Vạn Lý Trường Thành nằm uốn lượn 21.000 km ở phía bắc Trung Quốc là một trong những công trình kiến tạo nổi tiếng nhất của nhân loại.
Nó được liệt vào hàng Bảy Tân Kỳ quan Thế giới, cùng với Đền Taj Mahal và Đấu trường La Mã, và được công nhận là Di sản Thế giới của Unesco vào năm 1987.
Du khách đến Bắc Kinh thường bắt xe buýt đi đến các tiền đồn nổi tiếng nhất của tường thành.
Nơi khỉ ho cò gáy
Rất ít du khách đến đây.
Đoạn tường thành Tiễn Khấu chạy dài 20 km trên đỉnh núi xanh lởm chởm. Từ thung lũng phía dưới, nó trông giống như lớp kem vẽ lên từng đỉnh núi.
Chỉ nằm cách Bắc Kinh 100km về phía bắc, nhưng nó hoàn toàn khác với những đoạn tường thành được nhiều người biết hơn gần đó như Bát Đạt Lĩnh hay Mộ Điền Dục.
Không có cửa hàng lưu niệm hay quán Starbucks, không có cáp treo. Không ai ngồi đợi bán vé cho bạn. Cũng không có ai ở đó để giúp bạn tham quan dễ dàng hơn: để đến được đoạn tường thành này, bạn phải đi bộ 45 phút lên núi.
Đoạn tường thành Tiễn Khấu kéo dài 20km như một dải lụa nằm vắt trên đỉnh núi
Và mãi cho đến gần đây nó mới được chỉnh trang.
Được xây dựng vào những năm 1500 và đầu những năm 1600, đoạn tường thành này bỏ đó không ai đụng đến trong hàng thế kỷ.
Khoảng bảy cây số của nó hư hại đặc biệt nghiêm trọng. Theo thời gian, các lầu thành đã tan rã thành đống đổ nát. Một số đoạn của bức tường đã sập hết, khiến những chỗ đã từng rộng rãi trở nên hẹp đến mức mỗi lúc chỉ một người có thể đi qua được.
Cây cối và bụi rậm mọc xuyên qua mặt đất, khiến tường thành trông giống rừng rậm hơn là công sự.
Thiếu tu bổ đoạn tường thành khiến nó đẹp như tranh, nhưng nguy hiểm.
"Mỗi năm, có thể một hoặc hai người thiệt mạng khi leo đoạn tường thành này," Ma Yao, quản lý của Dự án Bảo vệ Vạn Lý Trường Thành tại Quỹ Từ thiện Tencent, đơn vị tài trợ cho đợt tu bổ mới nhất, cho biết. "Một số chết do leo bị ngã xuống. Và một số do bị sét đánh."
Để ngăn chặn sẽ xảy ra thảm kịch nữa - và để bảo tồn đoạn Tiễn Khấu cho các thế hệ tương lai - việc trùng tu bắt đầu vào năm 2015. Giai đoạn chuyên sâu này, tập trung vào một đoạn dài 750 m, được làm rốt ráo vào năm 2019.
Vào một ngày mùa xuân nắng ấm khi dự án sắp kết thúc, tôi ngồi trên tường thành với ông Ma. Xung quanh chúng tôi là những đỉnh núi mà trên cùng là thành trì trải dài tới khuất tầm mắt.
"Bạn có thể nhìn thấy những ngọn núi ở đây. Máy móc không thể được đưa đến đây. Chúng tôi phải sử dụng sức người," ông nói với tôi. "Nhưng chúng tôi nên sử dụng công nghệ để giúp công nhân làm việc tốt hơn."
Đối với giai đoạn 2019 của dự án, công nghệ đó gồm sử dụng thiết bị bay tự động, lập bản đồ 3D và thuật toán máy tính, là những thứ có thể cho các kỹ sư biết liệu họ có phải loại đốn bỏ cái cây đó hay sửa vết nứt này hay không - hoặc liệu họ có thể để yên chúng như cũ mà vẫn an toàn hay không, như là lời nhắc nhở về bức tường đã từng bị bỏ hoang cho thiên nhiên xâm lấn.
"Công nghệ đã giúp chúng tôi sửa chữa tường thành theo cách truyền thống nhất có thể," Ma cho biết.
Sự đe dọa của con người
Uốn lượn xuyên qua miền bắc Trung Quốc, từ Mãn Châu đến Sa mạc Gobi, cho đến Hoàng Hải, Vạn Lý Trường Thành rất rộng lớn.
Lịch sử của nó cũng hoành tráng không kém: nó được xây dựng trong hơn 2.000 năm, từ Thế kỷ 3 trước Công nguyên đến Thế kỷ 17 sau Công nguyên, dưới 16 triều đại khác nhau.
Đoạn dài nhất và nổi tiếng nhất của Vạn Lý Trường Thành thuộc về triều đại nhà Minh, vốn đã xây dựng (và tái thiết) nó từ năm 1368 đến năm 1644, gồm cả đoạn Tiễn Khấu.
Một khảo sát khảo cổ của Cục Quản lý Di sản Văn hóa và Cục Đo đạc và Bản đồ Quốc gia đã tính toán rằng bức tường thành nhà Minh chạy dài 8.851 km - bao gồm 6.259 km tường thành, 359 km hào, 2.232 km các cấu trúc tự nhiên và 25.000 tháp canh.
Không hề là một đường thẳng kéo từ A đến B, hệ thống tường thành bao gồm các đoạn đi vòng, các đoạn tường đôi, tường song song và các mũi nhô ra.
Ngày nay, khoảng một phần ba đoạn tường thành nguyên thủy của nhà Minh đã không còn nữa. Chỉ khoảng 8% được xem là được bảo quản tốt. Có rất nhiều mối đe dọa: xói mòn tự nhiên do gió và mưa; sự tàn phá của con người từ việc xây dựng; và thậm chí có những người lấy gạch để bán. Và, tất nhiên, còn có hư hại do bước chân người. Điều này xảy ra ngay cả ở Tiễn Khấu, mặc dù đoạn này có ít du khách hơn rất nhiều so với những đoạn như Bát Đạt Lĩnh.
Được xây dựng từ thời 1500 cho đến đầu những năm 1600, đoạn tường thành Tiễn Khấu đã bị bỏ lơ trong nhiều thế kỷ
"Ở phía bên kia núi là nơi ở của 20 triệu người," nhà sử học và nhà bảo tồn William Lindesay, nói với ý nhắc đến Bắc Kinh. "Vì vậy, lời khuyên 'không để lại thứ gì ngoài dấu chân'- nhưng ngay cả dấu chân cũng có thể thực sự làm hư bức tường."
Lindesay đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, viết và tranh đấu để bảo tồn bức tường.
Đến từ nước Anh, khi còn nhỏ Lindesay đã nhìn thấy nó trên bản đồ vào năm 1967 và quyết định rằng ông phải khám phá nó.
Vào năm 1987, ba năm sau khi chạy dọc Bức tường Hadrian (bức tường thành dài 73 dặm, chạy gần đường biên giới giữa xứ Anh và xứ Scotland ngày nay) vốn tạo hứng khởi cho ông để làm sống lại đam mê thời thơ ấu của mình, ông đã đi bộ băng qua Vạn Lý Trường Thành.
Ông là người nước ngoài đầu tiên đi hết đoạn tường thành nhà Minh từ đầu này đến đầu kia, thành tích mà ông đã thực hiện lại vào năm 2016 mặc dù là đi bằng xe Jeep.
"Đó không phải đi bộ hành xác để chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp. Tôi đã bị cảnh sát chặn lại chín lần - có thể gọi là bị bắt," ông nói với tôi. "Cuối cùng, tôi bị kết tội xâm phạm nhiều lần các khu vực không cho vào và bị trục xuất. Vì vậy, tôi đến Hong Kong và sau đó đã được cho quay lại. Tôi đã có một cuộc phiêu lưu gian khổ, cuộc phiêu lưu chính trị - và tôi đã cầu hôn ba lần với cùng một cô gái, do đó tôi cũng đã có một cuộc phiêu lưu tình cảm."
"Kết quả như thế nào?" Tôi hỏi.
Ông ấy cười: "Rất tốt. Chúng tôi đã kỷ niệm 33 năm ngày cưới ba tuần trước."
'Bức tường hoang dã'
Ông cũng yêu tường thành Tiễn Khấu: sự tương phản của tường thành màu xám với những ngọn núi màu xanh; những cái cây mọc xuyên qua gạch.
Ông đã chuyển đến sống dưới chân Tiễn Khấu cùng gia đình vào năm 1997 và đặt ra thuật ngữ 'bức tường hoang dã' để mô tả sự khác biệt giữa đoạn tường thành như Tiễn Khấu và các đoạn tường thành được tái thiết để phục vụ du khách như Bát Đạt Lĩnh. "Bức tường hoang dã - nó dài hàng nghìn cây số - thực sự làm thành bảo tàng ngoài trời tuyệt vời nhất thế giới," ông nói.
Một số cây đã được để cho mọc trên phần tường thành đã được phục chế của Tiễn Khấu
Thư phòng của ông được xếp rải rác những tấm ảnh từ những chuyến đi dài ngày của mình. Mọi bề mặt đều chất đầy sách về tường thành, nhiều cuốn do ông viết.
Ông cho tôi xem một số bảo vật mà ông thu lượm được trong nhiều năm: một 'quả bom đá' thế kỷ 16, được khoét rỗng để chứa thuốc súng; một chiếc nỏ được đánh bóng vốn tái dựng lại loại nỏ mà các cung thủ bắn từ trên tường thành vào những ngày đầu.
Trong hơn 20 năm kể từ khi chuyển đến, ông đã chứng kiến cảnh Tiễn Khấu bị đổ nát dần.
Lúc đầu, ông nói, ông phân loại đoạn tường thành này là được bảo quản tốt. Nhưng giờ đây không còn nữa. Ở những chỗ bậc thang lúc trước hoàn hảo, giờ đây chúng đã bị những bước chân khoét sâu. Các lầu thành đổ nát. Leo tường thành đã trở nên nguy hiểm hơn.
"Không thể cấm người ta đến Vạn Lý Trường Thành được. Đó gần như là một điều bất khả thi. Vì vậy, tôi nghĩ chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu tái thiết và ổn định tường thành để cho an toàn," Lindesay phân tích.
Ông ngừng một chút. "Tôi yêu bức tường hoang dã," ông nói. "Nhưng khi lượng du khách đạt đến mức nào đó thì sẽ không hay. Khi đó sẽ là thảm kịch."
Đoạn đường leo lên bức tường băng qua vườn cây ăn quả, sau đó là rừng cây. Dọc đường thỉnh thoảng có những tấm biển kêu gọi gìn giữ tường thành.
"Nền văn minh Trung Hoa thuộc về thế giới và mọi người có trách nhiệm bảo vệ tường thành," một tấm biển viết. "Không lấy đi bất cứ thứ gì ngoài những bức ảnh, không để lại thứ gì ngoài những dấu chân," một tấm biển khác ghi.
Mỗi ngày tôi leo lên và đi xuống lại trong bốn ngày, và chỉ có một lần tôi tình cờ gặp những du khách khác trong rừng: hai người phụ nữ mà tôi đã nghe tiếng họ nói từ trước khi nhìn thấy người.
Một người đang hát một bài dân ca. Khi nhìn thấy tôi, họ nhất quyết muốn chụp ảnh selfie cùng với tôi. Không có nhiều du khách Mỹ ở những chỗ này.
Phục chế sai
Ở trên đỉnh, dự án tu bổ hiện ra trong tầm mắt trước khi bản thân tường thành được nhìn thấy. Một mảng giàn giáo mọc lên trước mặt tôi. Sau vài tháng, giai đoạn cuối cùng của dự án sắp kết thúc.
"Tường thành là tài sản và di sản của tất cả chúng tôi," ông Zhao Peng, nhà thiết kế chính của dự án trùng tu, nói. "Sửa chữa và bảo vệ nó không chỉ đơn giản là điều chúng tôi sẵn lòng làm, mà là điều chúng tôi muốn làm - và đó cũng là trách nhiệm".
Nhưng việc phục hồi bức tường có thể đi ngược lại việc bảo vệ nó. Nếu một chỗ được tu bổ quá nhiều, nó có thể đánh mất bản sắc của nó trước đây.
Nhiều người cho rằng đó là số phận của Bát Đạt Lĩnh, đoạn tường thành được biết đến nhiều nhất. Trong quá trình đại tu, vốn khởi sự vào những năm 1950, nó được xây lại bằng gạch mới, kết dính bằng xi măng hiện đại. Ngày nay nhiều chỗ bị viết vẽ bậy. Việc tái thiết nó được chế giễu là 'Disney hóa', tức là sự hình dung đương đại về di tích trong quá khứ.
Việc trùng tu Tiễn Khấu đã được lên kế hoạch để tránh lặp lại những sai lầm đó.
Những con la thồ các bao tải đựng tro trắng lên địa điểm trùng tu Tiễn Khấu
Lúc này, tôi quan sát một đội la đang kiên nhẫn chờ đợi gần giàn giáo. Chúng đến đây giống như cách của tôi đã đến, tức là trên lưng trĩu nặng những bao tro trắng khổng lồ. Một công nhân sẽ trộn tro này thành một chất lỏng trắng đặc sệt. Sẽ không có bê tông hiện đại ở đây. Các công nhân khác dùng chiếc bay phết vữa lên gạch, cẩn thận đặt chúng vào tường.
Đoạn tường 750m vốn là trọng tâm của giai đoạn trùng tu này vươn lên trên ngọn đồi trước mặt tôi. Một vài cái cây xuyên qua những viên gạch. Nó khác xa với con đường rừng của Tiễn Khấu trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều dấu hiệu về thiên nhiên hoang dã.
Khi tôi leo lên, một đoạn tường cực kỳ dốc và trơn trượt, đến nỗi mặc dù mang giày leo núi tôi vẫn phải bò ngang để tránh bị ngã.
Ở một đoạn khác, phía bên của tường thành đã bị sụt lở hoàn toàn. Và ở điểm cuối của đoạn này, nó chấm dứt: nó biến thành một dốc trượt xuống núi dốc đến mức bạn không thể sống sót khi leo mà không cần dùng dây thừng hay đu thang dây.
Zhao chỉ ra các biện pháp can thiệp khác nhau đã được thực hiện.
Bất chấp những lo ngại của Lindesay về dấu chân du khách, nguyên nhân đơn lẻ gây hư hại lớn nhất cho đoạn Tiễn Khấu là do nước xói mòn.
Về lâu dài, để giữ cho bức tường được bảo tồn có nghĩa là cần làm thay đổi dòng chảy của nước mưa. Nhóm trùng tu đã mở các lỗ thoát nước và các kênh khác để dòng nước chảy xuống.
Và ở những chỗ mà nước hay tích tụ, họ dùng gạch mới vốn đặc hơn nên nước không thể thấm qua và bằng phẳng hơn để nước có thể chảy.
Gạch mới trông khác biệt đáng kể so với gạch cũ, một cách để các thế hệ tương lai nhận ra sự khác biệt giữa nguyên bản và trùng tu.
'Can thiệp tối thiểu'
"Chúng tôi có một nguyên tắc - đó là nguyên tắc can thiệp tối thiểu," Zhao nói. "Nhưng can thiệp tối thiểu không có nghĩa là không can thiệp gì hết."
Nhóm làm việc trong dự án Tiễn Khấu có thể dễ dàng gắn lại những viên gạch vào đúng vị trí ban đầu của chúng
Một trong những cách mà dự án giảm thiểu sự can thiệp là sử dụng công nghệ hiện đại.
Thông thường, Zhao giải thích, các nhà thiết kế sẽ kiểm tra và khảo sát tường thành một cách chi tiết và ghi lại những chỗ yếu. Trở lại xưởng làm việc, họ sẽ tìm cách xử lý những hạn chế đó để bảo tồn tường thành cho hậu thế.
Lần này, họ được sự trợ giúp bởi một công cụ mới. Tại Bắc Kinh, ở Trường Khảo cổ và Bảo tàng thuộc Đại học Bắc Kinh, kỹ sư Shang Jinyu giới thiệu với tôi tiến trình xử lý.
Nhóm của ông dùng thiết bị bay drone bay bên trên đoạn tường thành, chụp khoảng 800 bức ảnh trong vòng nửa ngày.
Sử dụng các hình ảnh thu được, họ sẽ tạo dựng mô hình 3D của đoạn tường thành, chi tiết tới từng viên gạch, từng vết nứt.
Để có bức tranh toàn cảnh cho công tác phục ché, họ lặp lại quá trình này một lần nữa khi đã hoàn tất được một nửa tiến trình và thêm một lần nữa vào khi hoàn thành.
"Chúng tôi đã làm rất nhiều mô hình 3D và các ảnh chụp panorama như thế này ở nhiều địa điểm di sản khác nhau ở Trung Quốc," Shang Jinyu nói. "Nhưng đây là dự án đầu tiên chúng tôi có thể dùng hệ thống này như một phần trong dự án phục chế, kết hợp với các kỹ thuật khác."
Việc dựng hình ảnh 3D và sử dụng thuật toán khiến các kỹ sư có được những thông tin quý giá về tường thành
Dữ liệu này giúp cho nhóm thiết kế lên kế hoạch sửa chữa bức tường ở mức can thiệp tối thiểu.
Ví dụ như đối với một vết nứt có trên một trong các toà tháp canh. "Vết nứt này rất khó kiểm tra bằng mắt thường," Zhao nói. "Bằng việc dùng drone, chụp hình ản và sau đó số hoá các dữ liệu thu được, chúng tôi sẽ có thể xác định được mức lớn nhỏ của vết nứt, mức độ nghiêng lệch của bức tường. Sau đó chúng tôi sẽ có thể quyết định được là đoạn tường đó còn ổn định tới mức nào."
Dữ liệu cũng đem lại hồ sơ ghi chép rõ ràng về từng giai đoạn phục chế. "Mục đích chính của mô hình 3D này là nhằm theo dõi toàn bộ quá trình sửa chữa," Ma giải thích.
Một ví dụ nữa là về một trong các toà tháp canh, nơi bị cây cối mọc trùm lên che phủ. Rễ cây đã bị cắt để giữ cho toà tháp khỏi bị phá hỏng. Để dỡ bỏ cây, nhóm làm việc cần phải dỡ bớt những viên gạch.
Trước kia, việc thay thế gạch cho chính xác vào đúng vị trí là rất khó khăn. Nay, họ có thể thay thế gạch nguyên bản vào khá chính xác ở vị trí cũ.
"Họ đã sửa phần đỉnh của toà tháp đó, nhưng trông nó như thế vẫn đứng đó từ hàng trăm năm nay rồi," Ma nói.
Hàng ngày, công nhân phải đi bộ lên núi và làm các công việc đòi hỏi sức khỏe thể lực tại địa điểm trùng tu
Điều thú vị là nhóm từ Đại học Bắc Kinh không phải là nhóm duy nhất đưa ra ý tưởng này.
Hãng máy tính và công nghệ khổng lồ Intel đã đưa ra mô hình 3D của riêng họ - drone của họ đã chụp 10 ngàn bức ảnh - và chia sẻ phiên bản của họ cho Quỹ Bảo tồn Di sản Văn hoá Trung Quốc, là quỹ cũng tham dự vào dự án khôi phục này.
Nay, các nhóm đang đưa kiến thức vào ứng dụng trong giai đoạn tiếp theo: phục chế một đoạn khác của bức tường thành.
"Đó là đoạn Hí Phong Khẩu, cách Tiễn Khấu khoảng 300 km," Ma nói. "Đoạn này dài khoảng 900 m. Có một số phần của nó nằm ở dưới nước."
"Giống như ở Tiễn Khấu, chúng tôi đã dùng mô hình 3D. Và dựa trên kinh nghiệm phục chế đoạn Tiễn Khấu, nhóm làm việc điều chỉnh một số phần trong kế hoạch của mình dựa trên kết quả mà mô hình 3D đưa ra."
Một số phần trong đoạn tường thành Tiễn Khấu đã được giữ nguyên vẻ suy tàn tự nhiên trong quá trình phục chế
Đó là giờ ăn trưa vào ngày cuối cùng của tôi tại tường thành Tiễn Khấu. Những con kiến to mập hành quân qua tảng đá. Một con ong to bằng ngón tay cái lờ lững bay qua. Cứ như thể mọi thứ ở đây đều có kích thước siêu lớn, hoành tráng, giống như chính bức tường vậy.
Dưới bóng của một trong các lầu thành, các công nhân nằm ngủ. Ngày của họ bắt đầu bằng việc leo núi vào lúc bình minh. Mặc dù thiết bị bay drone và mô hình hóa 3D có thể đã giúp ích cho nhóm thiết kế của họ, nhưng nó không thể thay thế lao động chân tay sử dụng đục và búa.
Sự im lặng chỉ bị phá vỡ khi xuất hiện hai cặp trong trang phục lội bộ; những người phụ nữ kéo khăn che mặt lên đến mắt để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. "Đừng đi con đường đó," họ nói với tôi, thở hổn hển. "Dốc lắm." Họ ra dấu chỉ đến một đoạn tường gần đó. Một phần của nó đã đổ xuống tạo ra một vách núi dốc.
Trừ phi bạn là một nhà leo núi tự do lão luyện - giống như một trong số những thợ xây này mà tôi thấy đang cố gắng leo lên như thể đang đi dạo - cách duy nhất để đi đến đoạn kế tiếp là đi theo đường đất vòng qua mé bên.
Công nghệ tiên phong được ứng dụng trong công tác phục chế Tiễn Khấu nay đang được dùng trong các dự án khác lien quan tới Vạn Lý Trường Thành
Sau khi việc tu bổ hoàn thành, có thể sự yên tĩnh này sẽ không còn nữa. Biển báo 'Cấm du khách' có lẽ cũng vậy. Sẽ có ít sự sợ hãi hơn về bức tường hoang dã. Sẽ ngày càng có nhiều người đến, chứ không chỉ những người gan dạ nhất.
Bức tường có thể bớt xiêu vẹo và ít nguy hiểm hơn trước. Nhưng nó vẫn là lời nhắc nhở ấn tượng về những thế kỷ đã định hình không chỉ tường thành, mà còn chính Trung Quốc. Và linh hồn của nó, nếu tường thành có linh hồn, vẫn còn tiếng thì thầm của nơi hoang dã.
Bài và ảnh: Amanda Ruggeri
Nguồn: BBC Travel
Link tiếng Anh: