Thẩm viên (I) kỳ 1 - Lục Du
Thành thượng tà dương hoạ giốc ai,
Thẩm viên phi phục cựu trì đài.
Thương Tâm kiều hạ xuân ba lục,
Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai.
沈園(I)其一 (陸遊)
城上斜陽畫角哀,
沈園非復舊池臺.
傷心橋下春波綠,
曾是驚鴻照影來.
Dịch nghĩa
Ánh nắng chiếu xiên trên thành, tiếng tù và buồn bã,
Ao đài trong vườn Thẩm không còn được như xưa.
Dưới cầu Thương Tâm là những đợt sóng nước xanh,
Đã từng soi bóng chim hồng khi bay qua.
Hai bài thơ này tác giả thương nhớ Ðường Uyển, người vợ cũ đã bị ép phải ly hôn và đã tái giá với người khác. Một hôm ông gặp lại nàng ở vườn Thẩm, hai người nhìn nhau đau khổ, nàng trở về nghĩ ngợi sinh ốm rồi chết. Năm ông 75 tuổi nhớ chuyện cũ, bèn làm hai bài thơ này.
Vườn Thẩm (Dịch thơ: Khương Hữu Dụng)
Bóng xế thành hôm ốc gợi sầu
Thẩm viên đâu nữa dấu đài ao!
Dưới cầu sóng biếc trông đau ruột
Đây bóng hồng soi thoảng lúc nào?
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Lục Du 陸遊 (1125-1209) tự Vụ Quan 務観, hiệu Phóng Ông 放翁, người Sơn Âm, Việt Châu (nay thuộc Nhạn Môn đạo, tỉnh Sơn Tây), thời Nam Tống ông đã làm quan Tri châu, Tri phủ, còn làm quan Quốc sử biên tu, ông là một vị thi nhân ái quốc. Sống vào thời kỳ hai hai triều Tống Kim đánh nhau, Lục Du trở thành một người rất trăn trở vì mất nước. Khi đó người Nữ Chân (vương triều Kim) đã đánh chiếm xuống phía nam, đất nước chia năm xẻ bảy, dân tình ly tán loạn lạc. Ông đã từng vào đất Nam Trịnh (Tứ Xuyên hiện nay) theo phong trào chống Kim, đã từng mặc giáp cưỡi ngựa vượt qua sông Vị cùng những toán kỵ mã yêu nước, ban đêm đột kích quân Kim nhiều lần. Ông có Kiếm nam từ chuyên tập lưu truyền đến nay.
Nhưng thời tuổi trẻ ông đã bị một bi kịch về chuyện hôn phối. Năm 20 tuổi ông kết hôn với người em cô cậu tên Đường Uyển 唐婉. Mẹ Lục Du không thích Đường Uyển và cũng không tán thành cuộc hôn nhân này, đã cưỡng ép chia cách họ. Mười năm sau hai người gặp lại nhau ở Thẩm Viên, Lục Du viết lên tường một bài từ rất bi phẫn là Thoa đầu phụng 釵頭鳳. Không lâu sau, Đường Uyển chết, Lục Du vẫn còn lưu luyến mãi, viết bài thơ tình nổi tiếng Thẩm viên 沈園 được truyền tụng đến nay.
Nguồn: Thi Viện