Thursday, May 20, 2021

LỤC MẠCH THẦN KIẾM VÀ LỤC KINH TRONG ĐÔNG Y

Với những ai mê mẩn các bộ truyện kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, hẳn là không thể quên tuyệt kỹ võ công được xếp vào hạng đệ nhất thiên hạ “Lục mạch thần kiếm”, xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ.

Chỉ có những đệ tử xuất gia của Thiên Long Tự mới được truyền dạy Lục Mạch Thần Kiếm. (Ảnh minh họa: weibo)

Lục mạch thần kiếm – Bảo vật của Thiên Long Tự và hoàng gia Đại Lý

Nhưng thật sự Lục Mạch Thần Kiếm không phải là sáu (lục) thanh kiếm thật, mà là dùng chỉ lực trong phép Nhất Dương Chỉ biến hoá thành kiếm khí. Chính vì không có hình thể cho nên phép này có thể gọi là vô hình kiếm, hay vô ảnh kiếm. Hiểu đơn giản là người dùng chiêu này xuất nội lực qua những đầu ngón tay phóng ra ngoài, sát thương đối phương ở từ xa mà không chạm đến thân thể họ. Trong Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Dự đã từng dùng Lục Mạch Thần Kiếm búng ngón tay từ xa đã làm thanh đao của Mộ Dung Phục gãy vụn từng mảnh.

Lục mạch thần kiếm dựa vào đâu mà có uy lực lớn như vậy. Có nhiều người cho rằng đây là sự phóng đại trong tiểu thuyết của Kim Dung. Tuy nhiên sự phóng đại đó không phải là không có cơ sở của nó. Về mặt lý thuyết ở trong truyện, lục mạch thần kiếm là kiếm khí, kiếm khí nhanh như chớp, nhanh như ý nghĩ con người. Tay chưa kịp xuất thủ xong thì kiếm khí đã xuất. Về mặt lý luận nguyên lý của Lục mạch thần kiếm dựa trên quan niệm y lý của Đông y. Luận theo lục kinh thì trên cổ tay người có sáu mạch là: Thái Âm, Quyết Âm, Thiếu Âm, Thái Dương, Dương Minh, Thiếu Dương… Lục mạch thần kiếm gồm sáu đạo kiếm khí, phát ra từ sáu ngón của hai bàn tay, trong đó một ngón trỏ tay phải và toàn bộ bàn tay trái. Lục mạch thần kiếm chính là lấy cơ sở từ đây mà ra. Và mỗi mạch kiếm pháp lại có một đặc điểm khác nhau.

Đoàn Dự – Thái tử nước Đại Lý là hậu bối duy nhất luyện thành thục Lục Mạch Thần Kiếm. (Ảnh: kknews)

  • Trên kinh Thủ Thái Âm Phế thì lấy huyệt tỉnh là Thiếu Thương mà luyện thành Thiếu Thương kiếm khí (ngón cái tay trái), kiếm pháp có uy lực mạnh mẽ.

  • Trên kinh Thủ Thiếu Âm Tâm lấy huyệt tỉnh là Thiếu Xung mà tạo nên Thiếu Xung kiếm khí (ngón út tay phải), là mạch kiếm thiên về biến chiêu mạnh mẽ.

  • Trên kinh Thủ Quyết Âm Tâm Bào thì lấy huyệt tỉnh là Trung Xung mà luyện thành Trung Xung kiếm khí (ngón cái tay phải), là mạch kiếm hỗ trợ tấn công.

  • Trên kinh Thủ Thái Dương Tiểu Trường thì lấy huyệt tỉnh là Thiếu Trạch mà luyện thành Thiếu Trạch kiếm khí (ngón út tay trái), thiên về độc hiểm.

  • Trên kinh Thủ Dương Minh Đại Trường lấy huyệt tỉnh là Thương Dương mà luyện thành Thương Dương kiếm khí (ngón trỏ tay phải), vừa linh hoạt nhất trong bộ sáu kiếm pháp, vừa là kiếm pháp chủ công.

  • Trên kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu thì lấy huyệt tỉnh là Quan Xung mà luyện thành Quan Xung kiếm khí (ngón trỏ tay trái), lấy cái vụng về thắng cái tinh xảo.

Qua đây có thể thấy được rằng cố nhà văn Kim Dung không những chỉ giỏi về sáng tác văn học mà còn hiểu biết cả về y học Phương đông.


Ngẫm lại Đạo gia luôn cho rằng con người là một tiểu vũ trụ, trong con người đã tự có âm dương. Vì thế mà cơ thể con người cũng có thể luyện xuất ra nhiều thứ chiêu thức, thuật loại. Nếu thế thì những thứ như Lục mạch thần kiếm không hẳn đã là một sự phóng đại thái quá của nhà văn Kim Dung.

Thiên Bình / Theo: Tinh Hoa

No comments: