Saturday, May 29, 2021

KHÁM PHÁ VỀ "NGŨ HUYỀN THUẬT" CỦA TRUNG HOA CỔ ĐẠI

"Ngũ huyền thuật", xét theo nghĩa rộng thì đó là những tư tưởng và phương pháp do các bậc tiên triết thời xưa dựa vào cơ sở Triết học cổ đại là bộ Kinh Dịch, kết hợp với quá trình vận dụng thực tiễn lâu dài, đã đúc kết nên quy luật vận hành của Đạo Trời, cùng những nguyên lý phổ biến và huyền bí trong vận mệnh của con người, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng, là tìm đến trạng thái hài hòa giữa con người với trời đất, với giới tự nhiên. Xét theo nghĩa hẹp, ngũ huyền thuật chính là những phương cách “tìm cát tránh hung, trừ tai phòng họa” để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.


SƠN - SỰ TU LUYỆN THỂ XÁC VÀ TINH THẦN

Sơn, tức là các thuật tu đạo, tu luyện, dưỡng sinh, khí công, các thuật tu dưỡng thân tâm được tiến hành trên núi cao (sơn). Đây là loại hình học vấn dùng các phương pháp thực nhĩ, trúc cơ, huyền điển, quyền pháp, phù chú… để rèn luyện thể xác và tinh thần, nhằm hoàn thiện thân tâm. Thực thị là phương pháp lợi dụng các loại ẩm thực để tăng cường thể chất. Trúc cơ là phương pháp lợi dụng thiền, tĩnh toạ để khống chế tinh, khí, thần mà thăng tiến thể lực. Huyền điển là một loại phương thức lấy tư tưởng thánh hiền đạo nhân làm cơ sở tinh tiến mà đạt đến tu tâm dưỡng tính. Quyền pháp là phương pháp lấy tập luyện các loại võ thuật để tăng cường thể phách. Phù chú là một loại phương thuật thông linh, có tác dụng chủ yếu để tránh tà, trấn áp cái hung, hướng về cát tường.


Y - ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH TẬT

Y, tức y thuật, gồm các phương pháp chữa trị bệnh, cách chế tác thuốc, cách sử dụng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, linh trị… với mục đích điều trị bệnh tật, duy trì sức khỏe.

Phương thuốc: sử dụng các loại thảo mộc, các vị thuốc hoặc các loại thuốc thành phẩm để chữa trị các bệnh, điều trị các tật, hoặc tăng cường bồi bổ sức khỏe.

Châm cứu: cách gọi chung của “châm” và “cứu”. "Châm" thì dễ hiểu, là dùng vật nhọn tác động vào một vị trí nào đó trên cơ thể, còn "cứu" nghĩa là hơ nóng trên ngọn lửa. Châm cứu vận dụng nguyên lý tuần hoàn khí huyết và hệ thống kinh lạc, hệ thống huyệt vị trong cơ thể con người để kích thích các bộ phận mắc bệnh, từ đó điều hòa khí huyết về trạng thái cân bằng, tức là chữa khỏi bệnh. Gần giống với các phương pháp “vật lý trị liệu” ngày nay. Những y thuật khác tương tự là xoa bóp (mát-xa) và ấn huyệt, day huyệt. Điểm huyệt và giải huyệt lại thuộc về SƠN, mặc dù khá gần với ấn huyệt.

Linh trị: Tác động đến trạng thái tâm lý của con người nhằm chữa trị bệnh tật. Gần giống với các phương pháp “trị liệu tâm lý” ngày nay.

MỆNH - THẤU TỎ VẬN MỆNH CỦA CON NGƯỜI, TÌM RA QUỸ ĐẠO ĐỜI NGƯỜI

Mệnh (hay mệnh lý), tức các thuật (các dạng học vấn) dùng để suy đoán về số mệnh và vận mệnh của con người, nhằm đạt đến mục đích tìm điều lành, tránh điều dữ (tìm cát tránh hung) để cải thiện cuộc sống. Phương pháp chủ yếu là căn cứ vào thời điểm sinh ra của chủ thể và giới tính của chủ thể, vận dụng các nguyên lý của các học thuyết âm dương, ngũ hành (cốt lõi của Kinh Dịch). Những loại hình đoán mệnh chủ yếu gồm: Bát tự Hà Lạc, Tứ trụ đoán mệnh, Tử vi Đẩu số, Thiết Bản thần số.

Bát tự Hà Lạc: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào 8 chữ (bát tự) Can và Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh (và giới tính). Để xem chủ thể nhận được quẻ gì trong số 64 quẻ Văn Vương, người ta phải dùng các con số trong Hà Đồ và Lạc Thư (thực chất là các số tự nhiên từ 1 đến 10) để tính toán, cộng trừ, nhân chia. Sau đó, dùng các lời bình luận về từng quẻ của thánh nhân (thoán từ, hào từ) để suy đoán. Có sử dụng Ngũ Hành, nhưng ít hơn nhiều so với Tử vi Đẩu số.

Tứ trụ đoán mệnh: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào Can Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh để nạp các nhân tố âm dương, ngũ hành, lục thần, lục sát, nạp âm vào trong đó, rồi tiến hành những phân tích về mệnh lý. "Tứ trụ" hiểu là 4 cột trụ, chính là từng cặp Can Chi kể trên.

Tử vi Đẩu số: dự đoán vận mệnh con người, căn cứ vào Can Chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh (và giới tính). Sau đó, sắp xếp trên dưới 100 ngôi sao vào 12 cung, gồm: cung Mệnh, cung Huynh đệ (anh chị em), cung Phu thê (vợ chồng), cung Tật ách (bệnh tật), cung Thiên di (xuất ngoại), cung Nô bộc, Tài bạch (của cải), cung Điền trạch (đất đai, nhà cửa), cung Phụ mẫu (cha mẹ), cung Quan lộc (sự nghiệp), cung Phúc đức, Tử nữ (con cái). Ngoài ra, còn cung Thân - dùng để dự đoán tương lai của đời người. Cung này tương phối cùng các cung khác, chứ không có vị trí riêng. Trong đó, cung Mệnh là cung quan trọng nhất.


TƯỚNG - CHỈ RA MỐI LIÊN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI

Tướng, có nghĩa là phương pháp quan sát về hình dạng bên ngoài của người, vật, sự việc, địa hình (thế đất)… từ đó rút ra kết luận về vận mệnh của con người (của chủ thể hay của con cháu họ).

Có 5 loại phổ biến là: nhân tướng (xem hình dạng, mặt mũi, vân tay…), gia tướng (xem đất xây nhà), mộ tướng (xem đất xây phần mộ), ấn tướng (xem con dấu, chữ ký), danh tướng (xem tên họ).

Nhân tướng: Quan sát hình dạng, sự cân đối, khí sắc, các đường rãnh, nếp nhăn trên mặt và bàn tay, ngón tay để suy đoán.

Gia tướng: Quan sát hình dáng, thế đất, địa hình xung quanh, phân tích cách cục của mảnh đất hay ngôi nhà để từ đó suy đoán về trạng thái cát hung cho chủ thể (cũng như cho con cháu họ) khi sinh sống trên mảnh đất hay ngôi nhà đó. Loại hình này còn gọi là phong thủy dương trạch.

Mộ tướng: Loại hình này còn gọi là phong thủy âm trạch. Quan sát hình dáng, thế đất, địa hình xung quanh, phân tích cách cục của mảnh đất xây mộ (người xưa quan niệm, đó là ngôi nhà dưới âm) an táng di hài tổ tiên, cốt sao cho có sự phù trợ, giúp ích tối đa cho đời con cháu.

Ấn tướng: Quan sát hình dáng con dấu (cái triện) của người có chức quyền để từ đó suy đoán về tình hình làm quan cai trị của chủ thể. Ngày nay, người ta chủ yếu xem chữ ký các “sếp”.

Danh tướng: Phân tích họ và tên của người có chức quyền hoặc thương gia để từ đó suy đoán về tình hình làm quan (hay làm ăn) của chủ thể. Ngày nay, người ta chủ yếu phân tích tên cửa hàng, cửa hiệu.


BỐC - TÌM RA QUY LUẬT PHÁT TRIỂN TIẾP THEO CỦA SỰ VẬT

Bốc (tên đầy đủ là Bốc phệ), có nghĩa là bói toán, bói quẻ, bắt nguồn từ 8 quẻ (Bát quái) trong Kinh Dịch. Mục đích là dự đoán và xử lý các sự việc sẽ xảy ra trong tương lai gần hay tương lai xa. Có 3 loại chính:

Chiêm bốc: “Chiêm” vốn có nghĩa là hỏi về các điềm triệu, “bốc” vốn chỉ hành động “đốt mai rùa”, sau đó căn cứ vào các hình rạn nứt trên đó để luận bàn cát hung. Thời cổ đại, chiêm bốc giữ một vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và sinh hoạt đời thường. Phương pháp suy đoán, dự báo của chiêm bốc là dựa trên quan điểm về sự thống nhất, tương đồng giữa trời và người (Thiên - Nhân hợp nhất), quan điểm về sự chế ức lẫn nhau của ba giới trời, đất, người (Thiên-Địa-Nhân) và cơ sở lý luận của Kinh Dịch. Người xưa dùng các hình thức đốt mai rùa, bói cỏ thi, lập quẻ (quẻ Chu Dịch, quẻ Mai Hoa Dịch, quẻ Văn Vương), và chiêm tinh (xem sao, cụ thể là xem sự tồn tại, độ sáng tối, sự chuyển dịch của các ngôi sao trên bầu trời vào buổi đêm, so sánh vị trí của chúng với 28 vì tinh tú ở bốn phương trời).

Trạch cát: Tác phẩm tiêu biểu là “Kỳ môn độn Giáp”. Kết hợp các phương pháp bố cục (sắp xếp các cục), bố đẩu (hình thái bố trí các sao), bùa chú để xử lý những nhân tố gây tác động xấu đến sự phát triển của sự vật. Trong lĩnh vực quân sự cổ đại, đây là cách bài binh bố trận, sắp xếp các đội quân và quy định sẵn quy luật biến hóa đội hình, vận động đội hình để khi quân đối phương sa vào trận đồ, sẽ không tìm thấy lối ra, dễ dàng bị quân ta bao vây tiêu diệt.

“Kỳ môn độn Giáp” căn cứ vào mối quan hệ điều hòa đối ứng giữa sự xoay vần của bốn mùa trong năm với Cửu cung Lạc Thư và Hậu thiên bát quái. “Kỳ môn độn Giáp” dùng 9 Can còn lại là Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý (Giáp đã bỏ trốn) để đánh dấu trạng thái tiêu trưởng của hai khí âm dương trong một năm, sau đó dùng nguyên tắc Cửu Cung (trong Lạc Thư) để xác định trạng thái tiêu trưởng của âm dương.

“Kỳ môn độn Giáp” dùng Địa bàn tượng trưng cho quỹ đạo của Trái đất, và đặt Thiên bàn lên trên, tượng trưng cho Trái đất tự quay; đặt Nhân bàn ở giữa Thiên bàn và Địa bàn, tượng trưng cho sự biến đổi của người, vật, sự việc.

Một môn tượng số gần với “Kỳ môn độn Giáp” là "Đại lục nhâm", song sự khác biệt là "Đại lục nhâm" dùng Thiên bàn tượng trưng cho quỹ đạo của Trái đất, dùng Địa bàn tượng trưng cho Trái đất tự quay, rồi đặt Nhân bàn ở giữa Thiên bàn và Địa bàn.

Trắc cục: Tác phẩm tiêu biểu là “Thái Ất thần số”. Là một môn Tượng số học, sử dụng quẻ tượng của 12 vận để suy đoán về vận mệnh, khí số của quốc gia và quy luật diễn biến của lịch sử.


Tại Trung Hoa, dân gian có lưu truyền truyền thuyết rằng ngũ huyền thuật có nguồn gốc rất cổ xưa, từng được hệ thống trong “Kim Triện Ngọc Hàm” (sách ngọc) do Hoàng Đế chép lại từ thiên thư, để lại pháp môn tu luyện cổ đại. Sau này Khương Tử Nha tìm thấy sách ngọc tại Côn Luân, nhờ các phương thuật mà mà trợ Chu phạt Trụ, khiến triều Chu thịnh trị 800 năm.

Thời Chiến Quốc thì một phần lại truyền đến tay Quỷ Cốc Tử. Ông truyền các bí thuật mình lĩnh ngộ được cho các đồ đệ: Tô Tần, Trương Nghị, Tôn Tẫn, Bàng Quyên, khiến các đồ đề này trở thành những bậc kỳ tài nổi danh hiển hách thời bấy giờ. Đến triều Hán, Trương Lương cùng với Hoàng Thạch Công được truyền thừa, khiến nhà Hán hưng vượng 400 năm. Đến thời kỳ tam quốc thì một phần lại truyền thừa đến Gia Cát Lượng, giúp ông phò tá Lưu Bị tạo thành thế chân vạc. Tuy nhiên càng truyền thì những ghi chép trong “Kim Triện Ngọc Hàm” càng bị phân khai dần, không hoàn thiện, mà phần tu luyện quan trọng thì bị mất, chỉ còn truyền thừa những phần phương thuật khác nhau. Người đời sau lại tiếp tục đưa vào những kiến giải của bản thân nữa. Đến thời kỳ lưỡng Tấn Nam Bắc triều, Tuỳ, Đường, Ngũ Đại, thì nó đã phân ra rất nhiều nhánh như đạo thuật Gia Cát Lượng, Kham Dư thuật (âm dương phong thuỷ) của Quách Phát, Dương Quân Tùng,...

Sau này nội dung “Kim Triện Ngọc Hàm” kinh qua 4.000 năm lưu truyền, bị thêm bớt, cải biến, chia làm nhiều lưu phái, rồi lại được người đời sau tổng hợp phân chia thành 5 loại chính: Sơn, Y, Mệnh, Tướng, Bốc, được gọi chung là huyền học ngũ thuật.

Theo: Viet Viet Tour

No comments: