Người tham dự lễ hội hôm 7/9/2020. Ảnh: AFP.
Lễ hiến tế lợn là một phong tục văn hóa lâu đời của dân tộc Khách Gia (客家 Hakka) ở Đài Loan, cộng đồng chiếm 15% dân số hòn đảo. Tuy nhiên, nó cũng gây nhiều tranh cãi. Các gia đình sẽ thi xem nhà nào có lợn to nhất, người chiến thắng sẽ được trao cúp.
Trong tiếng nhạc truyền thống, 18 con lợn bị hiến tế được đặt trên xe tải rước tới miếu Bao Trung Nghĩa Dân hôm 7/9 ở thành phố Tân Trúc, phía bắc Đài Loan. Con lợn to nhất năm nay nặng 860 kg, gấp ba lần cân nặng trung bình của một con lợn trưởng thành.
Lợn bị giết, cạo lông, chặt đầu, đính kèm vật trang trí, đặt chân ngược lên trời, mõm nhét quả dứa, đầu lọt thỏm giữa thân hình to lớn. Sau lễ hội, lợn sẽ được chia thịt cho bạn bè và hàng xóm.
Gia đình Tseng Jia-yun đã dành ba năm vỗ béo con lợn bị giết thịt tuần trước, nặng 400 kg. Nó bị hiến tế theo tâm nguyện của bà nội cậu, người năm nay 86 tuổi.
"Là một người Khách Gia, tôi tự hào về phong tục hiến tế lợn, nó đáng được bảo tồn", Tseng nói, gọi sự lo ngại của các nhóm bảo vệ quyền động vật là "vô nghĩa".
"Chẳng có ai đối xử tàn ác với lợn cả, trái với những tin đồn xung quanh", Tseng nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà bảo vệ quyền động vật phản đối. Họ cho hay những con lợn nặng nhất đã bị nhồi ăn, nhốt trong chuồng nhỏ để hạn chế vận động tới mức con vật bị béo phì, không thể tự đứng dậy.
"Những con lợn này nặng tới nỗi không thể tự đứng dậy", Lin Tai-ching, giám đốc Hội Môi trường và Động vật Đài Loan (EAST), nói.
Lin đã ghi chép về lễ hội này suốt 15 năm qua, cho biết thái độ của người dân với lễ hội đang thay đổi. Số người tham dự ít dần, số lợn bị giết cũng giảm đáng kể.
"15 năm trước, mỗi mùa lễ hội có hơn 100 con bị giết nhưng năm nay chỉ có 37 con", Lin cho hay.
Số lợn nặng trên 600 kg trong năm nay cũng giảm mạnh. Hai bài dự thi năm nay là gạo xếp thành hình lợn, dấu hiệu cho thấy một số gia đình tham dự đang từ chối giết lợn để hiến tế.
Các nhà nghiên cứu và người dân địa phương cho hay dù lễ hội có truyền thống nhiều thế kỷ, nhưng tục vỗ béo để giết lợn mới phổ biến trong những năm gần đây.
Người Khách Gia là một trong nhiều nhóm dân tộc từ Trung Quốc đại lục tới Đài Loan sinh sống trong vài trăm năm qua. Mỗi mùa hè, miếu Bao Trung Nghĩa Dân đều thực hiện hoạt động tưởng nhớ một nhóm người Khách Gia đã hy sinh để bảo vệ làng quê trong thời kỳ biến động chính trị cuối thế kỷ 18.
Khi Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan đầu thế kỷ 20, tục vỗ béo lợn để hiến tế mới bắt đầu phổ biến. Phong tục này phát triển mạnh trong những năm 1980 và 1990, khi lợn ngày càng béo hơn.
"Lễ hội để vinh danh tổ tiên của chúng tôi, những người đã hy sinh để bảo vệ quê hương. Đây là dịp để bày tỏ lòng trung nghĩa", Tseng nói.
Lin và các nhà hoạt động khác cho hay họ không muốn chấm dứt phong tục văn hóa của người Khách Gia. Thay vào đó, họ muốn bỏ đi yếu tố tàn ác của lễ hội.
"Chúng tôi không phản đối giết lợn để hiến tế", Lin cho hay. "Nhưng chúng tôi phản đối thi đấu dựa trên trọng lượng của loài vật".
Hồng Hạnh (Theo AFP) / Theo: VNExpress
Link tham khảo: