kỳ tam quốc thì một phần lại truyền thừa đến Gia Cát Lượng, giúp ông phò tá Lưu Bị tạo thành thế chân vạc. Tuy nhiên càng truyền thì những ghi chép trong “Kim Triện Ngọc Hàm” càng bị phân khai dần, không hoàn thiện, mà phần tu luyện quan trọng thì bị mất, chỉ còn truyền thừa những phần phương thuật khác nhau. Người đời sau lại tiếp tục đưa vào những kiến giải của bản thân nữa. Đến thời kỳ lưỡng Tấn Nam Bắc triều, Tuỳ, Đường, Ngũ Đại, thì nó đã phân ra rất nhiều nhánh như đạo thuật Gia Cát Lượng, Kham Dư thuật (âm dương phong thuỷ) của Quách Phát, Dương Quân Tùng,...

Sau này nội dung “Kim Triện Ngọc Hàm” kinh qua 4.000 năm lưu truyền, bị thêm bớt, cải biến, chia làm nhiều lưu phái, rồi lại được người đời sau tổng hợp phân chia thành 5 loại chính: Sơn, Y, Mệnh, Tướng, Bốc, được gọi chung là huyền học ngũ thuật.

Theo: Viet Viet Tour