Sunday, May 30, 2021

CON CÓC ĐÒI ĐẤU TRỜI CAO

Con cóc đòi đấu Trời cao, 
Lòng người cuồng vọng biết bao giờ dừng?

“Con cóc là cậu ông Trời” – hẳn người Việt Nam chúng ta không còn lạ gì với câu thơ này, rất nhiều người hôm nay đều đã xem nó như một bài ca dao, thuận miệng mà đọc ra, thuận miệng mà dạy cho con trẻ đọc theo như một “bài học”. Nhưng, đã bao giờ chúng ta trầm tĩnh xuống để nghĩ về ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại hay chưa?

Đã bao giờ chúng ta thử nghĩ về ảnh hưởng tiêu cực của câu chuyện “cóc kiện Trời”? (Ảnh: Tinh Hoa)

Câu thơ trên xuất phát từ một câu chuyện trong dân gian không biết do ai nghĩ ra và bắt đầu được lưu truyền từ khi nào, nhưng đến hôm nay thì người Việt từ già tới trẻ đều có thể kể lại được rõ ràng, đó chính là chuyện “cóc kiện Trời”.

Chúng ta hãy nghĩ về tư tưởng của câu chuyện này: Một con cóc bé tí lại muốn đấu với Trời cao? Thậm chí, Trời phải chịu thua cóc và từ đó phải gọi cóc bằng “cậu”. Nhiều người xem đây như một chuyện cổ tích vô tội vạ, kỳ thực đằng sau nó có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, hiển nhiên đây là một câu chuyện báng bổ Thần linh, một điều vốn trái ngược với văn hóa cổ truyền của người dân Việt Nam; thứ hai, nó “chắp cánh” cho sự kiêu căng, cuồng vọng tự đại đến mức hoang tưởng lố bịch của con người, một điều chỉ có thể mang đến tai ương cho đất nước và dân tộc.

Văn hóa truyền thống là văn hóa kính Thần

Văn hóa truyền thống của người Á Đông chính là văn hóa Thần truyền, tôn kính Trời Đất, lễ bái Thần Phật, tin vào Thiên đạo, hành sự thuận theo tự nhiên, phù hợp với quy luật của vũ trụ, điều này đã được vun đắp và bồi dưỡng qua hàng ngàn năm trong tâm linh của cả người Việt Nam chúng ta.

Nền văn hóa chính thống của Việt Nam hòa quyện với sự kính ngưỡng Thần linh và các đấng bề trên. Trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, người Việt chưa bao giờ tách rời khỏi những câu chuyện cổ về Thần: Cội nguồn là nòi giống Rồng – Tiên, Thánh Gióng giúp dân đánh giặc, Kim Quy giúp Thục Vương xây thành, Lý Thái Tổ thấy rồng ngự trên thuyền mà lập đất Thăng Long, Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng xuất gia tu thành Phật vị,… đều là những Thần tích không lạ gì với các thế hệ người Việt từ bao đời nay.


Còn câu chuyện “cóc kiện Trời” kia vừa khéo đã khởi tác dụng phản lại văn hóa truyền thống dân tộc, báng bổ Thần linh. Một đám động vật vô kỷ luật được dẫn đầu bởi một con cóc lẽ nào có thể chiến thắng tướng nhà Trời với vô số thần binh lợi khí và pháp thuật thần thông? Đã báng bổ Thần linh, lại còn rất phi logic. Chỉ khi lòng người trở nên ngông cuồng tự đại, cái tôi quá lớn dẫn đến kiêu ngạo phách lối, mới tự mình “tưởng tượng” ra một câu chuyện như vậy!

Hơn nữa, chúng ta đều biết rằng, con người quá nhỏ bé so với Trời, nếu Trời bị xếp dưới con cóc kia, thì thử hỏi con người trước loài cóc nên được xếp vào đâu? Người “sáng tác” ra và những người “truyền tụng” câu chuyện này chẳng phải đang tự hạ thấp và lăng mạ chính mình hay sao?

Con cóc không thể nào đấu được với Trời, nó chỉ có thể vì sống trong cái giếng khô nên coi trời bằng vung, khi ra ngoài mới thấy thiên địa bao la rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, còn chưa kịp kêu tiếng nào thì đã bị một con trâu giẫm chết!

Ngay cả một nhà bác học vĩ đại như Isaac Newton còn phải nói rằng: “Thành tựu khoa học của tôi chỉ giống như mang cho bạn xem vài cái vỏ sò đẹp mà tôi tìm được thôi, trước mắt chúng ta vẫn là một đại dương mênh mông.” Không phải Newton khiêm tốn, mà là vì người ta biết càng nhiều thì càng cảm thấy mình thật nhỏ bé và vũ trụ thật vĩ đại, Đấng Tạo Hóa (Thần) lại càng nằm ngoài điều mà chúng ta có thể nghĩ đến. Một con cóc, chính là một kẻ ngông cuồng mà kém cỏi, có thành tựu và uy đức gì mà dám thách thức tạo hóa?

Một con cóc nhỏ bé sao có thể đấu với Trời cao? (Ảnh qua Zing)

Do ảnh hưởng của giáo dục, nhiều người còn cho rằng “cóc kiện Trời” thể hiện cái gọi là “khát vọng chiến thắng thiên nhiên của con người”. Thật ra con người chưa bao giờ “chiến thắng” được thiên nhiên cả, ngược lại, việc ngông cuồng đấu trời đấu đất muốn cải tạo thiên nhiên vì các mục đích ích kỷ chỉ khiến con người phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai nhân họa xảy ra khắp nơi, ngay cả nguồn nước sạch cũng khan hiếm!

Người xưa chưa bao giờ có ước mơ “chinh phục thiên nhiên” như con người ngày nay vẫn nghĩ, chẳng qua thời nào cũng có những kẻ cuồng vọng tự đại, người hiện đại nhìn vào mấy “tấm gương” phản diện ấy mà cho rằng cổ nhân đều như vậy, thật đáng buồn! Trái lại, điều mà người xưa hướng đến chính là “Thiên Nhân hợp nhất”, thuận theo tự nhiên mà sống, không phải cải tạo thiên nhiên mà là sử dụng hợp lý thiên nhiên, sống giữa Trời và Đất mà chan hòa cùng vạn vật. Đây chính là điều mà Lão Tử giảng: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên”.

Thế Di / Tinh Hoa

No comments: