Thursday, May 13, 2021

THƠ TẠI SAO MÀ LÀM RA?


Gần 40 năm trước, anh bạn tôi, một nhà thơ đã có nhiều thơ đăng báo, có lần thử gửi thơ mình đến một vài tờ báo có tiếng là đang “làm mới thơ” thì đều bị từ chối không đăng.

Một hôm, anh hí hửng khoe: “Rồi, họ đăng thơ “moa” rồi”. “Thiệt hả! Sao họ chịu đăng?” – Tôi hỏi. Anh cười: “Có gì đâu, “moa” thấy bài thơ hay mà họ không chịu đăng, tức quá, lấy kéo cắt ra từng mảnh, bỏ vào cái nón nỉ, xóc xóc mấy cái, lượm ra, ghép lại, thành một bài thơ kỳ dị, ký cái tên lạ hoắc, gửi, họ đăng ngay. Có lẽ tòa soạn đọc thấy lạ, không hiểu gì cả nên đăng”.

Mấy năm trước đây, Phan Triều Hải, một nhà văn trẻ dự hội thảo văn học ở Iowa (Mỹ) ghi nhận có những bài thơ như sau:

a
ab
abc
abcd



và cứ như thế ghép cho đủ 26 chữ cái!

Dĩ nhiên loại thơ này không để ngâm, không để đọc, mà chỉ để nhìn. Cũng có thể coi là một thứ thơ “vô ngôn”, mang tính triết lý. Rồi có loại thơ sử dụng vi tính, lập trình sẵn để đảo câu đảo chữ rất “công nghiệp”, chẳng khác gì 30 năm trước anh bạn tôi cắt nhỏ bài thơ rồi xóc xóc trong cái nón nỉ một cách thủ công.

Trong một “Tạp chí Thơ” của một nhóm bạn thấy có những bài thơ không có một chữ nào cả mà toàn là những ký hiệu như ký hiệu giao thông, với các đường vẽ ngoằn ngoèo dẫn ta đi từ nơi này sang nơi khác một cách bí hiểm. Dĩ nhiên, thơ này cũng để nhìn, để suy ngẫm chớ không để đọc hay để ngâm nga. Gần đây lại thấy có những bài thơ lạ mắt gọi là thơ vắt dòng:



hơi bị phiền
nhiễu sáo ngữ trên tức tưởi và

ước
lòng sẽ đỏ hỏn cốt chuyện cắn
đắn




(LHL)

đọc lên nghe ấm ách! Nhưng đây cũng có thể là “ý đồ” của nhà thơ muốn làm mới thơ chăng?


Cũng thấy giới thiệu một thứ thơ gọi là thơ “tương tác”: trong câu thơ có những gạch dọc (/) để người đọc tùy nghi đảo chữ, sắp chữ, đọc ngược xuôi theo ý mình. Một bài thơ như vậy sẽ trở thành vô số bài. Một nhà phê bình đã nhận xét bằng cách cho một thí dụ khá thú vị với hai câu thơ quen thuộc của Vũ Hoàng Chương:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai!

Có thể đọc theo lối “tương tác” là:

Bình rượu
Khô
Em ơi
Lửa tắt
Vắng em
Say với ai
Rồi đời!


Ngàn năm trước, trong “Bài tựa tập truyện Kinh Thi”, Chu Hy (1130-1200) viết: “Có người hỏi rằng: Thơ tại sao mà làm ra? Ta giả nhời rằng: Người ta đẻ ra mà tỉnh, là tính Giời cho nguyên như thế; cảm ở vật ngoài mà động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ; đã có nghĩ phải có nói; đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ”. (Kinh Thi, Tản Đà dịch).

Thơ là nỗi lòng, là tiếng lòng, “cảm ở vật ngoài mà động”, trong lúc “ngậm ngùi ngợi than” đã tự nhiên tạo ra “những giọng điệu cung bậc”. Điều quan trọng có lẽ là thứ tiếng lòng đó nó tự tuôn ra, tự ứa ra, tràn ra “như không thôi đi được”, không ngưng lại được nên ắt nó phải rất chân thật, không thể màu mè, hình thức. Nhiều khi bỗng thèm nghe một câu thơ đơn giản, một tiếng lòng thổn thức khôn nguôi:

Thò tay ngắt một cọng ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ…

BS. Đỗ Hồng Ngọc

No comments: