Friday, May 21, 2021

"ĐỪNG NÓI CHO AI KHÁC BIẾT ĐẤY NHÉ" - NHƯNG TẠI SAO NHỮNG BÍ MẬT VẪN LUÔN ĐƯỢC BẬT MÍ?

Ai cũng biết rằng tất cả chúng ta đều có bí mật của riêng mình, nhưng giữ bí mật chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Các nghiên cứu cho thấy: không ai thực sự có thể giữ bí mật cả.
 

Dưới đây là lý do tại sao giữ bí mật là một trong những điều khó nhất.

Giữ bí mật có thể được hiểu là ý định che giấu thông tin của riêng bản thân hoặc che giấu một thông tin nào đó cho người khác. Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tìm cách định nghĩa lại cái gọi là "bí mật" và mối liên kết giữa bí mật với một vài vấn đề khác.

Nhà tâm lý học Art Markman cho biết: "Giữ bí mật là một quá trình phức tạp hơn bạn nghĩ rất nhiều". Vì não vừa phải lưu giữ thông tin, vừa xử lý sự cạnh tranh giữa việc nói ra hay không nói.

Đúng là bộ não của chúng ta có thể làm nhiều thứ, bao gồm lưu trữ thông tin và tính toán các vấn đề, nhưng Markman cũng chia sẻ: "Khả năng xử lý thông tin của bộ não cũng có sự hạn chế, vì vậy sẽ rất khó để kiểm soát lời nói trong một số tình huống phức tạp".


Cùng quan điểm với Markman, giáo sư tâm lý học David Strayer thuộc Đại học Utah (Mỹ) nói: "Nếu não bộ phải làm nhiều nhiệm vụ một lúc thì kết quả là bạn sẽ ít tập trung vào kiểm soát hoạt động của chính mình".

Bởi vì khi đó sự tập trung của não vào mỗi nhiệm vụ sẽ bị loãng ra. Do vậy, chúng ta sẽ dễ mất kiểm soát mà nói lộ ra những bí mật mình đang che giấu.

Ngoài ra, khi bạn biết một điều gì đó mà người khác không biết, bạn sẽ cảm thấy hồi hộp và hứng thú với thông tin đó.

Khi bí mật được tiết lộ, bạn bè sẽ bày tỏ sự ngạc nhiên, bạn sẽ có được sự chú ý và tăng cái tôi của bản thân lên. Markman tiết lộ: "Phản ứng ngạc nhiên của người được tiết lộ giống như một sự cám dỗ, thôi thúc bạn nói ra bí mật nhiều hơn nữa".


Kết quả của những nghiên cứu do nhà tâm lý học Michael Slepian và các đồng nghiệp tại Trường Columbia Business tiến hành được đăng trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội chỉ ra rằng: Những người càng muốn giữ bí mật thì càng nghĩ về bí mật đó và có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của họ.

Theo các tài liệu tâm lý học, giữ bí mật gây ra rất nhiều căng thẳng và lo lắng vì trong bộ não luôn xảy ra xung đột giữa việc nói nó ra hay cố gắng giữ nó lại.

Vì thế, những người đang giữ bí mật có mức độ hormone căng thẳng nhiều hơn bình thường. Và sau khi nói ra bí mật thì sức khỏe tinh thần của họ được cải thiện đáng kể.

Nguồn: Scientific American, The Cut
Vân Ngọc